6. Một số kiến nghị
6.1.1. Cân nhắc sửa đổi, bổ sung Luật Bình đẳng giới
i. Mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật tới “mọi mặt của đời sống”. Ngoài 8 lĩnh vực đã được quy định, Luật BĐG cần điều chỉnh cả các lĩnh vực khác như tư pháp, môi trường, quốc phòng và an ninh, tôn giáo và mọi lĩnh vực khác.
ii. Định nghĩa các thuật ngữ về BĐG theo các thuật ngữ nêu trong các Khuyến nghị chung của Ủy ban CEDAW (định nghĩa giới, bản dạng giới, phân biệt đối xử trực tiếp, gián tiếp, bạo lực trên cơ sở giới, quấy rối tình dục v.v…).
iii. Thừa nhận và quy định rõ về phân biệt đối xử gián tiếp. Việc thiếu kiến thức chuyên môn về bình đẳng và thiếu hiểu biết về phân biệt đối xử sẽ dẫn tới việc hiểu không đúng rằng các chính sách, luật pháp và kế hoạch trung tính về giới sẽ không có vấn đề phân biệt đối xử. Nếu như mọi hình thức phân biệt đối xử được đưa vào luật, kể cả phân biệt đối xử gián tiếp, thì điều khoản liên quan tới phân biệt đối xử trên cơ sở giới sẽ đáp ứng các chuẩn mực quốc tế và cũng sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho công tác LGG vào các chính sách và luật pháp trung tính về giới. iv. Xác định các hành vi bị cấm và làm rõ các chế tài đối với các hành vi bị cấm. Xác định rõ hơn trách nhiệm liên quan đến tiếp nhận, xử lý khiếu nại về phân biệt đối xử trên cơ sở giới. Cần khắc phục sự chồng chéo về trách nhiệm quản lý nhà nước về BĐG như đã được phân tích ở phần 4.
v. Xác định các hành vi có hại dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giới, như coi trọng con trai, lựa chọn giới tính khi sinh do định kiến giới, quấy rối tình dục, tảo hôn hay hôn nhân cưỡng bức.
vi. Bảo đảm tính nhất quán giữa Luật BĐG và Luật Ban hành VBQPPL trên phương diện LGG. Quy định về LGG và đánh giá tác động giới đối với các chính sách và kế hoạch khác của quốc gia, ở cấp Trung ương, cũng như đối với VBQPPL của chính quyền địa phương trong Luật BĐG.
vii. Sửa đổi, bổ sung các nghị định, thông tư hiện nay liên quan đến quản lý nhà nước trong việc phân bổ ngân sách, LGG trong VBQPPL, xử lý hành chính các vi phạm về BĐG.
viii. Tăng mức xử phạt tiền đối với các vi phạm liên quan đến BĐG; cân nhắc áp dụng các chế tài hình sự hoặc hành chính đối với các hành vi có hại như phá thai do lựa chọn giới tính và cưỡng ép hôn nhân. Điều này sẽ tạo cơ sở pháp lý đủ mạnh để các VBQPPL khác tăng mức hình phạt đối với phân biệt đối xử về giới.