Tầm quan trọng của nâng cao hiệu quả hoạt động trong doanh nghiệp

Một phần của tài liệu Xu hướng chuyển đổi số và ảnh hưởng của công nghệ thông tin đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp: thực chứng từ Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel. (Trang 30 - 35)

Như đã trình bày ở trên, việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là vô cùng quan trọng, không chỉ đối với bản thân doanh nghiệp mà còn đối với người lao động trong doanh nghiệp cũng như đối với cả nền kinh tế.

- Đối với doanh nghiệp:

Hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là yếu tố phản ánh trình độ tổ chức, quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của chính doanh nghiệp đó. Trong nền kinh tế thị trường có sự cạnh tranh gay gắt hiện nay và sự hội nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam đối với nền kinh tế thế giới, hiệu quả sản xuất kinh doanh chính là vấn đề ảnh hưởng lớn nhất đến sự sống còn của từng doanh nghiệp. Doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả sản xuất kinh doanh tốt thì mới có thể nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, có nguồn thu lớn để tái đầu tư, mua sắm trang thiết bị để mở rộng sản xuất, đầu tư vào các công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả hoạt động, cải thiện và từng bước nâng cao đời sống của người lao động và đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước.

- Đối với người lao động:

Hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được nâng cao thì doanh nghiệp sẽ có nguồn lực để đầu tư nâng cao thu nhập của người lao động, cải thiện điều kiện làm việc. Từ đó, tạo ra động lực thúc đẩy người lao động yên tâm, tập trung cống hiến cho doanh nghiệp, thúc đẩy tinh thần của người lao

động từ đó nâng cao năng suất lao động để tác động tích cực lại vào việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

- Đối với nền kinh tế:

Doanh nghiệp chính là tế bào của nền kinh tế, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả với kết quả sản xuất kinh doanh tốt sẽ góp phần tạo xung lực cho nền kinh tế phát triển một cách mạnh mẽ. Khi hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đạt được ở mức cao, doanh nghiệp sẽ có nguồn thu để tái đầu tư vào mở rộng sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm và tạo công ăn việc làm, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

2.1.4 Các yếu tố ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động doanh nghiệp

2.1.4.1 Nhóm nhân tố bên ngoài doanh nghiệp

- Môi trường pháp lý:

Môi trường pháp lý gắn với các hoạt động ban hành và thực thi luật pháp từ các bộ luật đến các văn bản dưới luật. Mọi quy định pháp luật về kinh doanh đều tác động trực tiếp đến kết quả và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp.

Vì môi trường pháp lý tạo ra “sân chơi” để các doanh nghiệp cùng tham gia kinh doanh, vừa cạnh tranh lại vừa hợp tác với nhau nên việc tạo ra môi trường pháp lý lành mạnh là rất quan trọng. Môi trường pháp lý lành mạnh vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiến hành thuận lợi các hoạt động kinh doanh của mình lại vừa điều chỉnh các hoạt động kinh tế vi mô theo hướng không chỉ chú ý đến kết quả và hiệu quả riêng mà còn phải chú ý đến lợi ích của các thành viên khác trong xã hội.

Môi trường pháp lý đảm bảo tính bình đẳng của mọi loại hình doanh nghiệp sẽ điều chỉnh các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, cạnh tranh nhau một các lành mạnh.

Tính nghiêm minh của luật pháp thể hiện trong môi trường kinh doanh thực tế ở mức độ nào cũng tác động mạnh mẽ đến kết quả và hiệu quả kinh doanh của mỗi doanh nghiệp.

Doanh nghiệp có nghĩa vụ chấp hành nghiêm chỉnh mọi quy định của pháp luật, kinh doanh trên thị trường quốc tế doanh nghiệp phải nắm chắc luật pháp của nước sở tại và tiến hành các hoạt động của mình trên cơ sở tôn trọng luật pháp của nước đó.

- Môi trường kinh tế:

Môi trường kinh tế có vai trò rất quan trọng, quyết định đến việc hình thành và hoàn thiện môi trường kinh doanh, đồng thời ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Các nhân tố kinh tế gồm có:

Tốc độ tăng trưởng kinh tế: Nền kinh tế tăng trưởng cao và ổn định sẽ làm cho thu nhập của tầng lớp dân cư tăng dẫn đến sức mua hàng hóa và dịch vụ tăng lên. Đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng tạo nên sự thành công trong kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao và ổn định kéo theo hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp đạt hiệu quả cao, khả năng tích tụ và tập trung sản xuất cao. Tỷ giá hối đoái: Đây là nhân tố tác động nhanh chóng và sâu sắc với từng quốc gia và từng doanh nghiệp nhất là trong điều kiện nền kinh tế mở cửa khi đồng nội tệ lên giá sẽ khuyến khích nhập khẩu và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước sẽ giảm trên thị trường nội địa. Các doanh nghiệp trong nước mất dần cơ hội mở rộng thị trường, phát triển sản xuất kinh doanh Ngược lại, khi đồng nội tệ giảm giá dẫn đến xuất khẩu tăng cơ hội sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước tăng, khả năng cạnh tranh cao hơn ở thị trường trong nước và quốc tế bởi khi đó giá bán hàng hóa trong nước giảm hơn so với đối thủ cạnh tranh nước ngoài.

Lãi suất cho vay của ngân hàng: Nếu lãi suất cho vay cao dẫn đến chi phí kinh doanh của doanh nghiệp cao, điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nhất là khi so với doanh nghiệp có tiềm lực vốn sở hữu mạnh. Lạm phát: Lạm phát cao các doanh nghiệp sẽ không đầu tư vào sản xuất kinh doanh đặc biệt là đầu tư tái sản xuất mở rộng và đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất của doanh nghiệp vì các doanh nghiệp sợ không đảm bảo về mặt hiện vật

các tài sản, không có khả năng thu hồi vốn sản xuất hơn nữa, rủi ro kinh doanh khi xẩy ra lạm phát rất lớn.

Các chính sách kinh tế của nhà nước: Các chính sách phát triển kinh tế của nhà nước có tác dụng cản trở hoặc ủng hộ lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Có khi một chính sách kinh tế của nhà nước tạo cơ hội đối với doanh nghiệp này nhưng làm mất cơ hội cho doanh nghiệp khác.

- Các yếu tố về cơ sở hạ tầng:

Các yếu tố thuộc cơ sở hạ tầng như hệ thống đường giao thông, hệ thống thông tin liên lạc, điện, nước… cũng như sự phát triển của giáo dục và đào tạo… đều là những nhân tố tác động mạnh mẽ đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp kinh doanh ở khu vực có hệ thống giao thông thuận lợi, điện, nước đầy đủ, dân cư đông đúc và có trình độ dân trí cao sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất, tăng tốc độ tiêu thụ sản phẩm, tăng doanh thu, giảm chi phí kinh doanh… và do đó nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp.

2.1.4.1 Nhóm nhân tố bên trong doanh nghiệp

- Nguồn nhân lực:

Trong sản xuất kinh doanh, nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng. Doanh nghiệp có nhân sự tốt có thể đảm bảo năng suất, chất lượng lao động và thậm chí sáng tạo ra các công nghệ, kỹ thuật mới và đưa chúng vào sử dụng tạo ra tiềm năng lớn cho việc nâng cao hiệu quả kinh doanh. Cũng chính lực lượng lao động sáng tạo ra sản phẩm mới với kiểu dáng phù hợp với cầu của người tiêu dùng, đồng thời nghiên cứu sử dụng vật liệu mới thay thế các vật liệu truyền thống đang ngày càng đắt đỏ do khan hiếm. Lao động của con người còn có thể sáng tạo ra cách thức làm ăn mới rút ngắn chu kỳ kinh doanh, giảm thiểu sử dụng nguồn lực…, lực lượng lao động tác động trực tiếp năng suất lao động, đến trình độ sử dụng các nguồn lực khác nên tác động trực tiếp và quyết định hiệu quả kinh doanh.

Quản trị tác động đến việc xác định hướng đi đúng đắn cho doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh ngày càng biến động. Muốn tồn tại và phát triển, doanh nghiệp phải chiến thắng trong cạnh tranh. Các lợi thế về chất lượng và sự khác biệt hóa sản phẩm, giá cả và tốc độ cung ứng đảm bảo cho doanh nghiệp chiến thắng trong cạnh tranh phụ thuộc chủ yếu vào nhãn quan và khả năng quản trị của các nhà quản trị doanh nghiệp.

- Yếu tố vốn, tình hình tài chính:

Không một doanh nghiệp nào có thể tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh mà không có vốn. Vốn có ý nghĩa vô cùng quan trọng, quyết định trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Vốn trong doanh nghiệp được hình thành từ 3 nguồn chính: Vốn tự có, vốn ngân sách nhà nước cấp và vốn vay: được phân bổ dưới hai hình thức là vốn cố định và vốn lưu động. Tuỳ đặc điểm của từng doanh nghiệp, doanh nghiệp nhà nước thì vốn ngân sách nhà nước cấp là chủ yếu, doanh nghiệp tư nhân vốn chủ sở hửu và vốn vay là chủ yếu.

- Cơ sở vật chất, kỹ thuật:

Cơ sở vật chất kỹ thuật trong doanh nghiệp là yếu tố vật chất hữu hình quan trọng phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, làm nền tảng quan trọng để doanh nghiệp tiến hành các hoạt động kinh doanh. Cơ sở vật chất đem lại sức mạnh kinh doanh cho doanh nghiệp trên cơ sở sức sinh lời của tài sản. Cơ sở vật chất dù chiếm tỷ trọng lớn hay nhỏ trong tổng tàu sản của doanh nghiệp thì nó vẫn có vai trò quan trọng thúc đẩy các hoạt động kinh doanh, nó thể hiện bộ mặt kinh doanh của doanh nghiệp qua hệ thống nhà xưởng, kho tàng, cửa hàng, bến bãi…Cơ sở vật chất kỹ thuật của doanh nghiệp càng được bố trí hợp lý bao nhiêu thì càng góp phần đem lại hiệu quả cao bất nhiêu. Điều này thấy khá rõ nếu một doanh nghiệp có hệ thống nhà xưởng, kho tàng, cửa hàng, bến bãi được bố trí hợp lý, nằm trong khu vực có mật độ dân cư lớn, thu nhập về cầu về tiêu dùng của người dân cao…và thuận lợi về giao thông sẽ đem lại cho doanh nghiệp một tài sản vô hình rất lớn đó là lợi

thế kinh doanh đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có hiệu quả cao.

- Công nghệ thông tin:

Công nghệ thông tin là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệ là trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Sở hữu nền tảng công nghệ thông tin tốt giúp doanh nghiệp sử dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu suất và chất lượng của các hoạt động này. Nói đến vai trò của công nghệ thông tin trong doanh nghiệp chính là đề cập đến những khả năng tạo ra sự thay đổi trong quá trình sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng mục tiêu, chiến lược kinh doanh thông qua ứng dụng công nghệ thông tin. Khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin đã làm thay đổi cơ bản phương thức sản xuất và phương thức quản lý, điều hành doanh nghiệp bao gồm từ việc tổ chức sản xuất đến huy động mọi nguồn lực của doanh nghiệp.

Mặc dù có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, trong khuôn khổ luận văn sẽ tìm hiểu sâu về mối quan hệ giữa công nghệ thông tin và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp – đặt trong bối cảnh chuyển đổi số. Vì vậy, luận văn sẽ tiếp tục nghiên cứu về yếu tố công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong nội dung tiếp theo.

Một phần của tài liệu Xu hướng chuyển đổi số và ảnh hưởng của công nghệ thông tin đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp: thực chứng từ Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel. (Trang 30 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)