3. KHÁI QUÁT VỀ NGƯỜI MƯỜNG Ở HUYỆN THANH SƠN PHÚ THỌ
3.1.1. Điều kiện tự nhiên
Thanh Sơn là một trong những huyện miền núi, thuộc phía Tây Nam của tỉnh Phú Thọ, nơi có đông đồng bào Mường sinh sống, phía Bắc Thanh Sơn giáp 2 huyện Tam Nông và Yên Lập, phía Nam giáp tỉnh Hòa Bình, phía Tây giáp huyện Tân Sơn, phía Đông giáp huyện Thanh Thủy và tỉnh Hòa Bình.
Địa hình Thanh Sơn phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều dãy núi cao và sông suối trong đó có dãy núi Lưỡi Hái và sông Vàng chạy bao quanh các xã trong toàn huyện. Địa hình nghiêng từ Tây sang Đông. Trong đó, vùng núi cao tập trung ở phíaTây, vùng núi thấp ở giữa, vùng gò đồi tập trung ở phía Đông và thung lũng chạy dọc theo các con sông, độ cao trung bình từ 500 -700m.
Trên địa bàn huyện có nhiều sông, bao gồm: sông Bứa, sông Dân, ngòi Lạt và nhiều suối nhỏ khác chảy qua. Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa và là miền núi cao, có nhiều núi đá vôi, khí hậu của Thanh Sơn mang đặc điểm của vùng núi Tây Bắc, song cũng có những đặc điểm riêng, mát hơn các huyện lân cận. Nhiệt độ trung bình cả năm từ 22,5 – 23,50C, biên độ nhiệt trong năm có sự dao động trên 100C và trong ngày từ 6 – 70C. Mùa nóng nhiệt độ tuyệt đối lên khoảng 39 – 40 0C (vào khoảng tháng 6, 7 trong năm), mùa lạnh nhiệt độ thấp tuyệt đối khoảng 7 – 80C (tháng Chạp). Mùa mưa từ tháng 4 đến hết tháng 10. Chế độ mưa ở Thanh Sơn khá phong phú, lượng mưa hàng năm khoảng 2.300 – 2.400 mm.
Độ ẩm trung bình /năm từ 85 - 87%, cao nhất vào tháng 6, 7, 8 đạt khoảng 87 - 88%; thấp nhất vào khoảng tháng 1, 2, 3, đạt khoảng 81%; ranh giới mùa mưa và mùa khô tương đối không rõ rệt. Lượng mây trung bình 6,5/10, cuối mùa đông lên tới 8-9/10 và ít nắng. Các hướng gió phụ thuộc vào địa hình. Tốc độ gió trung bình 1 - 1,3 m/s, có hiện tượng mưa phùn, có hiện tượng sương mù nhưng không lớn.
Thanh Sơn có diện tích rừng lớn, độ che phủ cao. Đến năm 2009, Thanh Sơn với tổng diện tích tự nhiên là 62.063 ha, trong đó, 49.564,1 ha (79,9 %) là diện tích lâm nghiệp, tỷ lệ che phủ đạt 54%. Rừng Thanh Sơn có nhiều loại gỗ quý như đinh, lim, dổi, giàng giàng, nghiến, chò chỉ, sến, táu… và có nhiều động vật quý như hươu, nai, gà rừng… hệ sinh thái rừng khá phong phú. Nhìn chung, Thanh Sơn là địa bàn có điều kiện địa hình thuận lợi, tạo điều kiện cho người dân hoạt động sản xuất thuận lợi, cùng với đó hoạt động lâm nghiệp có điều kiện phát triển với địa hình 2/3 diện tích là đồi núi mang lại.