Chương 1 TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU
1.2. Cơ sở thực tiễn
1.2.3 Tổng quan các công trình nghiên cứu
- Trong Luận án tiến sĩ “Phân tích chuỗi giá trị và tổ chức quan hệ liên kết kinh tế của các doanh nghiệp may xuất khẩu ở Việt Nam” của tác giả Đỗ Thị Đông năm 2011 đã nêu bật những đối tượng tham gia vào chuỗi giá trị của ngành may, từ đó chỉ ra các mối liên kết kinh tế có trong ngành dệt may. Mặt khác, tác giả đã đánh giá việc tổ chức liên kết giữa các doanh nghiệp may và các khâu khác trong quá trình tạo ra và đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng bao gồm liên kết dọc và liên kết ngang giữa các chủ thể trong ngành may. Từ đó kiến nghị một số giải pháp nhằm tăng cường sự tham gia của ngành may xuất khẩu Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu.
- Kinh nghiệm tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu hàng nông sản năm 2010 , chủ biên PGS.TS Đinh Văn Thành. Thực tế cho thấy, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu đang là xu thế phổ biến hiện nay và sự tham dự này mang lại lợi ích kinh tế và xã hội to lớn, kể cả đối với các nước đang và kém phát triển. Hiện tại, Việt Nam đang là một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn trong khu vực và thế giới với nhiều sản phẩm đặc trưng như cà phê, điều, hồ tiêu, chè, gạo. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, nông nghiệp Việt Nam đã bộc lộ những lỗ hổng lớn trong dây truyền sản xuất, công nghệ sau thu hoạch, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, dù là một trong những quốc gia hàng đầu xuất khẩu nông sản, nhưng tính bền vững trong sản xuất chưa cao, đang bộc lộ những khuyết điểm lớn từ giống, kỹ thuật, chăm sóc cho đến thu hoạch, chế biến sau thu hoạch và tiêu thụ. Nông sản của Việt Nam đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp đầu vào là nông sản thô, trong khi giá trị gia tăng đối với hàng nông sản lại
chủ yếu do khâu chế biến, bao gói và hoạt động thương mại. Hay nói cách khác, Việt Nam mới tham gia được ở khâu tạo ra giá trị ít nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Cuốn sách cũng phân tích nguyên nhân chủ yếu của tình trạng nói trên là do sự lạc hậu về công nghệ trước và sau thu hoạch, trình độ hạn chế của những tác nhân tham gia chuỗi từ khâu sản xuất, chế biến đến khâu marketing phân phối và tiêu thụ. Bên cạnh đó, các yếu tố tạo môi trường cho sự tham gia hiệu quả vào chuỗi như dịch vụ hỗ trợ, cơ sở hạ tầng còn hạn chế. Các chính sách phát triển thương mại hàng nông sản còn nhiều bất cập. Mặt khác, trong lúc tư duy phát triển, chúng ta quá trú trọng đến sản lượng, số lượng mà chưa chú trọng đúng mức đến giá trị gia tăng. Chính vì vậy, thay vì tiếp cận sản lượng, vấn đề tiếp cận giá trị gia tăng đang trở thành yêu cầu cấp thiết.
- Công trình nghiên cứu về “Liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp chế biến với nông dân” của tác giả Hồ Quế Hậy (2007) đã trình bày bản chất mối liên kết kinh tế và nội dung của mô hình liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp chế biến với nông dân. Đồng thời tác giả đã tổng kết kinh nghiệm thực tiễn của các ngành điều, thuốc lá...trong việc hình thành mô hình liên kết giữa doanh nghiệp chế biến và nông dân. Bên cạnh đó, tác giả chỉ rõ thực trạng mô hình liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp chế biến và nông dân trồng bôn vải ở Việt Nam và đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy, hoàn thiện mối liên kết này bao gồm các giải pháp vĩ mô của nhà nước và các giải pháp của doanh nghiệp chế biến.
Xuất phát từ thực trạng liên kết kinh tế giữa các doanh nghiệp chế biến và nông dân trồng bông, tác giả đề xuất phương hướng và một số giải pháp cơ bản để hoàn thiện mô hình liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp chế biến với nông dân trồng bông vải bao gồm các giải pháp đối với bản thân doanh nghiệp bao gồm phát triển mô hình mua bán thỏa thuận sau thu hoạch, hợp đồng ràng buộc đầu vụ và tiến tới xây dựng mô hình liên kết thông qua chế độ tham dự cổ phần đồng thời cần hoàn thiện nội dung của mô hình liên kết theo hướng đa dạng và linh hoạt. Xây dựng vùng chuyên canh bông vải tạo động lực thúc đẩy hình thành và phát triển các mô hình liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp chế biến với nông dân trồng bông vải.
- Luận văn thạc sỹ “Các giải pháp gắn kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ cá Tra ở huyện An Giang”, (2009) Nguyễn Mạnh Cường đã phân tích, hệ thống hóa cơ sở lý luận và thực tiễn về gắn kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ thủy sản nói chung và sản xuất, chế biến và tiêu thụ cá Tra nói riêng. Đồng thời, đánh giá thực trạng vấn đề gắn kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ cá Tra tại huyện An Giang và đề xuất định hướng và giải pháp chủ yếu.
- Đề tài cấp Bộ “Vấn đề liên kết bốn nhà trong phát triển nông nghiệp Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” của tác giả Nguyễn Thị Thủy và các thành viên, năm 2011: Làm rõ tính tất yếu của mối liên kết giữa bốn nhà: Nhà nông - Nhà nước - Nhà Doanh nghiệp - Nhà khoa học, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; phân tích thực trạng mối liên kết đó ở Việt Nam qua hơn 20 năm đổi mới trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp nhằm tăng cường liên kết bốn nhà trong phát triển nông nghiệp ở Việt Nam.
- Tác giả Nguyễn Văn Thường và Nguyễn Thế Nhã trong cuốn “Đổi mới tổ chức quản lý các doanh nghiệp nông nghiệp Nhà nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Nhà xuất bản Nông nghiệp năm 2001: trình bày các đặc điểm có ảnh hưởng đến tổ chức và quản lý các doanh nghiệp nông nghiệp Nhà nước ngành hàng Cà phê và Cao su; Phân tích quá trình hình thành hệ thống Doanh nghiệp Nông nghiệp Nhà nước trên địa bàn tỉnh Daklak và tiến trình đổi mới tổ chức, quản lý của Doanh nghiệp này trong ngành cà phê và ca cao; Đồng thời cuốn sách đưa ra những giải pháp chủ yếu về tổ chức và phát triển chế biến, tiêu thụ cà phê trong các doanh nghiệp nông nghiệp nhà nước ở tỉnh Daklak cũng như giải pháp vĩ mô nhằm phát triển ngành hàng cà phê tại tỉnh Daklak.
Bên cạnh cá công trình nghiên cứu trên còn một số bài báo đăng trên các báo và tạp chí của tác giả như: Trần Tiến Khải “Liên kết dọc trong chuỗi giá trị nông sản: nhìn từ vụ Bianfshco”, thời báo kinh tế Sài Gòn ngày 31/3/2012; Lê Bền, “Bài học từ cây cà phê, chè ở Sơn La”, báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 03/4/2012.
Như vậy, việc nghiên cứu về chuỗi giá trị sản phẩm trong đó có cả sản phẩm nông nghiệp ở trong nước và nước ngoài đã rất nhiều, đồng thời có những nghiên cứu cụ thể để phát triển cụ thể theo từng sản phẩm như: Chuỗi Xoài, chuỗi bưởi, chuỗi cà
phê, chuỗi chè Thái Nguyên...Nhưng theo tác giá thì những nghiên cứu trên phù hợp với từng giai đoạn, từng thời kỳ, từng địa điểm cụ thể. Chúng ta không chỉ áp dụng một cách triệt để vào một sản phẩm nào đó của một khu vực nào đó. Muốn có một nghiên cứu tốt, một nghiên cứu thực sự sẽ tác động đến sự phát triển của một sản phẩm nông nghiệp nào đó như với tỉnh Bắc Kạn chúng ta cần phải có những nghiên cứu cụ thể, đề xuất phát triển chuỗi đó, cũng như là căn cứ để đề xuất giải pháp với sự giúp đỡ của chính quyền nhằm phát triển chuỗi một cách bền vững.