Có thể thấy rằng sau khi Pháp lệnh luật sư năm 2001 và đặc biệt sau khi Luật Luật sư năm 2006 và năm 2012 được ban hành, hoạt động hành nghề luật sư có những bước chuyển biến rõ rệt. Theo quy định của Pháp lệnh luật sư thì dịch vụ pháp lý của luật sư bao gồm tham gia tố tụng, thực hiện tư vấn
pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác. Luật Luật sư đã mở rộng hơn phạm vi
hành nghề luật sư với việc quy định luật sư được đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng. Có thể nói trên cơ sở những quy định ngày càng thông thoáng hơn của pháp luật cộng với sự nỗ lực của các luật sư, dịch vụ pháp lý của luật sư tăng đáng kể về số lượng và nâng cao một bước về chất lượng.
Tham gia tố tụng là lĩnh vực hành nghề chủ yếu của các luật sư hiện nay. Trong thời gian qua, các luật sư đã tham gia giải quyết hàng trăm nghìn vụ án. Vai trò của luật sư trong quá trình tham gia tố tụng đã có những bước phát triển về chất. Xuất phát từ việc pháp luật tố tụng đang từng bước được hoàn thiện, các cơ quan tiến hành tố tụng đã quan tâm hơn đến việc tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị can, bị cáo, đương sự. Đặc biệt sau khi Nghị Quyết số 08/NQ- TW ngày 02/01/2002 của Bộ chính trị đã nêu rõ:
Khi xét xử, các toà án... việc phán quyết của toà án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, người bào chữa...
Các cơ quan tư pháp có trách nhiệm tạo điều kiện để luật sư tham gia cào quá trình tố tụng... ,
thì vai trò của luật sư trong quá trình tham gia tố tụng đã được nâng lên một bước. Nhiều cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát đã tạo điểu kiện cho luật sư tham gia vào quá trình tố tụng được thuận lợi hơn. Ý kiến của luật sư tại phiên toà đã được cơ quan công tố quan tâm và coi trọng. Việc tham gia tố tụng của các luật sư không những bảo đảm tốt hơn quyền bào chữa của bị can, bị cáo, các đương sự khác, mà còn giúp các cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, sửa chữa những thiếu sót, làm rõ sự thật khách quan, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Tư vấn pháp luật là lĩnh vực hành nghề quan trọng của luật sư, đặc biệt trong điều kiện nhu cầu về tư vấn pháp luật trong xã hội ngày càng tăng nhanh. Các luật sư đã mở rộng và phát triển tư vấn trong các lĩnh vực kinh tế, đầu tư, thương mại. Trong lĩnh vực tư vấn về pháp luật dân sự thì tư vấn về đất đai, hôn nhân gia đình đang là mảng tư vấn phổ biến và sôi động nhất.
Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, toàn cầu hoá, các luật sư hoạt động trong lĩnh vực tư vấn pháp luật đang phát huy vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ các doanh nghiệp đàm phán, ký kết hợp đồng, giải quyết các tranh chấp phát sinh đặc biệt trong các lĩnh vực mới mẻ như đầu tư nước ngoài, sở hữu trí tuệ, quan hệ thương mại hàng hoá có yếu tố nước ngoài...
Ngoài ra, các luật sư cũng đã tham gia tích cực vào hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng thuộc diện chính sách. Việc tham gia vào hoạt động này không chỉ thực hiện một cam kết mang tính chất nghĩa vụ của luật sư đối với xã hội mà còn góp phần tạo lập sự công bằng cho các đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý. Trong thời gian qua, các luật sư đã tham gia trợ giúp pháp lý cho hàng chục nghìn vụ việc, góp phần đáng kể trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người nghèo, người thuộc diện chính sách.
Đảng và Nhà nước ta không chỉ chăm lo phát triển kinh tế nhằm “xóa đói giảm nghèo” cho những hộ nghèo, xã nghèo như chúng tôi đã trình bày ở trên. Mà trong lĩnh vực tư pháp, Thủ tướng Chính phủ cũng đã Quyết đinh thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách (Quyết định số 734/ TTg ngày 06/ 9/ 1997 của Thủ tướng Chính phủ).