5. Cấu trúc khóa luận
2.1.1. Những miền đất lạ và “những con người dị thường”
2.1.1.1. Những miền đất lạ
Với những thiên phóng sự từ năm 2011 trở về trước, Đỗ Doãn Hoàng trong vai một nhà quay phim, một nghệ sĩ nhiếp ảnh ghi lại những thước phim về núi cao và mây mù, những bức tranh diễm lệ và hùng vĩ của thiên nhiên. Trong một bài phỏng vấn khi phát hành cuốn Cánh chim rừng không mỏi vào năm 2011, Đỗ Doãn Hoàng cho biết đây là cuốn sách đánh dấu sự chia tay của anh với những bài báo có yếu tố lạ lùng, bí ẩn để đến với những bài báo mà ở đó - trách nhiệm công dân, trách nhiệm của một nhà báo chân chính được thể hiện thông qua những vấn đề dân sinh cụ thể và có tầm ảnh hưởng đến đông đảo người đọc. Đó là những bài báo có tính chiến đấu mạnh mẽ, tạo hiệu ứng xã hội tích cực.
Đỗ Doãn Hoàng không có những phóng sự viết riêng về thiên nhiên Việt Nam, nhưng “lãng du” theo từng trang viết của anh vẫn có thể bắt gặp những bức tranh sơn thuỷ hữu tình, có khi nguyên sơ, hùng vĩ.
Trong cuốn Lạc lối dưới chân Bù Chồng Cha, tác giả tự bạch: “Mỗi lần trở lại Tây Bắc, nhìn mây trời, đốt bao nhiêu phim rồi, vẫn tặc lưỡi, giá mà có
cái camera ghi lại những khoảnh khắc” [11, tr.476]. Mỗi chuyến “bất phóng
bất phú” với Đỗ Doãn Hoàng hằn nguyên một niềm hy vọng được thâu lượm
tất cả những cảnh đẹp đất nước trong “một cuốn sổ kỷ niệm”. Lật dở cuốn sổ ấy, thấy dường như anh thiết tha nhất với mảnh đất địa đầu Tây Bắc. Làm sao có thể không xúc cảm trước một bức tranh thiên nhiên hữu tình như thế:
“Chúng ta chưa kịp nhìn xem ánh sáng chiều nô rỡn như thế nào trên các vòm cây trong thung lũng của đồng bào Thái có những bánh xe nước khẳng khiu đang quay một cách chậm chạp thì các tia nắng đã chuyển đến các ngọn núi cao hơn, nơi lác đác những mái nhà của đồng bào Mèo đang nhẹ nhàng toả
khói lam nhạt bên những vườn hoa thuốc phiện sặc sỡ” [18, tr.230]. Tây Bắc
tráng lệ bởi trăm nghìn cảnh sắc nhưng đi vào trang viết của Đỗ Doàn Hoàng nhiều, và ấn tượng nhất có lẽ là hai con sông: sông Đà và sông Hồng cứ chảy ngược, chảy xuôi mải miết như dòng máu đỏ luồn trong huyết quản của một con người đam mê xê dịch. Khát khao xê dịch đã đưa Đỗ Doãn Hoàng đến với những dãy núi mà ngay cả dân bản địa cũng ít ai dám đặt chân tới. Đó là 15 ngọn núi lửa ở Pleiku (Gia Lai) trong Lãng mạn cùng những ngọn núi lửa ở
Việt Nam, đỉnh núi kì lạ đến mức dân chúng rỉ tai một truyền thuyết để giải
thích: “Trên đỉnh ấy, mặt núi hõm xuống, thân núi như chôn bát. Một hình tròn kì dị, giống như từ thuở hỗn mang, khi núi còn mềm oặt, có một vị thiên thần bay qua đỉnh Hàm Rồng rồi dùng một cây chày lớn nện một nhát khiến đỉnh
núi hõm xuống như lòng tròn của cỗ cối đá!” [16, tr.80]. Trong phóng sự Sông
Đà rồi lại sông Đà, con sông Đà hiện lên một nỗi ám ảnh hoang dã: “Sông Đà,
dòng văn hoá - lịch sử dài tới hơn 500 km (tính trên lãnh thổ Việt Nam) với 73 con thác dữ khét tiếng đã được sử sách điểm mặt, chỉ tên ấy đã mang tải trầm tích, khí phách của bà con hơn 30 dân tộc Tây Bắc. Tây Bắc mênh mông, rợn
ngợp, sặc sỡ một phần là vì có sợi chỉ đỏ hung dữ sông Đà” [18, tr.127-128].
Đỗ Doãn Hoàng lại theo câu hát Gửi em ở cuối sông Hồng của nhạc sĩ Thuận Yến mông lung mà gần gụi để đến nơi sông Hồng nhập cảnh Việt Nam. Con sông Mẹ thật hiền hoà và dịu mát: “Nước sông Hồng ở nơi đầu ngọn này đỏ lòm, ngầu đục, phù sa quánh lại tưởng chừng như có thể cắt khúc như thạch đỏ vậy. Suối Lũng Pô vì chảy qua các mỏ quặng đồng lớn nên nước cứ xanh như vừa được nghiền lẫn ít lá tươi của rừng già Y Tý, A Mú Sung. Cái màu
xanh ấy hoà lẫn vào màu đỏ của sông Hồng đúng cái nơi sông Hồng nhập cảnh
Việt Nam tạo nên một hoạt cảnh trộn màu rất rõ rệt” [15, tr.329-330].
Phóng sự Đi tìm một dân tộc chỉ có hơn 500 người ở miền Tây xứ Nghệ
lại khắc hoạ cuộc sống trong không gian chông chênh mất còn của hơn 300 hộ dân người Ơ-đu. Trong khi ngôn ngữ gần như biến mất, trang phục không còn một bộ nào, một trong những tộc người có số dân ít nhất Việt Nam lại phải đứng trước nguy cơ của một cuộc di dân đi xứ khác để trả đất làm thuỷ điện. Vấn đề được đặt ra là không biết bản sắc và các giá trị văn hoá - lịch sử - tộc người của dân tộc này sẽ đi về đâu?
Rồi Đỗ Doãn Hoàng say sưa với Thung lũng tu tiên ở Mường Quên. Đây được xem là vùng đất huyền thoại với sự tích con trai vua Thuỷ Tề yêu cô gái đẹp nhất Mường Quên, rồi bị sát hại, sau đó cả thung lũng bị sụt xuống âm ty, chỉ có một nơi không sụt, đó là Mường Quên. Câu chuyện kết thúc có hậu
với “chàng trai con vua Thuỷ Tề và mẹ con cô gái từ bấy sống bên bờ hồ và họ
là những người đem lại sự tái sinh vĩnh cửu cho thung lũng mà sau này quan
lang phong kiến đặt là Mường Quên” [13, tr.232].
Tác giả vui với những khởi sắc, hạnh phúc với những con người đang từng ngày, từng giờ đánh đổi cuộc đời của mình vì một miền núi mới, bất chấp muôn nghìn thử thách. Niềm vui hiện lên rõ nét trong phóng sự Ghé thăm bản
Nghèo, bản Khó và bản Chết đói: “Những cảm nhận buồn se thắt vì sự nghèo
đã tan đi. Bởi nỗ lực của bà con trong việc đi tìm cái chữ, xây dựng các mô hình kinh tế mới… Xe máy, máy xát gạo, ăng-ten chảo, tivi màu là những "tài sản" đã tương đối phổ biến ở bản… Nay, khi cuộc sống của bà con sung túc, an lành, bóng mây u buồn ngày cũ sẽ tan đi, những cái tên bản Nghèo, Khó, Chết Đói chỉ còn lại như là sự ngưng tụ của những lớp lang văn hoá, lịch sử đáng
suy ngẫm” [23].
Ghi dấu chân mình ở những nơi sơn cùng thuỷ tận, Đỗ Doãn Hoàng không chỉ chú tâm chiêm bái thiên nhiên. Trên hết, đó là hành trình đến với Con
người - đến với cộng đồng các dân tộc anh em. Những con người bên dưới những tán rừng hiện lên vô cùng đa dạng. Ở đó, chúng ta có thể bắt gặp những con người xù xì, gân guốc với những kỳ tích hoang biệt trong không gian riêng của mình ít ai biết tới.
2.1.1.2. “Những con người dị thường”
Qua phóng sự Đỗ Doãn Hoàng, người đọc có thể bắt gặp chân dung
những con người hảo hán giữa rừng xanh như nhân vật Pờ Xì Tài một thời tung hoành ngang dọc, lập chiến công giết phỉ, đem về cho xã Sín Thầu danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong Pờ Xì Tài ở Tả Kho Khừ. Một Lì Hừ Xá bắt hổ giữa rừng Ma Kí ở Mường Tè, Lai Châu trong phóng sự Ông Hổ
- đánh hổ, nuôi hổ như nuôi chó trong gậm bàn… Thêm những cái tên: Chang
Mai Lình, Lỳ Lòng Xứ, Mạ Pố Lòng ở ngã ba biên giới đánh nhau với gấu trong cuộc chiến vô cùng cam go với sự khắc bạc của rừng rậm để sinh tồn trong phóng sự Chuyện hổ vồ, gấu tát. Chân dung dũng sĩ săn voi - già Y Thu với chiến tích bắt và thuần dưỡng 348 con voi dữ ở Tây Nguyên trong Voi ơi ta
bảo voi này. Hay ông già A Ma Kông với biệt danh Dũng sĩ săn voi số 1 Tây
Nguyên với những hồi tưởng xa xăm về một thời bắt voi, thuần voi yêng hùng trong Chú voi già bên dòng Sêrêpok. Rồi chuyện bà Đỗ Thị Tấc băng núi vượt đèo hàng tháng trời để đi khắp cả vùng Tây Bắc trong phóng sự Người đàn bà
là con của mẹ núi.
Hình ảnh những đứa trẻ vùng cao cắt rừng đi lấy chữ cứ trở đi trở lại trong nhiều phóng sự: Một tuần làm người cắm bản, Phía sau núi cao và mây
mù, Những mái trường chỉ biết có cơm rau... Quãng đường đến trường quá
lớn mà người vùng cao tính bằng những mấy tay dao, khi tay cầm dao mỏi, chuyển dao sang tay khác thì được tính là một tay dao, học trò miền núi mỗi lần đến trường là mỗi lần gian nan, vất vả với nhiều tay dao như thế. Điều kiện trường lớp thiếu thốn, sơ sài, những mái nhà tranh được dựng tạm bợ, những
bữa cơm nghèo nhếch nhác… như một nỗi ám ảnh nhức buốt nhân tâm tác giả sau mỗi chuyến đi rừng.
Phóng sự Những tên “cướp biển” hiền lành ở Rạch Giá khắc hoạ chân dung những con người sạm đen vì sóng gió với ý tưởng điên rồ là xây dựng một
“thành phố trên biển”, chuyện họ lấn biển dễ dàng y như anh nông dân kể
chuyện đắp đập be bờ trên đồng ruộng. Ý tưởng lấn 420ha mặt nước chạy dọc 7,5km bờ biển để xây dựng thành phố là điều chưa ai dám nghĩ tới, thế mà họ đã làm được. Đó là kỹ sư Nguyễn Hữu Phúc, là anh Tựu và những người bạn… Cuối cùng mọi nỗ lực đã được đền đáp xứng đáng: “…nơi đây cứ nườm nượp khách tham quan, nườm nượp người kéo đến để xem dự án chưa từng có này sẽ
đi về đâu, và xem rằng… liệu tin được “mấy ổng lấp biển” không?” [16, tr.176].
Kể cả những người giàu trí tưởng tượng nhất vẫn khó có thể tượng tượng ra một hoa hậu với cuộc đời kì lạ như hoa hậu Hà Thị Tẻo trong Lãng mạn với
hoa hậu xứ Mường. Với một tính cách không giống ai, cộng với những thăng
trầm đến khó tin trong cuộc đời, hoa hậu sắc nước hương trời một thời làm say mê cả vua Bảo Đại, lúc thất bát phải về Hà Nội xin quần áo cũ và mì sợi để sống qua ngày. Cuối đời nghiện thuốc phiện và chết trong sự nghèo đói cùng cơn thèm thuốc vật vã. Cuộc đời hoa hậu xứ Mường, mỗi lần nghe kể lại ai ai cũng ngỡ đang nghe tiểu thuyết.
Đỗ Doãn Hoàng ham đi, ham viết, mỗi chuyến đi của anh đều thu về ít nhất là 2 - 3 phóng sự. Ở đó, hình ảnh những con người khác biệt, dị thường luôn day đi dứt lại, lôi cuốn và thu hút người đọc đến những dòng cuối cùng.