Dựa vào khái niệm “nhu cầu” và khái niệm “trợ giúp tâm lý” người nghiên cứu cho rằng: nhu cầu trợ giúp tâm lý của học sinh là những mong muốn của các
em học sinh được tiếp cận với các hoạt động hỗ trợ tâm lý học đường, để được nâng đỡ về mặt tâm lý, giải tỏa cảm xúc, tư vấn, hỗ trợ các vấn đề liên quan đến học đường để đảm bảo cho sự tồn tại, phát triển nhân cách toàn diện.
Tổng hợp và phân tích quan niệm của các nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu về tham vấn (TV) trong và ngoài nước về đặc điểm, bản chất của hoạt động TV, người nghiên cứu xin đề xuất khái niệm TV như sau: Tham vấn là một quá trình trợ giúp tâm lý, trong đó nhà tham vấn (NTV) sử dụng kiến thức, kỹ năng nhằm trợ giúp thân chủ nhận thức được bản thân, vấn đề và nguồn lực của mình để giải quyết vấn đề của mình theo hướng tích cực. Trong khái niệm này, TV có những đặc điểm cụ thể sau:
- TV là một quá trình trợ giúp tâm lý đi từ xây dựng mối quan hệ, khai thác, tìm hiểu, xác định vấn đề tới việc giải quyết vấn đề thuộc về lĩnh vực tâm lý.
-Mục tiêu của TV là trợ giúp TC hiểu được cảm xúc, suy nghĩ của chính họ, hoàn cảnh và vấn đề tâm lý của họ, khám phá và sử dụng những tiềm năng nguồn lực của họ để tự họ có thể giải quyết vấn đề ấy một cách tốt nhất. Như vậy, TV trợ giúp TC nâng cao được khả năng ứng phó của mình với các vấn đề của cuộc sống.
- Cách thức TV: Hoạt động TV được diễn ra trên cơ sở mối quan hệ tương tác tích cực giữa người làm TV - TC và được thực hiện chủ yếu trong tương tác trực tiếp. Trong quá trình tương tác trực tiếp này NTV sử dụng các kỹ năng TV của mình để trợ giúp TC tự khám phá, khai thác được tiềm năng, thế mạnh của bản thân từ đó tự bản thân giải quyết vấn đề của mình.
- NTV có thể là người làm chuyên nghiệp hoặc bán chuyên nghiệp song họ đều cần có kiến thức về tâm lý, phẩm chất cần thiết, kỹ năng, thái độ nghề nghiệp TV để thực hiện hoạt động TV một cách tốt nhất. Dùng thuật ngữ “Nhà tham vấn” để mô tả công việc chung của người làm công tác TV cả chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp.
- Người được TV có thể là cá nhân (trẻ em, thanh thiếu niên hoặc người trưởng thành), nhóm hoặc gia đình có những khó khăn về mặt tâm lý và có nhu cầu cần được TV, gọi chung là thân chủ (TC).
Tham vấn là sự trợ giúp: TV tập trung vào “trợ giúp” chứ không phải là “giúp”. Trợ giúp trong quá trình TV là giúp TC khơi dậy tiềm năng của mình để tự giúp chính bản thân mình. Trợ giúp là khơi dậy tiềm năng của TC để TC tự giải quyết vấn đề của mình. Không ai hiểu TC bằng chính bản thân họ, tuy nhiên trong tình huống gặp khó khăn, tạm thời TC có thể chưa đủ minh mẫn hoặc tự tin để nhìn lại chính mình. Nhiệm vụ của NTV là phải làm một chỗ dựa tinh thần để TC có cơ hội và có đủ tự tin nhìn lại mình một cách khách quan. Vì vậy, công việc của NTV là “trợ giúp” TC chứ không phải suy nghĩ hay làm thay TC, đồng thời giúp TC nhìn thấy tiềm năng của chính mình, đánh thức và sử dụng chúng để xử lý tình huống mà họ đang gặp phải.
Tóm lại: TV là hoạt động trợ giúp con người nâng cao khả năng tự giải quyết/ứng phó với những khó khăn tâm lý (KKTL) gặp phải trong cuộc sống. Để giúp đỡ các cá nhân và gia đình duy trì được sự thăng bằng tâm lý, tăng cường khả năng ứng phó với các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống hàng ngày. Nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển đã sử dụng dịch vụ TV như một công cụ đắc lực giúp cho cá nhân phát triển. Nếu như ngành y là công cụ để giúp con người trở nên khoẻ mạnh, ổn định về thể chất thì các hoạt động trợ giúp, trong đó có TV đóng vai trò giúp cho cá nhân và gia đình đảm bảo tình trạng sức khoẻ tâm thần, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tham vấn học đường là hoạt động trợ giúp tâm lý cho HS, giúp HS khai thác được tiềm năng và nâng cao khả năng tự giải quyết những KKTL trong học tập, quan hệ xã hội, định hướng nghề nghiệp; dự báo và phát hiện sớm những KKTL ở HS; phát triển các chương trình phòng ngừa, can thiệp thích hợp cho HS.
- Hoạt động TVHĐ có TC là HS toàn trường, trong đó đặc biệt là những HS đang hoặc có nguy cơ gặp KKTL trong học tập, quan hệ xã hội, định hướng nghề nghiệp...
- TVHĐ hướng vào việc trợ giúp tâm lý HS nhận thức được thế mạnh/tiềm năng của mình để tự giải quyết/ứng phó với những KKTL gặp phải; phát hiện sớm những nguy cơ gặp KKTL ở HS trong học tập, quan hệ xã hội để phòng ngừa thông qua việc xây dựng những chương trình nhằm cải thiện môi trường học tập, quan hệ xã hội trong nhà trường; tác động can thiệp nhằm trợ giúp HS giải quyết những KKTL nảy sinh trong học tập và cuộc sống.
- TVHĐ có mối quan hệ chặt chẽ với tâm lý học trường học (TLHTH). Trong đề tài này người nghiên cứu quan niệm nhà tham vấn học đường (NTVHĐ) thực hiện nhiều hoạt động, nhiều nhiệm vụ khác nhau để trợ giúp cho HS trong đó có hoạt động TVHĐ. NTVHĐ có thể là GV, chuyên viên tâm lý học, nhà công tác xã hội làm việc trong nhà trường với nhiệm vụ giúp đỡ HS.
Nhu cầu trợ giúp tâm lý học đường của học sinh trung học phổ thông là quá trình học sinh mong muốn nhận sự trợ giúp chuyên nghiệp, tích cực của nhà tham vấn nhằm giúp cho các em khai thác những tiềm năng của bản thân, ứng phó một cách hiệu quả trước những khó khăn tâm lý mà các em gặp phải trong cuộc sống hàng ngày, góp phần cân bằng, ổn định phát triển nhân cách toàn diện của lứa tuổi này.
Các tiêu chí để đánh giá nhu cầu trợ giúp tâm lý học đường của học sinh. Để đánh giá nhu cầu trợ giúp tâm lý học đường của học sinh trung học phổ thông người nghiên cứu đưa ra ba tiêu chí:
- Nhóm học sinh có nhu cầu cao: đó là nhóm học sinh đã tìm đến với hoạt động trợ giúp tâm lý học đường hoặc có xu hướng sẽ tìm đến với các hoạt động trợ giúp tâm lý học đường trong tương lai.
- Nhóm học sinh có nhu cầu trung bình: đó là những học sinh còn lưỡng lự, băn khoăn khi tìm đến hoạt động trợ giúp tâm lý học đường.
- Nhóm học sinh có nhu cầu thấp: đó là nhóm học sinh cho rằng, hoạt động tâm lý học đường là chưa thực sự cần thiết, các em sẽ chẳng gặp khó khăn gì trong việc tự giải quyết vấn đề của mình.