Sự phát triển vượt bậc của khoa học – công nghệ đã góp phần tạo nên một diện mạo mới cho nền kinh tế toàn cầu. Công nghệ thông tin đang làm biến đổi sâu sắc đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực, thúc đẩy nhanh quá trình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi cơ cấu xã hội. Nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ thông tin, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều Nghị quyết nhằm ưu tiên ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong tất cả các
lĩnh vực của nền kinh tế. Trong số đó, Nghị quyết số 49/CP ngày 04/08/1993 về “Phát triển công nghệ thông tin ở nước ta những năm 90” có đưa ra định nghĩa:
“Công nghệ thông tin là tập hợp các phương pháp khoa học, các phương tiện và công cụ kỹ thuật hiện đại - chủ yếu là kỹ thuật máy tính và viễn thông nhằm tổ chức, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thông tin rất phong phú và tiềm tàng trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người và xã hội”.
Ngày 29 tháng 6 năm 2006, Quốc hội đã thông qua Luật Công nghệ thông tin nhằm tạo hành lang pháp lý cơ bản để điều chỉnh các hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin. Theo quy định tại điều 4 của Luật Công nghệ thông tin năm 2006: “Công nghệ thông tin là tập hợp các phương pháp khoa học, công nghệ và công cụ kỹ thuật hiện đại để sản xuất, truyền đưa, thu thập, xử lý lưu trữ và trao đổi thông tin số”. Trong đó, thông tin số là thông tin được tạo lập bằng phương pháp dùng tín hiệu số.
Từ các khái niệm trên, công nghệ thông tin có thể được hiểu là một nguồn lực của doanh nghiệp, bắt nguồn từ một hệ thống các phương pháp khoa học, công nghệ, phương tiện, công cụ chủ yếu là máy tính, mạng truyền thông và các kho dữ liệu giúp tổ chức, lưu trữ, truyền dẫn và khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn thông tin trong mọi lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp.