Giai đoạn SokaGakkai thành lập Komeito cho đến ly khai đảng

Một phần của tài liệu Quan hệ giữa nhà nước và giáo hội ở Nhật Bản từ sau kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai đến năm 1995 qua trường hợp Soka Gakkai. (Trang 75 - 79)

Tiếp tục phát huy lý tưởng “vương Phật minh hợp” của tổ giáo Nichiren (Nhật Liên), so với giai đoạn trước, Soka Gakkai ngày càng can dự sâu vào chính trường hơn. Đảng chính trị của Soka Gakkai - nơi đề cao tư tưởng chủ nghĩa dân chủ của Phật pháp, được coi là là cơ sở tịnh hóa (làm trong sạch hóa) giới chính trị. Như đã đề cập, Hội trưởng Toda Josei từng cho rằng việc Soka Gakkai tham gia chính trị là điều cần thiết và lập luận rằng tinh thần từ bi của Phật pháp cần phải được hiện thức hóa qua chính trị. Ông luôn khẳng định lý do giáo phái Soka Gakkai tham gia vào chính trị không nhằm mục đích quốc giáo hóa tôn giáo Nhật Liên Chính tông, không nhằm mục đích độc chiếm Nội các hay giành chính quyền Nhật Bản. Ở giai đoạn những năm 1964 - 1970, tuy chỉ có 7 năm, dưới sự chỉ đạo của vị chủ tịch thứ ba Ikeda Daisaku, Soka Gakkai gây được tiếng vang, đạt đỉnh cao trong chiến dịch “tham chính” ở Nhật Bản. Diễn trình tham chính của Soka Gakkai được phản ánh qua các hoạt động như sau.

Vào ngày 3 tháng 5 năm 1964, Soka Gakkai tiến hành tổ chức đại hội lần thứ

27. Nhân dịp này, tổ chức công bố kế hoạch tiến mạnh vào Hạ viện. Trong đại hội lần này, Chủ tịch Ikeda Daisaku đã đánh dấu bước chuyển giao quan trọng trong hoạt động chính trị của Soka Gakkai khi tuyên bố: “Nhiệm vụ của Ban chính trị là cử những người có tài đức, có lòng vì dân vào giới chính trị. Cho tới khi hoàn thành được mục tiêu trên, Soka Gakkai mới có thể xây dựng một xã hội hạnh phúc... Tuy nhiên, Soka Gakkai không tồn tại trên danh nghĩa một đảng chính trị. Chúng tôi chỉ muốn cử các đại biểu vào Thượng viện và các cơ quan lập pháp địa phương

[98;tr.163]. Cùng năm, Ikeda xuất bản tập sách mang tên "Chính trị và tôn giáo". Ông viết sách dựa trên tư tưởng "vương Phật minh hợp" của giáo tổ Nhật Liên. Ngã rẽ lớn đối với Soka Gakkai là sự kiện ngày 17 tháng 11 năm 1964, khi Soka Gakkai đưa tổ chức "Liên minh chính trị công minh" trở thành một đảng chính trị có tư cách pháp lý, lấy tên là "Komeito" (Đảng Công Minh). Thành tựu này đánh dấumốc quan trọng trong lịch sử phát triển của Soka Gakkai. “Công Minh”, theo nguyên nghĩa tiếng Anh là “Clean Govement” tức là một đảng theo đường lối chính trị trong sạch, công bằng. Để thu hút phiếu bầu ủng hộ từ người dân, Komeito nêu cao khẩu hiệu đấu tranh bài trừ các quan chức chính trị tham ô, mang đức tin cho dân. Song song với hoạt động

này, Komeito trực tiếp hỗ trợ các ứng cử viên trong cuộc bầu cử Thượng viện, thay thế vai trò trước đó của Soka Gakkai. Chủ tịch Ikeda cho hay, sự ra đời của một đảng chính trị mới nhằm giúp tôn giáo Soka Gakkai tránh điều tiếng liên quan đến chính trị. Komeito đã thành công về thủ tục pháp lý của một đảng chính trị, có bộ máy hoạt động độc lập với Soka Gakkai. Tuy nhiên, các tín đồ của Soka Gakkai không bị giới hạn bởi việc gia nhập Komeito cho nên sự thật là hai tổ chức là hai cơ quan phối hợp với nhau. Hội viên của Komeito đều mang tôn giáo Soka Gakkai. Không chỉ hoạt động với tư cách là tổ chức tài trợ cho Komeito, các lãnh đạo của Soka Gakkai giữ vai trò quyết định tới chính sách đặc biệt của Komeito [90;tr.195]. Hầu hết sự ủng hộ dành cho đảng này cũng đến từ hội viên của Soka Gakkai6.

Sang năm 1965, đảng Komeito một lần nữa khẳng định tầm ảnh hưởng rộng lớn khi giành chiến thắng liên tiếp ở kỳ bầu cử các cấp. Trong các cuộc bầu cử toàn quốc cùng năm, tại lần bầu cử Thượng viện lần thứ 7, Soka Gakkai ủng hộ thành công 11 thành viên đắc cử, đưa Komeito tăng số lượng thành viên trong Thượng viện lên 20 người (cộng cả thành viên cũ). Trong các lần bầu tại Tokyo, Đảng cũng đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong Hội đồng thủ đô. Cách thức mà tín đồ của hội được đông đảo người dân ủng hộ, không bầu phiếu cho đối thủ cạnh tranh là thủ thuật phanh phui các vụ bê bối của các đối thủ trước công chúng. Hiện tượng “sương mù đen”

(kuroi kiri) ám chỉ những bê bối của các thành viên nội các, chẳng hạn như vụ hối lộ Hội đồng

Thủ đô Tokyo, vấn đề bại hoại đạo đức cá nhân của quan chức cầm quyền. Lợi dụng tình thế này, các đại biểu của Komeito ra tranh cử với khẩu hiệu “quét sạch sương mù đen”. Họ kêu gọi người dân ủng hộ, bỏ phiếu cho mình và khai trừ những chính trị gia “có vết nhơ” của đảng LDP. Có thể nóirằng thành công của Komeito trong cuộc bầu cử này phần lớn dựa vào chiến thuật bới móc, phô bày vết nhơ của đảng đối thủ [90; tr.4-7].

Trong lần bầu cử toàn quốc ngày 29 tháng 1 năm 1967, 25/32 đại biểu của Komeito giành được ghế nghị sĩ trong Hạ viện (kỳ bầu cử Hạ viện thứ 31), thành quả này giúp Komeito đạt thành tích trở thành đảng đối lập thứ ba tại Nhật Bản [152]. Chỉ sau vài năm, Komeito đã vượt qua gần 20 đảng chính trị tại Nhật Bản vươn lên vị trí “thứ ba”, chiếm tỷ trọng số lượng ghế không nhỏ trong quốc hội ở cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện. Dù rằng, đây là lần đầu tiên Komeito tiến cử các đại biểu vào cơ quan lập pháp quan trọng như Hạ viện. Trước kỳ bầu cử Hạ viện năm này, Ikeda tuyên bố phương châm hoạt động của Komeito là “bảo vệ hiến pháp”, “phục sự quốc dân”. Khi bầu cử kết thúc, Takeiri và Yunya Yano - hai thành viên nghị sĩ của Hạ viện lần lượt được bình bầu làm chủ tịch và tổng thư ký của Komeito. Vị trí của Komeito ngày càng lớn mạnh hơn ở Hạ viện. Có thể nói đây cũng là thắng lợi to lớn của Komeito và Soka Gakkai.

6 Dựa theo số liệu của Komeito trong những lần bầu cử trước, Proceedings of the Eighth National Convention, 25/1/1970, trang 35-37. Phần lớn người ủng hộ Soka Gakkai phần lớn là phụ nữ tầm tuổi từ 20 đến 40 tuổi, với một số hơn 50 tuổi. Trình độ học vấn của những người theo Soka Gakkai chủ yếu là ở cấp trung học cơ sở, và đa số làm lao động phổ thông. [81; tr.59-105].

Từ năm 1969 đến năm 1970, Komeito đã thay đổi chiến lược mới, quyết định chuyển hướng từ một đảng chính trị tôn giáo sang hướng trở thành “đảng chính trị của dân”, tiếp tục lộ trình cải cách, tái cơ cấu đảng với mong cầu giành vị thế cao trong chính giới. Komeito tự tiến hành tổng tuyển cử nội bộ với tư cách là một chính đảng của dân. Kết quả bước đầu cho thấy, Komeito trở thành đảng chính trị quyền lực cả ở trong Thượng viện lẫn Hạ viện. Dưới sự hỗ trợ của Soka Gakkai, Komeito liên tục giành chiến thắng trong các kỳ tranh cử, cũng chính bởi lý do nói trên, dư luận để mắt tới Soka Gakkai nhiều hơn so với các tôn giáo khác [128;tr.180-181].

Như vậy, xét từ phương châm hoạt động, mang tư cách là “người mẹ đỡ đầu” cho Komeito, Soka Gakkai dùng mọi biện pháp hỗ trợ đảng chính trị của mình. Soka Gakkai luôn giữ lập trường là đoàn thể chi viện cho Komeito, giơ cao ngọn cờ “vương Phật minh hợp” và khẩu hiệu “hai tổ chức nhất thể bất nhị”. Càng về sau của thời kỳ này, Soka Gakkai càng phát triển thì sức ảnh hưởng tới chính trị càng lớn mạnh. Nhiều chính trị gia, học giả, các nhà văn hóa nhận xét rằng Soka Gakkai không phải là đoàn thể tôn giáo mà là đoàn thể chính trị.

Từ cuối năm 1969 cho đến năm 1970, do xã hội Nhật Bản liên tục xảy ra nhiều tranh luận, phê phán nhắm vào Soka Gakkai và quan hệ của hội với đảng chính trịKomeito. Họ chỉ trích tổ chức này vi phạm nguyên tắc “chính giáo phân li” trong Hiến pháp Nhật Bản [118;tr.260]. Vì lo ngại mất dần lòng tin từ phía công chúng, sợi dây mật thiết giữa Soka Gakkai và Komeito đành phải chùng hơn. Đáp trả làn sóng phê phán này và để trấn an dư luận, tại kỳ họp trọng đại của Soka Gakkai vào ngày 3 tháng 5 năm 1970, Chủ tịch Ikeda khéo léo biện giải đại ý rằng Komeito không phải là đảng chính trị của tổ chức tôn giáo Soka Gakkai [128;tr.179]. Ông giải thích :

1.Mục tiêu truyền bá của Soka Gakkai góp phần xây dựng phong trào vận động văn hóa trên nền tảng tư tưởng, giáo lý của Phật giáo. Soka Gakkai tiến vào giới chính trị theo trào lưu “tham chính” của tôn giáo mới.

2.Cảnh Giới Bản Môn – con đường căn bản của Nichiren (Nhật Liên tông) không thuộc bộ phận quản lý của nhà nước. Đối với Soka Gakkai, việc quốc giáo hóa Nhật Liên Chính tông là điều bất khả thi trong hiện thực.

3. Đường lối của Komeito hướng tới phúc lợi của dân, không liên quan trực tiếp đến hoạt động của Soka Gakkai.

4. Komeito từ nay sẽ không cho phép các nghị sĩ quốc hội – thành viên của mình kiêm chức vụ trong Soka Gakkai.

5. Tuy nhiên, Soka Gakkai với tư cách là đoàn thể nâng đỡ Komeito, vẫn tiếp tục tiếp sức cho Komeito trong công tác tuyển cử ở các khu vực và kiên quyết bảo vệ giữ đảng Komeito cho hội viên [128,tr.179].

Đồng thời cùng ngày, Ikeda gửi lời xin lỗi về vấn đề gây cản trở xuất bản báo chí tại Đại hội toàn tổ chức lần thứ 11 [128;tr.180]. Ông tuyên bố thay mặt tổ chức rút lại tư tưởng "quốc lập giới đàn" và tiến hành phân tách cơ cấu của hai tổ chức Soka Gakkai - Komeito. Tại tổng hội của

Soka Gakkai, Ikeda tuyên bố cải cách, li khai Komeito với Soka Gakkai. Cụ thể, ông đưa ra phương châm thực hiện phân li chính giáo một cách triệt để :

1. Bỏ chức vụ kiêm nghị sĩ của cán bộ Soka Gakkai. Bản thân Ikeda từ nay về sau cũng không tham dự vào chính trị.

2. Nâng cao năng lực tự lập của Komeito, Soka Gakkai kiên quyết giữ lập trường là đoàn thể chi viện của Komeito. Các hoạt động chính trị như hỗ trợ bầu cử nghị sĩ tham dự chính trị do Komeito thực hiện, Soka Gakkai chỉ hỗ trợ với tư cách là đoàn thể chi viện, giúp đỡ Komeito.

3. Tư tưởng “quốc lập giới đàn” không phải là quốc giáo hóa mà cụm từ này từ nay sẽ không được Soka Gakkai và tổ chức liên quan tới Soka Gakkai sử dụng nữa.

Ngày 25 tháng 6 năm 1970, Ikeda phổ biến phương châm mới này tại cuộc họp của Komeito. Kể từ đó, họ không dùng các từ ngữ mang tính tôn giáo. Những lời tuyên bố trên và sự li khai giữa Komeito với giáo hội nhằm mục đích giảm sức công phá của cơn bão chỉ trích từ dư luận [128;tr.180-181].

Như vậy, trong thời kỳ này, mục đích của Soka Gakkai là sự hợp nhất giữa Phật giáo Nhật Liên và chính trị, hay nói cách là mong cầu sự chấp nhận nguyên tắc của Nichiren Shoshu trong tư tưởng và hành vi của con người. Sau cùng, Soka Gakkai muốn kiến tạo một cuộc cách mạng về con người thông qua giáo lí Obutsu- myogo (Phật giáo thần quyền). Komeito cần tạo ra sự thay đổi về cơ cấu trong xã hội - những thay đổi góp phần xây dựng môi trường xã hội, kinh tế, chính trị thuận lợi cho sự phát triển của giáo lí Nichiren Shoshu. Đây là giáo lý thể hiện tính đồng nhất giữa luật thế tục và luật của thần, trong đó bao gồm lĩnh vực Soka Gakkai muốn hướng tới. Theo Ikeda, văn hóa theo tinh thần của Phật giáo thần quyền, thể hiện ở sự kết hợp những nét đẹp của nền văn hóa phương Tây (tâm linh) với nền văn hóa theo chủ nghĩa Mác. Giáo lý Obutsu myogo tạo ra nét riêng của một văn minh mới [93;tr.181- 188]. Để thực hiện hóa, Soka Gakkai cho tổ chức bộ máy chính quyền và các lĩnh vực nghệ thuật, khoa học - công nghệ dựa trên căn đế của đạo Phật. Soka Gakkai thông qua Obutsu myogo và Komeito, mong muốn kết hợp được những gì tốt đẹp nhất của nền dân chủ phương Tây, “chủ nghĩa Mác” với những học thuyết về tôn giáo, đạo đức và xã hội của Nhật Liên tông [132;tr.48-58]. Bộ máy chính trị được hình thành dựa trên cơ sở đó sẽ đảm bảo quyền tự do, bình đẳng và bác ái cho quần chúng. Đây là nội dung quan trọng của nền dân chủ Phật giáo (buppo minshushugi) theo cách gọi riêng của Soka Gakkai [90;tr.261-270].

Điều đáng quan tâm là đảng phái chính trị đặt trên nền tảng tôn giáo Soka Gakkai cũng không được nhiều người Nhật ủng hộ. Soka Gakkai và Komeito bị dư luận kết án có ý đồ mưu toan tạo ra một quốc giáo. Đối mặt với tình huống này, hai tổ chức kiên quyết phủ nhận mọi lời cáo buộc. Họ một mực cho rằng giáo lí Nichiren Shoshu là giáo lý bao quát, không hạn chế phạm vi phát triển vai trò quốc giáo của một quốc gia.

Như vậy, ở giai đoạn từ năm 1964 đến năm 1972, tuy thời gian diễn ra không quá lâu nhưng có thể nhận định đây là giai đoạn cao trào nhất, thành công nhất trong lịch sử của Soka

Gakkai. Năm 1964 là năm bước ngoặt cho sự ra đời của một đảng chính trị do một giáo phái tôn giáo mới tạo dựng, một tôn giáo từng được xem là “thứ tôn giáo bên lề” tại Nhật Bản đã làm được điều đáng ngạc nhiên so với các tôn giáo truyền thống lớn. Từ những năm 1964 tới năm 1969 là thời kỳ đỉnh cao của đảng chính trị - tôn giáo, Komeito cũng trở thành đảng đối lập lớn thứ 3 tại Nhật Bản [50;tr.134-135]. Tiếng vang lớn này đồng thời cũng gây khó khăn cho Soka Gakkai và Komeito trong việc không nhận được sự ủng hộ của cộng đồng. Khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp chính trị, Soka Gakkai bị chỉ trích nặng nề, gắn tội danh “vi phạm hiến pháp ở nội dung các tôn giáo can dự vào chính trị trong Chính giáo phân li”. Chỉ sau hơn hai năm, từ 1970 tới 1972, đối mặt với tình thế bất lợi, hai tổ chức này đã ra quyết định ly khai và tồn tại độc lập để tránh đụng chạm tới pháp luật và dư luận. Năm 1972, hai tổ chức công bố chính thức là hai thực thể tồn tại độc lập về mặt pháp lý. Komeito bước đầu thay đổi và tìm hướng đi mới hơn, có nhiều hoạt động tích cực cho các hoạt động hòa bình, an sinh hơn dưới sự ủng hộ thầm lặng từ phía Soka Gakkai.

Một phần của tài liệu Quan hệ giữa nhà nước và giáo hội ở Nhật Bản từ sau kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai đến năm 1995 qua trường hợp Soka Gakkai. (Trang 75 - 79)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(194 trang)
w