VI. Dự kiến đóng góp:
4.2.2. Tầm tác động của các phương tiện tình thái đối với phương diện ngôn ngữ
nhân vật
Lời nói của nhân vật đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với việc xây dựng hình tượng một cách chi tiết, kĩ lưỡng và sinh động nhất. Các phương tiện tình thái xuất hiện trong lời nói của nhân vật sẽ giúp nhân vật hiện lên vô cùng rõ nét, đồng thời thể hiện sự đánh giá của tác giả đối với mỗi nhân vật đó
Thằng Cộc trong Rừng mắm được tác giả miêu ta như một đứa trẻ con đang trên quá trình trưởng thành của nó, cho nên Cộc tò mò về rất nhiều thứ “mọi ngày nó hỏi
không kịp đáp” [17; tr.23] và cũng muốn được nói rất nhiều. Chính vì thế mà nó luôn
chạy lên Ô Heo để gặp người mà nói chuyện, mà điển hình là cuộc hội thoại đã khơi gợi cho nó biết bao suy nghĩ lúc nó gặp gỡ chị nhổ bồn bồn:
- Nó muốn trốn để theo qua dữ lắm - người đàn ông nói - nhưng nó còn ngại.
- Ngại gì?
- Thì lo sợ cái việc xa xôi, đất lạ đó mà.
- Em nè - chị đàn bà lại hỏi - nhà có mấy người?
- Bốn người.
- Ai với ai?
- Ông nội tôi, tía tôi, má tôi, với tôi.
- Hồi đó bốn công bây giờ mười công.
- Gặt được mấy giạ mỗi mùa?
- Tám giạ.
- Trời ơi, ruộng gì mười công đất chỉ gặt được có tám giạ thôi? [17; tr.16-17]
Rồi nó cũng tò mò mà hỏi chị nhổ bồn bồn “Ở Tháp Mười dễ chịu hơn hả?”, “Xuồng anh
chị ở đâu?” [17; tr.17-18]. Thằng Cộc cũng hỏi rất nhiều chuyện với ông nội nó khi chèo
thuyền từ con rạch ra biển:
- Biền ở đâu, ông nội? – Thằng Cộc hỏi
- Đằng xa kia, xanh xanh đó.
- Sao không ra ngoải, ông nội?
- Không cần. [17; tr.25]
Khi ông nội nó chỉ cho một loại cây lạ, nó hỏi ngay: “Cây gì mà lạ vậy ông nội? Trổ bông
ngay dưới gốc?”, “Cây mắm? Sao tui không nghe nói đến cây ấy bao giờ?”, “Vậy chứ trời sanh ra nó làm chi mà vô ích dữ vậy ông nội, lại sanh hằng sa số như là cỏ ấy” [17;
tr.26]. Qua những câu hỏi đó, có thể thấy được thằng Cộc một phần là do quá thèm hơi người nên nó muốn bắt chuyện, một phần là nó vẫn chỉ là một đứa trẻ, nó luôn thắc mắc về thế giới, về những điều mới lạ xung quanh nó. Suy cho cùng, thằng Cộc chỉ là một đứa trẻ hồn nhiên, mộc mạc.
Cuộc trò chuyện mà các nhân vật, kể cả thằng Cộc đều sử dụng rất nhiều những câu tỉnh lược cho thấy mối quan hệ giữa các nhân vật khá thân thiết. Đối với gia đình, thằng Cộc rất thoải mái trong trò chuyện: “Nội nè, hồi mới tới, giữa mùa nắng, mình uống
nước gì tui quên rồi?”, “Sao mình lại tới đây ông nội?”, “Ở đây, mình có ruộng, nhưng cũng khổ cả đời” [17; tr.19], “Năm nay mình gặt được bao nhiêu tía?”, “Cũng chưa đủ ăn” [17; tr.20]. Gần như thẳng Cộc nói trống không với ông nội và tía nó. Nhưng đó
chính là đặc trưng trong cách nói của người miền Nam, họ không “vâng”, “ạ” để thể hiện sự tôn trọng như người Bắc, mà họ đề cao sự gần gũi trong cách nói hơn. Họ đối xử với nhau vô cùng đơn thuần, rất thoải mái, không nề hà mà cũng không phải lễ nghĩa. Trong cuộc trò chuyện với chị nhổ bồn bồn cũng vậy, thằng Cộc cũng chỉ toàn nói trống không với chị. Nhưng trên thực tế, thằng Cộc chỉ mới gặp chị nhổ bồn bồn lần đầu tiên vào ngày hôm đó, nên không thể nói đó là do sự thân thiết, mà đó chính là sự không cả nể của những con người lao động chân chất. Có vậy mới thấy Bình nguyên Lộc đã phản ánh rất thực, rất sinh động hình ảnh nhân vật Cộc, hay nói rộng ra là hình ảnh của những con người lao động phía Nam đất nước.
Trong Ba con cáo, tác giả cho nhân vật nói rất ít, những lần xuất hiện lời đối thoại với nhau còn ít hơn, thế nhưng với mỗi lời nói, bản chất của nhân vật được bộc lộ rất rõ. Câu nói đầu tiên của anh Sáu đó là “A ha, đồng đạo đây mà!” [17; tr.45]. Đó là tiếng reo, sự vui mừng và ngạc nhiên khi thấy con chồn đồng đạo...chích với mình. Vì vậy mà anh Sáu có cảm tình ngay với con vật “Mày cáo thì tao đây cũng cáo, vậy thì là bồ rồi” [17; tr.46]. Chỉ có những kẻ xấu mới đồng cảm với những kẻ xấu. Sáu Sửu còn là một tay giang hồ ăn chơi “Đêm nay tổ trác rồi đó phải không em! Anh đây cũng bị rượt thường
lắm, nhưng đều thoát cả. Bây giờ thì đố ai mà dám theo anh vào chốn này. Chỗ của mình kín số dách” [17; tr.46]. “Tổ trác” là một từ mà dân cờ bạc hay sử dụng, chỉ sự thất bại
của một người trong một phương diện mà người đó giỏi, tự tin, cụ thể trong cờ bạc là một người chơi bạc giỏi mà lại bị thua. Anh Sáu sử dụng từ này chứng tỏ anh cũng đã từng ngồi chung chiếu với bọn cờ bạc. Cùng với đó, cách anh xưng mình “anh đây”, khoe việc chạy thoát được công an như là một thành tích thể hiện thái độ thách thức, coi thường pháp luật của anh. Hay câu đầu tiên mà anh nói với ả hồ ly cũng mang đầy tính thách thức như vậy “Hỡi cô nữ tướng mã thượng giang hồ, nữ tướng không có lâu la thì đòi tiền mãi
lộ ai được. Nữ tướng có giỏi thì bước ra ngoài đánh với ta vài mươi hiệp cho rõ tài cao thấp” [17; tr.49]. Với giọng điệu như vậy càng chứng tỏ Sáu Sửu quả đúng là người “bán
trời không mời thiên lôi”.
Về nhân vật ả hồ ly, dù ả là phụ nữ, nhưng cũng trôi dạt trong chốn giang hồ đã lâu, bản chất cũng đã trở nên thối nát. Câu nói đầu tiên của ả chính là câu đòi tiền mãi lộ “Có
tiền mãi lộ không? Nếu không, mỗ không cho đi ngang qua đây. Mỗ đóng đồn ở đây rồi, ai bước qua phải đóng thuế” [17; tr.49]. Tiền mãi lộ là tiền mà người ta phải đưa cho bọn
cướp đón đường để bọn chúng cho đi qua. Ả hồ ly đòi tiền mãi lộ, chứng tỏ ả cũng thuộc vào hạng trộm cướp. Đồng thời, ả cũng là nhân vật duy nhất trong ba truyện thuộc phạm vi khảo sát chửi thề. Khi ả đau ốm, Sáu Sửu có đến nhà để hỏi thăm ả, ả rằng “Có uống
mẹ gì đâu mà đỡ bớt” [17; tr.53]. “Mẹ” là từ chêm xen mang nghĩa chửi thề, đã vậy, câu
chửi đó lại dành cho người đang quan tâm đến ả. Từ đó cho thấy ả là thật sự là một kẻ vô văn hóa, vô giáo dục.
Đối với nhân vật Tôn trong Pì Pế Hán, như đã nói trên, anh là người trí thức, anh không hành động hay nói năng nhiều mà chỉ có tư duy. Cả truyện anh chỉ nói có đúng năm câu, nhưng năm câu đó cũng chỉ nhằm vào hai mục đích: Câu thứ nhất: “ Có biết bản
Tàu xưa chăng?” để tỏ ý muốn nghe nhạc; những câu còn lại “Tỳ Bà hành?”, “Ty Bá hành?”, “Xý bá hang?”, “Pì Pế Hán?” để tỏ ý hỏi á xẩm có biết “Tỳ Bà hành” hay không.
Từ đó có thể thấy được Tôn là một nghệ sĩ rất kiệm lời, đồng thời cho lại càng khẳng định anh là con người của chiêm nghiệm.
Thông qua phương diện ngôn ngữ của nhân vật, đặc biệt là các phương tiện tình thái có trong lời nói của họ, tác giả đã cho chúng ta thấy được những nét tính cách, phẩm chất vô cùng đặc trưng, độc đáo, không thể trộn lẫn. Phương diện ngôn ngữ của nhân vật kết hợp với lời miêu tả, trần thuật của tác giả về các nhân vật đó đã tạo nên một hệ thống các nhân vật vô cùng cụ thể, sinh động, đồng thời cũng hết sức khái quát.