3. KHÁI QUÁT VỀ NGƯỜI MƯỜNG Ở HUYỆN THANH SƠN PHÚ THỌ
2.2.2. Những phong tục, tập quán liên quan đến ngôi nhà
Đối với người Mường, việc dựng một ngôi nhà là một trong những công việc có tính chất hệ trọng trong cuộc đời. Do đó, khi dựng nhà họ rất chú trọng tới việc chọn đất làm nhà, chọn hướng nhà, xem tuổi chủ nhà, xem ngày làm nhà, lễ lên nhà mới.
2.2.2.1. Xem tuổi làm nhà
Trước khi gia chủ có ý định dựng nhà người ta cần phải xem tuổi gia chủ, xem năm đó có được tuổi để được phép dựng nhà hay không. Để xem tuổi làm nhà người Mường thường tới các thầy mo, thầy cúng hoặc nhờ những người giỏi chữ Nôm trong làng xem sách so tuổi để tính ngày. Trong trường hợp gia chủ chưa được tuổi làm nhà thì gia chủ phải chờ tới năm được tuổi mới được phép làm nhà, nếu cần dựng nhà ngay trong năm đó thì có thể mượn tuổi của người khác, đó là tuổi của những người đàn ông, đó có thể là những người chưa lập gia đình hoặc người đã có gia đình, nhưng những người cho mượn tuổi này thường là những người thân trong họ hàng. Ngày nay, hình thức mượn tuổi làm nhà vẫn được người Mường thực hiện. Theo quan niệm truyền thống và cả hiện nay thì người Mường thường làm nhà vào những năm tuổi 5, tuổi 7 như 25, 27, 35, 37,…., Ngoài ra, tuổi 4 như 24, 34, 44, 54…cũng được người Mường chọn làm nhà nhưng theo quan niệm của người Mường thì ít được dùng hơn tuổi 5 và tuổi 7. Người Mường kiêng làm nhà vào năm tuổi của gia chủ, hoặc năm tuổi của người đàn ông được gia chủ mượn tuổi để làm nhà.
2.2.2.2. Chọn địa điểm và thời gian làm nhà
Về chọn địa điểm làm nhà: Trước đây các làng bản Mường thường bám vào các sườn đồi, dưới chân đồi, xung quanh các thung lũng nên khi làm nhà người ta phải xem thế đất và căn cứ vào tuổi chủ nhà để chọn đất làm nhà. Người Mường xưa kia thường chọn đất làm nhà theo thế đất đẹp là phía trước phải có núi làm thế tựa, phải bằng phẳng, có sông, suối, xa hơn có núi non là mờ. Còn phía sau không được có vực sâu, xung quanh nhà không tù túng. Theo quan niệm của người Mường chọn đất làm nhà là rất quan trọng, dựng nhà trên thế đất phải hội tụ đủ cả ba yếu tố Thiên thời, địa lợi, nhân hòa, hòa hợp giữa Trời – Đất – Con người, làm nhà trên thế đất đẹp thì mọi người sống trong ngôi nhà trên mảnh đất đó mới khỏe mạnh, làm ăn giàu có, sống lâu. Đặc biệt, khi chọn đất làm nhà điều quan trọng nữa là tránh chỗ đất có người chết, đất của gia chủ trước đây không có con cái, bị hỏa hoạn, hay mảnh đất trước đây có lời thề nguyền…
Về chọn thời gian làm nhà: Việc chọn ngày làm nhà đối với người Mường rất quan trọng, họ thường nhờ thầy mo, thầy cúng chọn ngày giờ hoặc những người biết chữ Nôm xem sách ngày giờ hợp với tuổi gia chủ, lấy giờ đẹp để làm nhà. Họ thường làm nhà vào mùa khô là các tháng từ tháng 10, tháng 11, tháng 12, tháng Giêng âm Lịch. Theo quan niệm của nguời Mường kiêng kỵ làm nhà vào ngày mất của những người thân trong gia đình, kiêng làm vào ngày sinh của gia chủ, và những ngày xung khắc địa chi: Tý - Ngọ - Mão - Dậu, Dần – Thân –Tỵ - Hợi, Thìn – Tuất – Sửu –Mùi, đó là những ngày tứ hành xung. Kiêng làm nhà vào các ngày Thọ Tử, Đại Sát, Thiên Hỏa, Đại Hỏa… vì làm trùng vào những ngày đó khi làm xong chủ nhà sẽ gặp hiều điều không may mắn. Họ còn kiêng dựng nhà vào các ngày có hành xung khắc với gia chủ hay với người được mượn đứng tên dựng nhà: Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim. Ngày nay, người Mường vẫn chọn thời gian làm nhà như trên, tuy nhiên thời gian dựng nhà trở nên rộng hơn trước, trong năm người ta có thể xây nhà vào các tháng khác mà không nhất thiết phải chờ tới mùa khô, bởi hiện nay chủ yếu xây nhà kiên cố, sử dụng các nguyên vật liệu công nghiệp rất sẵn mua ở ngoài thị trường mà
không phải mất thời gian chuẩn bị lâu như trước, cùng với đó việc xây nhà sử dụng sức người kết hợp với các loại máy móc hiện đại như máy trộn bê tông, máy đầm, ròng rọc kéo hồ vữa xây nhà cho nên công việc xây nhà ngày nay được hoàn tất trong khoảng thời gian ngắn.
Ngày dựng nhà của người Mường được chọn rất cẩn thận. Đến ngày đã chọn chủ nhà mời thầy cúng đến làm lễ phạt mộc. Trong lễ này gồm có hai mâm cúng, trong đó lễ vật bao gồm: Thịt lợn, thịt gà, xôi, rượu, trầu cau, muối, bát nước lã và tăm. Một mâm dành cho tổ tiên và một mâm dành cho các vị thần linh. Thầy cúng khấn báo với tổ tiên và thần linh để cầu mong tổ tiên và thần đất phù hộ, cầu mong được ở an lành và phát tài, phát lộc, mạnh khỏe và xin được phép bắt đầu dựng nhà mới. Thời điểm dựng nhà phải chọn vào giờ hoàng đạo, giờ đẹp và thường được tiến hành vào thời điểm trước khi trời sáng.
2.2.2.3. Chọn hướng nhà
Người Mường rất coi trọng việc chọn hướng nhà. Hướng nhà được người Mường thướng chọn là hướng Đông – Nam là chủ yếu, tuy nhiên, do dựa vào thế đất nên ở một số làng người Mường phải đi lệch theo hướng khác là Tây – Bắc cho phù hợp với điều kiện địa hình và hài hòa với thực tế thiên nhiên. Ngoài ra, người Mường cũng có những quan niệm khi chọn hướng cửa. Nhà nào mới bắt đầu mở cửa, tức là khi mới đào đất làm đường vào nhà cũng phải nhờ thầy chọn ngày, chọn giờ tốt mới làm. Cho dù ở nơi đất bằng phẳng, hay nơi đất cao, thấp thì người Mường Thanh Sơn nói riêng và người Mường nói chung đều tuân theo một quan niệm giống nhau rằng: Hướng cửa phải quy tụ được những tinh khí của trời đất và vạn vật xung quanh mong tạo ra những điều may mắn cho những người sống trong ngôi nhà, làm ăn phát đạt, mạnh khỏe, sống lâu. Đó là cách chọn hướng được cả dương trạch và âm phần. Theo quan niệm này, người ta kiêng không làm cửa đâm thẳng ra ngã ba đầu đường, không để đường vào nhà sọc thẳng cột góc của ngôi nhà mà phải làm song song với hướng nhà ở. Hiện nay, những quan niệm đó đang dần biến đổi trong việc chọn hướng làm nhà của người Mường. Do sự thay đổi của điều kiện địa hình, do quỹ đất ngày càng bị thu hẹp, trước tình trạng đất chật người
đông, đất đai ngày càng trở nên hạn hẹp người ta không có sự lựa chọn theo ý muốn để có được hướng nhà đẹp trong quan niệm truyền thống nên buộc người ta phải thay đổi quan niệm cũ. Như phần trên đã trình bày, dân Mường hiện nay đã và đang đa dạng sinh kế, ngoài hoạt động nông nghiệp là nghề chính để đảm bảo cuộc sống, các hộ gia đình có xu thế bám ra mặt đường làm nhà để hoạt động kinh doanh buôn bán, vì vậy nhiều địa phương trong huyện dọc trục đường quốc lộ số 32A nhà san sát nhà, hướng nhà bắt buộc đều phải quay ra mặt đường là chính, mà chủ yếu là các ngôi nhà được xây mới theo dạng nhà ống giống như ở thành phố trên diện tích đất làm nhà bó hẹp như hiện nay.
2.2.2.4. Lễ lên nhà mới
Sau khi công việc dựng nhà đã hoàn tất, chủ nhà mời thấy cúng về làm lễ lên nhà mới. Ngày tổ chức lễ lên nhà mới cũng được người Mường lựa chọn cẩn thận. Trong lễ lên nhà mới chủ nhà làm hai mâm cơm cúng, trong đó lễ vật bao gồm: Thịt lợn, thịt gà, xôi, rượu, trầu cau, muối, bát nước lã và tăm. Một mâm dành cho tổ tiên và một mâm dành cho các vị thần linh, cúng thổ công. Bên cạnh bàn thờ chủ nhà chuẩn bị các cum lúa cùng với chiếc chõ xôi bằng gỗ (chõ đồ xôi), xếp thành một gánh. Thầy cúng đọc bài cúng với ý nghĩa cầu mong cho các vị thần linh che chởi cho nhưng người sống trong nhà, mát nhà mát cửa, ăn nên làm nên, của làm ra nhà làm nên, mong cho mọi người khỏe mạnh, sống lâu. Sau khi cúng xong chủ nhà mang cất cum lúa lên gác bếp, còn ninh xôi thì được để cạnh bếp. Sau đó, chủ nhà hoặc thấy cúng tay cầm một bó đóm đã châm lửa mang hơ vào các chân cột nhà và khấn rằng: “tã chọn án ngày lèng , kháng thôốt, trừ nừ tã là xoong nhà xoong cứa, cầu mong cho các thần phù hộ cho tàn con, tàn cháu để làm ăn phát đạt, chăng ốm, chăng tau, của là tha, nhà là đêêng”. Có nghĩa rằng: “đã chọn được ngày lành, tháng tốt, nay đã làm xong nhà xong cửa, cầu mong cho các thần phù hộ cho các con, các cháu sống trong ngôi nhà này, làm ăn phát đạt, không ốm, không đau, của cải đầy nhà”. Sau khi khấn xong bó đuốc được mang nhóm lửa. Trong lễ lên nhà mới họ thường nhóm bếp ngay trong ngôi nhà đang được thực hành nghi lễ lên nhà mới.