Đảng và nhà nước rất quan tâm đến KTNT, điều đó thể hiện thông qua các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng đối với KTNT, nhà nước tiến hành thể chế hóa những nội dung quản lý bằng các văn bản pháp quy để tác động, định hướng, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cũng như điều chỉnh đối với KTNT đảm bảo phát triển đúng định hướng, có hiệu quả và bền vững. Đến nay, đã có một số sách, công trình khoa học, luận án, luận văn trình bày về QLNN đối với KTNN, nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tuy vậy, chưa có sự thống nhất hoàn toàn về các nội dung của QLNN đối với KTNT. Theo quan điểm của tác giả thì nội dung QLNN về KTNT ở cấp huyện được thể hiện thông qua các hoạt động cơ bản sau:
1.2.3.1. Triển khai, cụ thể hoá văn bản pháp luật đối với phát triển kinh tế nông thôn thôn
Trong công tác QLNN đối với KTNT ở cấp huyện thì việc triển khai, cụ thể hoá văn bản pháp luật về KTNT để Nhà nước thực hiện công việc quản lý là cực kỳ quan trọng.
Với các yếu tố cơ bản là triển khai, cụ thể hóa văn bản pháp luật của cấp trên, áp dụng phù hợp với tình hình địa phương để điều chỉnh các hoạt động của KTNT.
Với đặc thù đa dạng, KTNT bao gồm nhiều loại hình sản xuất thuộc các hình thức tổ chức trong nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch ở nông thôn như: kinh tế hộ, kinh tế trang trại, kinh tế tập thể, doanh nghiệp (Nhà nước và tư nhân). Trong nền kinh tế thị trường, để tham gia vào các quan hệ của thị trường, đòi hỏi các loại hình sản xuất đó phải có địa
vị cụ thể (bao gồm quyền và nghĩa vụ) và phải được Nhà nước thừa nhận. Tất cả các quyền và nghĩa vụ của mỗi loại hình chỉ có thể có được một cách đầy đủ khi đã xác định được địa vị pháp lý hay tư cách pháp nhân của chúng trong cơ cấu của nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng của XHCN ở nước ta hiện nay. Vì vậy việc triển khai, cụ thể hoá một cách hợp lý là yếu tố đảm bảo cho KTNT ở địa phương phát triển.
1.2.3.2. Ban hành, chỉ đạo thực hiện các chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế nông thôn
Sự khuyến khích, hỗ trợ từ phía nhà nước giúp cho KTNT phát triển có hiệu quả và bền vững. Điều đó được thể hiện thông qua các chính sách cụ thể trên từng lĩnh vực và những chính sách khuyến khích, hỗ trợ này có ý nghĩa quan trọng, thậm chí quyết định đến sự phát triển của KTNT.
Dựa trên chính sách, chỉ đạo của Trung ương, chính quyền các cấp ở địa phương tiến hành cụ thể hóa các chính sách khuyến khích, ưu đãi cho phù hợp với đặc thù của từng địa phương, triển khai tổ chức thực hiện và kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các chính sách này trên địa bàn của địa phương. Điển hình như: các chính sách về đất đai, tài chính, tín dụng, đào tạo nguồn nhân lực, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất…
1.2.3.3. Hoạch định chiến lược và quy hoạch kinh tế nông thôn
Công tác hoạch định chiến lược và quy hoạch là bước định hướng cho hoạt động KTNT. Công tác này có nhiệm vụ là: phải tạo ra được quy hoạch tổng thể phát triển KTXH, kế hoạch dài hạn, trung hạn và ngắn hạn. Việc xây dựng, tổ chức và thực hiện quy hoạch kế hoạch phải phù hợp với từng giai đoạn phát triển của hoạt động sản xuất ở nông thôn, phải gắn với tình hình hoạt động KTNT của từng địa phương và diễn biến tình hình KTNT của cả nước cũng như thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Mặt khác, việc quy hoạch, kế hoạch hóa phải đảm bảo tính đồng bộ, cân đối mục tiêu và nguồn lực, gắn chặt với chính sách đầu tư và phát triển.
Trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch ở nông thôn, để có thể khai thác triệt để những lợi thế so sánh, tránh sản xuất dàn trải không hiệu quả, cần có sự định hướng chuyên môn hóa trong sản xuất. Đây là một trong những nội dung quan trọng nhằm thực hiện chức năng QLNN của chính quyền các cấp. Sự định hướng chuyên môn hóa đó, được thể hiện thông qua việc quy hoạch tổng thể phát triển KTXH; quy hoạch đất đai, quy hoạch vùng, ngành sản xuất, định hướng loại cây trồng, vật nuôi… Công tác quy hoạch phù hợp, thống nhất, đồng bộ, kịp thời sẽ giúp cho KTNT phát triển, có hiệu quả, bền vững và đúng định hướng, đặc biệt là đối với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch, định hướng phát triển nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch ở các vùng, địa phương.
1.2.3.4. Xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển khu vực phụ trợ nhằm tạo điều kiện cho phát triển kinh tế nông thôn
Muốn KTNT phát triển bền vững thì yếu tố kết cấu hạ tầng có vai trò đặc biệt quan trọng. Kết cấu hạ tầng sẽ giúp thúc đẩy việc sản xuất lưu thông hàng hóa dễ dàng. Các loại hình tổ chức sản xuất trong KTNT không thể tồn tại một cách độc lập, đặc biệt trong xu thế phát triển nông nghiệp hóa. Điều đó khiến cho nhà nước sẽ phải đầu tư, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn như: hệ thống điện; hệ thống giao thông, vận tải; hệ thống cung cấp nước sạch và xử lý nước thải; hệ thống thủy lợi; hệ thống thông tin liên lạc; hệ thống chợ đầu mối, trung tâm thương mại và các công trình phúc lợi khác nhằm phục vụ tốt nhất cho quá trình phát triển của toàn xã hội nói chung và của nền nông nghiệp nói riêng.
Ngoài ra, để nền KTNT phát triển mạnh mẽ, hiệu quả và mang tính lâu dài thì một trong những yếu tố có tác động không nhỏ đến sự phát triển đến từ sự phát triển của các khu phụ trợ khác. Điều này được thể hiện qua các mặt sau:
* Tác động của công nghiệp vào KTNT cũng như việc xác lập mối quan hệ giữa công – nông nghiệp là quá trình xây dựng hệ thống công nghiệp phục vụ nông nghiệp nhằm cải tạo và phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại.
Công nghiệp không thể có cơ hội phát triển vững chắc khi nền nông nghiệp chưa phát triển ở mức cần thiết và ngược lại nếu không gắn liền với sự phát triển của công nghiệp, thì bản thân nông nghiệp cũng không thể đi lên với tốc độ cao, liên tục và vững chắc. Tác động của công nghiệp vào nông nghiệp để nâng cao chất lượng và hiệu quả của sản xuất kinh doanh nông sản hàng hóa là cơ sở căn bản để xây dựng mối quan hệ công – nông nghiệp ở nước ta hiện nay và là điều kiện tiên quyết nhằm đẩy nhanh sự phát triển của KTNT theo hướng hàng hóa. Vai trò của QLNN là định hướng, tạo điều kiện phát triển công nghiệp phụ trợ như: công nghiệp chế biến, phát triển các làng nghề, vừa tạo điều kiện tiêu thụ nông sản hàng hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời giải quyết việc làm tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, thúc đẩy tích tụ ruộng đất.
* Khoa học công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước nói chung và KTNT nói riêng. Việc chuyển giao khoa học công nghệ, vai trò định hướng và hỗ trợ của nhà nước và các cơ quan nghiên cứu cho các chủ thể, tập chung chủ yếu vào kinh tế trang trại, kinh tế hộ về khoa học, công nghệ và môi trường là cần thiết trong quá trình sản xuất kinh doanh. Nhà nước cần sắp xếp hệ thống tổ chức nghiên cứu, đổi mới cơ chế hoạt động và chuyển giao khoa học công nghệ phù hợp đáp ứng nhu cầu của quá trình sản xuất ở nông thôn.
* Trong quá trình đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất thì giải pháp quan trọng là đào tạo nguồn lao động chất lượng cao để có thể tiếp thu khoa học, công nghệ cũng như vận dụng những phương thức quản lý có hiệu quả. Chính vì vậy, Nhà nước cần quan tâm đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu của thực tiễn
1.2.3.5. Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước kinh tế nông thôn
Tổ chức bộ máy, tuyển dụng, đào tạo, bố trí và sử dụng đội ngũ công chức thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với kinh tế nông thôn; xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược đào tạo lực lượng lao động thực hiện kinh tế nông thôn đáp ứng yêu cầu của hội nhập là những nội dung chính của mục này.
Yếu tố con người trong quản lý cũng như nguồn lực lao động nông thôn là yếu tố then chốt quyết định hiệu quả của quản lý Nhà nước về kinh tế nông thôn của địa phương. Cần xây dựng đội ngũ có chất lượng, hoạt động có hiệu quả, đủ năng lực để phát triển sản xuất kinh tế nông thôn đáp ứng nhu cầu thị trường và sự phát triển của xã hội: có kiến thức khoa học công nghệ và ứng dụng được vào trong sản xuất; có khả năng định hướng và tham vấn cho chính quyền ban hành các chính sách cũng như các chương trình dự án làm tăng hiệu quả sản xuất và đảm bảo phát triển kinh tế nông thôn của địa phương.
1.2.3.6. Kiểm tra, giám sát quá trình phát triển kinh tế nông thôn
Với tính chất đa dạng và phức tạp, KTNT là lĩnh vực sản xuất diễn ra trong khoảng không gian rộng lớn, với các đối tượng phong phú, lại phụ thuộc rất lớn vào điều kiện tự nhiên và khí hậu thời tiết. Để nắm bắt được tình hình thực tiễn về các hoạt động sản xuất kinh doanh ở nông thôn và có những biện pháp giải quyết kịp thời thì QLNN không thể bỏ qua công tác kiểm tra, giám sát thực tế tại các địa phương. Khi đó, Nhà nước tiến hành công tác kiểm tra, giám sát thông qua các cơ quan QLNN về kinh tế nông thôn các cấp.