Kỹ thuật nuôi dưỡng và chăm sóc gà con

Một phần của tài liệu Giáo trình Chăn nuôi gia cầm (Trang 34 - 37)

2. Chuồng trại, dụng cụ và thiết bị nuôi gà 1 Thiết kế chuồng nuôi gà

3.1.Kỹ thuật nuôi dưỡng và chăm sóc gà con

a. Đặc điểm của gia cầm con.

Gia cầm con có tốc độ sinh trưởng nhanh, cường độ trao đổi chất mạnh nhưng dung tích đường tiêu hoá nhỏ; khả năng tiêu hoá còn thấp nên cần có chế độ nuôi dưỡng hợp lý. Khối lượng gia cầm con nở ra khoảng 68-70% khối lượng trứng đưa vào ấp. Khối lượng gia cầm tăng gấp 2-3 hoặc 5 lần trước 6 tuần tuổi và tăng trưởng kéo dài đến khoảng 10 tuần tuổi, sau đó tốc độ sinh trưởng giảm đi rõ rệt. Cùng với sự tăng trọng là sự hoàn thiện của bộ lông. Ở 4-5 tuần tuổi bộ lông tơ của gia cầm con được thay bằng bộ lông vũ có khả năng giữ ấm, còn trước 5 tuần tuổi bộ lông chưa hoàn thiện, khả năng điều tiết thân nhiệt kém nên gia cầm con dễ bị nhiễm lạnh, đòi hỏi nhiệt độ chuồng nuôi phải cao (350C). Giai đoạn 13-14 tuần tuổi gia cầm thay bằng bộ lông hoàn thiện hơn và giữ cho đến trước khi thành thục về tính. Sau khi thành thục về tính, gia cầm có bộ long của gia cầm trưởng thành.

Các cơ quan của cơ thể gia cầm phát triển với tốc độ khác nhau qua các giai đoạn sinh trưởng phát dục của nó. Các cơ quan của cơ thể có thể phân làm 3 nhóm liên quan đến giai đoạn phát triển. Các cơ quan thành thục sớm là đầu, tim, gan, máu, ống tiêu hoá,; các cơ quan phát triển ở mức trung bình là chân, phổi, cánh, lông, thân. Trong đó các cơ quan: buồng trứng, ống dẫn trứng, lách, bài tiết và mô mỡ của gia cầm thuộc nhóm thành thục muộn.

b. Chọn gà 1 ngày tuổi

Chọn gà 1 ngày tuổi (gà mới nở hay gà bóc trứng) được thực hiện ở trạm ấp của cơ sở cung cấp giống, thông thường đội ngũ kỹ thuật tại cơ sở giống đã lựa chọn và đóng sẵn hộp 100 con + 2 con kèm theo (gà khuyến mại kèm theo để bù hao hụt trong quá trình vận chuyển). Tuy nhiên, trong một số trường hợp người chăn nuôi phải tự mình lựa chọn gà 1 ngày tuổi, cần lưu ý những điểm sau:

Chọn gà khỏe mạnh (gà loại I) có thân hình vững chắc. Lông bông phủ kín toàn thân, khô sạch, có màu lông đặc trưng của giống, dòng. Mỏ cân xứng, không bị lệch vẹo, dị hình. Mắt tròn, sáng, ướt và mở hoàn toàn. Chân đứng vững, thẳng, nhanh nhẹn, các ngón chân thẳng không cong vẹo. Bụng thon, mềm. Rốn khô và khép kín không bị viêm. Khối lượng cơ thể đạt theo yêu cầu của từng giống, dòng.

c. Vận chuyển gà con

Gia cầm con dược vận chuyển tốt nhất bằng các xe chuyên dụng, cũng có thể vận chuyển bằng tàu hoả, ô tô, máy bay hoặc xe mô tô nhưng cần chú ý tránh xóc lắc mạnh, tránh gió lùa và gà xô vào nhau chết vì ngạt. Gà con nở ra được đựng trong các hộp cỡ 450x450x125mm bằng bìa cotton hoặc hộp nhựa.

19- Hộp đựng gà con 1 ngày tuổi

Hộp được chia làm 4 ô nhỏ, mỗi ô 20-25 gà con 1 ngày tuổi, xung quanh hộp có những lỗ thông hơi tránh ngạt. Nếu vận chuyển đi xa, khi gà về cần mở hộp cho thông thoáng, cho uống nước có pha vitamin C, B, glucose trước khi thả gà vào quây.

d. Kỹ thuật nuôi dưỡng gà con +Các yêu cầu đối với gà con

Nhiệt độ: Nhiệt độ là yếu tố đầu tiên và cũng là yêu tố quan trọng nhất trong chăn nuôi gia cầm con. Tuần đầu nhiệt độ trong quây gà là 33- 350C, cứ mỗi tuần sau đó giảm đi 2-3 0C và giữ ổn định ở 20-22 0C lúc 8 tuần tuổi. Thực tế tuỳ thuộc vào sức khoẻ đàn gà và nhiệt độ môi trường mà sử dụng nguồn sưởi, mùa hè có thể chỉ sử dụng 3-4 tuần đầu. Thường xuyên theo dõi quan sát đàn gà trong quây để điều chỉnh nhiệt độ. Gà con phân tán xa nguôn sưởi, ép sát vào mép quay là nhiệt độ cao. Gà tập trung thành cụm sát nguồn sưởi, chen lấn nhau là nhiệt độ quá thấp. Gà phân bố đều trong quây, ăn uống tốt hoạt động linh hoạt là nhiệt độ thích hợp.Gà nằm dạt về một phía của quây, chen lấn, kêu nhiều cân chú ý kiểm tra có gió lùa.

20- Sự phân bổ của gà con trong quây úm liên quan đến nhiệt độ

Ẩm độ trong chuồng nuôi gà con thích hợp là 75-80%. Tránh ẩm thấp do nước uống đổ ra nên chuồng.

Mật độ nuôi: Mật độ nuôi là số gà/m2 nền chuồng. Trong những ngày đầu một quây gà dùng cho 500 gà con thương phẩm hoặc 300 gà giống. Sau 4-5 ngày nới rộng dần quây, sau 10 ngày có thể bỏ quây cho gà tự do trên nền chuồng (nếu gà khoẻ, sinh trưởng tốt và thời tiết tốt).

Vẫn giữ quây nếu thời tiết xấu. Sau khi bỏ quây mật độ gà giống 8con/m2, gà thịt thương phẩm 10-12 con/m2, gà trứng thương phẩm 18-22 con/m2. Mật độ có thể thay đổi theo mùa nóng -lạnh.

Ánh sáng, thông thoáng: Tuần đầu gà con cần chiếu sáng 24/24 giờ. Sử dụng bóng đèn công suất 75-100W, định mức 3-4W/m2 nền chuồng (5-10lux). Thời gian chiếu sáng các tuần tiếp theo giảm 2-4h/tuần, và giữ ở 18h/tuần ở tuần thứ 8. Màu sắc ánh sáng tốt nhất ở gà con là màu đỏ hoặc ánh sáng trắng(đèn neon), ánh sáng yêu cầu toả đều trong chuồng nuôi.

Cần thông thoáng tốt chuồng nuôi để đủ không khí sạch cho gà. Gà con cần không khí sạch: 0,9-1,0 m3 vào mùa đông và 5-8m3 vào mùa hè, có thể cao hơn nữa ở chuồng nuôi gà giống.

+ Thức ăn cho gà con

Hòa nước với đường Glucose nồng độ 5% cho gà uống khoảng 5 - 6 giờ sau khi thả vào quây để cho gà hồi phục sau thời gian vận chuyển. Sau đó hòa vitamin, chất điện giải và kháng sinh cho gà con uống liên tục 3 - 5 ngày. Bố trí đủ, cấu trúc máng

phù hợp với gà con, độ cao máng sao cho gà con uống được nước mà không bị ướt lông cổ. Nước uống phải đảm bảo sạch và tiết kiệm được nước. Nếu dùng núm uống phải tập cho gà con uống nước trong những giờ đầu bằng cách đưa mỏ gà vào núm uống để gà có thể uống nước, chỉ cần tập cho khoảng 30 - 40% số gà là chúng sẽ bắt chước nhau. Trong những giờ đầu cần quan sát và đánh giá gà con tiếp cận được thức ăn và nước uống thuận tiện không.

Tối thiểu sau khi cho gà uống nước 2 - 3 giờ mới bắt đầu cho gà ăn, khi cho gà ăn nên cho mỗi lần một ít thức ăn và cho ăn nhiều lần trong ngày để thức ăn luôn tươi mới, kích thích gà ăn được nhiều thức ăn. Trong 1 - 2 ngày đầu, cho gà tập ăn trên khay hoặc trên giấy trải ở nền chuồng, sau đó cho ăn bằng máng dài hoặc tròn. Chiều cao thành máng khoảng 5 cm, có gờ để gà con không bới làm rơi vãi hoặc bẩn thức ăn. Tùy theo số lượng gà nuôi, máng ăn phải đảm bảo đạt 5 cm/con.

Hàng ngày phải làm vệ sinh máng ăn, máng uống sạch sẽ, không để thức ăn dư thừa trong máng lên men mốc. Thường xuyên kiểm tra nước uống, đảm bảo cho gà luôn có đủ nước uống trong, sạch và mát.

+Phòng trừ dịch bệnh

Thường xuyên vệ sinh lồng úm và môi trường sống của gà sạch sẽ, không để nước tù, nước đọng lại. Thay nước thường xuyên cho gà. Rửa sạch sẽ dụng cụ đựng nước uống, thức ăn mỗi lần cho gà ăn. Ngoài ra, môi trường xung quanh lồng chuồng nuôi cũng cần được sát trùng sạch sẽ, khô ráo. Tiêm phòng đầy đủ vaccine phòng bệnh theo khuyến cáo của cơ quan thú y. Tuy nhiên, chỉ tiêm vaccine cho gà con khỏe mạnh, tiêm đúng loại, đúng liều lượng và thời gian quy định. Bên cạnh đó bổ sung vitamin và khoáng chất giúp cho đàn gà thịt có sức khỏe tốt nhất để chống lại các dịch bệnh.

Không để lớp độn chuồng bị ẩm ướt, nếu lớp độn chuồng bị ẩm ướt gà dễ nhiễm các bệnh như: Cầu trùng, viêm ruột hoặc ký sinh trùng, bàn chân và chân bị viêm, nhiễm trùng và một số bệnh khác. Nếu phát hiện gà ốm phải nhanh chóng cách ly để điều trị tránh lây bệnh cho những con khác.

Một phần của tài liệu Giáo trình Chăn nuôi gia cầm (Trang 34 - 37)