Giai đoạn vừa qua, do thực hiện yêu cầu giãn cách chống dịch của Chính phủ khi đại dịch hoành hành, cùng với sự bùng nổ mạnh mẽ của nền tảng công nghệ số, người tiêu dùng ngày càng có xu hướng mua hàng trực tiếp chuyển sang mua hàng trực tuyến. Bắt đầu với hoạt động của các sàn TMĐT lớn như Tiki, Lazada, Shopee, Sendo… Ngoài việc mua đồ ăn trên mạng, người dân cũng giao dịch trên sàn rất nhiều với các mặt hàng y tế như khẩu trang, nước rửa tay. Điều đó góp phần giúp bộ phận logistics vận tải không bị thiệt hại quá nhiều bởi dịch Covid-19.
Song song với sự phát triển bùng nổ của TMĐT, vận tải và logistics của Việt Nam cũng có bước chuyển mình mạnh mẽ. Lượng giao dịch hàng hóa, dịch vụ qua các kênh bán hàng trực tuyến khiến nhu cầu vận tải và giao hàng tăng cao. Trong TMĐT, dù giao dịch được thực hiện trên môi trường mạng Internet nhưng dịch vụ logistics và chuyển phát chính là mắt xích không thể thiếu để hoàn thành các đơn hàng online. Hệ thống logistics đóng vai trò liên kết quá trình sản xuất và lưu thông trên phạm vi rộng khắp khu vực, xuyên bên giới đến toàn thế giới. Việc ứng dụng hệ thống logistics trong các doanh nghiệp TMĐT giúp cắt giảm
thời gian xử lý đơn hàng, giảm chi phí vận hàng và tạo ra sự khác biệt trong dịch vụ cưng ứng cho khách hàng.
Trong mô hình bán lẻ truyền thống, giới hạn bán kính phục vụ của các doanh nghiệp bán lẻ là nhân tố quyết định tới năng lực phục vụ khách hàng thì trong thương mại điện tử, thị trường được mở rộng hoàn toàn. Người tiêu dùng có thể đặt hàng qua lại giữa các quốc gia thông qua các website thương mại điện tử, tốc độ phản hồi gần như ngay lập tức. Toàn bộ hoạt động hỗ trợ việc di chuyển hàng hóa từ nơi cung ứng tới tay người tiêu dùng qua các giao dịch điện tử gọi là hoạt động e-logistics, là xu hướng mới trong thương mại điện tử.
Hoạt động phân phối trực tuyến không bị phục thuộc vào thời gian và địa điểm cung cấp, khách hàng có thể truy cập thông tin về hàng hóa và thực hiện giao dịch qua các thiết bị di động hoặc laptop có khả năng truy cập Internet. Điều này giúp các doanh nghiệp bán lẻ liên hệ trực tiếp với khách hàng một cách nhanh nhất và đáp ứng mong muốn của khách vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Các hoạt động e-logistics sẽ ngày càng trở nên quan trọng trong thương mại điện tử B2C.
* Một số hoạt động tiêu biểu của doanh nghiệp bán lẻ B2C đó là:
Lưu kho, quản lý và duy trì dự trữ cần đảm bảo chính xác, linh hoạt, yêu cầu kĩ thuật cao trong việc sử dụng các phần mềm công nghệ, các máy móc thiết bị trong hoạt động quản lý kho, nhằm hỗ trợ tối đa cho các hoạt động nhận hàng, kiểm tra hàng hóa, gắn nhãn/mã vạch, phân loại, thiết lập danh mục hàng đảm bảo về thời gian, tốc độ.
Chuẩn bị đơn hàng, mức độ ứng dụng công nghệ cơ giới hóa và tự động hóa trong khâu này vô cùng quan trọng vì doanh nghiệp có thể gia tăng năng suất cung ứng với tính chính xác cao hơn, thời gian chờ giảm đi, từ đó nâng cao hiệu quả bán hàng.
Giao hàng, gồm điều phối đơn hàng, xuất hàng từ kho cho khách hàng hoặc bên chuyển phát, cập nhật thông tin tới khách hàng. Các doanh nghiệp bán lẻ B2C có thể tự tiến hành hoạt động giao hàng nếu đủ kinh nghiệm, tiềm lực tài chính và năng lực đào tạo quản lý đội ngũ giao hàng. Nhưng các doanh nghiệp nhỏ thì thường thiếu năng lực này nên sẽ phải thuê các dịch vụ giao nhận từ các công ty logistics bên thứ ba. Trong quá trình giao hàng, doanh nghiệp bán lẻ B2C thường sử dụng một số phương thức giao hàng khác nhau, tùy thuộc vào mỗi phương thức mà tính toán số lượng dịch vụ và mức độ tham gia ít hay nhiều của doanh nghiệp vào các giao dịch điện tử.
Dropshipping, mô hình giao hàng bỏ qua khâu vận chuyển, cho phép doanh nghiệp mua sản phẩm từ phía người bán buôn và chuyển trực tiếp đến khách hàng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp bán lẻ chỉ có vai trò liên hệ với nhà cung cấp có khả năng vận chuyển và đưa ra danh mục hàng hóa định bán. Sau khi nhận được đơn đặt hàng, các nhà cung cấp tiếp nhận và xuất kho sản phẩm, đưa hàng tới khách hàng của doanh nghiệp và doanh nghiệp và chỉ trả phí vận chuyển đơn hàng. Dropshipping mang lại lợi ích đó là không cần nguồn vốn lớn, quay vòng vốn nhanh, hàng tồn kho ít, không có áp lực thời gian. Đặc biệt nó phù hợp với các doanh nghiệp bán lẻ B2C quy mô nhỏ thiếu mạng lưới nhà kho, phương tiện vận tải và đội ngũ giao hàng, tiềm lực tài chính cũng không quá lớn để thuê ngoài toàn bộ các hoạt động này.