a. Hoạt động mua hàng
Với doanh nghiệp bán lẻ, nhu cầu đa dạng mặt hàng kinh doanh là rất cần thiết. Chính vì vậy, ngoài sản phẩm hàng hóa trong nước, các doanh nghiệp bán lẻ còn tìm kiếm và kinh doanh nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ nước ngoài. Với các sản phẩm mua từ nước ngoài sẽ tốn nhiều thời gian hơn do phải vận chuyển bằng tàu hoặc máy bay và lượng hàng vận chuyển được cũng hạn chế hơn. Còn với sản phẩm nội địa, các doanh nghiệp bán lẻ tổ chức thu mua riêng và đặt ra các tiêu chí đánh giá nhà cung cấp dựa vào chất lượng, giá cả, thời gian giao hàng, giấy tờ chứng nhận đầy đủ, mức độ uy tín cao. Thực trạng thường xuất hiện tại các siêu thị bán lẻ hiện nay với mặt hàng thực phẩm tươi sống. Chuỗi cung ứng thực phẩm tươi sống cho các siêu thị đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ, thu hút được nhiều khách hàng từ các kênh bán lẻ truyền thống bằng khả năng đáp ứng nhu cầu mua sắm đồng bộ của người tiêu dùng tốt hơn, có tính tiện lợi cao hơn. Các nguồn cung thực phẩm tươi sống cho siêu thị rất đa dạng, có thể kể đến như: nhà nhập khẩu, nhà sản xuất, các hộ chăn nuôi, làm nông…
b. Hoạt động vận chuyển
Tại các doanh nghiệp bán lẻ, vận chuyển là hoạt động cung cấp hàng hóa cho các nhà kho hoặc trung tâm phân phối, sau đó đưa hàng tới các cơ sở đại lý bán lẻ trong mạng lưới logistics của doanh nghiệp. Hoạt động vận chuyển tại các doanh nghiệp bán lẻ được tổ chức theo hai hình thức cơ bản: vận chuyển tập trung và vận chuyển trực tiếp đến cửa hàng.
Với hình thức tập trung, các nhà cung cấp sẽ vận chuyển số lượng lớn hàng hóa cho trung tâm phân phối của nhà bán lẻ. Hình thức vận chuyển này có thể chiếm tỷ lệ từ 50-80% tại các doanh nghiệp bán lẻ có quy mô không nhỏ, thậm chí với các doanh nghiệp có quy mô lớn còn lên tới 90%. Bên cạnh triển khai tập trung hóa, hàng hóa có thể được chuyển đến các cửa hàng trực tiếp từ các nhà cung cấp. Tại một số doanh nghiệp bán lẻ, hình thức này có thể chiếm tới 30% tổng lượng hàng hóa.
c. Hoạt động dự trữ
Đối với doanh nghiệp bán lẻ, các chính sách dự trữ hàng tồn kho có vai trò không nhỏ do yêu cầu luôn phải đảm bảo lượng hàng hóa lớn và đa dạng, tính sẵn có của hàng hóa. Các doanh nghiệp hiện nay đang áp dụng mô hình quản lý dự trữ JIT (just in time) đảm bảo sản xuất tinh gọn, loại trừ các hao phí trong sản
xuất bằng việc sản xuất đúng số lượng, đúng thời điểm và đã nâng cao hiệu quả quản lý kho hàng lên nhiều lần.
d. Hoạt động kho hàng
Hệ thống quản lý kho hàng hiện nay được xây dựng theo xu hướng càng đơn giản càng tốt, giúp các công việc như lấy hàng, sắp xếp hàng và giao hàng dễ dàng hơn mà không tốn nhiều thời gian đào tạo nhân lực. Cũng không có công thức chung để tính toán cho hệ số vòng quay hàng tồn kho mà các doanh nghiệp sẽ tìm ra cách tính riêng phù hợp với bản thân doanh nghiệp.
e. Hoạt động logistics tại cửa hàng
Hoạt động logistics tại cửa hàng với mục tiêu đáp ứng nhu cầu, gia tăng độ tin cậy của khách hàng nhờ vào các phương tiện vật chất hữu hình và dịch vụ tiện ích. Điều này thấy rõ nhất ở chỗ các cửa hàng bán lẻ ngày càng sở hữu các hệ thống, thiết bị hỗ trợ hoạt động cung ứng hàng hóa.
Hoạt động logistics tại cửa hàng gắn liền với hệ thống cửa hàng bán lẻ của doanh nghiệp. Tỷ lệ chi phí của hoạt động logistics tại cửa hàng trên tổng chi phí của một công ty bán lẻ có thể lên tới 50%, giải thích tại sao phát triển hoạt động logistics tại cửa hàng có thể tạo ra động lực lợi nhuận chính cho các nhà bán lẻ hiện nay.