Các nghiên cứu trong nước về hiệu quả FDI gần đây đã được một số tác giả quan tâm, tuy nhiên đa phần những nghiên cứu này chỉ dừng lại ở các nghiên cứu định tính như: nghiên cứu của Trần Nguyễn Ngọc Anh Thư (2001) [21] với đề tài “Nghiên cứu sựảnh hưởng của hoạt động đầu tư nước ngoài đến sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của Việt Nam”, tác giả đã nghiên cứu FDI ở thời kỳ nền kinh tế Việt Nam sau cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ Đông Nam Á nhưng kết quả chưa đánh giá một cách toàn diện sự tác động tích cực và hạn chế của hoạt động FDI đến nền kinh tế Việt Nam.
Nghiên cứu của Trần Nguyễn Thị Ái Liên (2007) [22], trên cơ sở nghiên cứu và phân tích cơ chế tác động của môi trường đầu tư đến thu hút vốn FDI qua ba khía cạnh: chi phí đầu tư, rủi ro đầu tư và rào cản cạnh tranh cũng chỉ dừng lại ở mức độ nghiên cứu định tính.
Đề tài cấp Bộ của TS. Phạm văn Hùng (2008) [19] đã tập trung nghiên cứu lý thuyết và phân tích thực trạng về minh bạch hoá hoạt động kinh tế cũng như những tác động của minh bạch hoá hoạt động kinh tế đến thu hút vốn FDI của Việt Nam cũng chỉ dừng lại ở mức độ nghiên cứu định tính.
Luận án tiến sĩ kinh tế của Nguyễn Như Ý (2001) [13], sử dụng phương pháp hồi quy hai biến để xây dựng mô hình ước lượng tác động của đầu tư nước ngoài lên tăng trưởng GDP giai đoạn 1988 – 1999. Tuy nhiên, do thời gian tác giả làm luận án thì nguồn dữ liệu về FDI chỉ có 12 năm và việc hạch toán các chỉ tiêu sản lượng của quốc gia theo hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) cũng mới chính thức được áp dụng từ 1989 (thay cho hệ thống bảng cân đối sản phẩm vật chất MPS) nên luận án chỉ có thể đưa vào mô hình hồi quy 2 biến, điều này gây trở ngại cho việc vận dụng các mô hình lý thuyết và ảnh hưởng đến kết quả ước lượng. Tác giả không thực hiện bất kỳ kiểm định nào cho mô hình và luận án chưa phân tích những trở lực đối với việc thu hút FDI, nguyên nhân của chúng để đưa ra đầy đủ, toàn diện, đúng đắn về các giải pháp tháo gỡ nhằm tăng cường khả năng thu hút FDI.
Luận án tiến sĩ kinh tế của Triệu Hồng Cẩm (2004) [25], bằng phương pháp thống kê, định tính và sử dụng phương pháp hồi quy đa biến, luận án đã xây dựng một mô hình (gồm 5 biến) phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động thu hút FDI tại Việt Nam thời kỳ 1988 – 2001. Kết quả cho thấy các biến: tốc độ tăng trưởng thực, đầu tư quốc nội, tỷ giá hối đoái thực, viện trợ nước ngoài có ảnh hưởng đến việc thu hút FDI tại Việt Nam và luận án đã thiết lập được các giải pháp nhằm đẩy mạnh thu hút FDI tại Việt Nam, đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện các giải pháp này. Tuy nhiên, tác giả không xử lý tính nội sinh của các biến số trong mô hình và cũng không kiểm định các khuyết tật của mô hình.
Nghiên cứu của Tam Bang Vu (2008) [82], sử dụng phương pháp hồi quy GLS với bộ dữ liệu của 11 ngành kinh tế tại Việt Nam giai đoạn 1988 – 2012, mô hình được xây dựng với cấu trúc:
( , , , , , )
GDP= f LAB FDILAB CAP INTCAP HUM CON
Trong đó: GDP (tổng sản phẩm quốc gia); LAB (lượng lao động ); FDILAB
(tác động giữa FDI và GDP); CAP (vốn); INTCAP (tác động giữa lãi suất và vốn);
CON (các biến kiểm soát của mô hình). Tác giả đã kết luận rằng FDI có ảnh hưởng đáng kể và tích cực đến năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam nhưng hiệu quả không được phân phối đồng đều giữa các ngành kinh tế.
Luận án tiến sĩ kinh tế của Hồ Nhựt Quang (2010) [9], sử dụng phương pháp hồi quy đa biến để nghiên cứu tác động của của các yếu tố kinh tế vĩ mô đối với thu hút FDI tại Việt Nam giai đoạn 1989 – 2009, kết quả cho thấy có 4 yếu tố vĩ mô quan trọng tác động đến hoạt động thu hút FDI là: giá trị GDP thực, giá trị tiêu dùng cuối hàng năm trong nền kinh tế, tổng giá trị thương mại quốc tế, đầu tư nhà nước vào lĩnh vực nông nghiệp. Luận án cũng đưa ra các kiến nghị về chính sách có liên quan đến thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam. Tuy nhiên, mô hình mà tác giả xây dựng được vẫn chưa được kết nối đánh giá tiếp cận từ vĩ mô đến vi mô để nghiên cứu và phân tích đầy đủ hơn các mối quan hệ kinh tế trong quá trình tăng trưởng. Mô hình này cũng không được kiểm định các khuyết tật để đảm bảo kết quả ước lượng chính xác.
Bằng cách sử dụng phương pháp hồi quy GMM để xem xét mối liên hệ giữa đầu tư trực tiếp nước ngoài và tăng trưởng kinh tế trong bộ dữ liệu mảng bao gồm 61 tỉnh/thành của Việt Nam giai đoạn 1996-2005, Sajid Anwar and Lan Phi Nguyen (2010) [76] đã thực hiện nghiên cứu với mô hình được xây dựng theo cấu trúc:
( , , , , , , )
G= f FDI SI XG HC DIG LA RER . Trong đó: G (tốc độ tăng trưởng từng tỉnh);
SI (tỉ lệ chi tiêu chính phủ hằng năm); XG (tỷ lệ xuất khẩu trên GDP); HC (Số lượng sinh viên cao đẳng, đại học); DIG (tỷ lệ đầu tư nội địa trên GDP); LD (Vừa học vừa làm - Giá trị sản xuất thêm vào trên 1% GDP hằng năm); RED (tỷ giá thực). Các tác giả kết luận rằng tồn tại liên kết hai chiều giữa FDI và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Tuy nhiên, liên kết này không hoàn toàn thể hiện tại tất cả các tỉnh/thành của Việt Nam. Các kết quả được trình bày trong nghiên cứu cũng cho cho thấy tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài lên tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam sẽ lớn hơn nếu có nhiều nguồn lực đầu tư vào giáo dục và đào tạo, phát triển thị trường tài chính và thu hẹp khoảng cách công nghệ giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tóm tắt chương 2:
Trong Chương 2, luận án đã trình bày tổng quan một số mô hình lý thuyết thông thường dùng để phân tích mối quan hệ của FDI và tăng trưởng kinh tế. Mỗi mô hình đều có mục đích, ưu điểm riêng trong việc lượng hoá biến phụ thuộc và các biến độc lập trong mô hình.
Chương 2 cũng đã tổng quan một cách có hệ thống các nghiên cứu thực nghiệm về quan hệ của FDI và tăng trưởng kinh tế và nhận thấy rằng:
- Số lượng các nghiên cứu phân tích sâu về FDI theo tiếp cận mô hình không nhiều, chủ yếu sử dụng mô hình hồi quy đa biến, mô hình hồi quy số liệu mảng, mô hình Var.
- Hầu hết các nghiên cứu đều cho thấy tác động của FDI lên tăng trưởng kinh tế và vai trò của FDI ở từng quốc gia thì khác nhau. Đó có thể là tích cực, tiêu cực hoặc không đáng kể, tác động đó phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế, thể chế và công nghệ ở nước nhận đầu tư. Thậm chí khi chỉ nghiên cứu trong phạm vi một quốc gia thì để đưa ra một kết luận vẫn là vấn đề còn tranh cải.
- Chưa có sự liên kết đánh giá ở cả tầm vi mô và vĩ mô trong quá trình thực hiện nghiên cứu.
- Đại đa số các nghiên cứu thực nghiệm về FDI tại Việt Nam rất ít được kiểm định các khuyết tật của mô hình.
Các nội dung trình bày trong chương 2 sẽ làm cơ sở để luận án phân tích thực trạng tăng trưởng kinh tế, thu hút FDI ở Việt Nam giai đoạn 1990 – 2012 trong chương 3 và định hướng lựa chọn mô hình ước lượng thực nghiệm trong chương 4.
CHƯƠNG 3
THỰC TRẠNG VỀ FDI VÀ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TẠI VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1990 - 2012