Dựa vào kết quả phân tích của các mô hình, luận án đề xuất một số hàm ý chính sách nâng cao hiệu quả thu hút FDI tại Việt Nam nhằm thực hiện chiến lược tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trong những năm tới như sau:
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Từ kết quả ước lượng mô hình đo lường quan hệ của FDI và tăng trưởng kinh tế cho thấy hệ số của biến giả LIB trên phương trình của D(lnFDI) nhận giá trị âm có ý nghĩa thống kê. Điều đó cho thấy khủng hoảng kinh tế thế giới gần đây đã làm sụt giảm nhịp tăng FDI vào Việt Nam. Tuy nhiên, như đã phân tích trước khi ước lượng mô hình thì nhịp tăng này đã có dấu hiệu phục hồi sau khủng hoảng. Kết quả này cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Biến động (tăng) của FDI đang phụ thuộc nhiều và chủ yếu vào tăng GDP nên việc tạo ra các cú sốc đối với GDP sẽ có tác động tích cực đến thu hút vốn FDI. Trong bối cảnh hiện tại với mức tăng trưởng kinh tế không cao, lạm phát ở mức thấp thì việc Chính phủ thực hiện nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô trong đó có chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa không chỉ giúp cho tăng trưởng kinh tế mà
còn là phương cách thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Đầu tư cho giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Các cú sốc về nguồn lực con người không thể hiện tác động ngắn hạn đến tăng FDI. Tuy vậy, duy trì tăng FDI lại là động lực tăng số lượng lao động và đặc biệt là số lượng lao động có đào tạo. Hàm phản ứng của số lượng lao động có đào tạo nhận giá trị dương ngay sau năm tăng FDI. Điều này là hợp lý vì càng về sau thì vốn FDI càng song hành cùng với công nghệ, kỹ thuật tiến tiến hơn, cùng với sự lan tỏa theo chiều ngang (dọc) của nó sẽ tất yếu cần một lực lượng lao động có đào tạo nhiều hơn.
Chất lượng nguồn nhân lực phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống giáo dục – đào tạo. Chất lượng giáo dục – đào tạo của cả hệ thống giáo dục quốc dân nói chung, vẫn là một vấn đề gay cấn nhất, chất lượng đào tạo đại trà chưa đáp ứng được yêu cầu của công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thấp và thua so với trình độ trong khu vực và quốc tế. Do vậy, cần phải đổi mới mạnh mẽ giáo dục và đào tạo nghề, trung học chuyên nghiệp và đại học mới đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng tăng trưởng trong thời gian tới.
Khuyến khích tiết kiệm và đầu tư
Tích lũy vốn trong nước, tiền đề tác động tốt đến thu hút FDI dù có những yếu tố chưa thật rõ ràng nhưng theo chiều ngược lại rất rõ. FDI tăng kích thích tích lũy vốn trong nước theo qui luật cạnh tranh của thị trường, các giá trị của hàm phản ứng của yếu tố tích lũy vốn trong nước dương thực sự.
Việc thúc đẩy tích lũy vốn có thể được thông qua việc cắt giảm dần các khoản chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách nhà nước. Việc này không chỉ làm tăng nguồn vốn cho đầu tư của cả nền kinh tế (tăng đầu tư công) mà còn có tác dụng giảm thâm hụt ngân sách nhà nước.
Đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế
Mở cửa và tự do hóa thương mại được coi như một kênh thúc đẩy chuyển giao công nghệ, cả thời cơ và thách thức cho Việt Nam. Kết quả ước lượng được từ mô hình VAR cho thấy độ mở của nền kinh tế có ảnh hưởng dương đến năng suất. Do đó, trong thời gian tới Việt Nam cần tiếp tục đẩy nhanh quá trình đàm phán song phương và đa phương về thương mại, đặc biệt Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái
Bình Dương.
Thực hiện ưu đãi đối với FDI trong ngành chế tác
Kết quả phân tích tương quan biến động của các chỉ tiêu tăng trưởng chủ yếu cho thấy ngành công nghiệp chế tác đang chiếm hơn 50% vốn FDI của toàn bộ nền kinh tế nên cần có nhiều ưu đãi hơn đối với các doanh nghiệp trong ngành này. Tuy nhiên, các nhóm ngành sản phẩm khác nhau trong ngành công nghiệp chế tác tương quan của nhịp tăng FDI với lợi nhuận, lao động khác nhau đáng kể. Do vậy, trong thời gian tới Chính phủ cần có một định hướng sự can thiệp nhằm phân bổ vốn FDI theo hướng đầu tư nhiều hơn vào nhóm ngành có hệ số tương quan nhịp tăng của FDI với lợi nhuận cao (nhóm ngành 30-36).
Phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ cho khu vực đầu tư nước ngoài
Do hệ số Backward là dương và có ý nghĩa thống kê ở mức 1% trong toàn bộ mẫu và mẫu riêng cho các doanh nghiệp nội địa, điều này cho thấy cần thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp phụ trợ cho khu vực đầu tư nước ngoài nhằm tạo nguồn nguyên liệu cung cấp cho các doanh nghiệp FDI. Hệ số của biến Forw
không có ý nghĩa thống kê trong toàn bộ mẫu và mẫu riêng cho các doanh nghiệp nội địa. Với các doanh nghiệp, ngành kinh tế đang hoạt động hướng xuất khẩu cần tăng cường liên kết với các doanh nghiệp cùng ngành, các ngành có liên quan tạo sức lan tỏa dọc và ngang lớn hơn để đầu tư nước ngoài trực tiếp không chỉ tạo vốn cho sản xuất mà còn góp phần cải tiến công nghệ, tổ chức chuỗi sản phẩm hiệu quả hơn. Muốn như vậy, Chính phủ cần khuyến khích liên kết sản xuất sản phẩm và sản phẩm phụ trợ, giảm sự phụ thuộc vào sản phẩm phụ trợ từ nước ngoài, thu hút các dự án quy mô lớn, sản phẩm cạnh tranh cao tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia. Từ đó xây dựng, phát triển hệ thống các ngành, các doanh nghiệp phụ trợ. Để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cần phải: (i) xây dựng quy hoạch tổng thể; (ii) xây dựng trung tâm đào tạo kinh doanh và công nghệ; (iii) xây dựng khu công nghiệp riêng cho ngành công nghiệp phụ trợ.
Sử dụng hiệu quả nguồn vốn FDI ở các doanh nghiệp
Hiệu quả kinh tế đo bằng lợi nhuận là chỉ tiêu quan trọng nhất của các loại vốn đối với doanh nghiệp. Có thể thấy rằng mặc dù FDI mang lại khác biệt nhiều mặt đối với hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhưng hiệu quả sử dụng
vốn của các doanh nghiệp không có vốn đầu tư nước ngoài đang cao hơn hiệu quả chung, trong đó có các doanh nghiệp có vốn FDI. Kết quả phân tích tương quan của nhịp tăng FDI và lao động, chặt chẽ hơn nhịp tăng của FDI với lợi nhuận. Điều này, một lần nữa minh chứng cho kết luận của nhiều nhà quản lý, nghiên cứu đã đăng tải trong Kỷ yếu 25 năm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. [2]
Cải cách và hoàn thiện thể chế hành chính nhằm tạo ra sự hấp dẫn trong môi trường thu hút và triển khai dự án FDI
Trước những yêu cầu của hội nhập quốc tế, của những đòi hỏi thực tiễn ở Việt Nam, để cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, tạo đà mới và sức sống mới cho sự phát triển thì cải cách hành chính và thủ tục hành chính bao giờ cũng là những kiến nghị hàng đầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Cần phải đổi mới từ tư duy và nhận thức về vai trò của các cấp chính quyền ở địa phương đối với việc thu hút FDI vào phát triển kinh tế của địa phương trong điều kiện đẩy mạnh mở cửa và hội nhập quốc tế.
Để đáp ứng nhu cầu này, Chính phủ cần phải chú ý nhiều hơn đến việc thực hiện tốt hai chức năng: (i) Cung cấp “Dịch vụ công”, kể cả dịch vụ “cứng” (kết cấu hạ tầng vật chất như hạ tầng giao thông, bến cảng, kho tàng, các công trình điện, nước,…) và dịch vụ “mềm” (dịch vụ hải quan, dịch vụ thuế, bảo hiểm, dịch vụ đăng ký và cấp phép kinh doanh, giấy phép đầu tư,…) và (ii) Chức năng kiểm tra giám sát các hoạt động trong xã hội nói chung, hoạt động sản xuất kinh doanh nói riêng theo hướng giảm mức độ, phạm vi, lĩnh vực can thiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều tiết của các cơ quan nhà nước.
Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, tạo sự cạnh tranh công bằng giữa các thành phần kinh tế
Hệ số Gownship mang giá trị âm và có ý nghĩa thống kê ở mức 10% trong toàn bộ mẫu và mẫu riêng cho các doanh nghiệp nội địa trong cả hai mô hình: đánh giá ảnh hưởng của FDI đến các doanh nghiệp trong nước và mô hình đánh giá tác động của FDI đến sản lượng đầu ra của doanh nghiệp cho biết sở hữu Nhà nước đã gây trở ngại đến tăng trưởng năng suất của ngành và ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Vì vậy, cần tách biệt vai trò quản lý của cơ quan nhà nước với vai trò chủ sở hữu, dỡ bỏ các rào cản phát triển để tạo điều kiện cho khu vực kinh tế ngoài nhà nước vươn lên lớn mạnh, đủ sức
làm đối trọng cạnh tranh với doanh nghiệp nhà nước. Thực hiện tinh giản số lượng doanh nghiệp nhà nước, giảm quy mô của doanh nghiệp nhà nước và tiến hành cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước. Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế hướng đến hiệu quả, tăng hiệu quả của tập trung sản xuất. Xác định cơ cấu vốn hợp lý theo hình thức sở hữu để các doanh nghiệp vốn nhà nước sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn, có vai trò lớn hơn trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế.
Cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước là một trong những giải pháp quan trọng của chính sách điều chỉnh và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, là con đường nhanh nhất làm giảm quyền lực thị trường của độc quyền và chuyển sang thị trường cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước. Cần tăng cường liên kết kinh doanh, hình thành các chuỗi giá trị gia tăng gắn kết với chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam có nhiều mô hình gắn kết thành công, cần tiếp tục hoàn thiện và nhân rộng như mô hình liên kết kinh doanh chuỗi giá trị – ngành du lịch, ngành Logistics (Dịch vụ vận tải kho bãi), ngành sản xuất chế biến thực phẩm, Hiệp hội da giày Việt Nam, liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp Việt Nam – ngành công nghiệp ô tô,…
Phát triển thị trường tiền tệ, thị trường vốn ngang tầm với các nước trong khu vực
Hệ số Vốn ngoài ước lượng được trong mô hình tuy không có ý nghĩa thống kê trong toàn bộ mẫu và mẫu riêng cho các doanh nghiệp nội địa. Song, dấu dương của hệ số ước lượng được cho thấy có mối quan hệ thuận chiều giữa tỷ lệ vốn huy động từ bên ngoài và năng suất nhân tố tổng hợp trong tất cả các ngành. Việc phát triển mạnh thị trường vốn sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp cận được nhanh và dễ dàng đến nguồn vốn vay (nguồn vốn ngoài) cho hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó làm tăng năng suất nhân tố tổng hợp, tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế.
Tạo môi trường hấp dẫn thu hút FDI để phát triển kinh tế các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên
Hệ số V6 mang dấu dương nhưng không có ý nghĩa thống kê trong toàn bộ mẫu và mẫu riêng cho các doanh nghiệp nội địa, điều này cho thấy FDI tại khu vực vùng Tây Nguyên chưa hiệu quả. Vì vậy, Nhà nước cần tiếp tục cải cách và hoàn
thiện thể chế hành chính, cơ chế thu hút đầu tư và quản lý các dự án kết cấu hạ tầng, tăng cường thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, hỗ trợ và tạo thuận lợi, lòng tin cho các nhà đầu tư nước ngoài nhằm tạo ra sự hấp dẫn trong môi trường thu hút và triển khai dự án FDI tại khu vực các tỉnh vùng Tây Nguyên.
Tóm tắt chương 4:
Chương 4, luận án đã lựa chọn các mô hình theo thiết kế phân tích thực nghiệm. Việc xử lý số liệu tương đối phức tạp và công phu. Tuy vậy, luận án cũng đã hoàn thành và có được bộ số liệu đáp ứng các yêu cầu phân tích thực nghiệm.
Các mô hình được lựa chọn, qua ước lượng cho thấy là có thể dùng thực nghiệm để đánh giá quan hệ của tăng trưởng kinh tế và FDI. Phân tích được phản ứng đồng thời của các biến qua mô hình VAR. Kết quả nghiên cứu khẳng định quan hệ tương tác hai chiều theo hướng tích cực của FDI và các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. Nhịp tăng vốn FDI sẽ ảnh hưởng đến nhịp tăng các chỉ tiêu kinh tế-xã hội ngay ở thời kỳ thứ nhất ngoại trừ nhịp tăng GDP. Quá trình tăng FDI có tính quán tính với chính nó rất rõ ràng và có thể duy trì quán tính trong 2 năm, sau đó có thể tốc độ tăng giảm dần vào các năm tiếp theo. Một hệ thống chính sách thu hút nguồn vốn FDI tốt sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng, tích luỹ vốn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mở rộng hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu.
Mô hình Levinsohn Petrin được sử dụng cho phân tích tác động của FDI đến các doanh nghiệp trong nước và kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự hiện diện của đầu tư trực tiếp nước ngoài có tác động tích cực đến sản lượng của tất cả các doanh nghiệp trong ngành chế tác trong đó có các doanh nghiệp nội địa trong khi sở hữu Nhà nước không tác động tích cực đến tăng trưởng sản lượng của ngành. Vì vậy, việc cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước tại Việt Nam sẽ làm tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực của các doanh nghiệp nội địa, tạo sự cạnh tranh công bằng giữa các thành phần kinh tế và tác động tích cực đến sản lượng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Mô hình số liệu mảng cũng được sử dụng để xem xét ảnh hưởng của FDI đến sản lượng đầu ra của doanh nghiệp. Hiệu chỉnh mô hình theo phương pháp GMM là
cần thiết khi ước lượng mô hình với số liệu mảng trong điều kiện dữ liệu không thật dài theo thời gian. Kết quả mô hình cho thấy sự hiện diện của vốn đầu tư nước ngoài đã trực tiếp và gián tiếp làm tăng sản lượng của các doanh nghiệp.
Từ kết quả nghiên cứu, luận án cho rằng để góp phần tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, Chính phủ cần phải có chính sách thu hút nguồn vốn FDI theo hướng: đầu tư cho giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; kích thích tiết kiệm và đầu tư; đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; thực hiện ưu đãi đối với FDI trong ngành chế tác; thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp phụ trợ cho khu vực đầu tư nước ngoài; tạo môi trường thu hút FDI; phát triển thị trường tiền tệ, thị trường vốn ngang tầm với các nước trong khu vực.
Chương 4 cũng trình bày một cách chi tiết kỹ thuật ước lượng, đánh giá mô hình và lựa chọn phương pháp ước lượng hợp lý. Kết quả các mô hình được sử dụng để phân tích, đánh giá nhằm tìm kiếm các kết luận thực nghiệm trong phạm vi mục tiêu nghiên cứu của luận án. Trong những phân tích này, luận án cũng nêu lên những kết quả được nhận biết, kiểm định thống kê ở mức ý nghĩa tối đa là 5%; những kết quả không thật rõ ràng (không có mức ý nghĩa nhỏ hơn 5%) được xem xét như các dấu hiệu thống kê và có thể gợi ý các kiểm chứng tiếp theo.
KẾT LUẬN
Luận án với tiêu đề: “Mô hình phân tích mối quan hệ của FDI và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam” đã tập trung nghiên cứu cơ sở lý luận về mối quan hệ của FDI và tăng trưởng kinh tế. Trên cơ sở phân tích thực trạng tăng trưởng kinh tế và quá trình thu hút FDI tại Việt Nam giai đoạn 1990 – 2012 và kết quả ước lượng từ các mô hình: đo lường quan hệ của FDI và tăng trưởng kinh tế (cách tiếp cận mô hình Var); đánh giá ảnh hưởng của FDI đến các doanh nghiệp trong nước (cách tiếp