3. KHÁI QUÁT VỀ NGƯỜI MƯỜNG Ở HUYỆN THANH SƠN PHÚ THỌ
3.2.3. Biến đổi trong những phong tục, tập quán liên quan tới ngôi nhà
Trong cuộc đời con người thì việc dựng nhà là một trong những công việc hệ trọng nhất mà cha ông ta đã đúc kết thành câu nói : “Tạu trâu, lấy vợ, làm nhà là ba việc lớn của đời người”. Với người Mường cũng vậy, việc dựng nhà được người Mường hết sức coi trọng. Do đó, khi dựng nhà mới người Mường thường tiến hành nhiều nghi lễ mà từ lâu nó đã trở thành những phong tục, tập quán riêng của người Mường. Các phong tục, tập quán liên quan tới ngôi nhà trong truyền thống như xem tuổi làm nhà, chọn đất làm nhà, chọn thời gian dựng nhà, chọn hướng và làm lễ lên nhà mới đến nay về cơ bản người Mường vẫn giữ nguyên được những nét truyền thống, bên cạnh đó cũng có những biến đổi ít nhiều.
3.2.3.1. Xem tuổi làm nhà
Trước khi gia chủ có ý định dựng nhà người ta cần phải xem tuổi gia chủ, xem năm đó có được tuổi để được phép dựng nhà hay không. Để xem tuổi làm nhà người Mường thường tới các thầy mo, thầy cúng hoặc nhờ những người giỏi chữ Nôm trong làng xem sách so tuổi để tính ngày. Trong trường hợp gia chủ chưa được tuổi làm nhà thì gia chủ phải chờ tới năm được tuổi mới được phép làm nhà, nếu cần dựng nhà ngay trong năm đó thì có thể mượn tuổi của người khác, đó là tuổi của những người đàn ông, đó có thể là những người chưa lập gia đình hoặc người đã có gia đình, nhưng những người cho mượn tuổi này thường là những người thân trong họ hàng. Ngày nay, hình thức mượn tuổi làm nhà vẫn được người Mường thực hiện. Theo quan niệm truyền thống và cả hiện nay thì người Mường thường làm nhà vào những năm tuổi 5, tuổi 7 như 25, 27, 35, 37,…., Ngoài ra, tuổi 4 như 24, 34, 44, 54…cũng được người Mường chọn làm nhà nhưng theo quan niệm của người Mường thì ít được dùng hơn tuổi 5 và tuổi 7. Còn lại với các tuổi mà người Mường tuyệt đối kiêng kỵ đó là tuổi 1, 3, 6, 8, mà từ lâu đã được đúc rút thành câu thành ngữ: “Một, ba, sáu, tám kim lâu/ Làm nhà không ở, tạu trâu không cày” (Môột, pa, khắu, thám kim lâu/Là nhà chăng ở, thạu trlu chăng caày). Người
Mường kiêng làm nhà vào năm tuổi của gia chủ, hoặc năm tuổi của người đàn ông được gia chủ mượn tuổi để làm nhà. Nhìn chung, Người Mường hiện nay vẫn tuân theo cách xem tuổi làm nhà như trên.
Như vậy, tuổi làm nhà tốt nhất theo quan niệm của người Mường Thanh Sơn là năm được tuổi của chủ nhà, nếu trường hợp chủ nhà không được tuổi thì có thể mượn tuổi của người thân trong gia đình, nhưng đều là mượn tuổi của nam giới, đây là một hình thức giống với người Việt. Hiện nay, cách xem tuổi làm nhà của người Mường vẫn giữ được những nét truyền thống.
3.2.3.2. Chọn địa điểm và thời gian làm nhà
Về chọn địa điểm làm nhà: Nếu như trước đây các làng bản Mường thường bám vào các sườn đồi, dưới chân đồi, xung quanh các thung lũng nên khi làm nhà người ta phải xem thế đất và căn cứ vào tuổi chủ nhà để chọn đất làm nhà. Người Mường xưa kia thường chọn đất làm nhà theo thế đất đẹp là phía trước phải có núi làm thế tựa, phải bằng phẳng, có sông, suối, xa hơn có núi non là mờ. Còn phía sau không được có vực sâu, xung quanh nhà không tù túng. Ngày nay, những yếu tố trong việc chọn đất như đã trình bày ở phần trên về cơ bản đã có những thay đổi trước điều kiện “đất chật, người đông”, dân số ngày càng phát triển trong khi quỹ đất để có thể dựng nhà ưng ý với gia chủ đảm bảo các yếu tố về thế đất đang giảm nhanh, cùng với đó, trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, nhiều hộ gia đình có xu thế bám ra mặt đường để làm nhà. Đặc biệt, Quốc lộ số 32A trên địa bàn huyện Thanh Sơn nằm trên trục Đường Mòn Hồ Chí Minh mới nên nhiều hộ gia đình người Mường hiện nay có xu hướng làm nhà ra mặt đường để ở. Chính vì những lý do trên, trong quan niệm chọn đất làm nhà của người Mường hiện nay có những biến đổi. Theo thông tín viên tại xóm Minh Khai, xã Cự Đồng là anh Hoàng Cao Khải (42 tuổi) cho biết, gia đình anh năm 2004 đã chuyển nhà từ trong xóm Đồng Cại, từ ngôi nhà gỗ được dựng ở thung lũng Quả Sim dưới chân núi Lưỡi Hái ra xây nhà tại đây. Theo lời anh kể, khu đất cũ gia đình anh ở dù được phong thủy là tựa lưng vào núi, gần suối, dưới chân núi, khí hậu mát mẻ nhưng kinh tế của cả 5 người trong gia đình chỉ dựa vào 3 sào ruộng nên cũng nhiều khó khăn, đến khi dành dụm,
tích cóp trong nhiều năm nay đủ số tiền mua mảnh đất ở xóm Minh Khai nên anh đã chuyển cả gia đình ra đó dựng nhà mới, bởi mảnh đất mới đó vừa sát mặt đường có hơi chật hẹp. Nhưng nó lại gần khu chợ mới, gia đình anh ngoài làm 3 sào ruộng còn có thể buôn bán hàng tạp hóa và chạy chợ. Do đó, kinh tế gia đình anh khá giả hơn trước rất nhiều. Như vậy, rõ ràng dù vẫn muốn ở nơi có thế đất được về mặt phong thủy theo quan niệm truyền thống nhưng vì điều kiện kinh tế cùng sự thay đổi của cơ chế thị trường nên họ phải thay đổi quan niệm và chuyển nhà ra gần mặt đường để kiếm kế sinh nhai, trong nhiều trường hợp khác thì người Mường vẫn thường chọn những miếng đất ưng ý theo quan niệm truyền thống liên quan tới phong thủy để dựng nhà. Nhìn chung, hiện nay quỹ đất đang suy giảm cùng với việc đa dạng sinh kế, thay đổi hình thức hoạt động kinh tế, người Mường không chỉ lấy nông nghiệp là loại hình kinh tế duy nhất mà họ còn hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ nhất là với những hộ gia đình sinh sống dọc quốc lộ 32A hiện nay. Do đó, trong quan niệm về chọn địa điểm dựng nhà của người Mường đã có những biến đổi nhất định.
Về chọn thời gian làm nhà: Về cơ bản đến nay trong phong tục chọn thời gian làm nhà của người Mường vẫn giữ được những nét truyền thống. Việc chọn ngày làm nhà đối với người Mường rất quan trọng, họ thường nhờ thầy mo, thầy cúng chọn ngày giờ hoặc những người biết chữ Nôm xem sách ngày giờ hợp với tuổi gia chủ, lấy giờ đẹp để làm nhà. Họ thường làm nhà vào mùa khô là các tháng từ tháng 10, tháng 11, tháng 12, tháng Giêng âm Lịch. Họ còn kiêng dựng nhà vào các ngày có hành xung khắc với gia chủ hay với người được mượn đứng tên dựng nhà: Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim. Ngày nay, người Mường vẫn chọn thời gian làm nhà như trên, tuy nhiên thời gian dựng nhà trở nên rộng hơn trước, trong năm người ta có thể xây nhà vào các tháng khác mà không nhất thiết phải chờ tới mùa khô, bới hiện nay chủ yếu xây nhà kiên cố, sử dụng các nguyên vật liệu công nghiệp rất sẵn mua ở ngoài thị trường mà không phải mất thời gian sử chuẩn bị lâu như trước, cùng với đó việc xây nhà sử dụng sức người kết hợp với các loại máy móc hiện đại như máy trộn bê tông, máy
đầm, dòng dọc kéo hồ vữa xây nhà cho nên công việc xây nhà ngày nay hoàn tất trong khoảng thời gian ngắn.
Nhìn chung, hiện nay ngày dựng nhà của người Mường được chọn rất cẩn thận. Đến ngày đã chọn chủ nhà mời thầy cúng đến làm lễ phạt mộc. Thầy cúng khấn báo với tổ tiên và thần linh để cầu mong tổ tiên và thần đất phù hộ, cầu mong được ở an lành và phát tài, phát lộc, mạnh khỏe và xin được phép bắt đầu dựng nhà mới. Thời điểm dựng nhà phải chọn vào giờ hoàng đạo, giờ đẹp và thường được tiến hành vào thời điểm trước khi trời sáng.
3.2.3.3. Chọn hướng nhà:
Trong việc chọn hướng nhà của người Mường nhìn chung vẫn giữ được những nét truyên thống. Tuy nhiên, cho tới nay để phù hợp với sự đa dạng sinh kế cùng với điều kiện địa hình thay đổi thì người Mường đã và đang có nhưng thay đổi trong việc chọn hướng nhà sovới quan niệm trong tập tục truyền thống trước đây. Hướng nhà được người Mường thướng chọn là hướng Đông – Nam là chủ yếu. Tuy nhiên, do dựa vào thế đất nên ở một số làng người Mường phải đi lệch theo hướng khác là Tây – Bắc cho phù hợp với điều kiện địa hình và hài hòa với thực tế thiên nhiên. Ngoài ra, người Mường cũng có những quan niệm khi chọn hướng cửa. Nhà nào mới bắt đầu mở cửa, tức là khi mới đào đất làm đường vào nhà cũng phải nhờ thầy chọn ngày, chọn giờ tốt mới làm. Cho dù ở nơi đất bằng phẳng, hay nơi đất cao, thấp thì người Mường Thanh Sơn nói riêng và người Mường nói chung đều tuân theo một quan niệm giống nhau rằng: Hướng cửa phải quy tụ được những tinh khí của trời đất và vạn vật xung quanh mong tạo ra những điều may mắn cho những người sống trong ngôi nhà, làm ăn phát đạt, mạnh khỏe, sống lâu. Đó là cách chọn hướng được cả dương trạch và âm phần. Theo quan niệm này, người ta kiêng không làm cửa đâm thẳng ra ngã ba đầu đường, không để đường vào nhà sọc thẳng cột góc của ngôi nhà mà phải làm song song với hướng nhà ở. Hiện nay, những quan niệm đó đang dần biến đổi trong việc chọn hướng làm nhà của người Mường. Do sự thay đổi của điều kiện địa hình, do quỹ đất ngày càng bị thu hẹp, trước tình trạng đất chật người đông, đất đai ngày càng trở nên hạn hẹp người ta không có sự lựa
chọn theo ý muốn để có được hướng nhà đẹp trong quan niệm truyền thống nên buộc người ta phải thay đổi quan niệm cũ. Như phần trên đã trình bày, dân Mường hiện nay đã và đang đa dạng sinh kế, ngoài hoạt động nông nghiệp là nghề chính để đảm bảo cuộc sống, các hộ gia đình có xu thế bám ra mặt đường làm nhà để hoạt động kinh doanh buôn bán. Vì vậy, nhiều địa phương trong huyện dọc trục đường quốc lộ số 32A nhà san sát nhà, hướng nhà bắt buộc đều phải quay ra mặt đường là chính, mà chủ yếu là các ngôi nhà được xây mới theo dạng nhà ống giống như ở thành phố trên diện tích đất làm nhà bó hẹp như hiện nay.
3.2.3.4. Lễ lên nhà mới
Hiện nay, lễ lên nhà mới là một nghi lễ vẫn đang còn được thực hiện ở Mường ở huyện Thanh Sơn. Sau khi công việc dựng nhà đã hoàn tất, chủ nhà mời thấy cúng về làm lễ lên nhà mới. Ngày tổ chức lễ lên nhà mới cũng được người Mường lựa chọn cẩn thận. Trong lễ lên nhà mới chủ nhà làm hai mâm cơm cúng, trong lễ này gồm có hai mâm cúng, lễ vật trong mâm cúng tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Một mâm dành cho tổ tiên và một mâm dành cho các vị thần linh, cúng thổ công. Bên cạnh bàn thờ chủ nhà chuẩn bị các cum lúa cùng với chiếc ninh xôi bằng gỗ (chõ đồ xôi), xếp thành một gánh. Thầy cúng đọc bài cúng với ý nghĩa cầu mong cho các vị thần linh che chở cho nhưng người sống trong nhà, mát nhà mát cửa, ăn nên làm nên, mong cho mọi người khỏe mạnh, sống lâu. Sau khi cúng xong chủ nhà mang cất cum lúa lên gác bếp, còn ninh xôi thì được để cạnh bếp. Sau đó, chủ nhà hoặc thấy cúng tay cầm một bó đóm đã châm lửa mang hơ vào các chân cột nhà và khấn rằng: “tã chọn án ngày lèng , kháng thôốt, trừ nừ tã là xoong nhà xoong cứa, cầu mong cho các thần phù hộ cho tàn con, tàn cháu để làm ăn phát đạt, chăng ốm, chăng tau, của là tha, nhà là đêêng”. Có nghĩa rằng: “đã chọn được ngày lành, tháng tốt, nay đã làm xong nhà xong cửa, cầu mong cho các thần phù hộ cho các con, các cháu sống trong ngôi nhà này, làm ăn phát đạt, không ốm, không đau, của cải đầy nhà”. Sau khi khấn xong bó đuốc được mang nhóm lửa. Trong lễ lên nhà mới họ thường nhóm bếp ngay trong ngôi nhà đang được thực hành nghi lễ lên nhà mới. Ngày nay, nghi lễ lên nhà mới vẫn được tiến hành nhưng
có nhiều nét đã biến đổi, các nghi thức như nghi thức cúng lên nhà mới, tổ chức ăn mừng vẫn được tiến hành nhưng không làm lễ đốt lửa vào các chân cột và nhóm bếp ngay tại ngôi nhà mới như trước nữa. Đặc biệt, hiện nay, khách mời tới mừng lễ lên nhà mới của người Mường ngày càng được mở rộng về quy mô, nhiều hộ tổ chức lễ lên nhà mới như một hình thức thương mại hóa, mời khách tới dự để nhận tiền bên cạnh ý nghĩa cầu mong cho gia chủ làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn, luôn mạnh khỏe khi sống trong ngôi nhà mới. Nhiều gia đình khi làm được ngôi nhà mới, tổ chức lễ lên nhà mới hay lễ hoàn thành nhà giống với người Kinh, mời đông bà con nội ngoại, bạn bè gần xa tới dự, tổ chức ăn uống và sử dụng phông bạt, bàn ghế, loa đài giống với cách làm hiện đại của người Kinh. Có lẽ, đây cũng chính là một điểm mới trong cách làm của người Mường Thanh Sơn hiện nay, nó cúng đã và đang làm biến đổi tập quán truyền thống trước đây rất nhiều. Nhìn chung, trong lễ nhập trạch của người Mường Thanh Sơn hiện nay đã có những biến đổi so với tập quán truyền thống trước đây nhưng về cơ bản những nghi lễ tiến hành vẫn được thực hiện.
Nhìn chung, những biến đổi trong văn hóa nhà ở của người Mường Thanh Sơn hiện nay vừa là kết quả của quá trình thích ứng của con người với sự thay đổi của điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái, kinh tế, xã hội, vừa là kết quả của quá trình giao lưu văn hóa trong quá trình cộng cư của người Mường Thanh Sơn với các dân tộc anh em khác sống trên địa bàn, nhất là với người Kinh trong nhiều năm qua. Sự biến đổi đó cần phải đảm bảo yếu tố vừa giữ gìn được những nét văn hóa truyền thống của người Mường bản địa, lại vừa đáp ứng được nhu cầu phát triển bền vững ở thời điểm hiện tại và cả trong tương lai của người Mường huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.