Trong giai đoạn 2016 - 2020, công tác QLNN đối với đầu tư XDCB trong lĩnh vực GTVT từ nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực. Với phương châm phát huy sức mạnh nội lực, tranh thủ sự giúp đỡ của Chính phủ, của các bộ, ngành Trung ương, ngành GTVT Quảng Bình đã thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình giao thông trên địa bàn. Trong đó, nguồn vốn NSNN vẫn là nguồn lực chủ yếu để đầu tư XDCB, phát triển hạ tầng GTVT. Từ 2016 - 2020, nhiều dự án có vốn đầu tư lớn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng phát huy được hiệu quả; hệ thống giao thông đô thị được đầu tư, nâng cấp làm cho bộ mặt các đô thị ngày càng khang trang; các công trình, dự án được triển khai xây dựng, mạng lưới giao thông nông thôn ngày càng phát triển, mở rộng đến vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang cồn bãi.
Hiệu quả của công tác QLNN đối với đầu tư XDCB trong lĩnh vực GTVT từ nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh đã được khẳng định. Theo đó, đến nay, nhiều công trình lớn có tính kết nối cao, mang tính chất đòn bẩy phục vụ cho các chương trình KT - XH trọng điểm của tỉnh đã được đầu tư xây dựng; hệ thống giao thông trên địa bàn toàn tỉnh đã kết nối tương đối liên hoàn, bao gồm đủ cả 5 loại hình đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa; kết nối Quảng Bình với cả nước và các nước trong khu vực, góp phần đắc lực vào sự nghiệp CNH - HĐH tỉnh nhà. Công tác QLNN đối với đầu tư XDCB trong lĩnh vực GTVT từ nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh có thể được đánh giá trên một số mặt sau đây:
- Thứ nhất, Công tác thể chế hóa hệ thống các văn bản QLNN của Đảng và
Nhà nước được quan tâm, chỉ đạo có hiệu quả. Đầu tư XDCB là lĩnh vực nhạy cảm, chịu sự chi phối của hệ thống pháp luật liên ngành và chuyên ngành. Do đó, việc triển khai trong thực hiện rất khó khăn và phức tạp nếu công tác thể chế không được thực hiện tốt. Tuy nhiên, ở tỉnh Quảng Bình, từ việc ban hành các Nghị quyết của HĐND tỉnh, đến việc chấp hành và điều hành của cơ quan HCNN được thực hiện
nghiêm túc, đúng quy định, quy trình; Nhiều văn bản QLNN của địa phương đã được ban hành, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện QLNN đối với đầu tư XDCB trong lĩnh vực GTVT từ nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh trên địa bàn.
-Thứ hai, công tác thẩm định dự án, kế hoạch đấu thầu ngày càng được nâng
cao về chất lượng, đã đáp ứng được tiến độ tiến độ thi công, phù hợp với thực tế, lựa chọn được các nhà thầu có đủ năng lực thi công công trình, đảm bảo tiết kiệm vốn đầu tư. Việc thẩm định dự án, thẩm định thầu theo cơ chế "một cửa" “một cửa
điện tử” bước đầu đã phát huy được hiệu quả, nâng cao được chất lượng công tác
thẩm định.
- Thứ ba, chất lượng công tác giám sát đánh giá đã được nâng lên. Đánh giá
tình hình quản lý công tác quản lý đầu tư XDCB trên địa bàn cho thấy, tỉnh đã huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, từng bước điều chỉnh cơ cấu vốn đầu tư một cách hợp lý, tập trung đầu tư theo chương trình mục tiêu và dự án trọng điểm.
- Thứ tư, công tác quản lý đầu tư XDCB trong lĩnh vực GTVT từng bước
được chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả. Tạo sự chuyển đổi tích cực trong quan điểm chỉ đạo điều hành, đẩy mạnh cải cách TTHC, phân cấp quản lý cho chủ đầu tư; quản lý chặt chẽ khâu quy hoạch, chủ trương cho phép lập dự án; thẩm định và trình phê duyệt dự án, từng bước giải quyết nợ XDCB và khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT của tỉnh Quảng Bình được đầu tư, mở rộng, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
-Thứ năm, thông qua cơ chế thực hiện lồng ghép các nguồn vốn, các chương
trình, dự án như: nguồn vốn cân đối tập trung, ngân sách tỉnh, huyện, nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ, vốn TPCP, vốn ODA, các nguồn vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước,... nhiều công trình dự án GTVT đã hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng.
Với những kết quả đạt được trong công tác đầu tư và QLNN về đầu tư XDCB trong lĩnh vực GTVT, tính đến tháng 12 năm 2020, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình hiện có 9.377km đường bộ. Hệ thống Quốc lộ có 905km, gồm: Quốc
lộ 1, Quốc lộ 15 và đường Hồ Chí Minh (gồm 2 nhánh Đông và Tây) chạy dọc theo suốt chiều dài của tỉnh; Quốc lộ 9B và Quốc lộ 12A nối Quốc lộ 1 - đường Hồ Chí Minh với Biên giới Việt - Lào qua các cửa khẩu Chút Mút và cửa khẩu Quốc tế Cha Lo; Quốc lộ 9C và Quốc lộ 9E nối Quốc lộ 1 với đường Hồ Chí Minh. Hệ thống đường tỉnh gồm 21 tuyến với chiều dài 371km, phần lớn là các trục đường ngang Đông - Tây nối Quốc lộ 1A - đường Hồ Chí Minh với Biên giới Việt
- Lào. Số lượng còn lại là đường đô thị (490km), đường huyện (763km), đường xã (2.114km), đường thôn, xóm và nội đồng (khoảng 4.680km), đường chuyên dùng (54km). Hiện nay, 100% số xã đã có đường ô tô về đến trung tâm xã; đã có 95/128 xã tương đương 74% số xã đạt Tiêu chí 2 về giao thông trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, Quảng Bình còn có bờ biển dài 126km, hệ thống cảng biển gồm có: Cảng Gianh tiếp nhận tàu đến 1.000DWT; cảng Hòn La tiếp nhận cỡ tàu đến 15.000 DWT, hiện đang xây dựng giai đoạn 2 để tiếp nhận tàu đến 30.000 DWT; có các tuyến vận tải biển Quốc tế và nội địa. Quảng Bình có 5 hệ thống sông chính với tổng chiều dài 230km (gồm 121km đường thủy nội địa quốc gia và 109km đường thủy nội địa địa phương), phân bố tương đối đều trên địa bàn tỉnh, bao gồm: sông Gianh, sông Roòn, sông Dinh, sông Nhật Lệ và sông Kiến Giang. Các sông phần lớn chảy từ Tây sang Đông và có độ dốc tương đối lớn; hiện nay, các cửa sông bị bồi lấp, tuyến luồng cạn. Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy dọc, đi qua hầu hết các huyện, thành phố thuộc tỉnh với chiều dài 174,5km; có 19 ga, trong đó có 2 ga chính là ga Đồng Hới và ga Đồng Lê. Ngoài ra, Cảng Hàng không Đồng Hới được đưa vào khai thác năm 2008; quy mô: sân bay cấp 4C, cho loại máy bay A320/A321 cất hạ cánh; hiện đang khai thác 3 tuyến bay nội địa: Đồng Hới - Hà Nội; Đồng Hới - TP. Hồ Chí Minh; Đồng Hới - Cát Bi và ngược lại; 01 đường bay quốc tế Đồng Hới - Chiêng Mai (Thái Lan).
Những kết quả đạt được về HTGT theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại đã góp phần phát huy các tiềm năng lợi thế của tỉnh tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển.