2.1.1.1. Vị trí địa lý
Tuy An là một huyện đồng bằng ven biển Nam Trung Bộ, nằm về phía Bắc tỉnh Phú Yên, với bờ biển có chiều dài 45 km, cách thành phố Tuy Hòa 30 km, với tổng diện tích tự nhiên: gần 415 km2; huyện có 14 xã là An Chấn, An Mỹ, An Hòa Hải, An Hiệp, An Cư, An Dân, An Thạch, An Ninh Tây, An Ninh Đông, An Định, An Nghiệp, An Lĩnh, An Xuân, An Thọ và Thị trấn Chí Thạnh. Trong đó có 05 xã bãi ngang và 03 xã miền núi; có 85 thôn và 5 khu phố. Ranh giới hành chính huyện Tuy An cụ thể như sau:
Phía Tây : giáp huyện Sơn Hòa. Phía Nam : giáp thành phố Tuy Hòa. Phía Bắc : giáp Thị xã Sông Cầu. Phía Tây Bắc : giáp huyện Đồng Xuân. Phía Đông : giáp Biển Đông.
2.1.1.2. Khí hậu
Đặc trưng khí hậu của huyện là nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm và chịu ảnh hưởng của khí hậu đại dương, nên trong năm có 2 mùa rõ rệt. Mùa khô từ tháng 01 đến tháng 8, với khí hậu khô nóng. Mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 12, nhiệt độ thấp và mát mẻ. Tuy nhiên, trong những tháng gió mùa hạ có từ 17-25 ngày nhiệt độ trung bình trên 300C lại xảy ra trong thời kỳ ít mưa là một nhân tố gây ra hiện tượng nắng nóng và hạn hán. Sự biến đổi khí hậu đã tác động đến kinh tế -xã hội của huyện đó là thường xuyên gặp phải thiên tai (hạn, lũ lụt, sâu
bọ…) làm hiệu quả sản xuất nông nghiệp bị giảm sút.
2.1.1.3. Nguồn nước
Tài nguyên nước của huyện gồm có các nguồn như nguồn nước mặt và nguồn nước ngầm. Dòng chảy của nước luôn thay đổi theo thời gian và không gian nhưng thường tuân thủ theo chu kỳ rõ rệt từng năm theo mùa lũ và mùa cạn. Lượng dòng chảy mùa lũ thường chiếm 70-75% lượng dòng chảy năm, thường xuất hiện trong 4 tháng mùa mưa (từ tháng 9 đến tháng 12). Huyện đã cho xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng, công trình thủy lợi để phục vụ sản xuất nông nghiệp như hồ Đồng Tròn, đập Bà Kết, Tam Giang, Hà Yến, trạm bơm để dự trữ nước ở mùa mưa cung cấp cho mùa khô. Vì vậy, nguồn nước của huyện đã đảm bảo tưới tiêu cho diện tích sản xuất nông nghiệp.