Kỹ thuật nuôi gà đẻ

Một phần của tài liệu Giáo trình Chăn nuôi gia cầm (Trang 40 - 43)

2. Chuồng trại, dụng cụ và thiết bị nuôi gà 1 Thiết kế chuồng nuôi gà

3.3.Kỹ thuật nuôi gà đẻ

a. Chọn gà đẻ

Sau khi kết thúc giai đoạn gà hậu bị chuyển sang giai đoạn gà đẻ cần tiến hành chọn lọc thật nghiêm ngặt. Đối với gà hướng thịt thường được chọn vào cuối tuần tuổi 20 (140 ngày tuổi), đối với gà hướng trứng vào cuối tuần tuổi 19 (133 ngày tuổi). Cũng có những dòng gà phát triển nhanh hoặc chậm hơn, nên thời điểm chọn sớm hơn hoặc muộn hơn chút ít. Chủ yếu dựa vào đặc điểm ngoại hình và sinh trưởng phát dục để chọn.

+ Dựa vào ngoại hình

Đối với những đàn gà nuôi ñúng kỹ thuật trong thời gian hậu bị, việc chọn giống lần này không khó, những đàn gà nuôi không đúng, quá béo hoặc quá gầy đều gây khó khăn trong việc chọn lọc.

Chọn những con có đầu rộng và sâu. Mắt to và lồi, có màu đỏ hoặc màu da cam. Mỏ ngắn, chắc và khít. Mào trên, mào dưới cùng hệ mạch máu phát triển. Thân dài, sâu, rộng xoang bụng phát triển, khoảng cách giữa cuối xương lườn và xương lưỡi hái phát triển. Chân màu vàng, móng ngắn. Lông mềm và sáng bóng

+ Dựa vào sinh trưởng phát dục

Đối với gà hướng thịt, tiêu chuẩn thể trọng đặc biệt quan trọng, quyết định năng suất đẻ của đàn gà. Những gà quá béo sẽ đẻ kém, dễ dẫn đến ngừng đẻ, chịu nóng kém. Đối với những giống gà hướng trứng cũng tương tự, không nên chọn gà quá béo. Tuy nhiên, tình trạng quá béo ít xảy ra ở gà hướng trứng và không đến mức như ở gà hướng thịt.

Để chọn gà hậu bị đạt yêu cầu về thể trọng, có thể tham khảo tiêu chuẩn sau: đối với gà hướng trứng, khối lượng trung bình ñạt 1,4-1,5kg. Đối với gà hướng thịt, khối lượng đạt 1,8-2,0kg

Trong thời kỳ đẻ trứng, vì một nguyên nhân nào đó có những cá thể ngừng đẻ, làm giảm tỷ lệ đẻ trứng của toàn đàn, chi phí thức ăn tăng cao. Vì vậy, muốn đạt hiệu quả cao trong chăn nuôi gà đẻ cần phải nhanh chóng loại thải những cá thể đó (số gà ngừng đẻ thường chiếm 5-15% tổng đàn). Mỗi năm tiến hành loại thải 3- 4 lần, chủ yếu dựa vào đặc điểm ngoại hình. Gà đẻ tốt có đặc điểm: mào trên và mào dưới phát triển, to và mềm, màu đỏ tươi; xương háng dễ uốn và có khoảng cách rộng; bộ lông đầy đủ, lông đuôi cong; lỗ huyệt to, nhờn, ướt và cử động tốt, niêm mạc nhạt màu. Gà đẻ ít hoặc ngừng đẻ có đặc điểm: mào bé hoặc tụt mào, khô cứng và nhạt màu; xương háng cứng, khó uốn, khoảng cách hẹp; lỗ huyệt nhỏ, khô, màu đậm, ít cử động, vv…

b. Nuôi dưỡng gà mái đẻ

+ Nhu cầu các chất dinh dưỡng:

Để đàn gà đẻ trong giai đoạn sản xuất đạt sản lượng cao, khối lượng trứng to, hệ số trao đổi thức ăn có lợi nhất, biện pháp nuôi dưỡng là kỹ thuật quyết định. Cần cung cấp cho gà mái đẻ đầy đủ các chất dinh dưỡng để thoả mãn nhu cầu hàng ngày của gà (kể cả nhu cầu duy trì và nhu cầu cho sản xuất).

Bảng 3.2: Tiêu chuẩn ăn cho gà mái đẻ

Thành phần dinh dưỡng Đơn vị Gà đẻ hướng thịt Gà đẻ hướng trứng Năng lượng trao đổi kcal/ kgT.Ă 2800-2950 2750 - 2850

Protein thô % 17-18 16-17 Canxi % 3.6-3.8 3.8- 4.0 Photpho % 0.5-0.6 0.55 - 0.6 Muối ăn % 0.3- 0.5 0.3- 0.5 Lyzin % 0.8- 0.9 0.7- 0.8 Methionin + Cystin % 0.55- 0.7 0.5- 0.65 Tryptophan % 0.15- 0.20 0.15 - 0.18

+ Lượng thức ăn cho ăn

Cung cấp thức ăn cho gà mái đẻ hàng ngày cần tuân theo nguyên tắc sau:

Thời kỳ từ tuần tuổi 18-22 cho đến lúc tỷ lệ đẻ đạt cao nhất, gà cần được ăn khẩu phần tăng nhanh khối lượng đến mức tối đa, gần như tự do để gà đẻ sớm, đẻ rộ và nhanh chóng đạt đỉnh cao về tỷ lệ đẻ và khối lượng trứng. Nếu không, gà đẻ muộn, không đạt được đỉnh cao so với chuẩn, sản lượng trứng thấp.

Không bao giờ được giảm khẩu phần ăn khi tỷ lệ đẻ đang tăng lên đỉnh cao và đang duy trì tỷ lệ đẻ cao.

Nếu gà bị các yếu tố stress tác động, nhất là bị nóng, không thể ăn hết lượng thức ăn cần thiết thì phải nhanh chóng khắc phục nguyên nhân. Bằng mọi cách làm cho gà thu nhận được một lượng chất dinh dưỡng nhất định để đẻ tốt đúng yêu cầu.

Sau khi đạt đỉnh cao, tỷ lệ đẻ có xu hướng giảm dần, phải theo dõi để điều chỉnh một cách hợp lý. Không nên giữ nguyên khẩu phần làm gà tích mỡ, càng giảm đẻ nhanh. Ngược lại nếu giảm khẩu phần quá nhanh, cũng không đúng, gà sẽ giảm đẻ nhanh vì thiếu thức ăn.

Hàng ngày cần bổ sung thêm máng sỏi. Kích thước viên sỏi 9-11mm với định mức 1,4kg/100 gà. Cũng có thể rắc sỏi trên lớp độn chuồng

+ Máng ăn

Có thể dùng máng tròn P50 hoặc máng dài 1,65m với định mức 1 máng/ 17 gà. Đổ thức ăn đầy 1/3-2/3 máng. Máng được treo ngang tầm lưng gà để gà không phải rướn cổ lấy thức ăn.

+ Nước uống

Đối với gà mái đẻ, nước uống rất quan trọng. Nó không những đảm bảo cho hoạt động sống của cơ thể mà còn cần thiết cho sự tạo trứng. Vì vậy, nước ảnh hưởng trực tiếp đến sả lượng trứng. Nói chung cho gà uống nước tự do. Nước phải đảm bảo trong, sạch, mát, không mang mầm bệnh, có nhiệt độ thích hợp. Có thể sử dụng máng dài với định mức 3-5cm dài máng/con, hoặc máng uống tự động. Máng uống được đặt xen kẽ với các máng ăn, và được đặt trên các hố thoát nước để không làm ẩm ướt chất độn chuồng.

c.Chăm sóc và quản lý

+ Nhiệt độ chuồng nuôi

Nhiệt độ thích hợp đối với gà mái đẻ từ 10-200C. Trong điều kiện khí hậu Việt Nam, về mùa hè nhiệt độ thường tăng cao, khó tạo được nhiệt độ thích hợp, cho nên cần lựa chọn những giống gà, dòng gà chịu được nóng, thích nghi với khí hậu nóng ẩm.

+ Độ ẩm chuồng nuôi

Độ ẩm ngoài trời ảnh hưởng trực tiếp đến độ ẩm trong chuồng. Nhưng trong thực tế, độ ẩm trong chuồng thường cao hơn ddộ ẩm ngoài trời. Đặc biệt với chuồng gà mái đẻ, độ ẩm cao hơn nhiều là do gà thải nhiều nước ra ngoài trong khi thở, nước bốc hơi từ phân gà, từ máng uống, từ cống rãnh, do độ thông thoáng trong chuồng kém, vv…

Độ ẩm thích hợp đối với gà mái đẻ là 65-70%, về mùa đông không được vượt quá 80%. Nếu độ ẩm cao kết hợp với nhiệt độ cao, gà càng dễ chết vì choáng nóng. Nếu ẩm độ thấp gà càng nhạy cảm với các yếu tố gây bệnh, đặc biệt bệnh đường hô hấp.

Ngoài ẩm độ, cần đảm bảo thông khí trong chuồng nuôi nhằm mục đích đẩy khí độc trong chuồng ra ngoài và đưa một lượng khí mới trong sạch vào chuồng.

+ Ánh sáng và chế độ chiếu sáng

Ánh sáng rất quan trọng đối với gà đẻ trứng, nó kích thích sự phát triển của buồng trứng, trứng chín và rụng trứng thông qua hoạt động của hệ thống nội tiết và sự tiết các hocmon sinh dục.

Thực tế cho thấy đối với gà mái đẻ cần chiếu sáng mỗi ngày từ 14-16 giờ với cường độ chiếu sáng 1-1,5 W/m2 nền chuồng.

+ Mật độ nuôi

Mật độ nuôi gà mái đẻ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là phương thức nuôi, trang thiết bị chuồng nuôi và giống gà. Mật độ nuôi thích hợp đối với các loại chuồng như sau:

Nuôi trên nền có đệm lót: 5-7 con/m2 nền chuồng. Nuôi trên lồng: 8 con/m2 lồng

Với đặc điểm khí hậu và điều kiện chuồng nuôi hiện nay, mỗi đàn không nên quá 500 con đối với gà hướng trứng và không quá 350 con đối với gà hướng thịt

+ Thu nhặt trứng:

Thao tác cẩn thận, nhẹ nhàng để hạn chế dập vỡ.

Tuỳ thời tiết nóng hay lạnh có thể nhặt trứng 2- 4 lần/ ngày.

Sau khi thu nhặt, trứng được xếp vào các khay, khử trùng và đưa vào kho bảo quản càng sớm càng tốt.

Hàng ngày vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống theo đúng qui trình. Theo dõi tình hình sức khoẻ, dịch bệnh của gà. Phát hiện kịp thời những gà mắc bệnh để nuôi cách ly.

Loại bỏ gà chết, gà đẻ kém ra khỏi đàn.

Một phần của tài liệu Giáo trình Chăn nuôi gia cầm (Trang 40 - 43)