Phần 2 Tổng quan tài liệu
2.2. Giới thiệu chung về bệnh Viêm phế quản truyền nhiễm
2.2.1. Lịch sử bệnh Viêm phế quản truyền nhiễm trên thế giới
Bệnh được phát hiện lần đầu tiên ở bang Dakota, nước Mỹ năm 1930. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, bệnh phổ biến ở các nước châu Âu. Bệnh xảy ra tại Anh vào năm 1948 được xác định là loại Massachusetts, từ đó bệnh truyền sang châu Á và châu Phi. Jungherr và cộng sự đã báo cáo phân lập được chủng Massachusett vào năm 1941 và chủng Connecticut vào năm 1951. Cả hai chủng này gây ra những ca bệnh giống nhau nhưng chúng không có sự bảo vệ chéo hoặc trung hòa chéo. Winterfield & Hitchner (1962) đã chỉ ra rằng một số chủng của virus IB có thể gây ra hội chứng viêm thận và từ đó chủng Nephropathogenic dòng Gray và Holte được phân lập.
Tại châu Á, virus IB được phân lập đầu tiên vào năm 1967 tại Malaysia. Những năm gần đây, nhiều nghiên cứu đã được thực hiện ở nhiều quốc gia khác nhau. Các nghiên cứu dịch tễ học phân tử ở Malaysia và Singapore cho thấy: ngoài serotype Mass còn có các serotype khác như serotype 4/91 đã tìm thấy ở Trung Quốc và Đài Loan (Yu & cs., 2001). Serotype 4/91 gần đây đã được phân lập ở Nhật Bản (Shimazaki & cs., 2008).
Tỷ lệ gà mắc bệnh IB đã được ghi nhận ở Iran, Jordan với tỷ lệ tương ứng là 84%; 58,8% (Seyfi & cs., 2004; Roussan & cs., 2009). Tại Brazil, Argentina, Honduras, các chủng phổ biến như Massachusetts và Connecticut không có khả năng bảo vệ cho chủng lưu hành (Wit & cs., 2011). Điều này là mối quan tâm đối với ngành chăn nuôi gia cầm. Tất cả gà trong đàn đều có thể nhiễm bệnh nhưng
tỷ lệ chết khác nhau giữa các đàn, phụ thuộc vào độc lực của serotype gây nhiễm, lứa tuổi, tình trạng miễn dịch và các yếu tố stress. Khi ghép các bệnh kế phát, tỷ lệ chết có thể tới 20 - 30% hoặc cao hơn ở những đàn gà dưới 6 tuần tuổi. Những đàn gà đẻ bị nhiễm IBV làm mất phẩm chất trứng và giảm sản lượng trứng từ 10 – 50%. Chủng IBV có ái lực mạnh trên thận (chủng Nephropathogenic) gây bệnh trên gà thịt, tỷ lệ chết lên đến 25%.