Các nghiên cứuvề đồng biến động giá cổ phiếu tại Việt Nam

Một phần của tài liệu Nghiên cứu sự đồng biến động giá cổ phiếu của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán việt nam (Trang 36 - 40)

Nghiên cứu về ảnh hưởng của cấu trúc sở hữu đến SYNCH là một chủ đề thu hút nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới quan tâm. Trên cơ sở sự khác nhau của môi trường thể chế và môi trường thông tin giữa các quốc gia, quan hệ giữa các nhân tố tác động và SYNCH có thể khác nhau giữa các quốc gia. Cho đến nay tại Việt Nam đã bắt đầu có một số nghiên cứu liên quan đến biến động giá cổ phiếu, biến động của thị trường chứng khoán, các nhân tố ảnh hưởng đến tỷ suất sinh lời cổ phiếu và nghiên cứu về sự dao động giá cổ phiếu. Một số nghiên cứu điển hình trên TTCK như sau:

Nghiên cứu của Nguyễn Thị Minh và cộng sự (2015) chỉ ra là sở hữu Nhà nước làm tăng chi phí đại diện, nguồn gốc của chi phí đại diện là do có sự chênh lệch giữa quyền sở hữu và quyền kiểm soát, khi các cổ đông đại diện cho phần vốn nhà nước chứ không phải là chủ sở hữu thực sự của phần vốn đó tại các công ty cổ phần. Chính điều này làm cho các công ty mà có nhà nước sở hữu thường ít kiểm soát các khoản đầu tư của mình và ban quản lý công ty đưa ra các quyết định vì lợi ích của họ hơn là lợi ích của công ty. Những người đại diện cho phần vốn nhà nước tại các công ty thường theo đuổi các mục tiêu chính trị hơn là mục tiêu tối đa hóa giá trị của các cổ đông nên nó sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của công ty. Kết quả nghiên cứu chỉ rõ là sở hữu nhà nước càng cao thì hiệu suất sử dụng tổng tài sản càng nhỏ, hay làm tăng chi phí đại diện tại các công ty mà có nhà nước sở hữu vốn.

Ngoài ra, ban quản lý của công ty thường cố tình che đậy các thông tin bất lợi trong kết quả kinh doanh và không công bố rộng rãi cho các nhà đầu tư bên ngoài công ty, điều này làm cho môi trường thông tin trong các doanh nghiệp Nhà nước thường kém minh bạch. Từ đó xuất hiện hiện tượng một số cá nhân đại diện cho phần vốn nhà nước tại công ty, họ được lợi thế hơn về mặt thông tin so với các cổ đông bên ngoài khác nên họ có thể giao dịch cổ phiếu dựa trên lợi thế về thông tin. Như vậy, sở hữu nhà nước làm tăng chi phí cho việc thu thập các thông tin thuộc về đặc thù của công ty, hiệu suất sử dụng tài sản giảm, quản trị công ty kém (không vì mục tiêu tối đa hóa giá trị doanh nghiệp). Nghiên cứu của Nguyễn Thị Minh và cộng sự (2015) mới chỉ làm rõ ảnh hưởng của sở hữu nhà nước đến chi phí đại diện mà chưa đề cập đến sở hữu nhà nước sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự biến động giá cổ phiếu và đồng biến động giá cổ phiếu trên TTCK.

Tỷ suất sinh lời của chứng khoán chịu sự tác động của các yếu tố thuộc về chính công ty và các nhân tố vĩ mô như: lạm phát, lãi suất, tỷ giá hối đoái, giá vàng thế giới, cung tiền, tăng trưởng kinh tế, tỷ suất sinh lời của các TTCK thế giới,… Nghiên cứu Võ Thị Thúy Anh và Nguyễn Thanh Hải (2013) chỉ ra hai nhân tố lạm phát và chỉ số Nikkei có ảnh hưởng đến tỷ suất lợi tức của các cổ phiếu tại TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, nghiên cứu chưa đề cập đến các nhân tố thuộc về đặc thù của công ty ảnh hưởng đến biến động tỷ suất sinh lời của cổ phiếu và đồng biến động giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Nghiên cứu của Võ Xuân Vinh và Phùng Quốc Lan (2015) cho thấy có sự đồng dao động trong tỷ suất sinh lời của cổ phiếu đối với TTCK của các quốc gia trong quá trình hội nhập. Cụ thể nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ chặt chẽ cả trong ngắn hạn và dài hạn TTCK các nước trong khu vực ASEAN+3, trong đó TTCK Singapore được xem là nhân tố dẫn dắt trong ngắn hạn đối với sự đồng dao động giá cổ phiếu của thị trường các nước trong khu vực. Sự hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam có ảnh hưởng đến sự phụ thuộc giữa TTCK Việt Nam với các nước trong khu vực ASEAN. Tác giả nghiên cứu sự đồng dao động giá cổ phiếu giữa các quốc gia khác nhau trong khu vực ASEAN+3, nhưng chưa làm rõ được sự đồng dao động giá cổ phiếu giữa các công ty niêm yết tại TTCK Việt Nam. Nghiên cứu chưa đánh giá được mức độ đồng biến động trên TTCK là mạnh hay yếu và chưa làm rõ được những nhân tố thuộc về đặc thù của công ty niêm yết ảnh hưởng như thế nào đến đồng biến động giá cổ phiếu.

Nghiên cứu khẳng định giao dịch của nhà quản lý có ảnh hưởng đến sự biến động giá cổ phiếu, với lợi thế về mặt thông tin so với các cổ đông khác, các nhà quản lý có được thu nhập bất thường thông qua giao dịch của mình. Theo lý thuyết tín hiệu, nhà quản lý là người hiểu rõ nhất về công ty và có lợi thế hơn về mặt thông tin. Nên

giao dịch của nhà quản lý là tín hiệu về giá trị công ty và ẩn chứa nhiều thông tin đối với các cổ đông bên ngoài. Nghiên cứu của Võ Xuân Vinh và La Ngọc Giàu (2016) cho thấy tồn tại lợi nhuận bất thường và khối lượng giao dịch bất thường xung quanh ngày công bố thông tin đăng ký giao dịch bán cổ phiếu của nhà quản lý. Tuy nhiên, nghiên cứu chưa chỉ ra cơ chế ảnh hưởng của cải thiện môi trường thông tin và quản trị doanh nghiệp đến tính thông tin trong giá cổ phiếu nói riêng và mức độ đồng biến động giá cổ phiếu của toàn thị trường nói chung.

Nghiên cứu của Diệp Gia Luật (2015) lại quan tâm đến ảnh hưởng của khối lượng giao dịch đến biến động giá cổ phiếu và sự biến động của thị trường. Kết quả nghiên cứu cho thấy “mối quan hệ đồng biến giữa độ biến động thị trường, khối lượng giao dịch và độ trễ của biến động có ảnh hưởng đến khối lượng giao dịch, nhưng độ trễ của khối lượng giao dịch không ảnh hưởng đến độ biến động thị trường chứng khoán”. Nguyên nhân gây ra sự biến động giá và khối lượng giao dịch là do sự xuất hiện của thông tin. Tiếp cận dựa theo giả thuyết truyền tải thông tin liên tiếp, tác giả đã giải thích cơ chế truyền tải thông tin và cách thức thiết lập trạng thái cân bằng của thị trường. Tuy nhiên, nghiên cứu chưa chỉ ra được ảnh hưởng của các nhân tố thuộc về đặc thù của công ty đến biến động của giá cổ phiếu cũng như mức độ biến động của toàn thị trường.

Nghiên cứu của Võ Thị Thúy Anh và cộng sự (2014) chỉ ra các nhân tố vĩ mô như: lạm phát, tốc độ tăng GDP, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, điều kiện thị trường vốn và điều kiện thị thị trường nợ có tác động đến cấu trúc vốn của các công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam. Nghiên cứu bước đầu đã đề cập đến ảnh hưởng của các biến thuộc về đặc thù của công ty. Tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở việc kiểm soát các biến thuộc về nhân tố bên trong doanh nghiệp như: tỷ lệ nợ, qui mô của công ty, cấu trúc tài sản, tính thanh khoản, ROA, tỷ lệ giữa giá trị thị trường và giá trị sổ sách (M/B) và rủi ro kinh doanh của doanh nghiệp đến cấu trúc vốn của công ty; chưa đề cập đến ảnh hưởng của các biến thuộc về cấu trúc sở hữu của công ty ảnh hưởng như thế nào đến biến động giá cổ phiếu của công ty.

Nghiên cứu của Nguyễn Hữu Huy Nhựt và cộng sự (2015) xem xét mức độ ảnh hưởng của cung cầu thông tin lên độ bất ổn giá chứng khoán và độ bất ổn của thị trường, kết quả cho thấy cầu và cung thông tin tác động đến độ bất ổn giá chứng khoán. Thông qua việc hội nhập và mở cửa TTCK, cho phép nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào TTCK Việt Nam. Kết quả là, sở hữu nước ngoài không chỉ góp phần vào sự phát triển của thị trường vốn hoặc sự phát triển kinh tế của đất nước, mà sở hữu nhà đầu tư nước ngoài còn là nhân tố quan trọng trong cơ cấu sở hữu của các công ty. Từ quan điểm của lý thuyết người đại diện, các doanh nghiệp được hưởng lợi từ một mức độ cao của quyền sở hữu

nước ngoài do nhà đầu tư nước ngoài yêu cầu tiêu chuẩn cao hơn của quản trị công ty và đảm nhận vai trò của giám sát hoạt động của công ty. Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài đòi hỏi mức độ cao của công bố thông tin và hoạt động kế toán, có thể làm giảm các vấn đề người đại diện trong các công ty và nâng cao lợi nhuận của công ty. Ở một mức độ cao của quyền sở hữu họ có khả năng truyền đạt kiến thức quản lý hữu ích và chuyển giao công nghệ cũng như các công ty có thể sử dụng nguồn lực tốt hơn từ các nhà đầu tư nước ngoài để nâng cao lợi nhuận. Nghiên cứu của Võ Hoàng Diễm Trinh (2016) công bố trên Vietnam Economist Annual Meeting (VEAM) sử dụng mô hình OLS, FEM và REM để xem xét mối quan hệ giữa quyền sở hữu nước ngoài và lợi nhuận công ty. Kết quả nghiên cứu thấy rằng sở hữu nước ngoài có hình chữ U trong mối quan hệ với lợi nhuận công ty, hay tồn tại mối quan hệ phi tuyến tính giữa sở hữu nhà đầu tư nước ngoài và lợi nhuận của công ty. Nghiên cứu đã kiểm soát các biến thuộc về yếu tố đặc thù công ty như: tổng tài sản, tỷ lệ nợ trên tổng tài sản, doanh thu thuần trên tổng tài sản, tài sản cố định trên tổng tài sản, tỷ lệ tài sản ngắn hạn trên nợ ngắn hạn,…Tuy nhiên, nghiên cứu này không phân biệt giữa sở hữu khối và không phải sở hữu khối của nhà đầu tư nước ngoài, mặc dù các nhóm này có thể có hiệu ứng khác nhau về lợi nhuận công ty. Điều này ngụ ý rằng nghiên cứu sâu hơn về cấu trúc sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp cần được tiến hành để làm nổi bật hơn vai trò của sở hữu nước ngoài.

Nghiên cứu của Phùng Đức Nam (2013) xem xét ảnh hưởng của cấu trúc sở hữu (sở hữu nhà nước và sở hữu nước ngoài) đến hiệu quả hoạt động của các công ty niêm yết trên TTCK trong giai đoạn từ 2007-2012. Kết quả phân tích thực nghiệm từ mô hình hiệu ứng cố định (FEM) cho thấy, tồn tại mối quan hệ hình chữ U ngược giữa sở hữu nhà nước và hiệu quả hoạt động của công ty và tồn tại mối quan hệ hình chữ U giữa sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài với hiệu quả hoạt động của công ty. Những kết quả này hàm ý rằng khi quyền sở hữu tập trung, sở hữu nhà nước làm giảm hiệu suất công ty, sở hữu nước ngoài nâng cao hiệu suất công ty. Như vậy, kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy tồn tại mối quan hệ phi tuyến tính giữa cấu trúc sở hữu với hiệu quả hoạt động của công ty. Tuy nhiên, chưa thể hiện được mối quan hệ giữa cấu trúc sở hữu và sự biến động giá cổ phiếu của công ty trên thị trường cũng như mức độ đồng biến động giá trên thị trường.

Theo kết quả nghiên cứu của Đặng Tùng Lâm (2016), sở hữu của cổ đông lớn có ảnh hưởng ngược chiều đến sự đồng biến động giá cổ phiếu của các công ty niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, nghiên cứu cũng đã làm rõ ảnh hưởng của nhóm cổ đông lớn là nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước

ngoài lên sự đồng biến động giá cổ phiếu. Nghiên cứu đã chỉ ra được các nhân tố ở góc độ vĩ mô và góc độ công ty ảnh hưởng đến đồng biến động giá cổ phiếu trên TTCK và xác lập được mối quan hệ ảnh hưởng gián tiếp của cổ đông lớn đến đồng biến động giá cổ phiếu, đó là cổ đông lớn góp phần cải thiện tính thông tin trong giá cổ phiếu thông qua giao dịch dựa trên thông tin và làm tăng chất lượng thông tin công bố tại các công ty mà họ đang sở hữu cổ phiếu. Nghiên cứu cũng đã làm rõ được mối quan hệ tuyến tính giữa sở hữu của cổ đông lớn và đồng biến động giá cổ phiếu trên TTCK Việt Nam.

Như vậy, các nghiên cứu tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở mức xem xét sự biến động giá cổ phiếu, làm rõ các nhân tố vĩ mô và vi mô ảnh hưởng đến tỷ suất sinh lời của cổ phiếu. Các nghiên cứu chưa đánh giá một cách toàn diện về hiện tượng đồng biến động giá cổ phiếu tại TTCK Việt Nam, chưa chỉ ra được ảnh hưởng của các nhân tố đến mức độ đồng biến động giá cổ phiếu khi nghiên cứu tại một quốc gia riêng lẻ, cũng như sự khác biệt trong môi trường vĩ mô của Việt Nam có làm thay đổi trong mối quan hệ giữa ảnh hưởng của nhân tố vi mô thuộc đặc thù công ty niêm yết đến đồng biến động giá cổ phiếu. Đây là vấn đề còn bỏ ngõ và cần phải có nghiên cứu để làm rõ các nội dung trên.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu sự đồng biến động giá cổ phiếu của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán việt nam (Trang 36 - 40)