Về hình thức tổ chức hành nghề luật sư

Một phần của tài liệu Quá trình hình thành và phát triển chế định nghề luật sư ở việt nam (Trang 63 - 69)

Theo quy định của Luật Luật sư thì tổ chức hành nghề luật sư bao gồm: Văn phòng luật sư là tổ chức hành nghề luật sư do một luật sư thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân;

Công ty luật bao gồm Công ty luật hợp danh và Công ty luật trách nhiệm hữu hạn. So với Pháp lệnh luật sư năm 2001, Luật Luật sư đã quy định thêm loại hình Công ty luật trách nhiệm hữu hạn. Hơn nữa, để phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Luật sư còn quy định Công ty luật trách nhiệm hữu hạn có thể là Công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

Các điều kiện này khá chặt chẽ cụ thể hóa nguyên tắc quản lý hành nghề luật sư quy định tại Điều 6 và các Điều khác của Luật Luật sư năm 2012.

“Văn phòng luật sư” là hình thức doanh nghiệp tư nhân theo pháp luật Việt Nam do một luật sư thành lập được tổ chức và hoạt động. Luật sư thành lập văn phòng luật sư là Trưởng văn phòng và phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi nghĩa vụ của văn phòng, đồng thời là người đại diện theo pháp luật của văn phòng (Điều 33 của Luật Luật sư năm 2012). Tại đây, đạo luật này có sai lầm về khoa học pháp lý như trên đã phân tích là

tách bạch giữa văn phòng với tính cách là tài sản của chủ sở hữu văn phòng với chủ sở hữu văn phòng. Việc định ra Trưởng văn phòng luật sư ngụ ý về việc văn phòng có thể có nhiều luật sư hoạt động nghề nghiệp. Tuy nhiên việc quy định này thiếu gắn bó với Luật Doanh nghiệp năm 2005, Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Luật Doanh nghiệp năm 2020 trong khi có yêu cầu sử dụng hình thức doanh nghiệp trong các Luật Doanh nghiệp này cho tổ chức hành nghề luật sư.

Điều 34 của Luật Luật sư năm 2012 quy định hạn chế rằng tổ chức hành nghề luật sư chỉ được thành lập dưới hai hình thức là công ty hợp danh và công ty trách nhiệm hữu hạn. Tất cả các thành viên của các công ty này phải là luật sư. Công ty luật hợp danh do ít nhất hai luật sư thành lập và không có thành viên góp vốn. Luật Luật sư năm 2012 không cho phép thành lập công ty luật dưới hình thức công ty hợp vốn đơn giản (bao gồm thành viên hợp danh và thành viên góp vốn), trong khi lại cho phép thành lập công ty luật dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn (bao gồm công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên). Xét về sự gần gũi với hình thức công ty luật có tính cách truyền thống là công ty luật hợp danh, thì công ty hợp vốn đơn giản gần gũi hơn so với công ty trách nhiệm hữu hạn bởi chính công ty hợp vốn đơn giản là công ty hợp danh mà có thêm thành viên góp vốn. Như vậy nếu xét tới bảo đảm sự hành nghề luật phù hợp với đặc điểm và tính chất của nó thì công ty hợp vốn đơn giản phù hợp hơn so với công ty trách nhiệm hữu hạn.

Các thành viên công ty luật hợp danh hay công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên phải thỏa thuận cử một thành viên làm Giám đốc công ty. Luật sư làm chủ sở hữu công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên là Giám đốc công ty. Quan niệm này vẫn chưa thoát khỏi quan niệm pháp nhân chỉ có một người đại diện theo pháp luật.

Tổ chức hành nghề luật sư khi thành lập phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi có Đoàn luật sư mà Trưởng văn phòng luật sư hoặc Giám đốc công ty luật là thành viên. Trong trường hợp công ty luật do luật sư ở các Đoàn luật sư khác nhau cùng tham gia thành lập thì đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi có trụ sở của công ty. Hồ sơ đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư phải có:

+ Giấy đề nghị đăng ký hoạt động; + Dự thảo Điều lệ của công ty luật;

+ Bản sao Chứng chỉ hành nghề luật sư, bản sao Thẻ luật sư của luật sư thành lập văn phòng luật sư, thành lập hoặc tham gia thành lập công ty luật; và

+ Giấy tờ chứng minh trụ sở của tổ chức hành nghề luật sư.

Trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ xin đăng ký, Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động cho tổ chức hành nghề luật sư. Nếu từ chối cấp Giấy đăng ký thì Sở Tư pháp phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người bị từ chối biết. Người xin đăng ký có quyền khiếu nại về việc từ chối theo quy định của pháp luật. Các quy định này của Luật Luật sư năm 2012 khá phù hợp với nguyên tắc tự do kinh doanh.

Tổ chức hành nghề luật sư được phép hoạt động kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động, Trưởng văn phòng luật sư hoặc Giám đốc công ty luật phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao Giấy đăng ký hoạt động cho Đoàn luật sư nơi mình là thành viên.

Các văn phòng luật sư hay công ty luật ở Việt Nam hiện nay thường chỉ có một hoặc một số luật sư thành viên đảm nhiệm tìm kiếm khách hàng và phụ trách các vấn đề chuyên môn của vụ việc, còn dưới trưởng văn phòng luật sư hoặc luật sư thành viên (có nơi gọi là luật sư cộng sự) là các luật sư hoặc các trợ lý trực tiếp thực hiện công việc theo sự phân công của trưởng văn

phòng hoặc luật sư thành viên [14, tr. 12]. Theo Điều 39 và Điều 40 của Luật Luật sư năm 2012 tổ chức hành nghề luật sư được quyền thuê luật sư Việt Nam hoặc luật sư nước ngoài, và nhân viên làm việc tại tổ chức hành nghề luật sư, tuy nhiên phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho họ theo quy định của pháp luật. Những quy định này đã tính đến những rủi ro hoặc trách nhiệm của luật sư đối với các hành vi bất chính (malpractice).

Ngoài các đặc thù của tổ chức hành nghề luật sư mà Luật Luật sư năm 2012 quy định, các vấn đề còn lại về tổ chức hành nghề luật sư áp dụng theo các quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 và các luật khác liên quan.

Về tổ chức hành nghề luật sư trong khoảng 10 năm qua, số lượng tổ chức hàng nghề luật sư tăng khoảng 1.100 tổ chức từ 2.928 tổ chức (7/2011) lên con số 4000 tổ chức (tính tới tháng 05/2020) [3, tr. 4]. Trong các đánh giá mới đây nhất của các cơ quan quản lý nhà nước về hành nghề luật sư, cũng như các báo cáo của tổ chức nghề nghiệp của luật sư, khó tìm thấy đôi dòng cụ thể về những khó khăn gây ra bởi các qui định pháp luật về hình thức tổ chức hành nghề luật sư. Tuy nhiên điều đó khó có thể trách các cơ quan đó bởi hình thức tổ chức hành nghề luật sư gắn với các lợi ích cụ thể của luật sư.

Khi nhận xét chung về những hạn chế của luật sư và hành nghề luật sư trong văn bản chính thức để tăng cường luật sư, Bộ Tư pháp chỉ có đôi lời ngắn gọn sau về tổ chức hành nghề luật sư ở Việt Nam:

Các tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam đã số qui mô nhỏ, chủ yếu hoạt động dưới hình thức văn phòng luật sư, chỉ có từ 1 - 2 luật sư, có sở vật chất thiếu thốn, trụ sở thường đặt tại nhà riêng của cá nhân luật sư, công tác quản trị, điều hành lõng lẻo, thiếu tính chuyên nghiệp, cả nước có dưới 05 tổ chức hành nghề luật sư đạt qui mô từ 50 luật sư trở lên. Hoạt động hành nghề của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư chưa mang tính chuyên nghiệp, số luật sư

hành nghề kiêm nhiệm các công việc khác vẫn còn khá cao, chiếm trên 20%. Số tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong các lĩnh vực pháp luật, nhất là trong lĩnh vực luật kinh doanh, thương mại, tài chính, ngân hàng v.v… còn rất ít [3, tr. 11-12].

Bộ Tư pháp chưa đánh giá đầy đủ các khía cạnh của toàn bộ tổ chức hành nghề luật sư với tinh thần khoa học nhất mà vẫn đánh giá xuất phát từ sự chấp nhận các qui định pháp luật hiện hành ấn định về các hình thức tổ chức hành nghề luật sư. Cần phải thấy rõ rằng nếu cho phép có nhưng hình thức dễ dàng trong việc tổ chức hành nghề luật sư hơn thì tổ chức hành nghề luật sư phát triển mạnh về số lượng, nhưng nếu chỉ cho phép những hình thức tổ chức hành nghề hạn chế và nhiều khó khăn trong hoạt động và quản trị thì sẽ tăng cường chất lượng của những luật sư dám đương đâu hành nghề thực sự và hạn chế số lượng luật sư tham gia hành nghề và hạn chế những công ty luật ra đời. Vì vậy cái tài của cơ quan quản lý là lập ra một chính sách thích hợp nhất cân đối được nhu cầu phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên cần phải tính tới giai đoạn. Tuy nhiên, thông qua các nghiên cứu về lý luận nhìn tới thực trạng pháp luật Việt Nam hiện nay về tổ chức hành nghề luật sư, chúng ta có thể thấy những bất cập lớn bao trùm và chủ yếu sau đây:

Bất cập chủ yếu thứ nhất, Luật Luật sư năm 2012 cho phép quá ít các hình thức tổ chức hành nghề luật sư. Luật này chỉ cho phép thành lập công ty luật dưới hai hình thức là công ty luật hợp danh và công ty luật trách nhiệm hữu hạn trong khi lấy Luật Doanh nghiệp làm nền tảng về các hình thức tổ chức hành nghề luật sư. Luật Doanh nghiệp năm 2005, Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Luật Doanh nghiệp năm 2020 đều quy định nhiều hình thức doanh nghiệp hơn thế. Việc cho phép thành lập tổ chức hành nghề luật sư chỉ dưới hai hình thức như trên chưa thực sự nghĩ tới việc tạo thuận lợi cho các luật sư lựa chọn hình thức hành nghề luật sư phù hợp với những hoàn cảnh cụ

thể và ứng phó với sự đòi hỏi của thị trường, tuy nhiên cần quan tâm tới yếu tố nghề nghiệp.

Bất cập chủ yếu thứ hai, Luật Luật sư năm 2012, trong khi cho phép tổ chức hành nghề luật sư dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và nhiều thành viên, nhưng lại không cho phép thành lập tổ chức hành nghề luật sư dưới hình thức công ty hợp danh hữu hạn hay công ty hợp vốn đơn giản trong khi các Luật Doanh nghiệp của Việt Nam hợp nhất hình thức công ty này với công ty hợp danh mà hình thức công ty hợp danh là hình thức công ty luật truyền thống. Việc nghiên cứu các hình thức hành nghề luật sư mới hiện nay trên thế giới chưa được Luật Luật sư năm 2012 và những người có trách nhiệm tính tới.

Bất cập chủ yếu thứ ba, Luật Luật sư năm 2012 chưa thể hiện đúng bản chất tổ chức hành nghề luật sư, chẳng hạn như chưa chắc chắn văn phòng luật sư (doanh nghiệp tư nhân) có bản chất là cá nhân kinh doanh, và chưa thấy công ty luật hợp danh có nhiều người đại diện theo pháp luật. Nguyên nhân chủ yếu của các bất cập trên có thể dự liệu như sau:

Nguyên nhân chủ yếu thứ nhất, chúng ta chưa có các nghiên cứu thật cơ bản, thật bài bản, thật chuyên sâu về các hình thức tổ chức hành nghề luật sư nói chung và từng hình thức hành nghề luật sư cụ thể nói riêng, cũng như chưa nghiên cứu thật kỹ lưỡng về các đặc thù nghề nghiệp luật sư mà có thể gây ảnh hưởng tới các ác quyết sách về luật sư nói chung và về tổ chức hành nghề luật sư nói riêng.

Nguyên nhân chủ yếu thứ hai, khi xây dựng các quy định về hình thức tổ chức hành nghề luật sư, chúng ta hoàn toàn không xem xét tới sự đúng hay sai của các quy định của các Luật mà chúng ta dựa vào làm nền tảng, nhất là Luật Doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu Quá trình hình thành và phát triển chế định nghề luật sư ở việt nam (Trang 63 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)