Những kết quả đạt được trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị nhà cổ ở

Một phần của tài liệu Bảo Tồn Và Phát Huy Giá Trị Nhà Cổ Ởthành Phố Hội An (Trang 60 - 65)

7. Bố cục của luận văn

2.2. Những kết quả đạt được trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị nhà cổ ở

cổ ở thành phố Hội An

Từ năm 1985, sau khi Khu phố cổ Hội An được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia, các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn của Trung ương và địa phương đã đề ra nhiều chính sách, biện pháp để bảo tồn lâu dài, nguyên vẹn khu di tích này. Đồng thời, nhiều chuyên gia của tổ chức UNESCO và các nhà khoa học trong, ngoài nước cũng hết lòng quan tâm giúp đỡ, nhằm đạt được yêu cầu lớn nhất là nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn thể cộng đồng nhân dân Hội An đối với việc bảo tồn và phát huy những giá trị nhiều mặt của quần thể di tích kiến trúc khu phố cổ Hội An. Qua đó, từng chủ di tích và toàn thể cộng đồng nhân dân Hội An đã nhận thức được mỗi ngôi nhà cổ là sản phẩm được tích tụ từ tiền của, công sức, tài năng, trí tuệ của nhiều thế hệ trước đây hoặc của chính bản thân từng tộc họ, từng gia đình. Mặt khác, nó còn là một thành phần, một bộ phận cấu thành Khu phố cổ trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể, gắn bó với nhau. Vì vậy, dù hiện trạng ngôi nhà như thế nào thì nó vẫn có giá trị lịch sử cho cả quần thể kiến trúc, nó cần được hưởng một thái độ trân trọng, yêu mến, nâng niu, giữ gìn như một tài sản quý của người xưa truyền lại. Bởi nó không những có giá trị nhiều mặt với từng tộc họ, từng gia đình mà nó còn có giá trị với cả cộng đồng dân cư đang sống trong Khu phố cổ, nên nó còn mang ý nghĩa xã hội sâu sắc.

Trước hết, có thể nói quan điểm nhất quán, xuyên suốt của lãnh đạo thành phố Hội An, được thể hiện thông qua các nghị quyết của Đại hội đảng bộ, Nghị quyết Hội đồng nhân dân, các quy hoạch, đề án/dự án của UBND thành phố qua các nhiệm kỳ đều thống nhất: Bảo tồn Khu phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới phải gắn với bảo tồn cảnh quan thiên nhiên (sông nước, biển - bãi biển, đảo và các cồn bãi trên sông); gắn với bảo tồn các làng quê sinh thái, nghề - làng nghề truyền thống; đặc biệt phải gắn với những giá trị văn hóa phi vật thể, với mục tiêu lâu dài xây dựng, phát triển Hội An trở thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch. Khu phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới là một quần thể kiến trúc gồm nhiều ngôi nhà ở tư nhân và các công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng, dân dụng khác trên các tuyến phố có diện tích khoảng hơn 1,2 km2 (gồm cả khu vực I và II của khu phố cổ), hiện có cư dân đang sinh sống, làm ăn. Việc quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa nhà cổ nói riêng, toàn bộ hệ thống di tích, di sản văn hóa ở Hội An nói chung được cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn và cả cộng đồng người dân Hội An chung tay thực hiện.

Trong những năm qua, các văn bản pháp quy của Trung ương và Tỉnh về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được nhân dân Hội An thực hiện một cách chu đáo. Ngoài ra, với điều kiện đặc thù là thành phố di sản văn hóa thế giới với hàng ngàn “di tích sống”, trong đó hầu hết di tích thuộc sở hữu tư nhân - tập thể nên chính quyền thành phố đã sớm chủ động ban hành một số quy chế được cộng đồng nhân dân ủng hộ, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả cộng đồng, của từng cơ quan chức năng, các cấp chính quyền, của cả hệ thống chính trị trong việc giữ gìn, bảo tồn nguyên vẹn và sử dụng, phát huy có hiệu quả quần thể di sản văn hóa của nhân loại. Hơn nữa, để góp phần quản lý, bảo tồn tốt các di tích nhà cổ, thành phố đã thành lập đội ngũ cộng tác viên (với số lượng 33 người là những Tổ trưởng, Khối trưởng các khối phố trong khu phố cổ), được hỗ trợ kinh phí 120.000đ/tháng/người. UBND thành phố Hội An cũng ban hành cơ chế hỗ trợ kinh phí cho người bảo vệ di tích thuộc sở hữu cộng đồng, nhà nước theo 3 mức 350.000đ/tháng/người đối với di tích cấp quốc gia, 300.000đ/tháng/người đối với di tích cấp Tỉnh, 270.000/tháng/người đối với di tích bảo vệ cấp thành phố [61, tr. 6]. Đồng thời, dựa theo cơ chế hỗ trợ của tỉnh, thành phố cũng đã ban hành cơ chế quản lý hỗ trợ kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích nhà cổ thuộc sở hữu tư nhân hoặc tập thể trong khu phố cổ Hội An được sử dụng từ nguồn kinh phí thu bán vé tham quan Khu phố cổ. Ở Hội An, các di tích nhà cổ đều được lập hồ sơ pháp lý nhằm phục vụ cho việc quản lý sửa chữa, tu bổ, sử dụng, phát huy giá trị di tích.

Ngoài các di tích nhà cổ được cấp bằng di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh, số còn lại đều được cấp giấy chứng nhận thuộc Danh mục bảo vệ của thành phố; lập hồ sơ lý lịch di tích; hồ sơ khoanh vùng bảo vệ, trích lục bản đồ; thực hiện diệt - phòng trừ mối cho toàn bộ khu phố cổ. Đặc biệt, đối với các di tích nhà cổ thuộc sở hữu nhà nước hoặc cộng đồng đều có quyết định thành lập tổ quản lý (thành phần bao gồm đại diện khối phố và cộng đồng dân cư địa phương)và gắn với chức năng quản lý nhà nước của các địa phương có di tích [62, tr. 6].

Việc hướng dẫn công tác cấp phép, giám sát sửa chữa, tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích nhà cổ trong khu phố cổ cho các tổ chức, cá nhân được thực hiện kịp thời, hiệu quả, thông qua hình thức “một cửa liên thông” tại Trung tâm hành chính công của thành phố (trung bình mỗi năm thành phố thực hiện việc cấp phép trên 200 lượt tu bổ, sửa chữa trong khu phố cổ) [62, tr. 6]. Công tác phòng tránh thiên tai (bão lụt), phòng chống cháy nổ cho các ngôi nhà cổ được thành phố đặc biệt quan tâm, chu đáo (ngoài việc quan tâm đầu tư theo các dự án, hàng năm đều có phương án, biện pháp, giải pháp cụ thể cho công tác này).

Từ nguồn thu bán vé tham quan Khu phố cổ, cùng các nguồn vốn ngân sách nhà nước của Trung ương, Tỉnh hoặc huy động trong nhân dân và nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, Thành phố đã thường xuyên quan tâm đầu tư tu bổ, sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cảnh quan đô thị, đặc biệt là các di tích nhà cổ. Qua 20 năm (từ năm 1999 đến năm 2018) từ những dự án hợp tác thí điểm, điển hình với chính phủ Nhật Bản và các tổ chức quốc tế trong trùng tu di tích hoặc thông qua các dự án bước đầu hỗ trợ người dân từ 20 - 40 % hệ mái ngói âm dương là tiền đề cho công cuộc trùng tu, cứu nguy nhiều di tích nhà cổ có nguy cơ sụp đổ trong khu phố cổ Hội An [62, tr. 7].

Đặc biệt, việc thực hiện dự án “Đầu tư tu bổ khẩn cấp các di tích có nguy cơ sụp đổ trong khu phố cổ” theo quyết định đầu tư của UBND tỉnh Quảng Nam, từ năm 1999 đến nay, đã cấp phép sửa chữa, tu bổ cho 3.840 lượt di tích nhà ở trong khu phố cổ. Dự án cũng đã cứu nguy, chống sụp đổ cho gần 100 di tích nhà cổ từ nguồn vốn ngân sách 40% của tỉnh, 60% của thành phố [62, tr. 7]. Cùng với nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và sự đóng góp của các chủ nhà ở, di tích, đặc biệt là với chính sách nhà nước hỗ trợ từ 40 - 75% kinh phí khi người dân tham gia dự án, cho đến nay quần thể kiến trúc nhà cổ Hội An đã vượt qua được giai đoạn nguy cơ khẩn cấp về sự sụp đổ, mất di tích và liên quan đến tính mạng con người.

Đến nay, thành phố Hội An đã thực hiện tu bổ cho tổng cộng 424 công trình di tích nhà nước và di tích tư nhân - tập thể trong và ngoài khu phố cổ với tổng số vốn đầu tư là 152.373.000.000đ. Trong đó, nguồn vốn trung ương (Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa) và tỉnh Quảng Nam là 37.959.000.000đ (chưa tính đến nguồn Sở

Văn hoá, Thể thao và Du lịch Quảng Nam làm chủ đầu tư với con số cũng khá lớn), vốn ngân sách thành phố là 90.043.000.000đ, vốn tài trợ nước ngoài là 3.937.000.000đ, xã hội hóa trong dân khoảng 20.434.000.000đ [62, tr. 7].

Đối với kinh phí tu bổ di tích, với 3.840 lượt di tích nhà cổ đã được cấp phép sửa chữa, tu bổ và từ năm 1999 đến tháng 10/2019, đã đầu tư hơn 170 tỷ đồng tu bổ 299 di tích thuộc sở hữu nhà nước và đầu tư 35,4 tỷ đồng để hỗ trợ tu bổ 277 di tích thuộc sở hữu tư nhân - tập thể (trong đó, tư nhân - tập thể đóng góp 14,2 tỉ đồng) để tu bổ di tích [62, tr. 164-165] (xem phụ lục 13).

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo tồn di tích nói chung và nhà cổ nói riêng luôn được triển khai cụ thể, kịp thời. Được tổ chức thực hiện thông qua nhiều hình thức in ấn, tổ chức tuyên truyền Luật Di sản văn hóa, các văn bản dưới luật, các quy chế và các ấn phẩm như cẩm nang hướng dẫn tu bổ di tích, sách danh mục di tích, thông tin nghiên cứu bảo tồn di sản, các sách về kết quả nghiên cứu… phổ biến đến từng hộ dân, chủ di tích. Các văn bản, quy định pháp luật về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích nhà cổ được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của thành phố, trang thông tin (hàng quý) và chuyên mục phát thanh bảo tồn di sản (hàng tuần) của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, đồng thời được tuyên truyền lồng ghép trong các buổi sinh hoạt ở khu dân cư, tại các hội thảo, lễ hội, sự kiện.

Trên phương diện phát huy giá trị di sản văn hóa, trong những năm qua, cùng hoạt động bảo tồn di tích nhà cổ tại Hội An, hàng loạt các sản phẩm du lịch độc đáo như “Đêm phố cổ”, “Phố đi bộ”, “Phố không có tiếng động cơ xe máy”, các khu Chợ đêm; gắn với nhiều lễ hội cũng như hoạt động văn hóa truyền thống, diễn xướng dân gian đã từng bước được phục hồi và phát huy giá trị, vừa gắn với tín ngưỡng truyền thống, vừa phục vụ khách tham quan, nghiên cứu. Hiện nay, thành phố đã xây dựng được các lễ hội, sự kiện định kỳ hàng năm gắn liền với không gian di tích phố cổ gồm Hội Tết dân tộc, Hội đèn lồng, Tết Nguyên tiêu, Tết Trung thu, cùng với nhiều hoạt động hợp tác, giao lưu văn hóa trong nước và quốc tế. Các hoạt động trên góp phần làm cho hình ảnh Hội An nói chung và nhà cổ nói riêng ngày càng lan tỏa khắp nơi trên thế giới, thêm hấp dẫn, độc đáo thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Tốc độ phát triển kinh tế du lịch ở Hội An tăng nhanh ngoạn mục, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của nhân dân Hội An được thay đổi, nâng cao rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt gần 46 triệu đồng/năm [62, tr. 9]. Có được điều này là bởi Hội An đã biết phát huy giá trị của các tài nguyên du lịch một cách hợp lí và hiệu quả, trong đó nhà cổ là một trong những dẫn chứng điển hình.

Tiểu kết chương 2

Có thể nói, di sản văn hóa Hội An, trong đó bao gồm di tích nhà cổ đã tạo dựng thương hiệu du lịch cho Hội An, khiến nơi này trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với du khách quốc tế cũng như trong nước và thật sự trở thành động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đắc lực vào sự phát triển ngành kinh tế du lịch - dịch vụ Hội An, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân - chủ di tích, đồng thời tăng thêm điều kiện, nguồn lực đáng kể để bảo tồn, tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích - di sản.

Hội An luôn được coi là một bảo tàng sống với sự đa dạng và phong phú của các loại hình di sản khác nhau, tập trung trong một phạm vi nhỏ hẹp. Sự sống động của các di sản này trong đời sống đương đại của chủ thể sở hữu di sản đã tạo cho Hội An một sức hút mạnh mẽ đối với những con người luôn trân trọng và quan tâm từ các nơi trên thế giới. Giữ gìn và bảo vệ nguyên vẹn những di sản này đến ngày nay là một nỗ lực không nhỏ của các nhà quản lý và của mỗi người dân Hội An. Trong công tác quản lý, khoanh vùng bảo vệ, phân loại di tích, xây dựng nguồn kinh phí hỗ trợ tu bổ di tích... cho người dân là một sự sáng tạo của chính quyền và nhân dân Hội An để đảm bảo sự trường tồn của mỗi ngôi nhà cổ trong tổng thể khu phố cổ - di sản văn hóa thế giới.

Tuy nhiên, trước những thay đổi mạnh mẽ của đời sống đương đại, đặc biệt là sự phổ biến khai thác giá trị di sản văn hóa làm nền tảng cho phát triển, thì việc tiếp tục bảo vệ một cách bền vững các di sản nhà cổ vẫn đang là thách thức đối với công tác bảo tồn gắn với phát triển hiện nay.

Chương 3:

GIẢI PHÁP BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ NHÀ CỔ

Một phần của tài liệu Bảo Tồn Và Phát Huy Giá Trị Nhà Cổ Ởthành Phố Hội An (Trang 60 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(138 trang)