Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ file word) Các nhân tố ảnh hưởng đến lòng trung thành của du khách tại các điểm du lịch tâm linh ở Việt Nam (Trang 101 - 103)

Nước ta là một quốc gia đa tín ngưỡng và tôn giáo. Người dân được tự do theo hoặc không theo cũng như thực hành các tín ngưỡng/tôn giáo theo quy định về Luật tín ngưỡng, tôn giáo (2016, Điểm 1 Điều 6). Theo đó, tín ngưỡng được hiểu là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những nghi lễ gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng. Tôn giáo là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức (Điều 1 Luật tín ngưỡng, tôn giáo, 2016).

Tại Việt Nam các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo phát triển khá bao gồm: tín ngưỡng thờ tổ tiên, thờ các anh hùng lỗi lạc trong lịch sử dựng nước và giữ nước, tục thờ mẫu, thờ thành hoàng làng. Các cơ sở tín ngưỡng cùng với những nghi lễ gắn liền hoặc liên quan như: đình, đền, miếu, phủ… phong phú, trải dài từ Bắc vào Nam cũng là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn đáng kể. Với chính sách tự do tín ngưỡng và sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về vấn đề tín ngưỡng, hiện nay không ít các ngôi đền, đình, phủ, miếu… được quan tâm sửa chữa, trùng tu. Đó là một trong những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển hoạt động du lịch, đặc biệt là hoạt động du lịch tâm linh

Tôn giáo: là một tổ chức lấy niềm tin tâm linh làm trung tâm cùng một hệ thống tín điều, giáo lý, giáo phẩm, giáo hội…, về mặt nào đó, tôn giáo như là một trung giao giúp con người tương cảm, tương thông với những đối tượng như Trời, Phật, Chúa, Thánh thần… mà con người tin tưởng sùng bái

Tôn giáo ở Việt Nam cũng rất phong phú. Theo số liệu thống kê từ ban tôn giáo của Chính Phủ, đến năm 2018, cả nước có 12 tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân và đang hoạt động: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Hồi giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Tịnh độ cư sĩ Phật hội, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, đạo Ba’hai, Minh Chơn đạo, Minh Lý đạo và Bửu Sơn Kỳ Hương, với tổng số 37 tổ chức giáo hội, hội thánh, hơn 20 triệu tín đồ các tôn giáo, trên 85.000 chức sắc, nhà tu hành và hơn 26.000 cơ sở thờ tự các tôn giáo ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước. Một số tôn giáo phổ biến nhất ở Việt Nam có thể kể đến:

Trong các tôn giáo, Đạo Phật (Phật giáo) là tôn giáo phát triển mạnh nhất ở Việt Nam hiện nay. Phật giáo có lịch sử lâu đời, có nhiều tín đồ, và có ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng người Việt. Theo thống kê từ Ban tôn giáo Chính Phủ, Việt Nam có hơn 14.775 tự, viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường trong cả nước. Về số dân: có khoảng 80% - 90% dân số Việt Nam mang thiên hướng Phật giáo. Trong đó, nhiều cơ sở tự, viện, tịnh xá, tịnh thất này được công nhận là di tích. Phật giáo là một tôn

giáo có nhiều hoạt động thu hút được đông đảo tín đồ tham gia, là điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch tâm linh, du lịch thiền, góp phần quan trọng sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Đạo Thiên Chúa (Thiên Chúa giáo): Tin thờ chúa Trời và Chúa Giê su, tín đồ đạo này quan niệm chỉ có 1 Thượng đế duy nhất là Chúa Trời, Chúa sáng tạo ra vũ trụ, con người và muôn loài trên trái đất. Đạo Thiên Chúa cho rằng thân xác con người là cát bụi, nhưng linh hồn thì bất diệt, do đó cho rằng có Thiên đàng và địa ngục, tức là nơi hạnh phúc vĩnh hằng và noi khổ nhục đời đời, con người sau khi chết sẽ về một trong hai nơi đó.

Đạo Thiên Chúa du nhập vào Việt Nam qua những nhà truyền giáo Tây Ban Nha, Pháp, Bồ Đào Nha từ đầu thế kỉ XVI tại Nam Định (thời nhà Lê Mạc), Sau đó, Pháp khuyến khích người dân theo tôn giáo mới này bởi họ cho rằng nó sẽ giúp làm cân bằng số người theo Phật giáo (chiếm số đông do trải qua quá trình lịch sử phát triển lâu dài) và số người theo Thiên Chúa giáo (chiếm số ít do mới du nhập). Thời gian đầu, từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, đa số người Việt ít gia nhập đạo Thiên Chúa Giáo, do đó đạo Thiên Chúa giáo chỉ lan truyền trong một số ít dân cư các tỉnh ven biển Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, sau lan rộng tới vùng châu thổ sông Hồng và các vùng đô thị. Trong giai đoạn này, giáo sĩ Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) có công rất lớn trong việc tạo dựng nền móng đạo Thiên Chúa Giáo ở Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 5,5 triệu tín đồ Thiên Chúa giáo, khoảng 6.000 nhà thờ trên khắp đất nước. Hiện nay một số ngày lễ quan trọng của đạo này tại các địa phương có đông tín đồ Thiên Chúa giáo như lễ Phục Sinh(Chúa sống lại), lễ Giáng sinh(Chúa sinh ra đời)… với các nghi thức tâm linh độc đáo, đã thu hút đông đảo du khách ở khắp nơi đến tham quan, tìm hiểu.

Đạo Cao Đài: là một tôn giáo của người Việt, được thành lập năm 1926. Đạo Cao Đài là một tổ chức tín ngưỡng tổng hợp nhiều tín ngưỡng trong đó, trong đó cơ bản là các đạo Nho, Lão, Phật, Thiên Chúa. Cho nên niềm tin, tư tưởng, giáo thuyết cũng là một sự tổng hợp của các đạo giáo nêu trên. Các tín đồ Cao Đài thi hành những giáo luật như không sát sinh, sống lương thiện, hòa đồng, làm điều lành, tránh điều dữ, hay giúp đỡ bên ngoài, cầu nguyện, thờ cúng tổ tiên và luôn thể hiện tình yêu thương mọi người thông qua việc ăn chay với mục tiêu giản đơn là đem sự hạnh phúc đến cho mọi người, đưa mọi người về với Thượng Đế nơi thiên giới. Đạo Cao Đài phát triển mạnh và lan tỏa ở nhiều địa phương trong gia đoạn đầu. Về sau đạo Cao Đài phân hóa

thành nhiều giáo phái và không còn phát triển mạnh như trước nữa. Hiện nay trụ sở của Trung Ương đạo Cao Đài được đặt tại Tòa Thánh Tây Ninh, đây là một địa điểm du lịch tâm linh, một công trình kiến trúc độc đáo thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, hành lễ.

Đạo Hòa Hảo: hay Phật giáo Hòa Hảo, là một tôn giáo Việt Nam có nguồn gốc từ Phật giáo. Đạo này do ông Huỳnh Phú Sổ sáng lập và làm giáo chủ,vào năm 1939 tại làng Hòa Hảo, nay thuộc thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Đạo Hoà Hảo tin vào thuyết luân hồi, nhân quả, lấy từ bi, bình đẳng làm con đường hành đạo, khuyến khích nghi lễ thờ cúng đơn giản (chỉ có hoa và nước sạch) và loại bỏ mê tín dị đoan. Những buổi hành lễ được tổ chức đơn giản, không có ăn uống, hội hè. Lễ lộc, cưới hỏi hay ma chay không cầu kỳ như thường thấy ở những tôn giáo khác. Đạo không có tu sĩ, không có tổ chức giáo hội mà chỉ có một số chức sắc lo việc đạo và cả việc đời. Tôn giáo này hiện có khoảng 1,3 triệu tín đồ, tập trung chủ yếu ở miền Tây Nam bộ, đặc biệt là khu vực tứ giác Long Xuyên.

Đạo Tin Lành hay còn gọi là Cơ Đốc giáo, có cùng nguồn gốc với Thiên Chúa giáo, do mục sư Martin Luther sáng lập, Đạo Tin Lành tin thờ chúa trời và chúa Giê Su, nhưng không tin thờ đức mẹ Maria, có cùng thánh kinh và giáo lý với đạo Thiên Chúa Giáo, đạo này được truyền vào Việt Nam năm 1911. Đầu tiên, tôn giáo này chỉ được cho phép hoạt động tại các vùng do Pháp quản lý và bị cấm tại các vùng khác. Đến năm 1920, đạo Tin Lành mới được phép hoạt động trên khắp Việt Nam. Đến năm 2004, số tín đồ đạo Tin Lành ở Việt Nam vào khoảng 1 triệu người, chủ yếu tập trung ở thành phố Hồ Chí Minh, khu vực Tây Nguyên và Tây Bắc.

Đạo Hồi (Hồi giáo) được truyền vào Việt Nam từ rất sớm, đầu tiên là khoảng thế kỉ X - XI trong cộng đồng người Chăm. Việt Nam hiện có khoảng 60.000 tín đồ Hồi giáo, sống tập trung chủ yếu ở các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, An Giang, Tây Ninh, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh.

Với sự đa dạng về tín ngưỡng, tôn giáo và các cơ sở thờ tự cùng với nhiều lễ hội mang màu sắc tín ngưỡng, tôn giáo trên cả nước đem lại tiềm năng lớn cho các hoạt động du lịch tâm của Việt Nam hiện tại và trong tương lai.

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ file word) Các nhân tố ảnh hưởng đến lòng trung thành của du khách tại các điểm du lịch tâm linh ở Việt Nam (Trang 101 - 103)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(194 trang)
w