Phần 2 Tổng quan tài liệu
2.1. Giới thiệu chung về bệnh Newcastle
2.1.7. Vắc xin phòng bệnh Newcastle
Ở nước ta, hầu hết các vắc xin phòng Newcastle ở Việt Nam tập trung vào chủng LaSota, LaSota chịu nhiệt, LaSota V4 chịu nhiệt (Nguyễn Thu Hồng, 1990), Newcastle hệ I có thể có nguồn gốc từ chủng Mukteswar (Trần Đình Từ, 2005), tùy theo đơn vị sản xuất và sử dụng ở các vùng, miền khác nhau (Nguyễn Thu Hồng & cs., 1998), nhìn chung, không phụ thuộc vào vùng địa lý; các đường dùng vắc xin (nhỏ mũi hoặc khí dung, tiêm) đều có hiệu quả phòng bệnh ở mức
độ khác nhau; việc bổ sung Vitamin hoặc thuốc trợ lực có tác dụng nâng cao hiệu quả của vắc xin.
Như vậy, vắc xin nội địa phòng bệnh Newcastle sử dụng các chủng LaSota và Newcastle hệ I đã bao phủ cả nước. Gần đây, vắc xin ngoại nhập được sử dụng phổ biến cho chăn nuôi công nghiệp, gia trại, trang trại. Trong khi đó, Newcastle là virus đơn type huyết thanh học, rất nhiều loại vắc xin đã được sử dụng nhưng dịch vẫn xảy ra. Một số nghiên cứu ứng dụng đã được thực hiện nhằm tối ưu hóa cách sử dụng vắc xin theo các đối tượng gà và mô hình chăn nuôi được thực hiện (Mai Hoàng Việt, 1999). Do tính chất chăn nuôi nhỏ lẻ, công tác phòng bệnh đòi hỏi sự tham gia của cộng đồng (Trần Văn Hà, 2004).
Một số loại vắc xin phòng bệnh Newcastle:
- Vắc xin chịu nhiệt : Là vắc xin được sản xuất từ chủng virus được phân lập trong tự nhiên bằng việc biến đổi tính chịu nhiệt của virus, ngày càng tăng dần mức độ chịu nhiệt bởi chọn lọc nhân tạo trong phòng thí nghiệm tạo sức đề kháng khi được tiếp xúc ở nhiệt độ cao. Nhiều loại vắc xin phòng bệnh Newcastle thường giảm hiệu quả sử dụng sau 1 đến 2 giờ ở nhiệt độ phòng. Vắc xin chịu nhiệt đã khắc phục được điều đó, thường chịu được nhiệt độ thường (15- 28oC) trong 30 ngày (Trần Đình Từ, 2005).
- Vắc xin vô hoạt (vắc xin chết): Là vắc xin mà hoạt lực của virus có thể bị bất hoạt bởi việc xử lý với hóa chất, bức xạ hoặc nhiệt độ. Sau khi bất hoạt có thể đưa vào các chất bổ trợ. Giống dùng để chế vắc xin vô hoạt có thể là các chủng virus có độc lực yếu hoặc các chủng virus độc lực cao phù hợp. Tuy nhiên việc sử dụng những chủng cường độc để chế vắc xin cần đảm bảo không cho virus “thoát” ra khỏi cơ sở sản xuất, cũng như nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ ở mọi khâu sản xuất.
- Vắc xin tái tổ hợp: Vắc xin tái tổ hợp phòng bệnh Newcastle được nghiên cứu vào đầu thập kỷ 90, baculovirus hoặc fowlpox virus mang gene HN (hemagglutinin-neuraminidase) của virus, không bị ảnh hưởng của kháng thể thụ động, có khả năng bảo hộ gà kháng virus cường độc (Nagy & cs., 1991). Một trong những thử thách lớn nhất trong phòng bệnh bằng vắc xin là rào cản miễn dịch thụ động, vắc xin DNA mang gene F hoặc gene HN hoặc cả hai, tuy chưa cho miễn dịch bảo hộ hoàn hảo, nhưng là một trong những giải pháp khắc phục (Loke & cs., 2005). Với đặc điểm lợi thế này, vắc xin DNA có thể dùng để nâng cao đáp ứng miễn dịch của gà với vắc xin vô hoạt. Những vắc xin thế hệ mới này
đang trong giai đoạn hoàn thiện cả về cấu trúc, mức biểu hiện protein kháng nguyên, yếu tố điều khiển miễn dịch dịch thể và tế bào nhằm đảm bảo mức bảo hộ thực tế khi thử thách cường độc.
Vắc xin đã được dùng trong phòng bệnh hơn 50 năm qua. Sự tiến bộ của công nghệ tái tổ hợp gen đã mở ra một bước nhảy vọt trong nghiên cứu vắc xin sử dụng cho ngành thú y.
Về liều dùng vắc xin: Nghiên cứu của Nguyễn Thu Hồng (1993) cho biết gà uống vắc xin LaSota có khả năng tạo miễn dịch qua tiếp xúc, nếu cho gà uống vắc xin LaSota với liều 10-3 EID50 từ 3– 4 ml/con lúc gà 1 tuần tuổi thì đến 2,5 tháng tuổi có 63% gà được bảo hộ, nếu cho uống lúc 2 tuần tuổi thì 100% gà được bảo hộ. Nguyễn Tiến Dũng (1993), đã nghiên cứu biến chủng của LaSota có tính chịu nhiệt cao, gây miễn dịch tốt, bảo quản được ở nhiệt độ 37oC. Vắc xin LaSota chịu nhiệt V4 có ưu điểm hơn LaSota về thời gian bảo quản, ở nhiệt độ thường bảo quản được 1 tháng. Theo Trần Đình Từ (1996), vắc xin HR-NDV (chủng V4) có hiệu lực miễn dịch ít nhất là ngang với vắc xin LaSota ở gà nuôi chăn thả.
Về lịch sử dụng vắc xin Phan Văn Lục (1994) đề xuất 2 lần LaSota vào 7 ngày và 21- 28 ngày, 2 lần tiêm Newcastle Hệ I: 50- 58 ngày và 133 -140 ngày; kiểm tra hiệu giá HI của đàn gà nếu nhỏ hơn 2log2, gà không được bảo hộ, cần tiêm vắc xin lặp lại; nếu hiệu giá HI trong khoảng 2-3log2 thì 1 tháng sau cần kiểm tra lại. Trường hợp hiệu giá HI giữ nguyên hoặc giảm đi thì tiêm vắc xin lặp lại. Chỉ khi hiệu giá HI đạt từ 3log2 trở lên và tỷ lệ chuyển dương 90% thì đàn gà được bảo hộ đối với virus cường độc. Theo tác giả Trương Quang (2005) khuyến cáo những đàn gà nuôi trên ba tháng tuổi nên cho uống vắc xin LaSota 3 lần lúc gà 7, 21 và 35 ngày tuổi sẽ an toàn bệnh Newcastle.
Bất chấp những cố gắng của toàn dân và cộng đồng, đa dạng vắc xin, dịch Newcastle vẫn lưu cữu và lẻ tẻ xảy ra. Vấn đề kháng thể thụ động được xem là một trong những nguyên nhân làm giảm hiệu quả phòng bệnh của vắc xin, đặc biệt với gà nuôi thả vườn (Trần Ngọc Bích & cs., 2016). Biến chủng và đa dạng kháng nguyên có thể là một nguyên nhân khác. Báo cáo kết quả đa dạng genoptype và kháng nguyên của Viện Thú Y gần đây cho biết virus Newcastle lưu hành tại Việt Nam chủ yếu thuộc genotype VII, ngoài ra còn có 3 genotype khác là các genotype II, III, VIII. Tuy nhiên báo cáo cũng cho biết các genotype này vẫn có phản ứng miễn dịch chéo với các huyết thanh chế tạo từ virus chủng
gốc LaSota ở các mức độ khác nhau (4-7log2HI) và nhận định trốn thoát miễn dịch có thể tồn tại ở tỷ lệ nhỏ (Bùi Ngọc Anh, 2013).