Nội dung cơ bản

Một phần của tài liệu Sử dụng công cụ canva trong dạy học lịch sử việt nam (1945 1954) nhằm phát triển thành phần năng lực tìm hiểu lịch sử cho học sinh trung học phổ thông (Trang 62 - 64)

8. Bố cục của luận văn

2.1.3. Nội dung cơ bản

Nội dung cơ bản của chương:

- Sau khi cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là chủ tịch Hồ Chí Minh, đã ra sức củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, xây dựng nền móng của chế độ mới, kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta và tiến hành đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.

- Trước thái độ quyết cướp nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, ngày 19/12/1946 cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Đây là cuộc kháng chiến lâu dài, toàn diện, được tiến hành trên tất cả các mặt trận quân sự, kinh tế, văn hóa, ngoại giao và thắng lợi của cuộc kháng chiến cũng mang tính toàn diện, với sự đấu tranh anh dũng, bền bỉ của nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng.

+ Trên mặt trận chính trị - ngoại giao, ngay từ sau cách mạng tháng Tám 1945, Đảng và chính phủ vừa kiên quyết đấu tranh chống bọn thực dân đế quốc hiếu chiến, vừa chủ trương mở rộng quan hệ với các nước trên thế giới. Từ đầu năm 1950, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lần lượt được chính phủ các nước công nhận, đặt quan hệ ngoại giao, đồng tình ủng hộ và giúp đỡ nhân dân ta kháng chiến, tiếp sau Trung Quốc (18/1/1950) và Liên Xô (31/1/1950) là các nước dân chủ nhân dân khác.

Nhân dân ba nước trên bán đảo Đông Dương thắt chặt tình đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung. Hội nghị cấp cao nhân dân ba nước họp ngày 11/3/1951, thành lập liên minh Việt - Miên - Lào. Chúng ta tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới, đặc biệt là nhân dân Pháp, nhân dân các nước thuộc địa, phụ thuộc vào các nước xã hội chủ nghĩa. Sự đoàn kết ủng hộ của nhân dân thế giới là một trong những nguyên nhân góp phần vào thắng lợi của kháng chiến chống thực dân Pháp và ca thiệp Mĩ.

+ Trên mặt quân sự, quân dân ta càng đánh càng thắng, địch càng thua. Tiếp tục kháng chiến chống Pháp khi chúng trở lại xâm lược Việt Nam (23/9/1945). Mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc chống Pháp (19/12/1946), quân ta chủ động tiến công quân Pháp ở Thủ đô Hà Nội và các đô thị khác vĩ tuyến 16 nhằm tiêu hao, giam châm địch, phá âm mưu đánh úp của chúng, chuyển đất nước sang thời chiến, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài, toàn diện.

Chiến dịch Việt Bắc thu-đông 1947 là chiến dịch phản công lớn đầu tiên giành thắng lợi. Sau chiến thắng Việt Bắc, trong những năm 1948-1949, Đảng ta chủ trương phân tán phần lớn bộ đội chủ lực chính quy thành những “đại đội độc lập”, đi sâu vào vùng tạm chiến, tổ chức lực lượng vũ trang, hình thành ra “lực lượng vũ trang ba thứ quân” phát động chiến tranh du kích, biến hậu phương du kích của địch thành tiền phương của ta.

Chiến dịch Biên giới thu - đông 1950 là chiến dịch tiến công lớn đầu tiên mà quân ta giành thắng lợi. Sau chiến thắng, quân ta mở liên tiếp những chiến dịch tiến công vào quân địch ở chiến trường rừng núi, cả ở các chiến trường trung du và đồng bằng, nhằm phá tan âm mưu đẩy mạnh chiến tranh của thực dân Pháp và can thiệp Mĩ, giữ thế chủ động chiến lược vừa giành được và đã giành thắng lợi trong nhiều chiến dịch trên khắp nước.

Cuộc kháng chiến chống thực Pháp của nhân dân ta phát triển với cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953-1954, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, đã giành thắng lợi hoàn toàn. Chiến thắng quyết định này đã chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp có đế quốc Mĩ giúp sức.

+ Trên mặt trận kinh tế-tài chính, văn hóa-giáo dục thực hiện nhiệm vụ kháng chiến kiến quốc, nhân dân ta ngày càng xây dựng hậu phương ngày càng vững mạnh trên nhiều mặt. Về kinh tế: vừa ra sức phá hoại kinh tế địch, đánh bại âm mưu “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” của chúng, vừa đẩy mạnh xây dựng và bảo vệ kinh tế của ta, làm cho nền kinh tế của ta có thể tự cung tự cấp. Chính phủ ra nhiều chính sách kinh tế tài chính nhằm phát huy sự đóng góp của nhân dân cho kháng chiến, phục vụ đời sống (chính sách thuế, ngân hàng, quỹ tín dụng, mậu dịch quốc doanh, hợp tác xã mua bán...). Đồng thời Chính phủ lo sức dân (phát triển nông nghiệp, giảm tô, giảm tức đi đến cải cách ruộng đất, phát triển công nghiệp vừa phục vụ dân sinh và quốc phòng).

Về văn hóa, giáo dục, tiếp tục mở rộng phong trào “Bình dân học vụ”, xóa mù chữ, mở rộng phong trào “Bổ túc văn hóa” nâng cao trình độ văn hóa cho cán bộ và nhân dân. Mở trường phổ thông các cấp ở vùng tự do, các căn cứ kháng chiến, cho con em lao động. Tiến hành cải cách giáo dục (1950) để đào tạo thế hệ trẻ theo đúng đường lối, quan điểm giáo dục của Đảng.

+ Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam kết thúc thắng lợi, với chiến thắng Điện Biên Phủ (tháng 5/1954). Chiến thắng của nhân dân Việt Nam, sự ủng hộ của nhân dân thế giới buộc thực dân Pháp phải kí Hiệp định Giơnevơ về lập lại hòa bình ở Đông Dương. Tuy có những hạn chế, song Hiệp định cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ đã chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, được đế quốc Mĩ viện trợ. Một giai đoạn mới bắt đầu: xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Một phần của tài liệu Sử dụng công cụ canva trong dạy học lịch sử việt nam (1945 1954) nhằm phát triển thành phần năng lực tìm hiểu lịch sử cho học sinh trung học phổ thông (Trang 62 - 64)