Đời sống kinh tế

Một phần của tài liệu Bảo Tồn Và Phát Huy Giá Trị Nhà Cổ Ởthành Phố Hội An (Trang 28 - 32)

7. Bố cục của luận văn

1.2.3. Đời sống kinh tế

Từ lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Hội An, có thể thấy rằng, chủ nhân xây dựng nên một Hội An như ngày nay chủ yếu là những lưu dân Việt ở đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Họ là những người “Nam tiến” vì kế sinh nhai, vì muốn tìm nơi “đất lành chim đậu”. Họ cũng có thể là những người đã chán chường với cơ chế thống trị của triều Lê đang trên đà suy thoái, muốn tìm một vùng đất mới để thoát khỏi những ràng buộc khắt khe, những bất công gặp phải ở nơi bản quán, hoặc do hành động phản kháng triều đình họ phải đi tìm chốn dung thân. Cũng có thể đó là những người bị bắt làm tù binh trong những cuộc tranh giành quyền lực của các thế lực quân chủ...

Những lưu dân này trừ một số ít là trí thức, thợ thủ công, người buôn bán, còn tuyệt đại đa số đều là nông dân. Hành trang những người nông dân này mang theo vào vùng đất mới là vốn liếng văn hóa, kinh nghiệm sản xuất truyền thống của vùng đất phương Bắc, là lòng dũng cảm, nhẫn nại, chịu thương, chịu khó cùng với quyết tâm vươn lên, khao khát được đổi đời. Khi đến vùng đất mới họ phải đối mặt với muôn vàn hiểm nguy từ thiên tai, thú dữ và khí hậu khắc nghiệt, buộc các thế hệ lưu dân này phải cùng cộng cư, chung lưng đấu cật với cư dân bản xứ, phải vật lộn, gồng mình lên để sinh tồn. Chính yếu tố lịch sử, xã hội và tự nhiên đó đã góp phần tạo nên cá tính địa phương, những tư duy kinh tế mới và sự phong phú đa dạng về văn hóa của cư dân Hội An.

Ở Hội An, ngoài người Chăm, người Việt còn giao lưu, tiếp xúc với nhiều người ngoại quốc đến từ nhiều nước trong khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á và một số nước phương Tây, chung sống hòa hợp, lâu dài với người Nhật và người Trung Quốc. Quá trình giao lưu, tiếp xúc rộng mở đó đã tạo nên con người Hội An có tính cách cởi

mở, năng động, nhạy bén, nhanh tiếp thu yếu tố mới. Đó cũng là đặc điểm khác biệt của cư dân Hội An so với các địa phương khác.

Chính tính cách đó đã giúp những lưu dân người Việt ở đây sớm phát hiện ở những cộng đồng cư dân cùng chung sống với mình nhiều giá trị văn hóa phong phú và nhiều kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh hữu ích. Người Chăm – chủ nhân xưa của vùng đất này có kỹ thuật canh tác trên đất khô rất hiệu quả, có nhiều giống lúa mới, kỹ thuật đắp đập lớn và tưới ruộng bằng hệ thống bờ xe nước quy mô, kinh nghiệm về việc tìm mạch nước ngầm và thiết lập hệ thống giếng nước ven các chân đồi, kỹ thuật luyện kim, nghề chế biến mắm cá, kỹ thuật đóng ghe bầu, nghề đi biển... Đặc biệt, sản phẩm của người Chăm làm ra không chỉ để tự cấp tự túc, hoặc trao đổi qua lại trong địa phương hẹp, trong nội địa mà còn để trao đổi buôn bán với bên ngoài. Còn người Trung Quốc lại rất giỏi trong việc buôn bán, kinh doanh, có nhiều nghề thủ công đặc sắc, nhiều kinh nghiệm trong nghề thuốc Bắc, y dược....

Những kinh nghiệm đó đã nhanh chóng được người Việt tiếp thu và vận dụng vào các hoạt động sản xuất và đời sống. Đồng thời, thực tế mới mẻ đó đã khiến những lưu dân Việt ở Hội An phải xét lại quan niệm “dĩ nông vi bản” của Nho giáo vốn đã ăn sâu vào trong tiềm thức mình. Cộng thêm điều kiện tự nhiên đa dạng, vị trí địa lý vô cùng thuận lợi của Hội An, cùng các yếu tố thời đại của lịch sử thế giới Đông - Tây, chính sách ngoại thương táo bạo, độc đáo của các chúa Nguyễn, trên nền tảng của một cảng thị quốc tế từ thời vương quốc Champa đã cho phép người Hội An dần hình thành một tư duy kinh tế mở với cấu trúc kinh tế đa ngành, nông nghiệp đi đôi với thủ công nghiệp, khai thác lâm nghiệp, ngư nghiệp, phát triển nội thương và cả ngoại thương cùng một lúc.

Hội An cũng như các địa phương khác trong cả nước, kinh tế nông nghiệp luôn đóng vai trò chủ đạo trong đời sống kinh tế, nơi đây có đầy đủ điều kiện thuận lợi cho một nền kinh tế nông nghiệp trồng trọt phát triển với các loại cây trồng: cây lương thực (lúa, ngô, khoai, sắn), cây thực phẩm (rau các loại, đậu các loại), cây công nghiệp (đậu phộng, mè, cói)… Về cơ bản cư dân Hội An vẫn sản xuất theo phương thức truyền thống của người Việt cổ, đồng thời tiếp thu, vận dụng kinh nghiệm sản xuất của người Chăm trong công tác thủy lợi, chống hạn, chống ngập úng, cải tiến công cụ lao động… Trong sản xuất nông nghiệp, người dân nơi đây vẫn theo phương thức cổ truyền là trồng trọt kết hợp với chăn nuôi. Gia đình nào cũng có nuôi heo, gà, vịt, trâu, bò để tăng thêm thu nhập và nâng cao chất lượng bữa ăn cho gia đình. Vào đầu thế kỷ XX, cư dân Hội An bắt đầu trồng hoa, cây cảnh để phục vụ nhu cầu của thị trường. Đây là một nghề khá mới mẻ, tuy chưa phát triển rộng rãi nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả rất khả quan, góp phần phát triển kinh tế của địa phương. Từ trong nông

nghiệp cũng đã hình thành nên các làng nghề chuyên canh một loại cây trồng, trong đó nổi tiếng nhất là làng rau Trà Quế ở xã Cẩm Hà. Hầu hết các loại rau đặc trưng của vùng nhiệt đới đều thích hợp với đất Trà Quế, rau ở đây có hương vị đặc biệt không giống với bất kỳ nơi nào, trở thành một thương hiệu rau nổi tiếng không chỉ ở khu vực Quảng Nam mà cả các tỉnh thành trong cả nước. Bên cạnh đó, làng rau Trà Quế cũng là một địa điểm tham quan hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Dựa trên sự đa dạng về môi trường sinh thái tự nhiên, đặc biệt là các dạng sinh thái sông nước, cùng với nó là sự phong phú các loại thủy, hải sản, cư dân Hội An không chỉ biết trồng trọt mà với kinh nghiệm truyền thống vốn có, họ đã kế thừa phát huy và khai thác triệt để nguồn lợi trên sông nước, biển cả, đưa nghề đánh bắt thủy hải sản trên sông - biển sớm phát triển. Ngoài ra, cư dân nơi đây còn có nghề khai thác yến sào, đan lưới, chế biến thủy hải sản… Cùng với nền kinh tế nông nghiệp, ngư nghiệp đã có một vai trò quan trọng trong nền kinh tế ở địa phương. Đồng thời, tạo cơ sở hình thành một số làng thuần ngư nghiệp (làng vạn chài) như Phước Trạch, An Bàng… khá đặc trưng trong cộng đồng cư dân ở Hội An.

Để hỗ trợ cho nông nghiệp, đồng thời đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của cư dân, các nghề thủ công truyền thống ở Hội An đã sớm hình thành và phát triển với nhiều ngành nghề đa dạng như: nghề rèn nằm rải rác ở các điểm giao thông liên làng - xã, thôn - ấp, nghề thau thiếc tập trung ở làng Mậu Tài, nghề làm gương, lược tập trung ở Xuân Mỹ, nghề đan lát, làm nhà tre, làm liễn đối tập trung ở các làng An Mỹ, Sơn Phô, Thanh Hà, Thanh Châu, nghề dệt chiếu, dệt vải, thêu tập trung ở các làng Cẩm Phô, Kim Bồng, Thanh Châu, nghề làm đường, làm dầu phụng, dầu mè ở An Mỹ, Thanh Châu, Thanh Hà, Kim Bồng, nghề nung vôi tập trung ở các điểm ven sông… Các nghề thủ công có quy mô lớn, tập trung, thu hút nhiều lao động và sản phẩm có giá trị cao, nổi tiếng đáng kể ở Hội An là nghề mộc ở Kim Bồng, nghề gốm ở Thanh Hà và nghề khai thác yến sào ở Thanh Châu.

Nghề mộc là một nghề ra đời sớm, thịnh hành và phát triển mạnh mẽ trên đất Hội An. Địa danh Kim Bồng gắn với nghề mộc đã được Lê Quý Đôn đề cập trong Phủ biên tạp lục từ thế kỷ XVIII. Nhiều thế hệ thợ Kim Bồng không những đã để lại dấu vết tài nghệ tuyệt vời của mình ở di tích Đô thị cổ Hội An mà còn cả trong nhiều di tích khác ở Đà Nẵng, Huế và thành phố Hồ Chí Minh. Sản phẩm dân dụng của làng mộc Kim Bồng từ xưa đến nay không những có mặt ở nhiều nơi trong nước mà còn vượt đại dương theo thuyền buôn có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Hiện nay, nghề mộc Kim Bồng vẫn là một trong những nghề thủ công truyền thống nổi tiếng ở miền Trung – Việt Nam và cả trên thị trường quốc tế.

Cùng với nghề mộc Kim Bồng, nghề gốm ở Thanh Hà cũng đã phát triển từ rất sớm. Nhiều tư liệu cho biết, vào cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII, ông bà tổ tiên của 8 tộc tiền hiền của làng Thanh Hà, vốn là người Thanh Hóa vào đây lập nghiệp. Lúc đầu, có một số xóm - ấp làm nghề gốm, gạch, ngói định cư ở Thanh Chiếm, An Bang, về sau những người làm nghề này chuyển đến xóm Nam Diêu cho đến ngày nay. Trước đây, nghề gốm chuyên sản xuất các loại sản phẩm gắn với nhu cầu đồ dùng sinh hoạt hàng ngày của cư dân trong vùng như các loại đồ đựng (hũ, lu, chum, ảng, bình…), đồ nấu (nồi, om, siêu, ấm…), dụng cụ sinh hoạt (cối, dĩa dầu, ông táo…) gốm kiến trúc (gạch, ngói, máng xối, khung bông…), tượng thờ trong tín ngưỡng – tôn giáo dân gian (ông Địa, Thần Tài, ngựa thần…). Hiện nay, tuy không còn hưng thịnh như các thời kỳ trước, nhưng nghề gốm Thanh Hà vẫn được duy trì và phát triển theo một hướng mới, gốm nghệ thuật và trang trí nội thất phục vụ du lịch sinh thái – làng nghề truyền thống.

Nghề khai thác yến sào ở Thanh Châu là một nghề truyền thống khá đặc biệt ở Hội An. Tuy nghề này không thu hút nhiều nhân công lao động như các nghề khác, chỉ sử dụng số ít nam giới có sức khỏe, có kinh nghiệm và rất ít phụ nữ tham gia, đồng thời cũng chỉ khi bước vào thời vụ thu hoạch tổ. Song, nghề khai thác yến có vai trò quan trọng đối với hoạt động kinh tế, đời sống của cư dân Hội An, bởi đây là một sản phẩm có giá trị xuất khẩu, đem lại nguồn lợi rất lớn cho địa phương.

Với những ưu thế đặc biệt của mình, cư dân Hội An đã vượt lên tâm lý truyền thống “trọng nông, ức thương” của xã hội quân chủ Việt Nam, sớm phát triển kinh tế thương nghiệp và dịch vụ, đưa nơi đây trở thành một thương cảng quốc tế nổi tiếng của Việt Nam suốt thời kỳ trung cận đại ở khu vực Đông Nam Á và thế giới. Hàng hóa, sản phẩm từ Hội An – Xứ Quảng, Đàng Trong xuất đi các nước có thể kể gồm có: hàng lâm thổ sản như gỗ, quế, song mây, củ nâu, trầm hương, kỳ nam, xạ hương, các loại thuốc nam, da thú, ngà voi…; thủy hải sản có hải sâm, đồi mồi, vây cá, da cá mập, tôm khô, tổ yến…; hàng thủ công có tơ lụa, đường, mật mía, sản phẩm làm từ xà cừ…

Đặc biệt, ở Hội An có một hiện tượng rất độc đáo là ngay từ thế kỷ XVII, XVIII, hằng năm đều có tổ chức “hội chợ quốc tế” kéo dài giữa hai kỳ gió mùa mậu dịch. Từ tháng đầu năm, khi mùa xuân về, gió mùa Đông Bắc đưa thuyền Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Đào Nha… đến trao đổi hàng hóa ở Hội An, cùng thương nhân các nước phương Tây, Nam và Đông Nam Châu Á tấp nập nhất vào tháng 3, 4, 5. Đến cuối mùa mậu dịch khoảng tháng 7, 8 khi gió mùa Đông Nam còn thổi báo hiệu mùa mưa bão sắp tới, đoàn thuyền buôn bắt đầu rời bến Hội An để về nước. Không chỉ vậy, Hội An còn tham gia vào hoạt động xuất khẩu, đóng vai trò “chuyển khẩu”, một hiện tượng rất hiếm trong xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Để đáp ứng nhu cầu của các thương nhân

lưu trú trong suốt mùa hội chợ, cũng như nhu cầu xuất khẩu hàng hóa, một bộ phận người dân Hội An hoàn toàn có thể sống được bằng hoạt động dịch vụ thông qua việc cho thuê nhà, làm đại lý, trung gian thu mua hàng hóa…

Một phần của tài liệu Bảo Tồn Và Phát Huy Giá Trị Nhà Cổ Ởthành Phố Hội An (Trang 28 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(138 trang)