Đặc điểm nhận thức

Một phần của tài liệu Dạy học kể chuyện lớp 1 dựa vào phong cách học tập của học sinh theo mô hình vark (Trang 29 - 31)

8. Kết cấu chung của đề tài

1.1.5.1.Đặc điểm nhận thức

- Tri giác:

Tri giác của HS lớp 1 mang tính đại thể, ít đi vào chi tiết và mang tính không ổn định. Mặc dù trẻ em đến trường đã có quá trình tri giác khá phát triển song tri giác trong hoạt động học tập chỉ diễn ra ở mức nhận biết và gọi tên hình dạng, màu sắc.

Tri giác của HS lớp 1 gắn với hành động và hoạt động thực tiễn của trẻ. Tri giác sự vật có nghĩa là phải cầm nắm, sờ mó sự vật ấy. Chỉ có những gì phù hợp với nhu cầu của HS, những gì các em thường gặp trong cuộc sống và gắn với các hoạt động của chúng hoặc nhũng gì GV chỉ dẫn thì mới được các em tri giác. Những sự vật cụ thể, trực quan sẽ gây ấn tượng thu hút sự chú ý với các em [5].

- Tư duy:

Tư duy của trẻ mới đến trường là tư duy cụ thể, mang tính hình thức bằng cách dựa vào việc phân tích những đặc điểm trực quan, cụ thể của đối tượng.

Trẻ lớp 1 gặp phải một số khó khăn nhất định khi xác định và hiểu mối quan hệ nhân quả. Khi phân loại, phân hạng các sự vật, hiện tượng HS lớp 1 thường dựa vào các dấu hiệu bên ngoài như màu sắc, hình dáng, kích thước… mà chưa biết dựa vào các hiện tượng bên trong.

Các thao tác tư duy như so sánh, phân tích, khái quát hóa, trừu tượng hóa… được trẻ tiến hành chủ yếu bằng hành động thực tế, bằng việc dựa vào các dấu hiệu bên ngoài [5].

- Tưởng tượng:

Tưởng tượng của trẻ lớp 1 chủ yếu là tưởng tượng tái tạo. Những hình ảnh được tái hiện lại gần đúng với đối tượng thực nhưng chi tiết trong các hình ảnh còn đơn giản, hay thay đổi, chưa bền vững.

Tưởng tượng của các em chủ yếu còn dựa vào hình ảnh các sự vật, hiện tượng cụ thể, chưa biết sáng tạo và khái quát trong tưởng tượng. Quá trình tưởng tượng của các em dễ bị chi phối bởi cảm xúc, gắn liền với những sự vật, hiện tượng thực tế.

Vì vậy, trong dạy học, GV biến các kiến thức khô khan bằng những hình ảnh trực quan thông qua các phương tiện trực quan, xem video, trải nghiệm thực tế sẽ phát triển trí tưởng tượng của các em và phải mang tính thường xuyên để GV kịp thời uốn nắn khi các biểu tượng tưởng tượng bị sai lệch [5].

- Ngôn ngữ:

Ngôn ngữ có vai trò hết sức quan trọng đối với quá trình nhận thức cảm tính và lý tính của trẻ. Thông qua khả năng ngôn ngữ của trẻ ta có thể đánh giá được sự phát triển trí tuệ của trẻ.

Ngôn ngữ của HS tiểu học phát triển mạnh cả vè ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp. Vốn từ của trẻ được tăng lên rõ rệt do học nhiều môn học, giao tiếp nhiều hơn. Tuy nhiên khả năng hiểu nghĩa từ vẫn còn hạn chế.

Khi trẻ vào lớp 1 bắt đầu xuất hiện ngôn ngữ viết. Kĩ năng đọc của trẻ được hoàn thiện dần. Tuy nhiên, ở HS lớp 1 khả năng đọc diễn cảm còn hạn chế, đọc hiểu vẫn là điều khó đối với trẻ [5].

- Chú ý:

Chú ý của HS lớp 1 còn chưa bền vững. Trẻ chỉ có thể duy trì chú ý trong khoảng 30 – 35 phút. Sự tập trung chú ý của các em còn yếu và thiếu tính bền vững, chưa thể tập trung lâu dài và dễ bị phân tán trong quá trình học tập. Nhịp độ học tập quá nhanh hay quá chậm, bài học quá dễ hay quá khó đều không thu hút sự chú ý của HS.

Ở lứa tuổi này, chú ý không chủ định được phát triển. Nhưng gì mang tính chất mới mẻ, bất ngờ, rực rỡ, khác thường dễ dàng lôi kéo được sự chú ý của các em, không cần có sự nỗ lực của ý chí.

Chú ý có chủ định của các em mặc dù còn yếu nhưng khả năng phát triên lại rất lớn. Sự phát triển của nó đi đôi với sự phát triển của hoạt động học tập [5].

Tính không chủ định chiếm ưu thế trong trí nhớ của HS lớp 1. Trẻ không xác định được mục đích, nội dung, cách thức để ghi nhớ. Vì vậy trẻ thường ghi nhớ những gì mà chúng thích.

Do đặc điểm của hệ thông tín hiệu thứ nhất nên HS lớp 1 có trí nhớ hình tượng trực quan tốt hơn trí nhớ logic. Điều này thể hiện ở chỗ HS nhớ nhanh và tốt những sự vật, hiện tượng mà các em trực tiếp nhìn thấy, sờ mó thấy hơn những sự vật, hiện tượng các em được đọc, được mô tả bằng những lời giải thích dài dòng.

Khả năng ghi nhớ máy móc ở trẻ lớp 1 tốt hơn khả năng ghi nhớ ý nghĩa logic. Nguyên nhân là do trẻ chưa nhận ra mục đích, nội dung cần ghi nhớ, vốn ngôn ngữ của trẻ lại hạn chế do đó việc ghi nhớ từng câu, từng chữ dễ dàng hơn việc sử dụng ngôn ngữ của mình để diễn đạt lại [5].

Một phần của tài liệu Dạy học kể chuyện lớp 1 dựa vào phong cách học tập của học sinh theo mô hình vark (Trang 29 - 31)