SỐ LƯỢNG BẠCH CẦU VÀ BCĐN TRUNG TÍNH TRONG MÁU NGOẠI

Một phần của tài liệu nghiên cứu nồng độ interleukin 6 huyết thanh trong đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở người cao tuổi (Trang 65 - 68)

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

4.6.SỐ LƯỢNG BẠCH CẦU VÀ BCĐN TRUNG TÍNH TRONG MÁU NGOẠI

MÁU NGOẠI VI

Trên lâm sàng chúng tôi nhận thấy: có bệnh nhân khi vào viện không sốt, nhưng làm công thức máu có bạch cầu tăng, ngược lại có bệnh nhân có sốt nhưng bạch cầu máu lại không tăng, nhóm sau ít xảy ra hơn.

Đối với toàn nhóm nghiên cứu, số lượng bạch cầu máu trung bình là 12333,10±5440/ml, thành phần BCĐN trung tính là 81,661±10,23 %.

Điều này thể hiện một phản ứng viêm cấp tính với bạch cầu máu tăng, thành phần BCĐN trung tính tăng.

Theo Y văn, khi nhiễm khuẩn do vi trùng interleukin 1 tại nơi tổn thương tăng cao, vào máu, kích thích trực tiếp lên tủy xương và kho dự trữ bạch cầu trung tính trong tủy xương làm chúng được phóng thích vào máu gây BC tăng và bạch cầu trung tính tăng. Ngoài IL -1, thì IL - 6, TNFalpha cũng tăng rất cao làm bạch cầu trung tính tăng. Ngược lại khi nhiễm siêu vi thì interferon gamma sẽ làm tăng tế bào lympho và kích thích gan yếu nên CRP, VS cũng tăng ít [7].

BPTNMT giai đoạn ổn định cũng có một phản ứng viêm âm thầm tại phổi mà các chỉ điểm viêm trong máu tăng ít. Trong đợt cấp BPTNMT các chỉ điểm viêm tăng rõ ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng của bạch cầu.

Xét mối tương quan giữa IL6 và số lượng bạch cầu chúng tôi có :

Ở phân nhóm đợt cấp mức độ nhẹ r =- 0,335 , ở phân nhóm mức độ vừa r = 0,023, ở phân nhóm mức độ nặng r =- 0,058, chứng tỏ số lượng BC thay đổi không đồng đều khi IL6 thay đổi, thêm nữa đa số bệnh nhân có được điều trị tại nhà, với thuốc và liều lượng thay đổi, yếu tố khởi phát khác nhau …

Vì vậy mà IL6 và số lượng bạch cầu toàn nhóm bệnh chỉ thể hiện mối tương quan thuận mức độ vừa với r= 0,228.

Trên lâm sàng có khi số lượng BC không tăng, nhưng thành phần phần trăm của BCĐN trung tính đã tăng, thể hiện một đáp ứng rất nhạy của hệ miễn dịch. Số lượng BC máu thay đổi với biên độ rất lớn, nhưng thành phần phần trăm ít biến đổi hơn vì vậy người ta hay dùng thành phần phần trăm hơn là số lượng tuyệt đối của BCĐN trung tính

Trong nghiên cứu của chúng tôi, phần trăm BCĐN trung tính trong máu tăng lên tỉ lệ với độ nặng của đợt cấp một cách có ý nghĩa (p< 0,05),

thể hiện sự biến đổi về chất của hệ miễn dịch ; và giữa phần trăm BCĐN trung tính và IL6 có mối tương quan thuận vừa r=0,263.

Pinto-Plata,Celli và cs đã nghiên cứu 20 bệnh nhân đợt cấp BPTNMT về lâm sàng, công thức bạch cầu, IL6, IL8 nhận thấy rằng thành phần phần trăm trong máu ngoại vi của BCĐN trung tính tăng 69-79% với p< 0,02 [56].

Bạch cầu đa nhân trung tính đường thở cũng gia tăng số lượng và liên quan với độ nặng của BPTNMT. Người ta đã xác định rằng hiện tượng viêm xảy ra nhiều hơn ở bệnh nhân viêm phế quản mạn, và dịch rửa phế quản phế bào ở những bệnh nhân này chứa tỉ lệ % bạch cầu đa nhân trung tính cao hơn (35,8%) so với người hút thuốc lá không có triệu chứng (20,7%) hay người không hút thuốc lá (10,3%). Bệnh nhân viêm phế quản mạn với tỉ lệ % bạch cầu đa nhân trung tính cao >20 % trong dịch rửa phế quản phế bào có khạc đàm nhiều hơn có ý nghĩa và trị số FEV1 thấp hơn bệnh nhân có tỉ lệ % bạch cầu đa nhân trung tính thấp hơn < 20%. Tỉ lệ bạch cầu đa nhân trung tính trong dịch rửa phế quản phế bào tương quan chặt chẻ với tiền sử hút thuốc lá tính theo gói/năm và số lượng điếu thuốc hút trong ngày [34].

Trong đợt cấp BPTNMT một trong các nguyên nhân làm khởi phát là nhiễm siêu vi hay nhiễm khuẩn đường hô hấp. Nhưng nhiễm siêu vi ở giai đoạn đầu sau đó cũng có bội nhiễm thêm vi khuẩn. Mà nhiễm khuẩn mới làm tăng TNF alpha, IL6, CRP tại phổi và máu và tăng bạch cầu trung tính ở đường thở [57].

Như vậy BPTNMT không phải là một bệnh viêm do nhiễm khuẩn, nhưng sự nhiễm khuẩn lại tạo điều kiện làm tăng thêm phản ứng viêm trong BPTNMT.

Theo GOLD 2007, các nghiên cứu có đối chứng về vấn đề điều trị kháng sinh trong đợt cấp BPTNMT đã chứng minh hiệu quả có lợi của kháng sinh lên chức năng phổi và một công trình nghiên cứu khác đã đưa

ra các bằng chứng cho một hiệu quả có lợi đầy ý nghĩa của kháng sinh trong đợt cấp với 3 dấu chứng : tăng khó thở, tăng thể tích đàm, đàm mủ (nặng) cũng có một ít hiệu quả có lợi trong những bệnh nhân có tăng 2 trong 3 dấu trên (vừa).

Cũng theo GOLD, một nghiên cứu về đợt cấp BPTNMT ở các bệnh nhân không nhập viện đã chỉ ra mối liên hệ giữa mủ trong đàm và sự hiện diện của vi khuẩn gây bệnh và cũng đề nghị bệnh nhân nên được điều trị với kháng sinh nếu họ có tối thiểu 1 trong 2 triệu chứng khó thở hay ho. Một nghiên cứu khác trên các bệnh nhân BPTNMT đợt cấp được thở máy có xâm nhập hay không, nghiên cứu này đã chứng minh rằng việc không dùng kháng sinh gắn liền với tăng tỷ lệ tử vong và tăng tỷ lệ viêm phổi bệnh viện [49].

Căn cứ vào các nghiên cứu trên GOLD khuyến cáo nên dùng kháng sinh trong đợt cấp BPTNMT khi:

- Bệnh nhân có đợt cấp BPTNMT có cả 3 triệu chứng tăng khó thở, tăng thể tích đàm và tăng đàm mủ.

- Bệnh nhân có đợt cấp BPTNMT với 2 trong 3 triệu chứng trên nếu gia tăng đàm mủ là 1 trong hai triệu chứng đó.

- Bệnh nhân có đợt cấp BPTNMT cần thở máy xâm nhập hay không [49].

Một phần của tài liệu nghiên cứu nồng độ interleukin 6 huyết thanh trong đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở người cao tuổi (Trang 65 - 68)