Nguồn lực tài chính đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm nguồn lực thực hiện các chính sách ASXH. Nguồn lực xác định cơ chế đối với từng loại chính sách, từng nhóm đối tượng (tỷ lệ đóng góp của người dân, người sử dụng lao động, của nhà nước); cơ chế cân đối thu - chi, đầu tư phát
triển quỹ; giá cả, cơ chế và chất lượng cung cấp dịch vụ ASXH. Cơ chế tài
chính của các hợp phần của ASXH không hoàn toàn giống nhau. Các loại hình bảo hiểm có thể áp dụng cơ chế có đóng có hưởng, còn đa số hợp phần trợ giúp xã hội thì nguồn tài chính lại chủ yếu do ngân sách nhà nước cung cấp.
Thể chế tài chính của hệ thống ASXH có mối quan hệ chặt chẽ với chính sách thuế và tài chính và phụ thuộc vào mô hình hệ thống ASXH. Ví
dụ, các nước theo mô hình nhà nước phúc lợi thường thu thuế cao (kể cả thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập gia tăng hoặc thuế xuất nhập khẩu cũng như các khoản lệ phí khác) để có nguồn thực hiện các chính sách ASXH tốt hơn cho mọi người dân. Ngược lại, các nước theo mô hình nhà nước xã hội khuyến khích tăng trưởng nhanh hơn nên thu thuế thấp hơn và chỉ thực hiện các chính sách ASXH ở mức thấp, với phạm vi chính sách và đối tượng bao phủ hạn chế.
Việc bố trí nguồn tài chính cho các chính sách ASXH tuỳ thuộc vào tình hình kinh tế - xã hội của từng quốc gia. Một số nước phát triển, ngân sách nhà nước dành cho các chính sách ASXH có thể lên tới 30% tổng ngân sách nhà nước, hay khoảng 15% GDP, trong khi đối với các nước đang phát triển (trong đó có Việt nam), chỉ khoảng dưới 5% GDP.