Trong thời gian qua, công tác quản lý và hoạt động của các Đoàn luật sư cần phải nhìn nhận một cách nghiêm túc. Có những Đoàn luật sư công tác quản lý lỏng lẻo, Ban chủ nhiệm không nắm bắt được tình hình cụ thể của các thành viên, việc giám sát các hoạt động của luật sư bị xem nhẹ. Vì vậy nên công tác quản lý và giám sát các hoạt động của Đoàn luật sư đối với các thành viên của mình cần được quan tâm hơn nữa. Cụ thể, để tổ chức hành nghề luật sư phát huy được sức mạnh trên thực tế cần phải thực hiện:
Đầu tiên, các ban ngành tổ chức liên quan cần từng bước xây dựng, kiện toàn tổ chức và hoạt động của các Đoàn luật sư vững mạnh, thống nhất, có bộ máy tinh gọn, làm việc có hiệu quả nhằm đảm bảo thực hiện tốt tôn chỉ, mục đích và nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn luật sư đã được Luật luật sư và Điều lệ Liên đoàn luật sư quy định; Việc củng cố các quy định liên quan cũng như bộ máy hoạt động của các đoàn luật sư là tiền đề quan trọng trong việc đảm bảo sự quản lý nhà nước đối với hoạt động liên quan đến tổ chức hành nghề cũng như các luật sư. Khi đã xây dựng được bộ máy hoàn chỉnh tinh gọn cũng như các văn bản quy định phù hợp thì sự quản lý của đoàn sẽ đến từng cá nhân nhằm đảm bảo việc thực hiện các quy định của pháp luật được thực thi và các quy định liên quan đến đạo đức nghề nghiệp của luật sư không bị vi phạm, tránh các trường hợp xử lý kỉ luật đáng tiếc.
Thứ hai, các cơ quan chủ quản bao gồm Liên đoàn luật sư Việt Nam và các Đoàn luật sư phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc đảm bảo cho luật sư thực hiện tốt các quyền, nghĩa vụ của luật sư, từng bước chủ động hội nhập quốc tế; Hoạt động của luật sư cũng như vị trí và vai trò của họ có được đảm bảo hay coi trọng hay không cũng phụ thuộc vào
tiếng nói hay tầm ảnh hưởng của liên đoàn và các đoàn luật sư. Hiện nay vị trí và vai trò của luật sư chưa được chú trọng cũng do một phần không nhỏ là liên đoàn hay đoàn luật sư chưa thực sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng dẫn đến vai trò của luật sư cũng bị bỏ ngỏ và nhiều bất cập hay khó khăn trong quá trình hành nghề cũng xuất phát từ đây.
Ba là, củng cố, kiện toàn tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, nhân sự chủ chốt của các đoàn luật sư; tạo điều kiện hỗ trợ ban đầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị hoạt động cho các tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động của luật sư; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra để bảo đảm hoạt động của luật sư được thực hiện theo đúng đường lối, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư.
Bốn là, đổi mới, hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư. Nâng cao chất lượng, phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng trong tổ chức xã hội - nghề nghiệp và tổ chức hành nghề của luật sư. Củng cố, kiện toàn tổ chức đảng trong các đoàn luật sư. Tăng cường công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên, đặc biệt đối với các luật sư trẻ; chú trọng công tác bồi dưỡng, giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ luật sư; phát huy tinh thần gương mẫu của luật sư là đảng viên trong hoạt động nghề nghiệp và trong việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Năm là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý đối với hoạt động hợp tác quốc tế của các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, tạo điều kiện cho tổ chức luật sư và luật sư Việt Nam hội nhập, giao lưu quốc tế trên cơ sở bảo đảm tuân thủ đúng đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Cuối cùng là sự tăng cường mối quan hệ chặt chẽ giữa Liên đoàn luật sư và các Đoàn luật sư ở Trung ương và các địa phương nhằm thực hiện có hiệu quả nguyên tắc kết hợp quản lý nhà nước về hành nghề luật sư với vai trò tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư [3]. Việc quản lý theo chiều dọc giữa liên đoàn và đoàn luật sư ở địa phương có vị trí rất quan trọng trong việc đảm bảo sự kết nối cũng như việc giải quyết các khó khăn mà đoàn luật sư tại địa phương không có thẩm quyền hay không có đủ nguồn lực để thực hiện. Từ những khó khăn của địa phương mà liên đoàn có thể đề ra các giải pháp chung mang tính áp dụng trên thực tiễn một cách rộng rãi và hiệu quả.