Khái niệm thể chế

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng thể chế địa phương tại việt nam (Trang 41 - 44)

Theo lịch sử ra đời và phát triển của Kinh tế học thể chế (cũ) và Kinh tế học thể chế (mới), đã có nhiều tư tưởng và quan niệm khác nhau về thể chế cũng như vai trò và tác động của nó đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế. Chính vì vậy, lý luận về thể chế và thể chế kinh tế rất phong phú và vẫn đang được tiếp tục hoàn thiện. Trong nghiên cứu này, tác giả chỉ tập trung đến các khái niệm thuộc trường phái kinh tế học thể chế mới (New Institutional Economics-NIE). Người khởi xướng cho trường phái kinh tế học thể chế mới là Coase (1960), bên cạnh đó các nghiên cứu của Douglass North cũng được xem là các nghiên cứu kinh điển trong trào lưu kinh tế học thể chế mới ((Douglass C North & Thomas, 1973), (Douglass Cecil North, 1981); (D. North, 1990), (D. North, 2005)). Trường phái NIE nỗ lực phát triển kinh tế học cổ điển bằng sự kết hợp các phân tích thể chế, tập trung vào vai trò của thể chế trong việc giải thích các hoạt động kinh tế trong dài hạn (Zhuang, de Dios, & Martin, 2010).

Theo khái niệm về thể chế được sử dụng rộng rãi và phổ biến nhất là của North DC (1990) thì theo đó thể chế là những ràng buộc (những luật lệ) do con người tạo ra để để điều chỉnh và định hình các tương tác của mình. Hay có thể hiểu, thể chế là những “luật chơi trong một xã hội”. Thể chế bao gồm thể chế chính thức (chẳng hạn như luật pháp, quyền sở hữu, cách thức tổ chức quyền lực nhà nước) và những thể chế phi chính thức (chẳng hạn như những tục lệ, truyền thống, và chuẩn mực ứng xử trong xã hội). Các thể chế chính thức chủ yếu đề cập đến hiến pháp, đạo luật, và các quy tắc và quy định rõ ràng của chính phủ, được ban hành và thực thi bởi các cơ chế cá nhân, quan trọng nhất là nhà nước có quyền lực và tổ chức cưỡng chế. Mặt khác, các thể chế hoặc ràng buộc không chính thức bao gồm các quy tắc bất thành văn như truyền thống, chuẩn mực và quy tắc ứng xử, những điều cấm kỵ và các cơ chế xã hội khác dựa trên và được thực thi thông qua quan hệ giữa các cá nhân.

Knight (1992) định nghĩa “một tập hợp các quy tắc mà thiết lập nên các mối tương tác xã hội theo các cách riêng biệt”.

Greif (2006) cho rằng thể chế được định nghĩa bao gồm tập hợp các yếu tố xã hội, các quy tắc, niềm tin và tổ chức cùng phối hợp thúc đẩy tính đứng đắn trong các hành vi của cá nhân và xã hội.

31

Elinor (1990) định nghĩa thể chế là “Các bộ quy tắc làm việc được sử dụng để xác định xem ai có đủ điều kiện để đưa ra quyết định trên một số đấu trường (arena), những hành động được cho phép hoặc hạn chế, những quy tắc kết hợp sẽ được sử dụng, những thủ tục phải được theo sau, những thông tin phải hay không phải được cung cấp, và những quy tắc về việc thưởng phạt sẽ được áp dụng cho cá nhân phụ thuộc vào hành động của họ”.

Có thể thấy rằng khái niệm đấu trường hay đấu trường hành động của (Elinor, 1990) (arena or action arena) tương đồng với khái niệm “cuộc chơi” (the game) của (D. C. North, 1990).

Aoki (2001) cho rằng thể chế là một luật chơi trong xã hội, một thể chế tốt sẽ thúc đẩy các tác nhân hành động mang lại lợi ích cho xã hội. Một thể chế thực sự có khả năng định hình và điều chỉnh các các hành vi, từ đó đánh giá được chúng, điều quan trọng là không chỉ đánh giá được các quy tắc mà thể chế đó đưa ra, mà còn đánh giá được các động lực mà cá nhân thực thi các luật chơi đó

Kinh tế học thể chế mới (NIE) nhấn mạnh tầm quan trọng trung tâm của việc khẳng định và bảo vệ hợp đồng và quyền sở hữu. Việc thực thi hợp đồng có thể dự đoán và bảo vệ quyền sở hữu đặc biệt quan trọng đối với các giao dịch, bởi qua đó chi phí giao dịch được giảm thiểu. Do đó, Kasper and Streit (1999) cho rằng, thể chế là những quy tắc tương tác của con người, ràng buộc cách ứng xử, qua đó khiến cho hành vi con người trở nên dễ tiên đoán hơn và tạo điều kiện cho sự phân công lao động cùng hoạt động tạo ra của cải vật chất. Thể chế luôn bao hàm các hình thức trừng phạt để đảm bảo nguyên tắc được tuân thủ. Thể chế có vai trò quan trọng tác động đến mức sống. Thể chế bao gồm các thể chế bên trong (internal institution) và các thể chế bên ngoài (external institution).

Weingast (1993) nhận định rằng một chính phủ đủ mạnh để bảo vệ quyền sở hữu và thực thi hợp đồng, cũng sẽ đủ mạnh để tịch thu tài sản của công dân. Cho nên, nghịch lý này là lý do chính đáng cần có tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, kiểm tra và cân bằng, và sự tham gia rộng rãi của các tổ chức khác nhau như là một phần của các yêu cầu về trật tự và kiểm soát xã hội. Theo khuôn khổ này thì trách nhiệm giải trình, luật pháp, ổn định chính trị, năng lực công chức, bảo vệ quyền sở hữu và thực thi hợp đồng, và kiểm soát tham nhũng là các khía cạnh bổ trợ lẫn nhau của một thể chế tốt với vai trò thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trình độ phát triển sẽ tạo ra sự cần thiết và dẫn đến một thể chế tốt hơn (Paldam & Gundlach, 2008). Hay nói cách khác là có mối quan hệ nhân quả giữa chất lượng thể chế với tăng trưởng.

Dixit (2009) cho rằng các thể chế quản trị chính thức bao gồm: Hiến pháp (được viết ra hoặc chỉ đơn thuần được hiểu rộng rãi) đưa ra các quy tắc của trò chơi chính trị; cơ quan lập pháp đưa ra các quy tắc chi tiết hơn; tòa án, cảnh sát và các cơ quan quản lý cấp phép, giải thích và thực thi các quy tắc này.

Các thể chế tư nhân và tổ chức xã hội không chính thức bao gồm các mạng lưới tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm kiếm thông tin, các chuẩn mực hành vi và các biện pháp trừng phạt để thực thi các hành vi vi phạm các chuẩn mực; có thể có các thỏa thuận tư nhân, hoặc thỏa thuận của các tổ chức xã hội (cả vì lợi nhuận và phi lợi nhuận), hoặc các quy phạm khác quy định các hành động cá nhân để xét xử và thực thi các quy tắc; và trật tự riêng có thể bao gồm việc nội bộ hóa giao dịch bằng cách đặt các bên thành một đơn vị kinh tế, nói cách khác, bằng cách chuyển vấn đề từ một trong những việc thực thi hợp đồng dài hạn thành một vấn đề trong quản trị công ty.

Tóm lại, các định nghĩa về thể chế trên nhấn mạnh thể chế là tập hợp các quy định, luật lệ và quy tắc nhấn mạnh ở khía cạnh về “luật chơi” và “cách chơi” của khái niệm thể chế. Ngoài ra, thể chế còn có cách hiểu là các cơ quan hay tổ chức công. Chẳng hạn, theo định nghĩa của UNDP (2011): “Thể chế là các tổ chức chính thức thuộc chính phủ và dịch vụ công bao gồm các bộ và cơ quan chính phủ, các chính quyền địa phương, các cơ quan nhà nước khác chịu trách nhiệm cung ứng dịch vụ công, thiết kế và thực thi các chính sách, và các cơ quan hành chính thực hiện chức năng của nhà nước.”

Nhìn chung, mặc dù có rất nhiều các định nghĩa khác nhau về thể chế và thể chế là một phạm trù rất rộng lớn, song nhìn chung các quan niệm về thể chế bao hàm ba khía cạnh quan trọng nhất là “luật chơi” (chính thức và phi chính thức), “cách chơi” (cơ chế/chế tài thực thi), và “người chơi” (con người, tổ chức gắn với hành vi của chúng) (Võ Trí Thành, 2014).

Như vậy, các định nghĩa về thể chế có nhiều điểm chung và tương đồng, được cộng đồng các nhà khoa học chấp nhận. Trong nghiên cứu này, tác giả tập trung vào nghiên cứu các vấn đề liên quan đến thể chế kinh tế chính thức. Trên cơ sở các nội dung đã phân tích và tổng quan các nghiên cứu về chất lượng thể chế, tác giả tổng hợp khái niệm về thể chế trong nghiên cứu như sau:

Thể chế là những luật lệ chính thức và phi chính thức do con người tạo ra để để điều chỉnh và định hình các tương tác trong xã hội. Thể chế bao gồm 3 bộ phận chính: (i) Các chủ thể ban hành các luật lệ, quy tắc như nhà nước, các cơ quan công quyền, các tổ chức, doanh nghiệp, người dân; (ii) Hệ thống các luật lệ như Hiến pháp, hệ thống pháp luật,

33

các đạo luật, và các quy tắc và quy định, truyền thống, chuẩn mực...; (iii) Các cơ chế, chế tài thực thi, các biện pháp trừng phạt các hành vi vi phạm những luật lệ, quy tắc đó.

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng thể chế địa phương tại việt nam (Trang 41 - 44)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(176 trang)
w