VI. Dự kiến đóng góp:
3.2.3. Câu đặc biệt
Câu đặc biệt là câu không được cấu tạo theo mô hình chủ ngữ - vị ngữ, được chia làm hai loại: câu đơn đặc biệt và câu ghép đặc biệt. Câu đơn đặc biệt là câu chỉ tồn tại một từ làm nòng cốt nhằm diễn tả nghĩa sự tình là sự tồn tại hoặc xuất hiện của một sự vật, hiện tượng, hoạt động, tính chất. Còn câu ghép đặc biệt là những câu có hai hoặc nhiều từ làm nòng cốt nhằm diễn tả nghĩa sự tình về sự tồn tại của hàng loạt sự vật, sự diễn ra nhanh chóng của các sự việc hoặc sự tồn tại của sự vật.
Theo đó, ta có thể khái quát được nghĩa tình thái của câu đặc biệt nói chung là thể hiện sự cảm thán hoặc mong muốn gây chú ý với đối tượng khác, sự nhấn mạnh về thời gian, nơi chốn, tính chất, đặc điểm của sự vật hiện tượng, nhấn mạnh vào sự tồn tại hoặc ý muốn đưa ra những thông tin ngắn gọn, tự nhiên của người phát ngôn. Tác giả Bình nguyên Lộc cũng đã sử dụng loại câu này không ít lần trong truyện ngắn của mình. Trong phạm vi khảo sát, chúng tôi nhận thấy có 24 lần ông sử dụng câu đặc biệt, trong đó, các câu chỉ diễn tả ba nghĩa sự tình: diễn tả sự tồn tại định vị, bộc lộ cảm xúc và gọi – đáp. Xét một số ví dụ sau đây:
(86) Quanh nhà nó, có hàng trăm nhà khác, có vườn cây trái, có nước ngọt quanh năm, có trẻ con để nó làm bạn, để nó đùa giỡn với. (Rừng mắm)
+ Nghĩa sự tình: Diễn tả khu vực quanh nhà thằng Cộc, và quanh các nhà khác tồn tại những vườn cây trái, nguồn nước ngọt và trẻ con để thằng Cộc cùng chơi đùa.
+ Nghĩa tình thái: Tác giả nhấn mạnh sự tồn tại của vườn cây, nước ngọt và trẻ con tại vị trí “quanh nhà nó”, đồng thời khẳng định sự thực hữu của các sự vật đó.
(87) Trong bãi tha ma hoang vắng, không một tiếng vang lặp lại tiếng kêu thương của con vật vừa bị bạn phản bội này. (Ba con cáo)
+ Nghĩa sự tình: Diễn tả khu vực trong bãi tha ma không tồn tại tiếng vang lặp lại tiếng kêu thương của con chồn vừa bị anh Sáu giết.
+ Nghĩa tình thái: Tác giả phủ định sự tồn tại của tiếng vang lại lại tiếng kêu thương của con chồn vừa bị anh giết và nhấn mạnh điều đó, đồng thời tác giả khẳng định sự không thực hữu của tiếng vang đó.
(88) Anh Sáu hồi hộp nghe tim anh đập thình thình trong lồng ngực anh. Lạ! Anh đã giết người. mà nhớ ra là anh đã không nghe mảy may sợ hãi. Cớ sao đêm nay...(Ba con cáo)
+ Nghĩa sự tình: “Lạ!” là câu đơn đặc biệt, thể hiện nghĩa sự tình về việc anh Sáu bộc lộ cảm xúc ngạc nhiên, lạ lẫm khi thấy mình lo sợ khi sắp giết thịt một con chồn trong khi anh là kẻ đã từng giết người không gớm tay bằng cách gọi tên cảm xúc đó.
+ Nghĩa tình thái: Đây là câu trần thuật của tác giả nhưng cũng có thể coi là suy nghĩ của anh Sáu, thể hiện viện anh Sáu ngạc nhiên, thấy lạ lẫm với chính bản thân mình; đồng thời khẳng định tính thực hữu của sự thay đổi trong tinh thần của anh Sáu.
(89) Thật là đau lòng! Một nhạc sĩ Việt Nam đàn đệm ở nhà hàng thường than số phận tủi nhục của người nghệ sĩ, đêm đêm phải đánh đĩ ngón đàn để giúp vui cho một mớ người hành lạc say mê trước ly rượu hay trước một người đàn bà, thờ ơ không biết có tiếng đàn, không biết có một người nghệ sĩ nhiều khi thanh cao hơn họ, đang phụng sự họ, để được sống những ngày cam khổ. (Pì pế Hán)
+ Nghĩa sự tình: “Thật là đau lòng” cũng là một câu đơn đặc biệt, thể hiện nghĩa sự tình về việc tác giả và cũng là Tôn bộc lộc cảm xúc đau lòng trước số phận của những người nghệ sĩ.
+ Nghĩa tình thái: Tác giả/ Tôn trực tiếp thể hiện cảm xúc của mình trước việc nhìn thấy người nghệ sĩ bị coi thường, thể hiện quan niệm về người nghệ sĩ chân chính và số phận của họ; đồng thời khẳng định tính thực hữu của sự tình “đau lòng”.
(90)
- Tía!
Thằng Cộc lo lắng không biết tía nó sẽ làm tràm như nó được hay không và kêu tía nó bằng một giọng thương yêu trìu mến hết sức. (Rừng mắm)
+ Nghĩa sự tình: Câu đơn đặc biệt “Tía!” được sử dụng cho mục đích gọi – đáp, thể hiện nghĩa sự tình về việc thằng Cộc gọi tía nó.
+ Nghĩa tình thái: Trong trường hợp này, thằng Cộc gọi tía không phải để nhằm mục đích lôi kéo sự chú ý của tía, mà nó chỉ gọi vì nó thấy thương và lo lắng cho tía nó cho nên xét cho cùng, câu đơn đặc biệt này mang vừa mang nghĩa tình thái là thằng Cộc muốn gây sự chú ý của tía nó, vừa mang nghĩa thằng Cộc muốn thể hiện cảm xúc của mình đối với tía.
(91) Á xẩm hiểu thật, lặp lại câu ngắn của chàng trai đến ba lần, vừa nói vừa cười, vừa gật đầu lia lịa.
- Pì Pế Hán! Pì Pế Hán! Hò Pì Pế Hán. (Pì pế Hán)
Trong dẫn chứng này, câu đơn đặc biệt gồm ba câu trong lời nói của á xẩm: 2 câu “Pì Pế Hán” và 1 câu “Hò Pì Pế Hán”. Thế nhưng nhìn chung, cả ba câu này có nghĩa sự tình và tình thái tương tự nhau:
+ Nghĩa sự tình: Á xẩm gọi tên bài hò.
+ Nghĩa tình thái: Thể hiện việc á xẩm biết bài hò này, và mong muốn nhanh chóng truyền đạt điều đó cho Tôn, nhưng vì khả năng ngôn ngữ hạn chế, cộng với việc vì quá vui mừng nên á xẩm lặp lại câu đơn đặc biệt đó đến ba lần.
Bình nguyên Lộc thực sự sử dụng các loại câu đặc biệt với các nét nghĩa tình thái vô cùng đa dạng nhưng cũng vô cùng thách thức người nghiên cứu vì đặc trưng của loại câu này. Các thành phần bị khuyết đi trong câu đặc biệt khiến ta không thể nào bổ sung chúng vào lại một cách dễ dàng, tự nhiên như câu tỉnh lược, phải dựa theo ngữ cảnh, hoàn cảnh ta mới có thể xác định được những lớp ngữ nghĩa đó. Tuy các câu đặc biệt trong truyện ngắn Bình nguyên Lộc không thể hiện được đầy đủ các lớp nghĩa như phần lí
thuyết đã trình bày trên, nhưng với lời trần thuật của tác giả kết hợp với hệ thống các nhân vật vô cùng độc đáo đã tạo nên thêm nhiều lớp nghĩa cho phát ngôn.
TIỂU KẾT CHƯƠNG 3
Thông qua chương 3, chúng tôi đã đi vào khảo sát và phân tích nghĩa sự tình và nghĩa tình thái của các phương tiện biểu thị nghĩa tình thái thuộc phạm vi ngữ pháp, cụ thể là các kiểu câu ghép chính – phụ, câu tỉnh lược (câu rút gọn) và câu đặc biệt, trong phạm vi ba truyện ngắn Rừng mắm, Ba con cáo, Pì pế Hán của Bình nguyên Lộc. Trong đó:
- Với các kiểu câu ghép chính – phụ, chúng tôi đã khảo sát, phân tích nghĩa sự tình và nghĩa tình thái của các câu ghép chính – phụ biểu thị mối quan hệ nguyên nhân – kết quả, mối quan hệ điều kiện/giả thiết – kết quả, mối quan hệ nhượng bộ – tăng tiến và mối quan hệ mục đích – sự kiện. Xem xét chúng khi vế chính và vế phụ được sắp xếp theo đúng trật tự quy ước và khi chúng bị đảo vị trí cho nhau.
- Với các câu tỉnh lược (hay còn gọi là câu rút gọn), chúng tôi đã khảo sát và phân tích nghĩa sự tình và nghĩa tình thái của một số câu tỉnh lược chủ ngữ.
- Với các câu đặc biệt, chúng tôi đã khảo sát và phân tích nghĩa sự tình và nghĩa tình thái của một số câu đặc biệt khi được đặt vào ngữ cảnh mà phát ngôn được đưa ra theo kiểu câu đơn đặc biệt và câu ghép đặc biệt.
CHƯƠNG 4
TẦM TÁC ĐỘNG CỦA CÁC PHƯƠNG TIỆN TÌNH THÁI ĐỐI VỚI VĂN BẢN BÌNH NGUYÊN LỘC
Thông qua việc khảo sát và phân tích một số phương tiện tình thái mà chúng tôi đã trình bày ở chương 2 và chương 3, có thể thấy rằng các phương tiện tình thái xuất hiện một cách dày đặc trong một số truyện ngắn của Bình nguyên Lộc thuộc phạm vi khảo sát. Việc chúng xuất hiện với tần suất như thế không thể không kéo theo những sự tác động