Trên cơ sở các tài nguyên du lịch văn hóa kết hợp với các chương trình du lịch tâm linh do các công ty kinh doanh lữ hành ở Việt Nam xây dựng, có nhiều loại hình sản phẩm du lịch tâm linh được hình thành. Sản phẩm du lịch tâm linh có thể xây dựng theo ba loại chính:
Thứ nhất: sản phẩm du lịch tham bái theo nghi thức tôn giáo tín ngưỡng thuần túy. Mục đích chính của sản phẩm này là đưa khách du lịch đến các điểm du lịch tâm linh, bao gồm: đình, đền, phủ, miếu, chùa, nhà thờ, tịnh xá trong hoặc ngoài mùa lễ hội; để khách trực tiếp tham gia các hoạt động tham bái, hành lễ. Các hoạt động chủ yếu của khách du lịch là tham bái, trải nghiệm các hoạt động hành lễ tại các điểm tôn giáo, tín ngưỡng và tâm linh này.
Thứ hai: sản phẩm tham quan du lịch và kết hợp với tham bái, hành lễ. Sản phẩm du lịch này, hoạt động tham bái hoặc hành lễ chỉ là việc kết hợp, còn hoạt động tham quan du lịch là mục đích chính của khách du lịch. Khách du lịch đến các điểm du lịch tâm linh bao gồm: đình, đền, phủ, miếu, chùa, trong hoặc ngoài mùa lễ hội; các nhà thờ và tịnh xá. Điểm khác biệt loại này so với loại thứ nhất là trong loại hình này khách du lịch tham gia tham bái và tham quan cảnh quan kiến trúc, tìm hiểu về lịch sử hình thành… trong đó tham bái chỉ là hoạt động kết hợp, không phải mục tiêu chính mà việc tham quan, thưởng ngoạn các yếu tố tài nguyên tự nhiên và nhân văn khác là mục tiêu chủ yếu.
Thứ ba: sản phẩm du lịch tâm linh mang tính thiền. Đây cũng là sản phẩm du lịch tâm linh phổ biến hiện nay.Với loại sản phẩm này, du khách được đưa đến các điểm có cảnh quan thiên nhiên đẹp, cũng có thể là điểm du lịch có chùa. Tại các chương trình này, du khách được trải nghiệm hoạt động thiền và tu học trong một khoảng thời gian nhất định nhằm tự lấy lại cân bằng trong cuộc sống hằng ngày. Thành công của sản phẩm du lịch tâm linh này phụ thuộc rất nhiều vào nội dung và cách thức tổ chức các hoạt động trong chương trình. Những hoạt động này không giống nhau và rất đa dạng. Chúng phụ thuộc vào nhu cầu của du khách và điều kiện tổ chức tại địa điểm tâm linh.
- Loại hình du lịch khám phá địa danh tâm linh
Phần lớn du khách đến tham quan địa danh tâm linh đều có nhu cầu tìm hiểu về địa danh này. Do đó các đơn vị tổ chức chương trình du lịch này thường bố trí Hướng dẫn viên có kiến thức sâu và rộng để giới thiệu cho du khách về địa danh tâm linh, giải thích về sự linh thiêng và huyền bí của những nơi này. Ngoài ra cũng cần dành thời gian để du khách chiêm ngưỡng, cảm nhận và ghi lại hình ảnh của địa danh tâm linh mà họ viếng thăm; khám phá triết lý, cách hành xử tại địa danh tâm linh cũng rất cần thiết.
- Loại hình du lịch gắn với các hoạt động hành lễ
Thông thường, hoạt động hành lễ tại địa điểm tâm linh là hoạt động chủ đạo trong chương trình du lịch tâm linh. Do đó các đơn vị tổ chức chương trình này cần tìm hiểu để có thể tư vấn cho du khách, từ những điều rất nhỏ và cụ thể như: cách thức, số lượng và trình tự cắm hương; nội dung “sửa lễ” và cách thức “đặt lễ” đến những nội dung quan trọng hơn như nội dung và cách thức cầu khấn… Những hoạt động này sẽ tạo ra sự khác biệt giữa một chuyến du lịch tâm linh có tổ chức với một chuyến du lịch tự phát, góp phần làm cho các nghi thức tâm linh được thực hiện đúng cách và trang trọng trong thời gian hành lễ, tránh những xô bồ trong mùa lễ hội.
- Loại hình du lịch gắn với các hoạt động trải nghiệm đời sống tâm linh
Trong thời gian gần đây, để đáp ứng nhu cầu trải nghiệm đời sống tâm linh, một số công ty kinh doanh lữ hành đã thiết kế, tổ chức và chào bán một số chương trình du lịch tâm linh với các loại sản khác nhau.
+ Các khoá tu thiền:
Các khóa tu thiền trong khuôn viên của các Phật tích sẽ giúp cho du khách thanh lọc thân tâm trong những ngày ở trên đất Phật. Chương trình du lịch tâm linh này vì thế rất cụ thể từng nội dung sinh hoạt của các khóa tu với chương trình, giờ giấc, đối tương, nội dung cụ thể.
+ Du lịch hành hương
Du lịch hành hương là đến thăm những địa danh tâm linh như: chùa chiền, thánh đường hoặc những thánh tích mà du khách từng ngưỡng vọng. Đến các địa danh tâm linh này, khách du lịch tâm linh được cung cấp các giá trị sau: Về phương diện lịch sử và niềm tin, du khách thu thập được đầy đủ thông tin về cội nguồn của tín ngưỡng, tôn giáo của mình trong suốt quá trình hành hương đó, họ còn được sống cùng nhau trong một môi trường tâm linh: chiêm bái, cầu nguyện, thực tập phép an tâm để tu dưỡng tinh thần, tạo sức mạnh cho niềm tin và sự chuyển hóa tâm thức, thực hành các nghi lễ truyền thống, tìm hiểu được các giá trị thẩm mỹ từ nghệ thuật, kiến trúc của các địa danh tâm linh này. Về phương diện tâm linh, sau chuyến hành hương nhiều du khách đã có những thay đổi về tư duy và hành xử cuộc sống hướng thiện, hiểu rõ về ý nghĩa nhân sinh và giá trị cuộc sống; nhờ đó, sống sâu sắc hơn cho chính mình, cho người thân và cho xã hội.