Kết quả phân tích cho thấy các giả thuyết H1, H2, H3, và H4 đều được ủng hộ. Nghĩa là, có sự ảnh hưởng tích cực giữa trách nhiệm kinh tế, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm môi trường với lòng tin, từ lòng tin đến lòng trung thành của khách hàng trong trường hợp cụ thể của đề tài này là các khách sạn từ 4 đến 5 sao trên địa bàn thành phố Vũng Tàu. Từ kết quả cho thấy nếu các khách sạn thực hiện tốt trách nhiệm xã hội sẽ nâng cao lòng tin của khách hàng đối với khách sạn, từ đó xây dựng lòng trung thành của khách hàng đối với các khách sạn từ 4 đến 5 sao tại thành phố Vũng Tàu.
Thứ tự sắp xếp thực hiện trách nhiệm xã hội của khách sạn từ cao đến thấp trong nghiên cứu này là: Trách nhiệm của khách sạn đối với xã hội, trách nhiệm của khách sạn đối với môi trường và cuối cùng là trách nhiệm của khách sạn đối với kinh tế, thể hiện trong bối cảnh nước ta, cụ thể là ở Vũng Tàu, khách hàng có xu hướng đánh giá cao việc quan tâm đến cộng đồng xã hội điều này giống như kết quả nghiên cứu của (Khánh, 2017), đúng với xu hướng của các nước đang phát triển thì việc quan tâm đến cộng đồng xã hội lại được đặt cao hơn vấn đề về môi trường, và vấn đề về kinh tế lại được xếp cuối cùng, khách hàng cho rằng khách sạn cần thực hiện những việc vượt ra ngoài phạm vi chỉ tìm kiếm lợi nhuận đơn thuần, kết quả này là quan trọng trong việc đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao lòng trung thành của khách hàng trong ngành khách sạn, sẽ được tác giả thể hiện trong phần hàm ý quản lý.
Từ các kết quả nghiên cứu nhận thấy nghiên cứu góp phần vào hệ thống thang đo lường về tiêu chí đánh giá CSR của khách hàng đối với khách sạn, lòng tin và lòng trung thành của khách hàng trong ngành khách sạn. Từ đó góp phần vào cơ sở để các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý có hệ thống thang đo để thực hiện các nghiên cứu hay đánh giá CSR đối với lòng trung thành của khách hàng không chỉ trong ngành Khách sạn mà có thể trong các ngành dịch vụ khác.