7. Bố cục của luận văn
2.1.4. Đặc điểm kiến trúc nhà cổ ở thành phố Hội An
Ngôi nhà cổ Hội An là sự đan quyện tài tình, có sự kết hợp hài hòa giữa các phong cách kiến trúc Việt - Hoa - Nhật - Pháp. Bàn tay tài hoa của các lớp thế hệ nghệ nhân đã dày công tạo dựng, pha trộn sự đa dạng của các truyền thống kiến trúc này để tạo thành một sự kết hợp hài hòa.
Mô hình nhà ở trong khu phố cổ Hội An điển hình và phổ biến nhất chính là nhà phố có không gian được mở rộng về phía trước và sau. Bố cục mặt bằng thông thường gồm nếp nhà phía trước là nơi buôn bán, giao dịch. Tiếp đến là sân trời và nhà cầu nối với chức năng lấy ánh sáng, gió và không khí. Nơi đây thường có bình phong, non bộ, cây cảnh, tiểu cảnh rất đẹp. Nếp nhà sau là nơi chứa hàng và sinh hoạt của gia đình. Sau cùng khoảng sân sau có bố trí khu bếp, khu vệ sinh, có một cửa thông ra đường/phố phía sau hoặc sông. Các nếp nhà được nối với nhau bằng hệ thống máng xối, mái lợp ngói âm dương, bờ chảy và bờ nóc được tạo dáng cong uyển chuyển. Kết cấu chịu lực của ngôi nhà bằng khung gỗ với cột, kèo, trính, xuyên, trụ đội, đòn tay... chia thành 3 gian với lối đi ở giữa. Hệ thống tường bao bằng gạch (xem phụ lục 2).
Có một số trường hợp do chiều ngang ngôi nhà nhỏ nên tường bao cũng mang chức năng chịu lực. Kết cấu vì kèo kiểu kẻ chuyền, kẻ suốt, trính chồng - trụ đội, vỏ cua. Bẩy hiên, kèo hiên với nhiều kiểu dáng độc đáo. Trong một ngôi nhà có nhiều nếp thì luôn có sự kết hợp hợp lý, uyển chuyển giữa các kiểu vì kèo. Nhiều ngôi nhà có
kèo, trính, bẩy hiên... được chạm trổ khéo léo, tinh xảo. Nét độc đáo ở mặt tiền ngôi nhà phố là đôi mắt cửa vừa mang chức năng về mặt kỹ thuật, vừa mang yếu tố về mặt mỹ thuật và tâm linh thiêng liêng.
Di tích nhà ở ngoài khu phố cổ thường là kiểu nhà rường 1 gian 2 chái hoặc 3 gian 2 chái, cùng nhà phụ, có sân vườn, nhiều nhà dựng hàng rào bằng chè tàu. Những ngôi nhà này thường xây tường gạch, tô vữa vôi, mái lợp ngói âm dương, hệ khung gỗ (cột, trính, xuyên) có chạm trỗ trang trí, trong nhà có phân bố khu thờ tự ở trung tâm kết hợp trang trí hoành phi, liễn đối, khu sinh hoạt ở hai gian hai bên và nhà phụ. Những ngôi nhà kiểu này có niên đại từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX.