Những phong tục, tập quán diễn ra trong ngôi nhà

Một phần của tài liệu Trung tâm Thư viện và Tri thức số - Library and Digital Knowledge Center (Trang 49 - 55)

3. KHÁI QUÁT VỀ NGƯỜI MƯỜNG Ở HUYỆN THANH SƠN PHÚ THỌ

2.2.3. Những phong tục, tập quán diễn ra trong ngôi nhà

2.2.3.1. Tập quán sinh đẻ và đặt tên cho trẻ sơ sinh

Với người Mường, sinh ra một đứa con trong gia đình là một niềm hạnh phúc, họ quan niệm “thêm con là thêm của”. Khi người vợ sắp sinh con, người chồng phải chuẩn bị nhiều củi, làm một bếp riêng ở gian trong và quây phên nứa thành một buồng kín cho vợ đẻ. Khi vợ chuyển dạ đẻ, người chồng đi báo tin cho mẹ vợ và chị em họ hàng nội ngoại biết để đến nhà cùng nhau chờ đợi. Khi sản phụ sinh thì người chồng có thể lui tới buồng đẻ, còn riêng bố chồng, tuyệt đối không bao giờ được bước chân vào buồng sản phụ. Bà đỡ cắt rốn cho đứa trẻ bằng dao nứa lấy từ đầu chiếc dui trên mái nhà. Nếu là con trai thì dùng dao nứa mái nhà trước, nếu là con gái thì dùng dao nứa mái nhà sau. Cuống rốn của các con trong gia đình được đựng chung trong một ống nứa, họ tin rằng làm như thế lớn lên anh em sẽ thương yêu nhau. Đến khi cuống rốn của đứa bé rụng, người ta mang chiếc cuống rốn đó treo lên gần bóng điện, trước đây chưa có đèn điện người ta thường treo cạnh chỗ hay thắp đèn, người Mường quan niệm làm như vậy lớn lên đứa trẻ sẽ sáng dạ, thông minh, học giỏi. Đặc biệt, trong nhà có sản phụ đẻ người Mường có tục rào cầu thang chính bằng phên nứa, một nghi lễ tượng trưng để ngăn không cho điều xấu vào nhà làm hại đứa trẻ và để người lạ biết trong nhà có người mới sinh nên không vào.

Ngày sinh con, gia đình tổ chức ăn mừng, mời thầy mo cùng trừ mọi điều xấu hại đến mẹ con. Sau khi sinh được ba đến bảy ngày thường có nhiều anh em, bà con đến thăm hỏi tặng quà. Bà ngoại mừng cháu bao giờ cũng có vài mét vuông vải tự dệt, gia đình khá giả mừng thêm chiếc vòng bạc đeo cổ, anh em thân thích thì mừng gạo, mừng tiền.

Khi có người tới chơi nhà thì khách luôn là người lên tiếng chào trước, còn sản phụ thì kiêng kỵ không được cất tiếng hỏi trước dù người khách đó lớn tuổi hơn. Theo quan niệm của người Mường làm như vậy để tránh được mai này sau sinh người mẹ hay bị nói nhịu, nói lắp. Trước đây, người đẻ thường ăn cơm nếp cẩm với lá tắc chiềng (loại lá thuốc chống được bệnh sài), uống nước nấu với các

loại lá cây thuốc và trong thời gian cữ (bảy đến mười ngày) nhất là ba ngày đầu luôn luôn phải sưởi bên bếp lửa, theo quan niệm của người Mường làm như vậy cho mạnh khỏe, da đỏ má hồng. Nhìn chung, người phụ nữ sau sinh phải kiêng kỵ rất nhiều thứ, nhất là trong việc ăn uống, họ chỉ được ăn một số loại thức ăn nhất định như: thịt lợn hay ăn trứng chỉ được ăn trứng mà chỉ ăn phần lòng đỏ của trúng gà, kiêng ăn thịt các con vật da trơn như: lươn, cá chạch, cá trê hay thịt ếch hay thịt trâu, cá mè… còn rau thì chỉ ăn rau ngót, không ăn các loại rau khác như rau dền, râu muống, rau cải… Vì theo họ ăn những thứ đó trong khoảng thời gian trẻ nhỏ chưa được 1 năm người mẹ sẽ bị sản hậu, mẹ và bé gầy mòn, yếu ớt. Đặc biệt, sau khi sinh sản phụ phải uống rất nhiếu lá thuốc nam với quan niệm là cho chặt bụng chặt dạ, trẻ nhỏ khỏi bị đi ngoài, mẹ thì đỏ da ăn khỏe, phòng chống sản hậu, gầy mòn sau sinh. Hầu hết, các sản phụ không được phép ăn uống nhiều thứ linh tinh ngay cả các loại hoa quả chín trong vườn mà chỉ được ăn 3 bữa cơm hàng ngày

Đứa trẻ sau khi sinh ra, đối với con trai thì 7 ngày, đối với con gái là 9 ngày, người Mường làm lễ cúng mụ. Thầy cúng trong làng làm chủ lễ, mâm cỗ cúng tùy thuộc vào điều kiện của gia đình mâm cúng gồm gà, xôi, rượu, 7 bông hoa nếu làm lễ đặt tên cho bé trai và 9 bông đối với bé gái, mâm cúng thường được đặt ở cạnh giường đứa trẻ. Mục đích của lễ cúng mụ này là để cho bé được mạnh khỏe, hay ăn mau lớn, không quấy khóc đêm. Đứa trẻ lúc mới sinh chưa có tên gọi chính thức ngay, nếu là bé trai thì thường gọi âu yếm là lọ mạ, có nghĩa là thóc giống, nếu là bé gái thì gọi trìu mến là cách tắc, có nghĩa là rau cỏ, theo họ gọi như vậy cho bé được khỏe mạnh, ngoài ra họ còn gọi bằng những tên gọi khác nhưng là với nội dung là xấu xí và bẩn thỉu. Đến khi đứa trẻ được 1 năm tuổi mới đặt tên gọi chính thức, thậm chí đã có tên gọi chính thức thì họ vẫn gọi bằng các cái tên gọi âu yếm và trìu mến như trên cho trẻ dễ nuôi. Trong quan niệm của người Mường tránh gọi tên thật để trẻ khỏi đau ốm, hay tránh bị con ma rừng nó bắt. Khi đặt tên người Mường cũng kiêng đặt tên trùng với họ hàng nội ngoại gần gũi nhất là tên của những người đã khuất. Ngày nay, nghi lễ này vẫn được người Mường tiến hành nhưng đã có sự biến đổi đó là không nhất thiết phải mời thầy cúng, chỉ cần những người biết cúng trong

họ hàng như ông hoặc bác bên nội của bé. Nhiều gia đình khi sinh con ra làm lễ đặt luôn mà không phải chờ tới khi bé được 1 tuổi mới làm lễ đặt tên như trước đây và khi có tên họ cũng gọi bằng tên chính thức luôn mà ít kiêng kỵ như trước.

Người Mường có vốn tri thức dân gian rất phong phú, việc chăm sóc sản phụ và trẻ nhỏ thường được dựa trên những kinh nghiệm quý báu và bằng nhiều bài thuốc nam hiệu quả mà không gây ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ nhỏ. Người Mường có truyền thống quý trọng con cái, nhất là hiện nay người Mường thực hiện rất tốt chương trình kế hoạch hóa gia đình, nên số con trong các gia đình rất ít vì thế việc chăm sóc, giáo dục con cái được người Mường hết sức quan tâm và chú trọng để những đứa trẻ lớn lên đều trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội.

2.2.3.2. Phong tục cưới xin

Người Mường theo chế độ phụ hệ, do đó trước đây, trong phong tục cưới xin của người Mường quyền chủ động thường nhà trai, nhà trai quyết định ngày cưới, cũng như số lễ vạt mang sang nhà gái. Nhìn chung, các nghi lễ trong đám cưới trước đây thường tuần tự trải qua các bước như: ướm hỏi (kháo thếng), lễ bỏ trầu (ti nòm bánh), lễ xin cưới (nòm khảu), lễ cưới (ti cháu), lễ đón dâu (ti du) và lễ lại mặt. Trong ngày cưới, ông mối dẫn đầu đoàn nhà trai khoảng ba, bốn chục người gồm đủ nội, ngoại, bạn bè mang lễ vật sang nhà gái tổ chức cưới. Chú rể mặc quần áo đẹp, mang theo lễ vật gồm cơm đồ chín (bằng khoảng 10 đấu gạo), trên miệng chón để 2 con gà sống thiến luộc chín. Trong lễ đón dâu, cô dâu đội nón, mặc váy áo đẹp ngoài cùng là chiếc áo dài màu đen thắt 2 vạt ở phía trước. Cô dâu mang về nhà chồng thường là 2 chăn, 2 cái đệm, 2 quả gối tựa để biếu bố mẹ chồng và hàng chục gối con để nhà trai biếu cô dì, chú bác. Ngoài ra, được cha mẹ chia cho của hồi môn như con trâu, cái cuốc, xoong nồi, chậu rửa, bát đũa… Ngày nay, phong tục cưới xin của người Mường về cơ bản vẫn giã được những nét truyền thống nhưng đã và đang diễn ra những biến đổi nhất định.

Nhìn chung, người Mường theo chế độ phụ hệ, cư trú sau hôn nhân ở bên nhà chồng. Người Mường cũng có trường hợp ở rể khi nhà gái không có con trai, gọi là hình thức “bắt rể”. Người con rể có trách nhiệm thờ tự tổ tiên cũng như cha mẹ vợ khi mất.

2.2.3.3. Tập quán tang ma

Trong gia đình khi có người chết, người con trai trưởng cầm dao nín thở chặt 3 nhát vào khung cửa sổ gian thờ, sau đó gia đình phát tang bằng cách dùng cối đuống để đâm đuống báo hiệu cho dân làng biết. Thi hài người chết được liệm nhiều lớp vải và quần áo theo phong tục rồi để vào trong quan tài làm bằng thân cây khoét rỗng, bên ngoài phủ áo vẩy rồng bằng vải. Ngày nay, người Mường để thi hài của người chết trong chiếc quan tài giống như của người Kinh, thậm chí đó là những chiếc quan tài được mua sẵn trên thị trường, làm bằng những loại gỗ tạp. Tang lễ do thầy mo chủ trì. Hình thức chịu tang của con cái trong nhà không khác so với người Kinh, tuy nhiên con dâu, cháu dâu chịu tang ông bà, cha mẹ còn có bộ trang phục riêng gọi là bộ quạt ma.

Các nghi lễ truyền thống trước đây cho tới nay vẫn được tiến hành theo đúng các quy trình thủ tục như khi thân nhân tắt thở thì tắm cho người chết bằng các loại nước lá, thay quần áo, làm lễ phát tang, chọn ngày giờ đưa ma… hay việc thầy cúng lập bàn thờ cho người chết phải thấp hơn bàn thờ tổ tiên, cối cắm nhang được làm bằng một đoạn của cây chuối… hoặc một số kiêng kỵ khác như khi cha mẹ mất con cái nhất định phải đi chân đất, không được chặt cây tươi, không sát sinh, kiêng đeo đồ trang sức…

Khi người con trai trong gia đình ấy chống gậy tre thì gia đình ấy có bố mất, nếu chống gậy vông thì gia đình có mẹ mất, mặc quần áo xô trắng. Những quy định này trong phục tang vẫn được người Mường thực hiện.

Tuy nhiên, nếu như trước đây sống trong ngôi nhà sàn truyền thống, trong gia đình có người đi về cõi vĩnh hằng thì cỗ cúng thánh sư của thầy mo thường được đặt ở chỗ cột thiêng trong nhà, ngày nay hình thức cư trú đã có nhiều biến đổi chủ yếu người Mường cư trú dạng nhà trệt, do đó mâm cúng của thầy mo thường được bày ở gian chính giữa nơi đặt bàn thờ giống với người Kinh. Cùng với đó, họ không còn sử dụng hình thức đâm đuống như trước để phát tang mà cũng đánh một hồi trống giống như người Kinh, thậm chí ở các làng hiện nay người đảm nhận vai trò là Trưởng khu dân cư còn thông báo bằng loa tăng âm, để báo tin buồn cho dân

làng biết trong làng có người mất. Trước đây, trong mỗi ngôi nhà có một gian gốc đây là gian nhà linh thiêng, gian nhà linh thiêng này có một cửa sổ làm sát đến sàn nhà gọi là cửa “boóng”, đây là chiếc cửa sổ linh thiêng, không ai được đưa vật gì hay chui qua bởi khi gia chủ có tang ma thì quan tài thường được đưa ra ngoài bằng chiếc cửa boóng này. Hiện nay, người Mường thường đưa quan tài ra ngoài bằng cửa chính. Đặc biệt, trước đây đám tang của người Mường thường diễn ra trong nhiều ngày, hiện nay thường gia chủ thường tiến hành tang gia trong 2 tới 3 ngày, như vậy gây ít tốn kém hơn về mặt kinh tế cho gia chủ

TIỂU KẾT CHƯƠNG 2

- Những ngôi nhà truyền thống trước đây của người Mường Thanh Sơn, Phú Thọ thường sử dụng những nguyên vật liệu có nguồn gốc từ tự nhiên là chủ yếu. Các loại nguyên liệu đó được khai thác từ rừng như gỗ, nứa,… hoặc quanh khu vực cư trú như tre, lá cọ, mây…. Người Mường từ lâu đời đã tích lũy được những kinh nghiệm dân gian trong việc khai thác và sử dụng các loại tài nguyên thiên nhiên, trong đó có tài nguyên rừng một cách khá phong phú.

- Công cụ được người Mường sử dụng khi làm nhà đều là những công cụ giản đơn, nhưng lại tỏ ra rất đa năng và hữu hiệu như dao, rựa, rìu, búa… Trong những năm gần đây đã xuất hiện những loại công cụ hiện đại giúp ngôi nhà được đẩy nhanh tiến độ. Trong hệ thống đo lường trước đây người Mường có thói quen sử dụng hệ thống đo lường dựa trên cơ thể người theo kinh nghiệm dân gian. Hiện nay do sự phát triển của kinh tế thị trường thì người Mường đã sử dụng những hệ thống đo lường hiện đại như thước mét, thước ni vô. Trước đây, thợ làm nhà chủ yếu là người Mường, tuy nhiên có sự góp mặt của người Kinh trong những công đoạn trạm trổ công phu. Do đó, đã tạo điều kiện để người Mường học hỏi, giao lưu và tiếp thu những yếu tố mới từ tộc người khác cùng với việc kế thừa những đặc điểm văn hóa của mình để làm giàu thêm bản sắc dân tộc mình, trong đó có văn hóa ở, nhất là trong kỹ thuật dựng nhà.

- Cùng với những yếu tố vật chất, kỹ thuật trong truyền thống của ngôi nhà được duy trì thì, người Mường Thanh Sơn rất quan tâm gìn giữ những phong tục,

tập quán khi xây dựng ngôi nhà mới như xem tuổi làm nhà, chọn hướng, lễ lên nhà mới, hay các phong tục tập quán diễn ra trong ngôi nhà trong chu kỳ đời người như sinh ra, kết hôn và mất đi mang đậm bản sắc tộc người.

CHƯƠNG 3: NHỮNG BIẾN ĐỔI TRONG YẾU TỐ VẬT CHẤT VÀ PHONG TỤC, TẬP QUÁN LIÊN QUAN ĐẾN NHÀ Ở

Ngôi nhà sàn thể hiện bản sắc văn hóa của tộc người Mường từ bao đời nay. Hiện nay, trước những nguyên nhân chủ quan và khách quan thì nhà ở của người Mường nói chung và người Mường ở huyện Thanh Sơn nói riêng diễn ra nhiều biến đổi. Trong đó, biến đổi về mặt vật chất, yếu tố kỹ thuật và cả những yếu tố tinh thần như các phong tục, tập quán, nghi lễ diễn ra trong ngôi nhà truyền thống của người Mường. Sự biến đổi đó thể hiện tính linh hoạt và sự thích ứng của con người trước sự thay đổi của môi trường sống.

Một phần của tài liệu Trung tâm Thư viện và Tri thức số - Library and Digital Knowledge Center (Trang 49 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)