Tin tức (tiếng nói, âm nhạc, v.v..) và các nguồn tin rời rạc (bao gồm các ký tự, bản vẽ) khi được gửi đến người sử dụng, với việc sử dụng hệ thống truyền tin, trong phần lớn trường hợp không trực tiếp truyền các tin tức này, mà thông thường để việc truyền kênh liên lạc được hiệu quả phải thông qua các phép biến đổi gọi là mã hóa (code). [6]
Mã hóa được thực hiện với mục đích mã hóa [5]: phối hợp nguồn tin và nơi nhận tin, tăng hiệu suất thông tin, tăng độ tin cậy và bảo mật thông tin.
Khi thiết lập một mã hóa nào đó, cần tuân theo một số điều kiện tiên quyết như: Đảm bảo tính đơn trị nghĩa là khi nhận được một dãy tín hiệu thì phải tách ra được thành từng từ mã một và phép tách này phải là duy nhất. Ngoài ra, cần đảm bảo độ dài trung bình của mã là nhỏ nhất hoặc mã cho phép phát hiện và sửa sai càng nhiều càng tốt. [5]
Mã hóa là một phép biến đổi cấu trúc thống kê của nguồn tin nhằm mục đích cải tiến các chỉ tiêu kỹ thuật của hệ thống truyền tin, lớp tin đầu vào được thay thế bằng một lớp tin khác tương đương và kinh tế hơn. Mã hóa được định nghĩa là một nguồn tin với một sơ đồ thống kê được xây dựng nhằm thỏa mãn một số yêu cầu do hệ thống truyền tin đề ra, thỏa mãn về tốc độ truyền tin hay về độ chính xác của các tin truyền đi. Như vậy, mã hóa là một tập hữu hạn các dấu hiệu riêng (symbol) hay bảng chữ riêng (còn gọi là các dấu mã hay các ký hiệu mã) có phân bố xác suất thỏa mãn một số yêu cầu quy định [7]. Yêu cầu chung của phép mã hóa, đối với các tin rời rạc, là không được làm tổn hao thông tin. [5]
Mã hóa nguồn tin X theo bộ mã M là phép ánh xạ 1:1 biến đổi một tin xiX thành một tập hợp các ký hiệu thuộc bộ mã M. Nguồn X= {x1, x2, ...xn}; Bộ mã M= {m1, m2, ...mk}; Trong đó: k là cơ số của bộ mã. [5]