Khó khăn trong việc thỏa mãn nhu cầu phát triển bản thân

Một phần của tài liệu NHU CẦU TRỢ GIÚP TÂM LÝ CỦA HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG QUẬN BÌNH TÂN, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH (Trang 68 - 69)

Bảng 3.6. Đánh giá khó khăn trong việc thỏa mãn nhu cầu phát triển bản thân của học sinh THPT

STT Khó khăn ĐTB ĐLC

1 Khó khăn khi tìm kiếm, khám phá các vấn đề của cuộc sống

2.91 0.77

2 Khó khăn trong việc chọn ngành nghề cho tương lai 3.33 0.77

3 Khó khăn trong việc tự trang bị kỹ năng sống thiết yếu cho bản thân

3.05 0.76

Trung bình 3.10 0.76

Kết quả ở bảng 3.6 cho thấy học sinh THPT đánh giá khó khăn trong việc thỏa mãn nhu cầu phát triển bản thân với ĐTB = 3.10, ĐLC = 0.76 tương ứng mức khó khăn trong thang đánh giá. Nhìn chung các em có những khó khăn nhất định trong việc thỏa mãn nhu cầu phát triển của bản thân, trong đó nổi bật nhất là khó khăn trong việc chọn ngành nghề cho tương lai.

Với ĐTB = 3.33 và ĐLC = 0.77 cho thấy nhiều học sinh đánh giá mình gặp khó khăn và rất khó khăn trong việc chọn nghề. Khó khăn trong việc chọn nghề của các em học sinh THPT rất đa dạng và có nhiều yếu tố tác động quá trình chọn nghề của các em như sở thích, năng lực, hoàn cảnh gia đình, sự tác động của những người xung quanh, giá trị nghề nghiệp mang lại, tiền tài, danh vọng. Vì thế chuyên viên tham vấn tâm lý cần hỗ trợ các em trong quá trình chọn nghề, giúp các em nhận ra những giá trị cốt lõi (sở thích, năng lực, tính cách và giá trị nghề nghiệp) để chọn một nghề nghiệp trong tương lai. Khi được hỏi “Em có gặp khó khăn gì trong

việc định hướng tương lai không?" thì học sinh N.T.T.P, trường THPT An Lạc: “Em có nhiều lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai, nhưng thông tin em cần thì lại không đủ mà cũng không biết hỏi ai. Những nghề như IT, kế toán hay giáo viên thì ai cũng biết nhưng nghề em thích là về chứng khoán. Thật tình xung quanh em không ai rành về cái này để hướng dẫn em cần học gì và chuẩn bị gì”.

Ngoài việc chọn nghề, đôi khi các em học sinh THPT cũng gặp khó khăn trong việc khám phá các vấn đề của cuộc sống và trang bị những kỹ năng cần thiết.

Tuy nhiên ở lứa tuổi học sinh THPT các em đã dần hình thành thế giới quan của riêng mình, bắt đầu có những quan điểm riêng về cuộc sống vì thế đôi khi các em ít cần sự hỗ trợ của người lớn. Vì vậy vai trò của chuyên viên tham vấn tâm lý ở đây là giúp các em có cái nhìn đa chiều về vấn đề để có nhận định khách quan, phù hợp với thực tế, tư vấn các kỹ năng cần thiết để các em giải quyết vấn đề.

Nhìn chung học sinh THPT còn gặp một số khó khăn nhất định ở tất cả sáu nhóm khó khăn được khảo sát bao gồm: nhóm khó khăn liên quan đến thể chất; nhóm khó khăn liên quan đến học tập; nhóm khó khăn liên quan đến giao tiếp và các mối quan hệ xã hội; nhóm khó khăn liên quan đến mối quan hệ gia đình; nhóm khó khăn liên quan đến việc giải tỏa cảm xúc, thiết lập mối quan hệ; nhóm khó khăn trong việc thỏa mãn nhu cầu phát triển bản thân. Trong đó hai nhóm vấn đề được học sinh đánh giá khó khăn nhất là nhóm khó khăn trong việc thỏa mãn nhu cầu phát triển bản thân và nhóm khó khăn trong học tập. Hai nhóm khó khăn này liên quan trực tiếp tới hoạt động chủ đạo của lứa tuổi học sinh THPT đó là học tập và hướng nghiệp. Chuyên viên tham vấn tâm lý cần chú trọng trợ giúp các em, giúp các em thực hiện tốt hoạt động chủ đạo của lứa tuổi này.

Một phần của tài liệu NHU CẦU TRỢ GIÚP TÂM LÝ CỦA HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG QUẬN BÌNH TÂN, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH (Trang 68 - 69)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(113 trang)
w