Các yếu tố ảnh hưởng đến sự tồn tại của nhà cổ ở thành phố Hội An

Một phần của tài liệu Bảo Tồn Và Phát Huy Giá Trị Nhà Cổ Ởthành Phố Hội An (Trang 68)

7. Bố cục của luận văn

3.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự tồn tại của nhà cổ ở thành phố Hội An

3.2.1. Điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội

Do nằm ở cuối hạ lưu sông Thu Bồn, hàng năm, Hội An phải đón nhận nhiều lũ lụt. Đặc biệt quần thể khu phố cổ có kết cấu chịu lực chủ yếu bằng gỗ đã trên dưới 100 năm tuổi, trên một nền địa chất không ổn định (bãi bồi ven hạ lưu sông) lại chịu tác động bởi nhiều yếu tố bất lợi từ khí hậu khắc nghiệt của miền Trung nắng nóng, ẩm, mưa nhiều, bão lụt thường xuyên xảy ra. Đây là hiểm họa thường xuyên không thể tránh khỏi và là thách thức hàng đầu từ điều kiện tự nhiên, có tác động tiêu cực nhất đến vấn đề bảo tồn nhà cổ Hội An. Hiện tại, hàng năm số trận lụt xảy ra càng nhiều, mức độ ngày càng trầm trọng, kéo dài và nguy hiểm hơn, bởi các dòng sông, dòng chảy bị lấp cạn, bồi lở, đổi dòng. Bình quân mỗi năm khu phố cổ phải chịu đựng từ 2 đến 3 cơn lụt, mỗi trận lụt thường kéo dài từ 2 đến 4 ngày và một vài cơn bão lớn đã tác động rất lớn đến những ngôi nhà cổ.

Bên cạnh đó, nguy cơ do mối mọt, côn trùng, vi sinh vật gây hại, nấm mốc... cũng ảnh hưởng đến giá trị sử dụng các ngôi nhà cổ Hội An. Đó là những vi sinh vật gây hại công trình xây dựng, chúng sinh ra trên cấu kiện gỗ và độ ẩm cao làm ảnh hưởng tới các công trình kiến trúc nhà cổ. Mối mọt hiện đang là “kẻ thù” nguy hiểm của phố cổ Hội An bởi sự phá hoại mà chúng gây ra, ngay cả với những ngôi nhà cổ mới được trùng tu nhưng nếu không xử lý diệt mối bằng công nghệ mới thì vẫn bị mối mọt tấn công. Ngoài ra, do khi trùng tu, các cấu kiện cũ bằng gỗ đều được tái sử dụng triệt để nên phần nào tạo điều kiện cho mối quay lại. Mặt khác, ở nhiều công trình trùng tu, việc chọn lọc gỗ và xử lý gỗ trước khi đưa vào phố cổ chưa được kỹ, đã vô tình tiếp tay cho sự sinh sôi, phát triển của đàn mối. Ngoài ra, do điều kiện môi trường tự nhiên, trong mùa mưa lũ, khi các cấu kiện gỗ đã bị ngập nước trong thời gian dài cũng là nguyên nhân khiến đàn mối phát triển mạnh.

Ở Hội An, hỏa hoạn và cháy nổ cũng là những nguy cơ lớn tác động không nhỏ đến sự tồn tại của khu phố cổ và môi trường di sản. Chất liệu chủ yếu đối với từng ngôi nhà là gỗ, lại nằm san sát kề nhau, mật độ kinh doanh buôn bán dày đặc. Bên cạnh đó, trong khu phố cổ do mật độ, dân cư đông đúc, hệ thống điện đã cũ kỹ nên cũng là một hiểm họa gây cháy nổ, phá hủy công trình. Điều đáng nói, tại khu phố cổ Hội An, hơn 90% nhà mặt tiền được sử dụng để giao dịch, buôn bán với nhiều mặt hàng dễ cháy như đồ da, tranh ảnh, vải vóc, quần áo. Trong khi đó, tại những cơ sở kinh doanh này lại thường không có người trông coi vào ban đêm.

Mặt khác, do thói quen sinh hoạt như nấu ăn, thắp hương, đốt rác tại các ngôi nhà cổ của các hộ kinh doanh nên những nguy cơ tiềm ẩn gây ra cháy nổ là điều khó tránh khỏi trong khi ý thức phòng chống cháy nổ của người dân còn chưa cao, chưa được trang bị các kiến thức cần thiết trong việc phòng và chống cháy nổ. Từ phía các cơ quan quản lý, hệ thống phòng chống cháy nổ cũng chưa được quan tâm đầu tư toàn diện, chưa kịp thời trang bị các thiết bị cứu hỏa phù hợp với các con đường nhỏ, nhiều hẻm sâu.

Thực tế công tác phòng cháy, chữa cháy tại Hội An cũng đã được lực lượng chức năng cũng như các cấp chính quyền hết sức quan tâm. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại không ít những bất cập. Mặc dù có sự nỗ lực của lực lượng chức năng trong công tác phòng cháy, chữa cháy, nhưng thực tế những vụ cháy xuất phát từ sự bất cẩn của người dân hay những sự cố chập điện vẫn đã xảy ra.

Hiện nay, hầu hết các hộ dân tại Hội An trang bị những bình chữa cháy mini. Tuy nhiên những bình chữa cháy mini như thế cũng chỉ có thể dập tắt nhứng đám cháy nhỏ, còn với những sự cố cháy lớn như trong thời gian vừa qua thì cần lực lượng chức năng với những xe chữa cháy chuyên dùng. Tuy nhiên với đặc thù đường phố chật hẹp tại Hội An thì việc những xe chuyên dụng tiếp cận hiện trường vụ cháy không phải là điều dễ dàng.

Nguồn kinh phí trùng tu cũng là một khó khăn lớn đối với chính quyền và người dân. Để trùng tu một di tích kiến trúc theo đúng các qui định hiện hành về bảo tồn di sản, kinh phí bỏ ra thường gấp từ 3 - 4 lần so với xây dựng một ngôi nhà mới theo kiến trúc hiện đại, do đó, chủ nhân các ngôi nhà cổ thường gặp khó khăn khi phải đầu tư một nguồn kinh phí tuơng đối lớn nhưng hiệu quả và diện tích sử dụng lại bị hạn chế. Trong những năm qua, được sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương, chính quyền Hội An cố gắng tập trung mọi nguồn lực tài chính, kêu gọi sự đầu tư trong và ngoài nước để có nguồn kinh phí hỗ trợ người dân trong công tác tu bổ nhà cổ (người dân, tổ chức là chủ sở hữu các nhà cổ khi triển khai tu bổ sẽ được nhà nước hỗ trợ từ 40 -75% kinh phí tùy thuộc vào giá trị kiến trúc của di tích đó). Tuy nhiên, đôi khi kinh phí từ nhiều nguồn dù sẵn có, thì công tác tổ chức tu bổ chưa chắc đã được thực hiện. Vấn đề về quyền sở hữu, quyền sử dụng cũng đã gây không ít khó khăn cho chính quyền và cả người dân hiện đang sống tại di tích cần tu bổ.

Để tu bổ hệ thống di tích như ở Hội An phải cần đến một số lượng lớn ngói, gạch, gỗ, vôi vữa truyền thống. Nhưng hiện nay, trên địa bàn Hội An, gạch, ngói (ngói cong đất nung truyền thống) không đảm bảo về số lượng, chất lượng và cả về kích thước vật liệu. Ngói sử dụng trong tu bổ thường có kích thước là 16x16x0,7cm, trong khi đó ngói cũ thường có kích thước lớn và dày hơn. Nguyên liệu để sản xuất ngói là đất sét ở Hội An đã cạn kiệt, pha lẫn cát và nhiều tạp chất, lại được nung bằng than đá

do đó viên ngói thành phẩm sau khi nung thường chất lượng kém, dễ nứt, độ liên kết thấp, có độ cong không đồng đều, thậm chí ngói tự hư hỏng chỉ sau từ 2 - 3 năm sử dụng. Đây cũng là vấn đề đặt ra trong công tác bảo tồn những công trình kiến trúc trong khu phố cổ.

Gỗ để làm nên những ngôi nhà cổ Hội An đa phần là kiền kiền Quảng Nam - loại gỗ thích nghi tốt nhất trong môi trường nóng, ẩm, nhưng hiện nay nguồn gỗ này cũng bị khan hiếm do việc cấm khai thác rừng đầu nguồn, nên để tu bổ di tích phải dùng các loại gỗ khác thay thế (như kiền kiền nhập về từ Lào, Malaysia...) với chất lượng thấp, làm cho ngôi nhà nhanh xuống cấp.

Ngày nay, do ưu điểm của các loại vật liệu mới, giúp thi công nhanh, giá thành thấp nên vữa vôi truyền thống dần bị thay thế, mai một do không còn sản xuất và được được thay thế bằng vữa ba-ta (pha trộn giữa xi măng, cát và vôi bột hiện có bán sẵn trên thị trường), nên việc lợp mái ngói âm dương bằng vữa vôi với vật liệu được pha trộn như đã nói, cho dù được ủ kỹ trước khi sử dụng nhưng thực tế những yêu cầu về độ dẻo kết dính, sự co dãn vật liệu (giữa vữa vôi và ngói đối với hệ mái) không đồng đều trong quá trình sử dụng dẫn đến hiện tượng co ngót, ngày càng xuất hiện nhiều vết nứt, hở, kéo theo là sự thấm dột mái vào mùa mưa dẫn đến sự nhanh xuống cấp của di tích (chỉ các công trình thuộc sở hữu của nhà nước thì khi tu bổ mới dùng đúng vật liệu vữa vôi truyền thống này).

Bên cạnh đó, kinh nghiệm, chuyên môn của đội ngũ thợ thi công tu bổ, đội ngũ cán bộ kỹ thuật quản lý trùng tu vẫn còn nhiều hạn chế. Nhận thức, hiểu biết về giá trị di tích chưa đủ cũng là tác nhân gây trở ngại, khó khăn cho công tác tu bổ, thậm chí làm sai lệch giá trị di tích sau khi tu bổ.

Một vấn đề rất quan trọng nữa đó sự thay đổi chủ sở hữu di tích, tình trạng bán nhà cổ đã và đang diễn ra, từ khi du lịch phố cổ gắn với di sản phát triển, bất động sản của Hội An nói chung và nhà cổ trong phố nói riêng có giá trị thương mại rất lớn. Vì vậy, với nhiều lý do khác nhau, các chủ nhân của ngôi nhà đã bán đi những tài sản thừa kế của cha ông. Thay vào đó, những chủ nhân mới hoặc là giới đầu cơ, hoặc là người mua để lấy mặt bằng kinh doanh thì di tích bây giờ chỉ đơn thuần là điểm kinh doanh dịch vụ, nó không còn là một di tích đúng nghĩa như trước đây: một nếp nhà với những sinh hoạt hằng ngày của người dân, có 3 - 4 thế hệ sống chung dưới một mái nhà... Một số di tích đã không còn nguyên vẹn phần hồn khi thay đổi chủ nhân, các hoành phi, liễn đối, bàn thờ tổ tiên - một kiến trúc, kết cấu đặc thù trong nhà cổ Hội An đã bị tháo dỡ. Tình trạng “rỗng hóa di tích” cũng là thách thức lớn trong công tác quản lý hiện nay.

3.2.2. Quy hoạch phát triển đô thị

Theo niên giám thống kê thành phố Hội An năm 2018, dân số Hội An có 95.227 người, mật độ dân số 1.498 người/km2 phân bố trên 9 phường, 4 xã (trong đó có 1 xã đảo), trong đó mật độ dân số thành thị 2.772 người/km2, nông thôn 606 người/km2. Mật độ dân số toàn thành phố cao hơn rất nhiều so với mật độ bình quân toàn tỉnh (142 người/km2).

Mặc dù như vậy nhưng trên địa bàn thành phố Hội An, sự tập trung dân cư lại không đồng đều, mật độ dân số khu phố cổ và các địa bàn trung tâm nội đô rất cao, ngược lại, mật độ dân số ở các vùng nông thôn và hải đảo rất thấp.

Bảng 3.1: Mật độ dân cư của thành phố Hội An

TT Tên phường, xã Mật độ dân cư/km2

1 Phường Minh An 8.980 người/km2

2 Phường Cẩm Phô 9.030 người/km2

3 Phường Sơn Phong 6.612 người/km2,

4 Phường Tân An 7.265 người/km2

5 Phường Thanh Hà 1.953 người/km2

6 Phường Cẩm Châu 1.821 người/km2

7 Phường Cửa Đại 2.472 người/km2

8 Phường Cẩm An 1.644 người/km2

9 Phường Cẩm Nam 1.611 người/km2

10 Xã Cẩm Hà 1.136 người/km2

11 Xã Cẩm Kim 1.016 người/km2

12 Xã Cẩm Thanh 839 người/km2

13 Xã Tân Hiệp 137 người/km2

Nguồn: [6, tr. 37].

Trong khi đó, mật độ dân số bình quân cả nước là 286 người/km2, thành phố Đà Nẵng là 841 người/km2, thành phố Hồ Chí Minh là 4.171 người/km2, thành phố Hà Nội là 2.239 người/km2 (theo số liệu Tổng cục Thống kê năm 2018).

Dân cư tập trung đông đúc và tấp nập tại khu vực nội thị, các tuyến phố chính, các điểm khai thác du lịch, các trung tâm xã và các làng sinh thái ven sông. Bên cạnh người Kinh chiếm đa số còn có cộng đồng người Hoa định cư làm ăn sinh sống từ bao đời nay, gắn với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Hội An. Có nhiều cơ quan, đơn vị, trường học trực thuộc tỉnh và Trung ương đóng trụ sở tại Hội An.

Ngoài dân số tăng tự nhiên tại chỗ, hằng năm ở Hội An tốc độ gia tăng dân số cơ học khá cao. Mặt khác, hàng ngày có một lượng du khách khá lớn đến tham quan du lịch, nhiều lao động từ các địa phương khác trong và ngoài tỉnh đến buôn bán làm ăn

và không ít các nhà khoa học, cán bộ, công chức, viên chức, nghệ sĩ... đến nghiên cứu, công tác.

Theo số liệu thống kê năm 1999, dân số Hội An là 75.730 người, trong đó, dân số thành thị là 34.376 người, nông thôn là 41.354 người. Số liệu thống kê năm 2009 dân số Hội An là 89.716 người, dân số thành thị tăng lên 69.222 người (gấp 2 lần 10 năm trước), còn ở khu vực nông thôn giảm xuống 20.494 người. Đến năm 2018, dân số thành thị là 72.588 người và nông thôn là 22.639 người [6, tr. 37]. Đó là chưa kể hàng chục ngàn người (dân số quy đổi) là khách tham quan, lưu trú, sinh viên cao đẳng, đại học.

Cùng với vấn đề biến động dân số giữa vùng nông thôn và thành thị, diện tích đất sử dụng với mục đích phi nông nghiệp cũng tăng lên rất nhanh. Năm 2000 là 1.956 ha, năm 2010 tăng lên 3.296 ha, đến năm 2018 đã tăng lên 3.367 ha [6, tr. 24]. Như vậy, khi quy hoạch Hội An phải tính đến lượng khách du lịch ngày một tăng do phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch. Hạ tầng kỹ thuật và quy mô đất dân dụng phải đáp ứng nhu cầu dân số theo dự báo tăng và hàng vạn khách tham quan, lưu trú trong tương lai. Điều này đồng nghĩa, Hội An phải lo thêm chỗ ở, việc làm và các dịch vụ đời sống khác cho họ. Hiện nay tính theo quỹ đất cứ 40m2/người (mục tiêu diện tích bình quân đầu người) thì đã phải cần bố trí quy hoạch thêm 88 ha đất dành cho đất ở đô thị. Chỉ riêng về dịch vụ tối thiểu cho 3 hạng mục cấp, thoát nước, xử lý nước thải cũng cần khoảng đầu tư hàng chục triệu USD. Những yếu tố khác cũng rất quan trọng phải tính cho tương lai như cần bao nhiêu nhà ở, trường học, bệnh viện... Đó là chưa tính đến việc tăng dân số cơ học, bởi vì tốc độ đô thị hóa càng cao thì tỉ lệ tăng dân số cơ học càng lớn. Thực trạng nêu trên đặt áp lực cho thành phố cần phải huy động tốt các nguồn lực để có thể đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế, hạ tầng dân sinh xã hội phù hợp với mục tiêu, chỉ tiêu đề ra theo từng giai đoạn, phù hợp với vai trò của một thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch.

Một vấn đề nữa là dân cư khu vực nội đô (phường Minh An, Cẩm Phô, Sơn Phong) chiếm trên 60% tổng số dân toàn thành phố, cộng với một lượng lớn học viên, sinh viên tại các trường cao đẳng thường trú trên địa bàn đã gây một áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng cận khu phố cổ. Mặt khác, theo kết quả điều tra dân số thì số người đang trong độ tuổi lao động và người chưa đến tuổi lao động chiếm tỉ trọng lớn. Đây sẽ nguồn lực lao động quan trọng cung cấp cho xã hội trong hiện tại và tương lai, nhưng cũng đặt ra áp lực về giải pháp quy hoạch và phân kỳ đầu tư như thế nào để đáp ứng cho nhu cầu theo cơ cấu dân số trẻ.

Với số lượng dân cư và mật độ phân bố như vậy đã đặt ra sức ép không nhỏ cho thành phố Hội An trong việc giải quyết mối quan hệ hài hòa giữa vấn đề bảo tồn các

giá trị cảnh quan, bảo tồn không gian kiến trúc đô thị truyền thống cũng như vấn đề dãn dân, môi trường sống, an sinh, xã hội trong phát triển đô thị. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng không đáp ứng kịp tốc đô thị hóa, giao thông đô thị quá tải dẫn đến ùn tắc, ô nhiễm môi trường, cảnh quan, mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng với việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, bao gồm cả kiến trúc sẵn có, nảy sinh những nguy cơ từ việc xây dựng các khu vui chơi, giải trí ngay sát khu đô thị cổ.

Trong khi đó, kinh tế Hội An những năm gần đây phát triển cao dẫn đến nhu cầu lao động lớn, dân cư các khu vực lân cận Hội An đổ về để kiếm sống, kiếm việc làm,

Một phần của tài liệu Bảo Tồn Và Phát Huy Giá Trị Nhà Cổ Ởthành Phố Hội An (Trang 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(138 trang)