Sự phát triển như vũ bão của công nghệ cũng như những ảnh hưởng lớn của Covid-19 trên phạm vi toàn cầu đã thúc đẩy và tạo ra những xu hướng chuyển đổi số mới. Có thể kể đến một số xu hướng nổi bật từ các doanh nghiệp trên Thế giới như sau:
- Mạng 5G
Mạng 5G là chủ đề đã được nhắc tới trong vài năm gần đây, nhưng mới thực sự được triển khai mạnh trong thời gian gần đây. Khác với trước đây, khi mà mạng 5G chỉ là đề tài để thể hiện năng lực công nghệ của các công ty viễn thông hàng đầu, ngày nay 5G đã thực sự thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội.
Tính đến tháng 12/2020, có 412 nhà mạng tại 131 quốc gia đang đầu tư vào 5G, trong khi dịch vụ mạng 5G đã được triển khai ở gần như mọi khu vực chính trên thế giới. Đồng hành cùng các nhà mạng, 104 nhà sản xuất thiết bị cũng đã công bố 519 thiết bị hỗ trợ 5G.
Như vậy, có thể thấy xu hướng phát triển mạng 5G không hề bị suy giảm tốc do đại dịch COVID-19 mà thậm chí sẽ tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới. - Trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (machine learning)
Trí tuệ nhân tạo và máy học đã bùng nổ trong năm 2020 khi nhu cầu thu thập và phân tích lượng dữ liệu khổng lồ của các doanh nghiệp tăng vọt. Giới phân tích nhận xét rằng giá trị của AI và máy học đối với hoạt động phân tích dữ liệu có thể được chắt lọc thành ba yếu tố cốt lõi: Tốc độ, quy mô và sự tiện lợi. Cả ba giá trị này đều đã chứng minh được hiệu quả và tầm quan trọng trong giai đoạn này, khi mà đại dịch lan rộng trên toàn cầu đã đẩy các doanh nghiệp phải chuyển lên môi trường số.
- Siêu tự động hóa
Siêu tự động hóa là khái niệm chỉ sự kết hợp của các công nghệ như tự động hóa quy trình bằng robot (RPA), phần mềm quản lý kinh doanh thông minh (iBPM) và Trí tuệ nhân tạo (AI) để giúp con người đưa ra quyết định nhanh hơn và sáng suốt hơn.
Theo công ty nghiên cứu và tư vấn Gartner (2020), quá trình siêu tự động hóa sẽ dẫn đến sự hình thành một “bản sao kỹ thuật số” (digital twins) của tổ chức, giúp các doanh nghiệp hình dung cụ thể quy trình làm việc, cách thức hoạt động cùng những tương tác chỉ số để thúc đẩy giá trị kinh doanh. Nó cũng cung cấp những đánh giá liên tục theo thời gian thực về doanh nghiệp, từ đó tác động đến các quyết định và cơ hội kinh doanh của những lãnh đạo cấp cao. Công ty Gartner (2020) cũng dự báo tới năm 2022, hơn 2/3 số doanh nghiệp có sử dụng IoT sẽ triển khai tối thiểu một bản sao số trong hoạt động sản xuất. Nhưng với sự thúc đẩy của đại dịch COVID-19, khoảng thời gian trên có thể được rút ngắn hơn nữa.
- Làm việc từ xa và các chuyển đổi liên quan
Trong đại dịch, một số công ty quyết định cho phép làm việc từ xa trên quy mô lớn để đảm bảo an toàn và hạn chế lây lan. Làm việc ở nhà đột nhiên trở thành lựa chọn khả thi duy nhất cho các công ty, đặc biệt là ở những khu vực bị phong tỏa nghiêm ngặt do Covid-19. Trước thực tế tưởng như không thuận lợi này, nhiều doanh nghiệp lại nhận thấy cơ hội và sự hiệu quả, khi mà họ cắt giảm được những chi phí không cần thiết cũng tăng cường năng suất lao động nhờ vào tâm lý thoải mái của nhân viên. Vì vậy, ngay cả khi các nền kinh tế từ từ mở cửa trở lại và nhân viên cuối cùng cũng được phép quay trở lại làm việc, việc làm việc từ xa vẫn tiếp tục được áp dụng ở nhiều công ty. Google và Facebook và cả nhiều công ty nhỏ khác đã mở rộng chính sách làm việc tại nhà của họ cho đến hết năm 2021. Xu hướng này thậm chí còn có thể kéo dài thêm và trở thành chiến lược hoạt động của doanh nghiệp, thay vì một giải pháp bất đắc dĩ.
Trước làn sóng này, thế giới đã chứng kiến sự phát triển bùng nổ của các nền tảng làm việc trực tuyến như Zoom, Webex, Microsoft Teams. Bện cạnh đó, thị trường cũng ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể trong việc triển khai các thiết bị hỗ trợ làm việc từ xa, này dẫn đến doanh số bán PC ngày càng tăng.
Các doanh nghiệp chủ quản cũng đầu tư vào công nghệ để giúp người lao động đạt được hiệu suất tốt khi làm việc từ xa, có thể kể đến như: các giải pháp kết nối an toàn mới như SD-WAN trên quy mô lớn; số hóa, ảo hóa dữ liệu và đưa dữ liệu lên điện toán đám mây, giúp người lao động có thể làm việc từ bất kỳ vị trí nào.
- Livestream bán hàng trên mạng xã hội
Đại dịch Covid-19 khiến người tiêu dùng bị hạn chế ra ngoài và gặp khó khăn trong việc tiếp cận với những kênh bán hàng truyền thống. Tuy nhiên, đó không phải là lý do duy nhất để giải thích cho xu thế bán hàng trên mạng xã hội.
Mạng xã hội vốn đã cho thầy tiềm năng đầy hứa hẹn, khi cung cấp những công cụ mà kênh bán hàng truyền thống không thể có như: tiếp cận trực tiếp và gần gũi với khách hàng, cung cáp đầy đủ thông tin cần thiết và mang tới sự hỗ trợ 24/7 dành cho khách hàng. Khác với trong quá khứ, người tiêu dùng có xu hướng bị ảnh hưởng bởi sự tư vấn của nhân viên bán hàng, thì ngày nay mạng xã hội lại trở thành nhà tư vấn tài tình nhất cho khách hàng. Công ty tư vấn nổi tiếng PwC (2020) đã công bố một khảo sát cho rằng 78% người tiêu dùng theo một cách nào đó bị ảnh hưởng bởi phương tiện truyền thông xã hội trong quá trình mua hàng của họ. Và gần một nửa người tiêu dùng cho biết hành vi mua hàng của họ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các đánh giá và nhận xét mà họ gặp trên mạng xã hội.
Trước những tiềm năng to lớn của mạng xã hội, đại dịch chỉ như một chất xúc tác khiến cho xu hướng này đạt được sự bùng nổ dữ dội trong thời gian gần đây. Tháng 8 năm 2020, Lei Jun – nhà sáng lập kiêm CEO Xiaomi – đã xuất hiện trực tuyến trên nền tảng video ngắn Douyin, thu hút 50 triệu người xem, đem về 30 triệu USD từ việc bán smartphone và TV cho Xiaomi. Theo SCMP, Tháng 3 năm 2021, “Vua livestream” Xinba tạo ra kỷ lục trong một video trực tuyến dài 12 tiếng, thu về hơn 300 triệu USD, cao hơn doanh thu một năm của trung tâm mua sắm Times Square (một trong những khu mua sắm nổi tiếng ở Hong Kong).
Ngoài các xu hướng lớn và đạt được sự phát triển bùng nổ trong thời gian qua kể trên, còn có thể kể tới những xu hướng chuyển đổi số đã hoặc sẽ tiếp tục tạo ra ảnh hưởng trong thời gian tới như: ra quyết định dựa trên số liệu, dịch vụ tự phục vụ, thanh toán không dùng tiền mặt,…
CHƯƠNG 5
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VỀ ẢNH HƯỞNG CỦA CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TỚI HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA TẬP
ĐOÀN CÔNG NGHIỆP - VIỄN THÔNG QUÂN ĐỘI VIETTEL