2.1.3.1.Hệ thống giao thông
Mạng lưới giao thông trong tỉnh Khánh Hòa có 4 loại hình giao thông: đường hàng không, đường sắt, đường thủy, đường bộ. Đó là lợi thế để Khánh Hòa có thể phát triển một nền kinh tế toàn diện, giao lưu trong nước và quốc tế về các lĩnh vực thương mại, du lịch, sản xuất kinh doanh và trao đổi hàng hóa.
Cảng biển:
− Cảng Ba Ngòi ở thị xã Cam Ranh, cảng có cầu tàu dài 110m, rộng 15m, độ sâu trung bình trước bến là 8,5m, cho phép tàu có tải trọng 1 vạn tấn có thể cập bến, riêng khu vực vùng nước trước cảng có độ sâu 10,5m, tiếp nhận tàu có trọng tải 30.000 tấn ra vào cảng an toàn, công suất bốc dỡ 450.000 tấn/năm. Trong quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Nam Trung bộ, cảng Ba Ngòi được xác định là cảng
đa năng, phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa và vùng phụ cận. Vì thế cảng Ba Ngòi sẽ được nâng cấp, mở rộng, đến năm 2010 khối lượng hàng hóa thông qua cảng khoảng 3,4 triệu tấn.
− Cảng Nha Trang hiện được sử dụng là cảng đa chức năng phục vụ du lịch, vận tải hành khách và chuyển tải hàng hoá các loại. Cảng có chiều dài cầu tàu 172m, rộng 20m, độ sâu trước bến cảng là 8,5m. Công suất bình quân hàng năm là 6.000 hành khách, công suất bốc dỡ 800.000 tấn/năm.
− Cảng Hòn Khói nằm trên bán đảo Hòn Khói, phía Nam vịnh Vân Phong, cách Quốc lộ 1 khoảng 12m, là cảng chuyên dùng xuất muối kết hợp với cảng hàng hóa, công suất khoảng 10 vạn tấn/năm. Hiện nay cảng có một cầu tàu 70m x 10m, độ sâu trước bến là 3,2m, chỉ cho phép các tàu nhỏ (<1000 T) cập bến như sà lan, tàu Lash... Trong tương lai, cảng Hòn Khói sẽ được đầu tư nâng cấp thành cảng đa chức năng để tiếp nhận tàu trên 2.000 tấn. Là cảng vận chuyển hàng hóa xuất khẩu. − Xây dựng cảng trung chuyển Container quốc tế Vân Phong tại khu vực Đầm Môn đã được Chính phủ phê duyệt. Đến năm 2010, nghiên cứu đầu tư xây dựng cảng tại bờ phía Đông của vũng Cổ Cò và về phía Bắc của đảo Hòn Ông. Cảng phải được xây dựng hiện đại với phương án công nghệ sử dụng cần cẩu container chuyên dụng và hệ thống nâng hạ trên bãi. Bến được thiết kế bảo đảm có thể tiếp nhận tàu container 4.000 – 6.000 TEUs cập bến. Tổng diện tích cảng 118 ha được xây dựng trên mặt bằng 1.680m x 550m. Phấn đấu năng lực thông qua có thể lên tới khoảng 10 triệu tấn (tương đương với khoảng 1,0 triệu TEU). Trước mắt đến năm 2007 hoàn thành hai bến cầu tàu dài 600m, lượng hàng thông qua cảng 500 nghìn TEU. Sự hình thành cảng trung chuyển quốc tế ở vịnh Vân Phong chắc chắn sẽ làm thay đổi bố cục cảng biển Việt Nam.
Sân bay:
Sân bay Cam Ranh nằm ở phía Bắc bán đảo Cam Ranh, cách TP. Nha Trang khoảng 30 km, có 4 đường băng dài 3.040m, đã chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2004. Cảng hàng không Cam Ranh là cảng hàng không quốc tế, có thể đón 1 triệu khách vào năm 2010 và khoảng 2 triệu khách vào năm 2020 để đáp ứng yêu
cầu phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực Nam Trung bộ, đặc biệt đối với phát triển du lịch. Sân bay Cam Ranh là sân bay phục vụ cho nhu cầu bay của người dân khu vực Nam Trung bộ và là sân bay có khả năng tiếp nhận tất cả các loại máy bay chở khách lớn hiện nay trên thế giới đã có nhiều quốc gia mở đường bay thẳng tới Cam Ranh như Nga và một số nước Đông Âu khác, hiện tại sân bay Cam Ranh có khả năng phục vụ các hoạt động bay đêm và là sân bay lớn thứ 4 của Việt Nam sau các sân bay như Tân Sơn Nhất, Nội Bài và Đà Nẵng và là sân bay có mức tăng trưởng khách lớn nhất hiện nay của cả nước.
Ngoài ra ở Khánh Hòa còn một số sân bay nhỏ có khả năng phục vụ các chặng bay ngắn ở trong nước như sân bay Nha Trang và sân bay Dục Mỹ - Ninh Hòa nhưng hiện tại hai sân bay này đang phục vụ mục đích chính là huấn luyện bay quân sự.
Đường sắt:
Tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy dọc tỉnh Khánh Hòa, dài khoảng 149,2 km, qua thành phố Nha Trang và hầu hết các huyện trong tỉnh. Trên địa bàn tỉnh có 12 ga đường sắt, các ga dọc tuyến là ga hỗn hợp, chỉ có ga Nha Trang là ga chính, có quy mô lớn làm nhiệm vụ trung chuyển hành khách và hàng hóa từ Lâm Đồng, Buôn Ma Thuột tới các tỉnh phía Bắc và phía Nam.
Trong thời gian tới ga Nha Trang được quy hoạch di chuyển ra khỏi thành phố để đáp ứng nhu cầu trung chuyển hàng hóa của người dân cao hơn đồng thời giảm thiểu tình trạng ô nhiễm cho khu vực nội thị. Đồng thời chính phủ cũng quy hoạch tuyến đường sắt cao tốc thí điểm Nha Trang – Tp Hồ Chí Minh từ đây có thể rút ngắn thời gian đi tàu của 2 địa phương xuống.
Đường bộ:
Các tuyến đường đối ngoại: Quốc lộ 1A chạy suốt chiều dài của tỉnh, Quốc lộ 26 nối với Đăk lăk và các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Tuyến đường mới nối Nha Trang với Đà Lạt đã rút ngắn khoảng cách Nha Trang đi Đà Lạt còn 140 km tuyến đường này với mục đích gắn kết giữa hai địa phương có điểm mạnh là du lịch nhằm thu hút khách tới với biển và rừng.
Đường nội tỉnh: Đường Nguyễn Tất Thành nối sân bay Cam Ranh với TP. Nha Trang, đường Phạm Văn Đồng nối đường Trần Phú ra Quốc lộ 1 đây là hai con đường ven biển để đi vào thành phố Nha Trang với những cảnh quan biển đảo hùng vĩ dọc đường đi, đường Khánh Bình – Ninh Xuân nối từ Quốc lộ 26 về Khánh Vĩnh… đã tạo được các tuyến giao thông thông suốt trong tỉnh. Đường lên khu du lịch Hòn Bà, đường ra khu du lịch Đầm Môn và những tuyến đường giao thông khác đã và đang được hoàn thiện để phát triển tiềm năng của các vùng kinh tế của tỉnh.
Các tuyến đường tỉnh lộ và hương lộ có tổng chiều dài 193,61 km, trong đó có 56,6 km tỉnh lộ nằm trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh và Khánh Sơn, là hai huyện miền núi, có địa hình tương đối cao, các tuyến này bắt đầu từ QL 1A và QL 26, hầu hết kết thúc ở các huyện, là các tuyến đường cụt, không tạo thế liên hoàn về giao thông. Các tuyến tỉnh lộ, hương lộ có nền đường phổ biến là 5 - 7m, mặt đường 3 - 4m. Các tuyến đường (phần lớn là các đường miền núi) là đường đất hoặc đường đá dăm cấp phối. Chất lượng nền và mặt đường không đồng đều trên toàn tuyến, phần lớn là đường xấu.
Đường sông:
Do đặc điểm của địa phương nên hệ thống đường thủy nội địa của Khánh Hòa rất ít chỉ có một số hệ thống bến đò ở Vạn Ninh và Ninh Hòa nối với các địa điểm du lịch, ngoài ra còn có hệ thống thuyền đò phục vụ nhân dân ở các xã đảo như Vĩnh Nguyên – Bình Ba (Cam Ranh) – Vạn Thạnh (Vạn Ninh). Bên cạnh đó còn có tuyến du lịch bằng thuyền dọc bờ sông Cái và một số tuyến đò ngang hoạt động không phép rải rác ở dọc sông Cái trên địa bàn huyện Diên Khánh và thành phố Nha Trang.
Thành phố Nha Trang còn có 2 cảng phục vụ cho hoạt động du lịch là bến tàu du lịch Cầu Đá phục vụ du khách tham quan các đảo ở khu vực phía Nam thành phố và bến tàu du lịch của công ty Long Phú phục vụ khách du lịch ở các đảo khu vực phía Bắc.
2.1.3.2. Hệ thống điện
Tỉnh Khánh Hòa hiện đang được cấp điện từ lưới điện quốc gia qua các nguồn chính sau: Từ đường dây 500KV Bắc Nam, từ thủy điện Đa Nhim, từ nhà máy thủy điện Sông Hinh
Lưới điện trung thế: Lưới điện trung thế của tỉnh Khánh Hòa và phần lớn vận hành ở cấp điện áp 15KV.
Đường dây hạ thế: Lưới điện hạ thế ở khu vực Tp. Nha Trang và Tp. Cam Ranh tương đối hoàn chỉnh do có nhiều trạm biến áp có dung lượng vừa, cự ly gần nên chất lượng điện áp tương đối tốt. Lưới điện hạ thế ở khu vực các huyện còn đơn giản và được xây dựng chưa tuân theo quy hoạch.
2.1.3.3.Hệ thống cấp thoát nước
Các công trình phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất công nghiệp: Lượng nước sử dụng hiện nay khoảng 10 x 106 m3 từ các nguồn chủ yếu sau: sử dụng kết hợp với các công trình thuỷ nông và sử dụng kết hợp với hệ thống nước sinh hoạt. Khu vực Hòn Khói có công trình riêng phục vụ cho ngành xi măng. Lấy trực tiếp từ sông suối, hoặc giếng khoan. Hiện nay Khánh Hòa có các nhà máy nước như Võ Cạnh (25.000 m3/ngày đêm), nhà máy nước Ninh Hòa (2.500 m3/ ngày đêm) và nhà máy nước Vạn Gĩa (2.000 m3/ ngày đêm).
2.2.3.4. Các khu công nghiệp và khu kinh tế
Ngày 21/8/2006, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1107/QĐ- TTg về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Như vậy, theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà đến năm 2015 có 5 khu công nghiệp được thành lập theo quy định của Chính phủ, gồm: Khu công nghiệp Suối Dầu (huyện Cam Lâm), Khu công nghiệp Ninh Thuỷ (huyện Ninh Hòa), Khu công nghiệp Vạn Thắng (huyện Vạn Ninh), Khu công nghiệp Nam Cam Ranh và Khu công nghiệp Bắc Cam Ranh (thị xã Cam Ranh).
Bên cạnh đó còn có cụm công nghiệp vừa và nhỏ Đắc Lộc và khu kinh tế trọng điểm quốc gia Vân Phong.
Khu công nghiệp Suối Dầu:
Khu công nghiệp Suối Dầu được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 951/TTg ngày 11/11/1997 thành lập và phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Suối Dầu, tỉnh Khánh Hoà. Chủ đầu tư là Công ty Thương mại và Đầu tư Khánh Hoà, quy mô khu công nghiệp theo dự án được duyệt là 152 ha. Lĩnh vực đầu tư đa nghành, như: sản xuất hàng may mặc, điện tử, linh kiện vận tải, lắp ráp xe máy ô tô, hàng thủ công mỹ nghệ cao cấp, chế biến thủy sản. Đến nay Khu công nghiệp Suối Dầu đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng của giai đoạn I (78,17 ha) và thu hút đầu tư gần lấp đầy diện tích đất công nghiệp cho thuê với tỷ lệ 85%. Chủ đầu tư đang triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng của giai đoạn II (phần diện tích còn lại); các hạng mục đã thực hiện là: Trạm xử lý nước sạch mở rộng, san nền kè đá, hệ thống cấp thoát nước (hệ thống thoát nước mưa, thoát nước thải và cấp nước sạch); các hạng mục đang hoàn tất hồ sơ chuẩn bị thực hiện là: Trạm bơm nước thô số 2 và hệ thống đường giao thông.
Hệ thống cung cấp điện bao gồm lưới điện 110Kv quốc gia và nhà máy điện dự phòng , hệ thống cung cấp nước 10.000m3/ ngày và hệ thống xử lý nước thải có thể xử lý 5.000m3/ngày. Bên cạnh đó còn có mạng lưới viễn thông hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế có thể đáp ứng nhu cầu của mọi nhà đầu tư.
Có vị trí thuận lợi nằm gần trục đường quốc lộ 1A, cách TP Nha Trang 25 km, cách Cảng biển Nha Trang 25 km, cách sân bay Cam Ranh 35 km, thuận tiện cho việc vận chuyển và đi lại, hệ thống giao thông bao gồm trục đường chính 24-30m và đường nhánh.
Thời hạn thuê đất của khu công nghiệp đến hết năm 2048, bên cạnh đó khu vực này có lực lượng lao động địa phương dồi dào.
Khu công nghiệp Ninh Thủy:
UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định số 2627/QĐ-UB ngày 07/10/2004 thành lập Khu công nghiệp Ninh Thuỷ, huyện Ninh Hòa (với quy mô 206,4ha). Chủ đầu tư là Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang, hiện nay đang tiến hành xây dựng kết cấu hạ tầng. Lĩnh vực đầu tư đa nghành, như: sản xuất hóa chất,
linh kiện thiết bị phục vụ ngành công nghiệp đóng tàu; Sản xuất vật liệu xây dựng, hàng trang trí nội ngoại thất; Dịch vụ.
Hiện tại khu công nghiệp đang trong giai đoạn thi công cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ cho các doanh nghiệp.
Khu công nghiệp Vạn Thắng :
Khu công nghiệp này ở huyện Vạn Ninh đã có quy hoạch chi tiết với quy mô 144,42 ha và đã được UBND tỉnh Khánh Hoà phê duyệt theo Quyết định số 1626/QĐ-UBND ngày 12/8/2005. Lĩnh vực đầu tư đa nghành, như: Công nghiệp hóa dầu, công nghiệp vi sinh, sản xuất hóa chất, vật liêu xây dựng, chế biến thủy sản. Khu công nghiệp Vạn Thắng đang lựa chọn chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.
Hiện tại khu công nghiệp Vạn Thắng đã có nhà đầu tư Hàn Quốc đăng ký làm chủ đầu tư và kinh doanh cơ sở hạ tầng vì khu công nghiệp này trực thuộc khu kinh tế Vân Phong nên đang chờ bộ kế hoạch đầu tư xem xét một số hạng mục của khu công nghiệp phải phù hợp với quy hoạch tổng thể của khu kinh tế.
Khu công nghiệp Bắc Cam Ranh:
Hiện tại đã được UBND tỉnh đồng ý quy hoạch khu công nghiệp dư kiến diện tích của khu công nghiệp là 150ha thuộc địa bàn hai xã Cam Phúc Bắc và Cam Phúc Nam của huyện Cam Ranh. Khu công nghiệp Bắc Cam Ranh vì đặc thù của địa hình nên lĩnh vực hoạt động chính là sản xuất các sản phẩm sử dụng ít nước và sử dụng nhiều lao động như may mặc và điện tử. Hiện nay khu công nghiệp đang tiến hành quy hoạch chi tiết và kêu gọi đầu tư.
Khu công nghiệp Nam Cam Ranh:
Khu công nghiệp Nam Cam Ranh có quy mô khoảng 233ha tại xã Cam Thịnh Đông vì lý do tài chính nên khu công nghiệp chưa được tiến hành quy hoạch và đầu tư.
Cụm công nghiệp Đắc Lộc:
Đây là cụm công nghiệp tập trung các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc thôn Đắc Lộc – Vĩnh Phương – Nha Trang. Có diện tích 32ha với hệ thống cơ sở hạ tầng
đầy đủ hệ thống giao thông thuận lợi về cả đường sắt đường bộ vì cụm công nghiệp nằm dọc theo tuyến đường quốc lộ 1A cách cảng Nha Trang 15km cách cảng Ba Ngòi 45km cách sân bay Cam Ranh 35km.
Ngành nghề quy hoạch sản xuất của khu công nghiệp là cơ khí, thủ công mỹ nghệ, công nghiệp điện tử điện gia dụng, sản xuất bao bì, các ngành chế biến thủy sản thức ăn chăn nuôi…
Thời gian thuê đất của cụm công nghiệp Đắc Lộc là 50 năm.
Khu kinh tế Vân Phong:
Nằm ở cực Đông của Việt Nam, cách hải phận quốc tế 14km, gần các tuyến hàng hải quốc tế (cách 130km), và nằm trên ngã ba đường hàng hải quốc tế tuyến Châu Âu-Bắc Á, Châu Úc-Đông Bắc Á và tuyến Manila-Panama hoặc Sanfrancisco (Mỹ) hoặc Victoria (Canada). Vân Phong là vịnh lớn với 41.000 ha mặt nước, kín gió và không bị bồi lấp. Riêng Vũng Đầm Môn rộng 3.500ha, hoàn toàn kín gió với độ sâu 20m, có lạch Cửa Lớn có bề rộng hơn 950m, sâu trên 18m và lạch Cửa Bé rộng trên 700m, sâu hơn 27m. Phía sau vũng này là bán đảo Hòn Gốm rất thuận tiện cho phát triển cảng. Với điều kiện đó, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch và Ban hành Quyết định thành lập Khu kinh tế Vân Phong tỉnh Khánh Hòa theo Quyết định số 92/2006/QĐ-TTg ngày 25/4/2006 với diện tích 150.000ha trong đó khoảng 80.000ha mặt biển và 70.000ha đất liền, mục tiêu xây dựng và phát triển Khu kinh tế Vân Phong trở thành khu kinh tế tổng hợp, trong đó Cảng trung chuyển container quốc tế giữ vai trò chủ đạo, kết hợp phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ, nuôi trồng hải sản và xây dựng các khu đô thị. Với tính chất này, Vân Phong là điểm động lực trong chiến lược phát triển Vùng kinh tế trọng điểm vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ và được hưởng các chính sách ưu đãi đặc biệt cao nhất hiện nay.