Nghề luật sư du nhập vào Việt Nam kể thời kỳ Pháp thuộc. Ban đầu nghề luật sư hoàn toàn do người Pháp độc chiếm có lẽ bởi Việt Nam lúc đó có sự chuyển đổi từ truyền thống pháp luật Viễn Đông sang truyền thống pháp luật Châu Âu lục địa [6, tr. 105]. Trước khi người Pháp chiếm đóng Việt Nam, dưới chế độ phong kiến tập quyền nhưng mang mầu sắc rất Việt Nam về luật lệ là “Phép vua thua lệ làng”, có lẽ Việt Nam có một nền pháp chế thiếu hoàn hảo, không thể tạo nền tảng cho sự ra đời của chế định luật sư. Chế định luật sư vốn dĩ ra đời ở Phương Tây, theo quan niệm pháp luật của Phương Tây bởi pháp luật Phương Tây có căn nguyên từ công lý. Khác thế, pháp luật Việt Nam trong thời kỳ phong kiến có căn nguyên luân lý, do đó có
sự khác biệt lớn về vai trò của pháp luật, tất nhiên là cả vấn đề thi hành pháp luật. Ngô Huy Cương phân tích và nhận định như sau:
“Việc xem luân lý là căn nguyên của pháp luật, và giữa luân lý và pháp luật không có ranh giới rõ rệt cho thấy khái niệm về pháp luật của người Phương Đông trước kia và người Phương Tây có sự khác biệt. Đối với người Việt Nam trước kia vi phạm luân lý có nghĩa là vi phạm pháp luật và phải gánh chịu chế tài hình sự. Chẳng hạn: Quốc Triều Hình Luật có quy định tại Điều 2 về tội thập ác rằng “Bất hiếu, là tố cáo, rủa mắng ông bà, cha mẹ, trái lời cha mẹ dạy bảo; nuôi nấng thiếu thốn, có tang cha mẹ mà lấy vợ lấy chồng, vui chơi ăn mặc như thường; nghe thấy tang ông bà cha mẹ mà giấu, không cử ai; nói dối là ông bà cha mẹ chết” (khoản 7); tại Điều 35 rằng “Ông bà cha mẹ và chồng bị tội tử hình còn đang phải giam, mà con cháu hay vợ lại đàn hát thì xử biếm hai tư”. Các quy định này cho thấy chức năng điều chỉnh hành vi hoặc chức năng thiết lập hay thừa nhận các tiêu chuẩn xử sự (theo quan niệm của Phương Tây) của pháp luật Việt Nam cổ nhưng có căn nguyên luân lý chứ không xuất phát từ việc coi trọng tự do cá nhân con người như pháp luật Phương Tây” [6, tr. 98].
Việc thi hành pháp luật và xét xử thiếu coi trọng tự do của cá nhân con người và sự thiếu tiêu chuẩn rõ ràng về mặt pháp lý khó có thể tạo ra một nền tảng thật sự cho sự ra đời của một chế định luật sư. Để có thể khẳng định hơn nữa sự khác biệt về kỹ thuật pháp lý và cách thức giải thích luật, có những phân tích về pháp luật Việt Nam dưới thời kỳ phong kiến trước khi người Pháp chiếm đóng:
Vũ Văn Mẫu cho rằng:
Điều 132 của Bộ luật Hồng Đức nói về tội khi quân đã ngăn cản mọi người làm trái ý chí của nhà vua; còn Điều 59 của Bộ luật Gia Long chép theo luật của Nhà Mãn Thanh có nói về giảng đọc luật
lệnh nhưng chỉ là lý thuyết trong khi việc khảo hạch về luật pháp không hề được tổ chức; do đó nguồn của cổ luật, thực sự chỉ bao gồm bộ luật và tục lệ [20, tr. 138 - 139].
Việc độc đoán trong giải thích và áp dụng pháp luật sẽ không phát sinh ra nhu cầu biện hộ mà phụ thuộc vào sự anh minh và độ lượng của người phán xử. Vì vậy chế định luật sư có lẽ không xuất hiện trong thời kỳ phong kiến ở Việt Nam.
Chế định luật sư có lẽ du nhập vào Việt Nam cùng với sự du nhập truyền thống Civil Law vào Việt Nam theo con đường xâm lược của người Pháp. Sự phát triển của chế định luật sư trải qua các giai đoạn như sau:
Sau khi chiếm đóng Nam Kỳ và biến Nam Kỳ thành xứ thuộc địa, ngày 26/11/1876 người Pháp đã ban hành Nghị định về việc biện hộ cho người Pháp hoặc người Việt Nam mang quốc tịch pháp tại Tòa án của Pháp. Đó là khởi đầu cho việc du nhập chế định luật sư vào Việt Nam.
Sau khi áp đặt toàn bộ hệ thống cai trị của Pháp tại nước ta, năm 1884, Toàn quyền Pháp tại Việt Nam đã ra Sắc lệnh thành lập Luật sư Đoàn tại Sài Gòn và Hà Nội. Trong các Luật sư Đoàn này bao gồm cả các luật sư người Pháp và cả các luật sư người Việt Nam nhưng đã nhập quốc tịch Pháp. Các luật sư chỉ biện hộ trước Tòa án Pháp cho người Pháp hoặc người có quốc tịch Pháp. Luật sư lúc này như là một đặc lợi dành cho người Pháp. Điều này rõ ràng cho thấy vai trò của luật sư trong việc thi hành pháp luật và trong việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của những đương sự hay bị can, bị cáo.
Việc ra Sắc lệnh ngày 30/01/1911, thực dân Pháp đã mở rộng việc cho phép hàng nghề luật sư đối với người Việt Nam không có quốc tịch Pháp, có nghĩa là người Việt Nam không có quốc tịch Pháp cũng được vào nghề và hành nghề luật sư. Đây có lẽ là một dấu mốc về việc người Pháp đã bình định xong Việt Nam và pháp luật Pháp đã bành trướng tràn ngập Việt Nam.
Sau đó vào ngày 25/5/1930, thực dân Pháp lại ra Sắc lệnh về tổ chức Luật sư Đoàn ở Hà Nội, Đà Nẵng và Sài Gòn. Sắc lệnh này đã mở rộng cho phép các luật sư không chỉ biện hộ ở các Tòa án của Pháp mà trước cả các Tòa án của Việt Nam (các Tòa Nam án), và không chỉ bào chữa cho những người có quốc tịch Pháp, mà cho cả những người không có quốc tịch Pháp.
Lịch sử chế định luật sư của Việt Nam luôn nhắc đến một nhà yêu nước, một luật sư danh tiếng – đó là người luật sư Việt Nam đầu tiên, ông Phan Văn Trường (1876-1933). Luật sư Phan Văn Trường tốt nghiệp Đại học Luật và làm luật sư tại Paris. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động cách mạng tại Paris, đã có thời gian sống tại nhà luật sư Phan Văn Trường.