Khái niệm và phân loại hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp

Một phần của tài liệu Xu hướng chuyển đổi số và ảnh hưởng của công nghệ thông tin đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp: thực chứng từ Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel. (Trang 26 - 27)

Hiện nay, còn nhiều quan điểm chưa đồng nhất về khái niệm “hiệu quả hoạt động doanh nghiệp”, mỗi nhà nghiên cứu dựa vào góc độ nhìn nhận và cách tiếp cận khác nhau lại đưa ra một quan điểm khác nhau về khái niệm này.

Dựa vào cách tiếp cận của mình, Adam Smith (1776) nhận định: “Hiệu quả - Kết quả đạt được trong hoạt động kinh tế, là doanh thu tiêu thụ hàng hóa”. Theo quan điểm này, việc xác định hiệu quả kinh doanh chỉ đơn thuần dựa vào khả năng tiêu thụ sản phẩm. Có thể thấy quan điểm của Adam Smith đã bỏ qua yếu tố chi phí trong việc tính toán hiệu quả kinh doanh, do đó chưa phân định được rõ ràng giữa hiệu quả kinh doanh và kết quả kinh doanh. Quan điểm này cũng chỉ tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chứ chưa xét đến các khía cạnh khác trong doanh nghiệp, xã hội.

Trong cuốn Kinh tế học (1948), Paul A. Samuelson đưa ra quan điểm: “Hiệu quả tức là sử dụng một cách hữu hiệu nhất các nguồn lực của nền kinh tế để thỏa mãn nhu cầu, mong muốn của con người”. Với cách tiếp cận này, tác giả đã nêu lên được đặc tính của khái niệm hiệu quả đó là sử dụng một cách tối ưu các nguồn lực, nhưng khái niệm còn chung chung và hướng tới đối tượng rộng.

Tại Việt Nam, tác giả Phan Quang Niệm (2008) đã đưa ra nhận định:“Các doanh nghiệp quan tâm nhất chính là vấn đề hiệu quả sản xuất. Sản xuất kinh doanh có hiệu quả sẽ giúp cho doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Hiểu theo mục đích cuối cùng thì hiệu quả kinh doanh đồng nghĩa với phạm trù lợi nhuận, là hiệu số giữa kết quả thu về với chi phí bỏ ra để đạt được kết quả đó. Hiệu quả sản xuất kinh doanh cao hay thấp phụ thuộc vào trình độ tổ chức sản xuất và quản lý của mỗi doanh nghiệp”.

Tác giả Nguyễn Văn Phúc (2016) cho rằng: “Hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp là phạm trù phản ánh mối quan hệ giữa kết quả kinh doanh mà doanh nghiệp thu được với chi phí hoặc nguồn lực bỏ ra để đạt được kết quả đó, được thể hiện thông qua các chỉ tiêu về khả năng sinh lời của doanh nghiệp”.

Thông qua các khái niệm mà các nhà nghiên cứu trước đây đề ra, có thể thấy mặc dù đề cập tới nhiều khía cạnh khác nhau, các khái niệm đều được xoay quanh mối quan hệ giữa các nguồn lực bỏ ra đối với kết quả nhận được. Từ đó, có thể hiểu rằng: hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp là phạm trù phản ánh trình độ lợi dụng các nguồn lực để đạt được mục tiêu xác định. Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cần được đánh giá trong mối quan hệ với kết quả tạo ra để xem xét xem với mỗi sự hao phí nguồn lực xác định có thể tạo ra kết quả ở mức độ nào.

Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp thường được phân loại dựa trên 3 quan điểm tiếp cận như sau:

- Khía cạnh kinh tế: dựa trên quan điểm tiếp cận về lợi ích của nền kinh tế quốc dân, hiệu quả của doanh nghiệp xét trên khía cạnh kinh tế đánh giá về trình độ lợi dụng các nguồn lực để đạt được các mục tiêu kinh tế, chẳng hạn như: tốc độ tăng trưởng kinh tế, tổng sản phẩm quốc nội, cán cân thương mại,...

- Khía cạnh xã hội: dựa trên quan điểm tiếp cận về lợi ích của xã hội, hiệu quả của doanh nghiệp xét trên khía cạnh xã hội đánh giá về trình độ lợi dụng các nguồn lực để đạt được các mục tiêu xã hội, chẳng hạn như: giải quyết công ăn, việc làm, nâng cao phúc lợi xã hội, nâng cao thu nhập người lao động,... - Khía cạnh kinh doanh: dựa trên quan điểm tiếp cận về lợi ích của nhà đầu tư,

hiệu quả của doanh nghiệp xét trên khía cạnh kinh doanh đánh giá về trình độ lợi dụng các nguồn lực để đạt được các mục tiêu kinh doanh, chẳng hạn như: hiệu quả sử dụng chi phí, hiệu quả sử dụng lao động,...

Như đã trình bày trong chương I, luận văn sẽ tập trung nghiên cứu khía cạnh kinh doanh đối với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp

Một phần của tài liệu Xu hướng chuyển đổi số và ảnh hưởng của công nghệ thông tin đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp: thực chứng từ Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel. (Trang 26 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)