7. Bố cục của luận văn
3.4.2. Giải pháp phát huy giá trị của nhà cổ ở thành phố Hội An
Thứ nhất, đối với công tác phát triển du lịch, quần thể di sản văn hóa thế giới khu phố cổ Hội An đó là nơi sinh sống của bao thế hệ những con người sống trong các ngôi nhà cổ. Bảo tồn di sản văn hóa là cần thiết nhưng bảo tồn phải đi đôi với việc phát huy giá trị, đồng thời phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững, đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của cư dân đã gìn giữ những ngôi nhà cổ bao đời nay.
Trên cơ sở đó, chính quyền Hội An đã ra sức xây dựng phương án phát huy giá trị các ngôi nhà cổ, biến mỗi ngôi nhà cổ trở thành điểm tham quan, mua sắm cho du khách. Đối với các ngôi nhà thuộc sở hữu nhà nước, sau khi tu bổ, cải tạo, các ngôi nhà này được tái sử dụng để làm các bảo tàng trưng bày chuyên đề về di sản Hội An như nhà số 80 Trần Phú được chuyển thành Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch Hội An, nhà số 149 Trần Phú chuyển thành Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An, nhà số 46 Nguyễn Thái Học chuyển thành Bảo tàng Nghề Y truyền thống Hội An, nhà số 33 Nguyễn Thái Học chuyển thành Bảo tàng Văn hóa dân gian Hội An. Bên cạnh đó, một số nhà còn được chuyển đổi thành các điểm dừng chân cho du khách nghỉ ngơi, thư giãn hoặc chuyển thành nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền Hội An. Ngoài ra, nhà nước còn cho tư nhân thuê một số ngôi nhà cổ để kinh doanh buôn bán, nhằm thu một nguồn kinh phí phục vụ cho việc tu bổ di tích.
Đối với các nhà cổ thuộc sở hữu tư nhân - tập thể, chính quyền Hội An đã và đang thực hiện chính sách phối hợp với các chủ nhà, để hợp tác khai thác phục vụ tham quan du lịch, biến mỗi ngôi nhà trở thành điểm trải nghiệm tuyệt vời khi được hòa mình cùng chung sống với người dân giữa lòng phố cổ. Hiện nay, nhiều ngôi nhà cổ có kiến trúc đẹp đã nằm trong tuyến tham quan khu phố cổ Hội An như nhà cổ Tấn Ký - số 101 Nguyễn Thái Học, nhà cổ Quân Thắng - số 77 Trần Phú, nhà cổ Phùng Hưng - số 04 Nguyễn Thị Minh Khai.... Đặc biệt là nhà cổ Đức An - số 129 Trần Phú, nhà nước đã phối hợp cùng chủ nhà để tu bổ, cải tạo trở thành nhà lưu niệm đồng chí Cao Hồng Lãnh. Đây là nơi ghi dấu quá trình hoạt động của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ở Hội An cũng như của tỉnh Quảng Nam và gắn liền với người chiến sĩ cách mạng Cao Hồng Lãnh, vừa phục vụ tham quan du lịch, vừa làm nơi giáo dục truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng cho quần chúng nhân dân và các thế hệ mai sau.
Những ngôi nhà cổ không nằm trong phạm vi bán vé tham quan cũng trở thành những cửa hàng bán quần áo may sẵn, đồ lưu niệm, các dịch vụ ăn uống... cho du khách. Qua đó, đời sống của người dân là chủ nhân các ngôi nhà cổ được nâng lên và họ có khả năng đóng góp kinh phí trong việc sửa chữa ngôi nhà của mình, góp phần gìn giữ các giá trị truyền thống mà tổ tiên đã để lại.
Bên cạnh việc cho kinh doanh các cửa hàng lưu niệm và dịch vụ phục vụ du lịch trong các ngôi nhà cổ, nhà nước và chính quyền Hội An còn có cơ chế khuyến khích, ưu tiên các doanh nghiệp, chủ di tích kinh doanh các mặt hàng thủ công truyền thống của địa phương như lồng đèn, sản phẩm mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, tre dừa Cẩm Thanh... hoặc các nhà hàng chuyên về ẩm thực truyền thống Hội An.... Ngoài ra, chính quyền Hội An đã và đang thực hiện chủ trương giúp đỡ các cơ sở kinh doanh truyền thống, đặc biệt là các hiệu thuốc Bắc để họ vừa phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân địa phương, vừa phục vụ cho như cầu tham quan của khách du lịch. Các chiến lược cộng tác này vừa đáp ứng việc phát triển du lịch bền vững, đồng thời cũng bảo tồn được các giá trị văn hóa, lịch sử và tính chân xác của ngôi nhà cổ nói riêng và khu phố cổ Hội An nói chung.
Để cộng đồng trong khu phố cổ Hội An được hưởng lợi đồng đều nhau từ việc phát huy di sản nhà cổ giữa nhà mặt tiền và nhà trong kiệt hẽm, giữa những khu vắng khách và những khu đông khách, nhà nước cần có chính sách cho phép chủ nhân ngôi nhà cổ trong các kiệt hẻm được cải tạo không gian kiến trúc ngôi nhà của mình phù hợp với cảnh quan môi trường xung quanh, đón khách lưu trú dưới hình thức homestay, để tăng thu nhập chính đáng cho họ, đồng thời giúp du khách có được những trải nghiệm một lần làm người dân phố cổ gắn liền với những sinh hoạt truyền thống trong không gian nhà cổ.
Từ khi được công nhận di sản thế giới đến nay, những ngôi nhà cổ đã góp phần quan trọng trong các sự kiện lễ hội văn hóa của địa phương, đặc biệt là hoạt động Đêm phố cổ đã trở thành thương hiệu riêng có và đặc sắc của Hội An. Tuy nhiên, việc sử dụng các loại ánh sáng trắng, nhiều màu sắc của những cửa hàng kinh doanh trong các ngôi nhà cổ đã làm cho khu phố cổ trở nên rực rỡ, diêm dúa, cộng với ô nhiễm về tiếng ồn đã làm mất đi vẻ trầm mặc, cổ kính của những ngôi nhà cổ Hội An. Chính vì vậy, cần thiết phải có sự quản lý kịp thời của nhà nước trên tất cả các lĩnh vực, ngoài việc ban hành những quy định về việc khai thác và kinh doanh, trật tự trong khu phố cổ, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các đơn vị kinh doanh du lịch để ngôi nhà cổ Hôi An vẫn mãi là cầu nối quan trọng giữa quá khứ và tương lai.
Di sản văn hoá nói chung và nhà cổ Hội An nói riêng là nguồn tài nguyên quý giá phục vụ phát triển du lịch văn hoá và đến lượt nó, nguồn lợi từ phát triển du lịch trở thành động lực thúc đẩy và hỗ trợ tài chính cho hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy di sản. Để kiểm soát các tác động không mong muốn của du lịch đối với nguồn tài nguyên di sản đòi hỏi phải có các hoạt động, chương trình, chiến lược cụ thể, được đặt ra và thực hiện bởi các nhà quản lý địa phương với sự tham gia tích cực của cộng đồng
và cùng với sự hợp tác của các bên liên quan. Đó chính là yếu tố then chốt nhằm đạt được mục tiêu bảo tồn và phát huy bền vững các giá trị của nhà cổ Hội An.
Thứ hai, đối với công tác giáo dục văn hóa truyền thống, đây là vấn đề quan trọng đối với công tác bảo tồn di sản văn hóa Hội An hiện nay. Từ bao đời nay, khu phố cổ Hội An đã là nơi sinh sống của hàng ngàn người dân phố Hội, kèm theo đó là lối sống, nếp sống, phong tục, tập quán, tín ngưỡng… gắn liền với không gian của các ngôi nhà cổ vẫn được duy trì qua bao thế hệ. Những gia đình với nhiều thế hệ cùng chung sống trong một ngôi nhà cổ đã hình thành những giá trị văn hóa trong cách ứng xử giữa người với người, giữa gia đình với dòng họ, giữa bà con láng giềng..., từ đó góp phần hun đúc nên truyền thống văn hóa của khu phố cổ nói riêng và Hội An nói chung. Vì vậy, việc tuyên truyền, giáo dục cộng đồng là vấn đề tất yếu. Bởi họ là những người sáng tạo ra văn hoá, có vai trò quyết định đến sự tồn vong của di sản văn hoá Hội An. Nó giúp cho cộng đồng hiểu sâu sắc hơn về quá khứ, nguồn gốc của di sản, nâng cao ý thức trách nhiệm và niềm tự hào với những gì cha ông đã để lại ngày hôm nay.
Trong công tác tuyên truyền, giáo dục văn hóa truyền thống nhà cổ ở Hội An, vấn đề đặt ra là phải tuyên truyền giáo dục trong cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước, để họ hiểu biết về những giá trị nhiều mặt của quần thể di sản văn hóa Hội An, nhất là các ngôi nhà cổ, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của đại đa số người dân về ý thức bảo tồn, bảo vệ và gìn giữ những giá trị văn hóa của di sản mà tiền nhân đã để lại cho thế hệ hôm nay.
Để làm được điều này, bên cạnh vai trò quản lý của các cấp chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn, cần có sự chung tay của cả cộng đồng cư dân Hội An, đặc biệt là người dân sống trong khu phố cổ. Các nhà quản lý và các nhà nghiên cứu địa phương sẽ là cầu nối giúp cho các tầng lớp nhân dân, nhất là chủ nhân các ngôi nhà cổ hiểu rõ thêm về giá trị của loại hình di sản kiến trúc độc đáo này trên cả phương diện văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể. Phải thu hút cộng đồng cùng tham gia quản lý di sản, khuyến khích người dân tham gia vào việc quản lý, bảo vệ di sản, coi bảo vệ ngôi nhà cổ như bảo vệ chính mình.
Để công tác giáo dục về giá trị di sản nhà cổ Hội An đạt được hiệu quả, cần tổ chức các hoạt động tuyên truyền thường xuyên và đồng bộ từ tuổi trẻ học đường đến cộng đồng cư dân địa phương. Xây dựng các chương trình tuyên truyền, giáo dục phù hợp với từng độ tuổi, đối tượng trong cộng đồng dân cư. Thực hiện biên soạn các giáo trình về di sản Hội An theo từng cấp học để đưa vào giảng dạy trong tuổi trẻ học đường, triển khai lồng ghép tuyên truyền về di sản trong các tiết học lịch sử dân tộc và lịch sử địa phương, ngoại khoá của nhà trường. Thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm
hiểu, vẽ tranh về di sản nhà cổ Hội An… nhằm thu hút cộng đồng tham gia, cùng chung tay bảo tồn di sản.
Công tác bảo tồn và phát huy bền vững giá trị nhiều mặt của di sản nhà cổ Hội An phụ thuộc nhiều vào mức độ hiểu biết về văn hoá và nhận thức của cộng đồng. Hiểu biết của người dân về di sản có vai trò khá quan trọng đối với sự sống còn của các di sản văn hoá đó. Nếu người dân hiểu biết hơn, họ sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc bảo vệ các di sản văn hoá và sẽ hạn chế được những tổn hại không đáng có.
Thông qua việc phát huy giá trị nhà cổ trong giáo dục văn hoá truyền thống của địa phương, người dân Hội An ngày càng nhận thức rõ hơn về mức độ quan trọng của từng di sản nhà cổ và việc bảo vệ chúng. Họ hiểu rõ rằng, nếu không có những ngôi nhà cổ này, Hội An không còn là Hội An. Vì vậy, họ sẽ cố gắng để làm sao gìn giữ những nét kiến trúc, không gian sống và hạn chế những tác động tiêu cực đến ngôi nhà. Bên cạnh đó, người dân sinh sống trong các ngôi nhà cổ cũng giữa vai trò chủ thể trong thực hành văn hoá cũng như các phong tục tập quán và tín ngưỡng tôn giáo của cư dân Hội An. Bởi vì, nếu thiếu đi sự tham gia tự nguyện của người chủ sở hữu ngôi nhà vào việc thực hành các giá trị văn hóa đó, những ngôi nhà cổ sẽ chỉ là một “cái xác không hồn” và chắc chắn không thể tồn tại lâu dài cùng năm tháng.
Tiểu kết chương 3
Khu phố cổ Hội An mang trong mình bản chất đô thị, thường xuyên chịu sự tác động cả tích cực lẫn tiêu cực của cơ chế thị trường và xu thế đô thị hóa, kể cả mặt tăng dân số và đòi hỏi đáp ứng nhu cầu sống, nhu cầu giao dịch, buôn bán hàng ngày của người dân. Với những giải pháp nêu trên, tùy từng điều kiện cụ thể mà lựa chọn giải pháp nào là chủ yếu, giải pháp nào là thứ yếu để vận dụng phù hợp.
Với đặc điểm hơn 80% di tích nhà cổ thuộc sở hữu tư nhân - tập thể, nên áp dụng giải pháp nào chăng nữa thì mục tiêu cuối cùng là phải vừa bảo tồn nguyên vẹn các giá trị lịch sử - văn hóa của từng ngôi nhà, của cả quần thể di tích kiến trúc khu phố cổ, đồng thời phải vừa đáp ứng tối ưu các nhu cầu cuộc sống của cư dân đương đại, làm thế nào để ngôi nhà cổ Hội An càng ngày thêm cổ kính nhưng vẫn luôn phù hợp với cuộc sống đương đại. Bảo tồn những ngôi nhà cổ là bảo tồn cả khu phố cổ Hội An - một quần thể di tích vốn được tạo dựng và tồn tại mang tính cộng đồng, nhất thiết phải có sự nỗ lực chung của cả cộng đồng dân cư Hội An cộng với sự trợ giúp của Tỉnh, Trung ương và bạn bè Quốc tế.
KẾT LUẬN
Thật may mắn, tự hào cho nhân dân Hội An hôm nay và các thế hệ mai sau là các lớp tiền nhân đã sáng tạo, để lại một di sản văn hóa vô giá - đó là quần thể di tích kiến trúc đô thị cổ gắn quyện với những giá trị văn hóa phi vật thể phong phú, độc đáo - Di sản văn hóa thế giới; Thiên nhiên cũng ban tặng cho nhân dân Hội An một môi trường sinh thái: sông nước - biển - đảo với nhiều điểm kỳ thú, hấp dẫn - Khu dự trữ sinh quyển thế giơi Cù Lao Chàm - Hội An.
Dựa vào tài nguyên văn hóa, thiên nhiên này và nhất là sau khi Khu phố cổ Hội An được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới (1999), Đảng bộ, nhân dân Hội An đã xác định chọn hướng phấn đấu, xây dựng Hội An trở thành thành phố sinh thái - Văn hóa - du lịch, với định hướng “Bảo tồn di sản vững chắc gắn với xây dựng, phát triển đô thị sinh thái và phát huy du lịch bền vững”. Nghĩa là: vừa bảo tồn tối đa các yếu tố nguyên gốc trong văn hóa truyền thống, gắn với bảo tồn môi trường sinh thái - nhân văn, đồng thời phải giữ gìn môi trường xã hội, gắn với sinh hoạt văn hóa truyền thống. Vừa đáp ứng tối ưu các nhu cầu dân sinh của cư dân đương đại, vừa phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể để phục vụ, phát triển kinh tế du lịch, cải thiện, nâng cao thu nhập đời sống của nhân dân, vừa bảo vệ và ngày càng làm giàu thêm cho nền văn hóa của địa phương, dân tộc. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa trách nhiệm bảo tồn di sản với lợi ích mang lại từ việc khai thác, phát huy giá trị của nó thông qua du lịch - dịch vụ.
Công tác quản lý bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa nói chung và loại hình di tích nhà cổ nói riêng ở Hội An trong những năm qua bước đầu đã đạt được những thành công, được UNESCO và các tổ chức quốc tế đánh giá cao và trao tặng nhiều giải thưởng cao quý. Và hàng năm luôn được các tổ chức quốc tế và khu vực bầu chọn trong top đầu của những điểm đến du lịch hấp dẫn trong khu vực và trên thế giới.
Những ngôi nhà cổ là thành tố quan trọng nhất cấu thành nên khu phố cổ Hội An, từ bao đời nay vẫn nép mình bên nhau trong những dãy phố hẹp, nhưng vẫn toát lên những giá trị to lớn về lịch sử - văn hóa. Ngôi nhà trong khu phố cổ Hội An vừa mang những đặc trưng cơ bản của kiến trúc nhà ở đô thị truyền thống Việt Nam, vừa đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam, nhưng cũng tiếp thu có chọn lọc những yếu tố văn hóa của nước ngoài để làm cho ngôi nhà đa dạng, phong phú hơn về giá trị. Trong xu thế phát