Dưới góc độ của Doanh nghiệp, vốn là một trong những điều kiện vật chất cơ bản kết hợp với sức lao động và các yếu tố khác làm đầu vào cho quá trình sản xuất kinh doanh. Sự tham gia của vốn không chỉ bó hẹp trong quá trình sản xuất vật chất riêng biệt mà trong toàn bộ quá trình sản xuất và tái sản xuất liên tục suốt thời gian tồn tại của Doanh nghiệp, từ khi bắt đầu quá trình sản xuất đầu tiên đến chu kỳ sản xuất cuối cùng.
Một cách thông dụng nhất, vốn được hiểu là các nguồn tiền tài trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Doanh nghiệp. Nguồn tiền (quỹ) này được hình thành dưới nhiều cách thức khác nhau và tại các thời điểm khác nhau. Giá trị nguồn vốn phản ánh nguồn lực tài chính được đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Tùy từng loại hình Doanh nghiệp và các đặc điểm cụ thể mà mỗi Doanh nghiệp có các phương thức tạo vốn và huy động vốn khác nhau.
Trong mọi Doanh nghiệp, vốn đều bao gồm hai bộ phận: Vốn chủ sở hữu và vốn vay nợ. Mỗi bộ phận này được cấu thành bởi nhiều khoản mục khác nhau tùy theo tính chất của chúng. Tuy nhiên, việc lựa chọn nguồn vốn trong các Doanh nghiệp khác nhau sẽ không giống nhau, nó phụ thuộc vào một loạt các nhân tố như:
- Trạng thái của nền kinh tế
- Ngành kinh doanh hay lĩnh vực hoạt động của Doanh nghiệp - Quy mô và cơ cấu tổ chức của Doanh nghiệp
- Trình độ khoa học kỹ thuật và trình độ quản lý
- Chiến lược phát triển và chiến lược đầu tư của Doanh nghiệp - Thái độ của chủ Doanh nghiệp
- Chính sách thuế
Vốn là điều kiện cơ bản và thiết yếu không thể thiếu để thành lập một Doanh nghiệp và tiến hành bất kỳ quá trình một loại hình sản xuất kinh doanh nào. Trong
mọi loại hình Doanh nghiệp, vốn phản ánh nguồn lực tài chính được đầu tư vào sản xuất kinh doanh của Doanh nghiệp đó.
Sau khi thành lập, Doanh nghiệp phải tiến hành sản xuất kinh doanh. Hoạt động thực tế hàng ngày đòi hỏi phải có tiền để chi tiêu, mua sắm nguyên vật liệu, máy móc; trả lương... Số tiền này không thể lấy ở đâu khác ngoài nguồn vốn của Doanh nghiệp. Khi nguồn vốn tạm thời không đáp ứng đủ nhu cầu của hoạt động sản xuất kinh doanh thì Doanh nghiệp sẽ lâm vào tình trạng khó khăn về ngân quỹ. Các hoạt động hàng ngày của Doanh nghiệp tạm thời bị đình trệ, suy giảm. Nếu tình hình này không được khắc phục kịp thời, Doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng khó khăn tài chính triền miên; hoạt động sản xuất kinh doanh bị gián đoạn; tâm lý cán bộ công nhân viên hoang mang; mất uy tín với bạn hàng, chủ nợ và Ngân hàng. Những khó khăn này có thể nhanh chóng đưa công ty đến kết cục cuối cũng là phá sản, giải thể hoặc bị sát nhập với công ty khác.
Trong điều kiện kinh tế thị trường, các phương thức huy động vốn của các Doanh nghiệp được đa dạng hoá. Tùy theo điều kiện phát triển của thị trường tài chính của một quốc gia, tùy theo loại hình của Doanh nghiệp và các đặc điểm hoạt động kinh doanh cụ thể mà mỗi Doanh nghiệp có thể có các phuơng thức tạo vốn và huy động vốn khác nhau.