Quan hệ của GDP và FDI có thể xem là đại diện rõ ràng nhất của việc thu hút FDI và hiệu quả của nó với quá trình tăng trưởng kinh tế của quốc gia nhận FDI. Cũng như tất cả các nước tiếp nhận FDI, có thể nhận diện tác động của FDI đến nền kinh tế Việt Nam từ 2 giác độ: (i) cách tổng hợp đến các chỉ tiêu tăng trưởng và đại diện là GDP; (ii) góp phần trực tiếp tạo nên GDP thông qua nguồn vốn đầu tư vào các cơ sở sản xuất kinh doanh.
Nhìn chung, thời kỳ 1990-2012 là thời kỳ nền kinh tế tăng thu nhập quốc dân và thu hút được vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng nhiều hơn. Với các nước nghèo, đang phát triển như Việt Nam, nguồn vốn FDI có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo, hiện đại hóa đất nước. Mặt khác, cũng cần thấy rằng tăng trưởng kinh tế cũng là động lực tạo nên kỳ vọng tốt đẹp đối với các nhà đầu tư nước ngoài, kích thích đáng kể việc thu hút FDI. Mặc dù còn nhiều vấn đề đặt ra trong khi phân tích, đánh giá vai trò của FDI đối với nền kinh tế Việt Nam nhưng không thể phủ nhận vai trò tích cực của nguồn vốn này trong quá trình phát triển kinh tế vừa qua ở Việt Nam. Biểu đồ 3.14 cho thấy hình ảnh biến động cùng chiều của hai chỉ tiêu này.
Biểu đồ 3.14: Biến động GDP và FDI của Việt Nam giai đoạn 1990-2012
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Đóng góp trực tiếp của vốn đầu tư nước ngoài qua các cơ sở thuộc khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được thể hiện ở Biểu đồ 3.15. Có thể thấy trong thời kỳ 1995-2012 khu vực kinh tế Nhà nước có tỷ phần đóng góp vào GDP giảm dần từ khoảng 40% năm 1995 còn 36% năm 2012. Khu vực kinh tế ngoài Nhà nước giảm tỷ phần đóng góp vào GDP từ 54% năm 1995 xuống còn 49,7% năm 2012. Trong khi đó, tỷ phần của Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng từ 6,37% năm 1995 lên mức 13,6% năm 2012.
Như vậy, FDI đã và đang trực tiếp góp phần tạo ra thu nhập quốc dân với tỷ trọng ngày càng tăng. Ngoài ra, FDI cũng tạo nên các hiệu ứng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kết luận này phù hợp với các báo cáo trong hội thảo tổng kết 25 năm thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2013. [2]
Biểu đồ 3.15: Tỷ phần của các khu vực kinh tế trong GDP giai đoạn 1995-2012