Có nhiều cách phân loại hoạt động FDI như sau:
Buôn bán đối ứng: là hình thức đơn giản nhất của FDI và chỉ áp dụng đối với những nước có chính sách hạn chế nhập khẩu và hạn chế đầu tư chặt chẽ. Ở Việt Nam, hình thức này được áp dụng trước khi có Luật Đầu tư nước ngoài (năm 1987) và đến nay hầu như không sử dụng nữa.
Hợp đồng hợp tác kinh doanh: là hình thức đầu tư, theo đó bên nước ngoài và bên chủ nhà cam kết thực hiện các nghĩa vụ và được hưởng các quyền lợi tương xứng ghi trong một hợp đồng hợp tác kinh doanh. Đây là một hình thức đơn giản, dễ thực hiện, do đó thường thích hợp với giai đoạn đầu mở cửa cho đầu tư FDI. Bên nước ngoài thường đóng góp thiết bị, công nghệ, vật tư, tham gia kiểm soát chất lượng; còn bên chủ nhà thường tổ chức sản xuất theo chỉ dẫn của nước ngoài.
Liên doanh: là doanh nghiệp do các bên nước ngoài và nước chủ nhà thành lập, trong đó các bên cùng góp vốn, cùng điều hành kinh doanh, cùng chia sẻ rủi ro và lợi nhuận theo tỷ lệ góp vốn trên cơ sở hợp đồng liên doanh hoặc hiệp định ký kết giữa Chính phủ nước chủ nhà với Chính phủ nước ngoài. Hình thức này ưu việt hơn hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh do sự gắn bó trách nhiệm và quyền hạn chặt chẽ hơn giữa các bên.
Hình thức liên doanh chỉ thích hợp trong giai đoạn đầu của quá trình thu hút vốn FDI, thích hợp với những lĩnh vực đầu tư bắt buộc cần phải có sự tham gia liên doanh của nước chủ nhà. Đó là các dự án lớn ở các ngành công nghiệp và dịch vụ quan trọng, các dự án nông – lâm nghiệp, các dự án sử dụng nhiều tài nguyên.
Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài: là doanh nghiệp hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, được thành lập tại nước tiếp nhận đầu tư, quản lý và chịu trách nhiệm về hoạt động cũng như kết quả sản xuất kinh doanh. Đây là hình thức được nhiều nhà đầu tư FDI ưa thích, nhất là các công ty xuyên quốc gia. Hình thức này rất phát triển ở những nước có môi trường đầu tư rõ ràng, ổn định và thích hợp với nhiều ngành nghề khác nhau.
Hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT): là văn bản ký kết giữa các nhà đầu tư nước ngoài với cơ quan có thẩm quyền của nước chủ nhà để đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng (kể cả mở rộng, nâng cấp, hiện đại hoá công trình) và kinh doanh trong một thời gian nhất định để thu hồi vốn và có lợi nhuận hợp lý, sau đó chuyển giao không bồi hoàn toàn bộ công trình cho nước chủ nhà.
Hợp đồng xây dựng – chuyển giao – kinh doanh (BTO): được hình thành tương tự như hợp đồng BOT nhưng sau khi xây dựng xong công trình, nhà đầu tư nước ngoài chuyển giao lại cho nước chủ nhà và được Chính phủ nước chủ nhà dành cho quyền kinh doanh công trình đó hoặc công trình khác trong một thời gian đủ để hoàn lại toàn bộ vốn đầu tư và có lợi nhuận thoả đáng về công trình đã xây dựng và chuyển giao.
Hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT): được hình thành tương tự như hợp đồng BOT nhưng sau khi xây dựng xong công trình, nhà đầu tư nước ngoài chuyển giao lại cho nước chủ nhà và được Chính phủ nước chủ nhà thanh toán bằng tiền hoặc bằng tài sản nào đó tương xứng với vốn đầu tư đã bỏ ra và một tỷ lệ lợi nhuận hợp lý.